Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm, cổ tích ấm sứt vòi

Đề thi khối 10

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI 2022 – 2023

  ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2022 – 2023

Môn thi: NGỮ VĂN 10

                                        Thời gian làm bài: 150 phút

Câu 1: (8, 0 điểm):

Đọc văn bản sau:

CỔ TÍCH ẤM SỨT VÒI

          Trong quán nước bên đường, có một cái ấm pha trà đã cũ. Vòi ấm bị sứt một miếng nhỏ. Chủ quán mấy lần định thay, nhưng vì chưa có tiền nên cứ để dùng tạm. Vả lại trông thế nhưng ấm còn tốt chán. Bản thân chiếc ấm như cũng hiểu được hoàn cảnh của ông chủ. Nó tự nhủ: mình đã bị khuyết tật thì phải cố làm việc cho tốt. Thế là ấm luôn chú ý giữ cho mình sạch sẽ. Nó hãm trà bằng nước sôi thật khéo, bao giờ trà cũng vừa chín và tỏa hương thơm phức. Khi rót trà ra chén, qua cái vòi bị sứt, nó cẩn thận không để nước rớt ra ngoài.

Cái ấm có phần hơi xấu xí ấy cứ tận tình phục vụ khách hết ngày này qua ngày khác. Lâu dần thành quen, ai vào quán cũng chỉ muốn dùng trà trong cái ấm sứt vòi. Mùa đông, có người pha trà xong, còn khum khum hai lòng bàn tay ôm lấy chiếc ấm thật lâu.

Một hôm, bỗng có một vị khách từ nơi xa đến. Nhìn thấy chiếc ấm hơi khác thường, ông ta nhấc lên, chăm chú ngắm nghía hồi lâu. Đoạn cất tiếng nói với chủ quán:

– Ấm quý! Nếu ông bằng lòng để lại cho tôi, tôi sẽ trả cho ông thật hậu.

– Dào ôi! Bác khéo đùa! – Ông chủ nhìn khách nở nụ cười thật thà – Chẳng qua chỉ là cái ấm sứ bình thường, do vô ý tôi đánh mẻ ở vòi. Quán nghèo nên mới phải để dùng tạm…

– Ông bảo ấm bình thường à? Ba trăm năm mà bình thường à?

– Bác vừa nói gì cơ?

– Tôi bảo cái ấm này đã ra đời cách đây ba thế kỉ. Nếu tính tuổi thì tôi với ông còn phải gọi ấm là cụ tổ của cụ tổ đấy! Tóm lại là đồ cổ, quý hiếm cực kì.

Nghe giọng nói quả quyết của ông khách, cái ấm suýt rùng mình. Thiếu bản lĩnh một chút thì nó đã để cho nước sôi trào ra miệng. Nhưng nó kịp trấn tĩnh. Không ai tự biết mình bằng mình, ấm nghĩ thầm. Nó biết nó ra đời ở một cái lò gốm sứ ven sông, chỉ mới cách đây hơn chục năm. Cái ông khách tưởng như sành đồ cổ kia, hóa ra nhìn gà hóa cuốc.

– Thế nào? Ông để lại cho tôi chiếc ấm này chứ?

Chủ quán ngần ngừ, nhìn chiếc ấm như muốn hỏi: “Người ta tha thiết như thế, ngươi tính sao”?

Chiếc ấm im lặng. Nó không nói được, tất nhiên rồi. Đất có nung thành sứ thì cũng chả cất nên lời. Nhưng ấm biết suy nghĩ. Và ông chủ hiểu được những suy nghĩ của nó. Chính vì thế mà ông ngẩng lên nói với khách:

– Nó không đồng ý, bác ạ. Nó biết sứ mệnh cao quý của nó là biến những cái búp trà thành thứ nước uống tuyệt vời, như tất cả những cái ấm lão luyện khác. Bao nhiêu năm nay, nó đã tận tụy phục vụ khách hàng của tôi. Đến nỗi sứt mẻ cả mình mẩy mà vẫn không nề hà… Khách ở quán tôi ai cũng chuộng nó. Tôi không thể vì tiền mà phụ họ được.

Vậy là cái ấm sứt vòi vẫn được ở lại trong cái quán nước nghèo, làm cái công việc sở trường của nó là pha trà. Đôi khi nó nghĩ: May mà ông chủ quán không tham! Nếu không thì vị khách gà mờ kia đã mất oan cả đống tiền. Còn nó, dù được trưng bày trong tủ kính, hay quăng quật mua đi bán lại, sao cũng đến lúc thân phận bị lộ tẩy. Tưởng ba trăm năm, hóa ra có mười năm… Lúc ấy thì xấu hổ chết đi được!

Có hôm nào ghé quán nước nhìn thấy chiếc ấm ấy, bạn hãy tưởng tượng thêm những câu chuyện thú vị về nó nhé. Tôi cam đoan chiếc ấm sứt vòi nào cũng chứa trong mình khối chuyện lí thú, có khi cả chuyện cổ tích nữa ấy chứ

(In trong Xóm Bờ Giậu, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2021)

Từ vấn đề được gợi ý từ câu chuyện trên, anh/ chị hãy viết một bài luận (khoảng 500 chữ) với chủ đề: Nhìn rõ chính mình.

Câu 2: (12 điểm)

Nhận định về thơ có ý kiến cho rằng:

“Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”

(Vôn – te)

Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ qua một số bài thơ mà anh/ chị đã đọc hoặc đã học.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI 10 MÔN NGỮ VĂN 2022 – 2023

 

Câu Ý YÊU CẦU CẦN ĐẠT Điểm
I 1 Hình thức, kĩ năng 1.0
Đáp ứng yêu cầu của bài văn NLXH  
Trình bày vấn đề một cách khoa học, hấp dẫn  
2 Nội dung 7.0
2.1 Giải thích  
  Sơ lược lại nội dung câu chuyện Chiếc ấm sứt vòi, rút ra một vấn đề “nhìn rõ chính mình”  
Nhìn rõ chính mình là tự hiểu, tự nhận thức đầy đủ, đúng đắn về bản thân, về giá trị của mình trong cuộc sống.  
2.2 Bàn luận  
  – Cuộc sống của con người phong phú, muôn màu muôn vẻ nhưng cũng rất phức tạp. Nó có thể tác động đến mỗi con người theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.

– Biết nhìn rõ chính mình sẽ giúp con người có thể đứng vững trước những tác động khác nhau của cuộc sống, nhất là khi con người phải đối diện với những tác động tiêu cực.

– Biết nhìn rõ chính mình, con người có thể làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống; biết điều chỉnh thái độ với chính mình và những người xung quanh sao cho phù hợp; biết lựa chọn những gì phù hợp và cần thiết với mình.

– Nhìn rõ chính mình, con người sẽ hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân; biết hạn chế điểm yếu, phát huy điểm mạnh để tự hoàn thiện mình về trí tuệ, tâm hồn, phẩm chất, nhân cách… Đó sẽ là điều kiện thuận lợi để con người có thể hoàn thành mọi công việc hay nhiệm vụ được giao – hoàn thành sứ mệnh của mình với cuộc đời.

– Biết nhìn rõ chính mình giúp con người có cách sống, lối sống tích cực, được mọi người xung quanh yêu mến, nể trọng; cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa, nhiều màu sắc và đáng sống hơn…

– Nếu ai cũng biết nhìn rõ chính mình, mối quan hệ giữa người với người sẽ trở nên tốt đẹp hơn, xã hội thanh bình, phát triển…

 
2.3

 

Liên hệ, mở rộng  
– Phê phán những kẻ không biết nhìn rõ chính mình, ảo tưởng về bản thân nên sống kiêu ngạo hoặc quá tự ti về bản thân nên sống khép kín, hèn nhát…

– Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của việc nhìn rõ chính mình

– Biết nhìn rõ chính mình để có lối sống tích cực, có ý nghĩa…

 
II 1 Hình thức, kĩ năng 1.0
Đáp ứng yêu cầu của bài văn nghị luận văn học  
Trình bày vấn đề một cách khoa học, hấp dẫn  
2 Nội dung 11.0
2.1 Giải thích  
+ Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn: Thơ ca là nơi kết tinh những giai điệu cảm xúc của tâm hồn nhà thơ.

+ Những tâm hồn cao cả, đa cảm luôn mang lại cho thơ những âm điệu phong phú, mới mẻ có chiều sâu làm nên sức hấp dẫn cho thơ

=>  Nhận định đã khẳng định vai trò then chốt của cảm xúc và nhất là một tâm hồn nhạy cảm, một tấm lòng sâu nặng với đời sống thể hiện trong thơ.

 
2.2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bàn luận  
* Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn

– Thơ ra đời từ những xúc cảm thẩm mĩ  phong phú, mãnh liệt của người làm thơ  trước cái đẹp muôn màu, trước muôn vàn trạng thái, cảnh ngộ gợi trăn trở, suy tư từ cuộc sống.

– Ngôn ngữ thơ đã giúp những cung bậc cảm xúc ấy ngân lên trên trang thơ thành những giai điệu phong phú, cuốn hút và chinh phục lòng người mang theo sức sông tâm hồn của mỗi nhà thơ.

 
* Vẻ đẹp của những tâm hồn cao cả, đa cảm làm nên sức sống cho thơ

– Tâm hồn nhà thơ chân chính luôn nhạy cảm của trước mọi vẻ đẹp của đời sống sẽ dẫn lối người đọc đến xứ sở của những đắm say và thái độ nâng niu cái đẹp.

– Người nghệ sĩ ấy cũng luôn trĩu nặng suy tư trước nỗi đau và khát vọng của con người, trước vận mệnh dân tộc sẽ mang đến cho thơ không chỉ xúc cảm tha thiết mà còn cả một chiều sâu tư tưởng thấm thía thanh lọc con người.

– Song, để sức lay động của câu thơ được thực sự chắp cánh bay cao cũng rất cần đến tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ .

Chứng minh: Thí sinh chọn và phân tích một số tác phẩm trong hoặc ngoài chương trình để làm sáng tỏ. Tác phẩm được lựa chọn phải phù hợp; cảm nhận, bình luận sâu sắc có định hướng làm nổi bật vấn đề. Cụ thể là:

+  Vẻ đẹp của bài thơ đến từ sự đa cảm của tâm hồn thi nhân trong cội nguồn cảm hứng sáng tác hướng đến mọi  sắc thái của đời sống;  đến từ nội dung, tư tưởng sâu sắc xuất phát từ một tâm hồn cao cả nặng lòng với đất nước, nhân dân, với số phận con người.

+ Vẻ đẹp độc đáo đến từ  những sáng tạo trong  hình thức nghệ thuật tạo thành một chỉnh thể, vươn tới sự hoàn mĩ; mang đậm dấu ấn riêng đặc sắc gắn với vẻ đẹp của thơ ca Trung đại …

 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  2.3 Bài học sáng tạo và tiếp nhận: Ý kiến xác đáng, có ý nghĩa lí luận mở ra những bài học trong sáng tác và tiếp nhận:

+ Với người sáng tác cần chú ý tới tính thẩm mĩ, vẻ đẹp phong phú, độc đáo của thơ. Muốn vậy nhà văn cần có một tâm hồn đẹp, tinh tế và tài hoa và có tầm tư tưởng sâu sắc trước cuộc đời

+ Với người tiếp nhận: Đây là một tiêu chí quan trọng gợi ý cho chúng ta cảm nhận và đánh giá thơ ca…

 
Tổng điểm toàn bài 20.0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *