Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 10 năm 2019 – THPT Chuyên ĐHQGHN

Đề thi khối 10

TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM HÀ NỘI

TRƯỜNG PTTH CHUYÊN

————-

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—-—«™—-

 

ĐỀ NGUỒN THI HSG DUYÊN HẢI BẮC BỘ 2019

MÔN NGỮ VĂN KHỐI 10

 Thời gian: 180 phút

 

Câu 1: (8 điểm)

“Một ông già ngồi bên ngoài cổng trào một thành phố lớn. Khi du khách đến gần, họ hỏi ông “Có những loại người nào sống trong thành phố này?” Ông già hỏi lại: “Vậy có những loại người nào sống ở chỗ của bạn?”

Nếu du khách trả lời: “Chỉ có người xấu sống ở chỗ của chúng tôi” thì ông già sẽ nói: “Vậy thì đi tiếp đi, ở đây bạn cũng chỉ thấy người xấu thôi”

Nhưng nếu du khách trả lời: “Ở chỗ chúng tôi chỉ toàn người tốt” thì ông già sẽ bảo: “Vào đi, ở đây cũng vậy, bạn sẽ chỉ thấy người tốt thôi”

Hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về những điều câu chuyện trên gợi ra.

Câu 2: (12 điểm)

“Tôi xin tiết lộ với các bạn là có những bài thơ rất dài của tôi được viết ra chỉ vì vài dòng mà tôi tâm đắc. Những dòng thơ đó nếu bài thơ là chiếc dây lưng thì chúng là cây dao găm đeo ở đó; Nếu bài thơ là cánh đồng thì chúng là lúa mọc trong đó; Nếu bài thơ là con chim thì chúng là cánh chim; Nếu bài thơ là con nai đứng trên vách đá thì chúng là đôi mắt nai trông về phía xa”

                                                                 (Raxun Gamzatốp, Đaghetxtan của tôi)

Những chia sẻ trên gợi cho em những suy nghĩ gì về thơ và công việc làm thơ? Từ những bài thơ (vần thơ) tâm đắc, hãy bàn luận về vấn đề trên.

 

————–HẾT———–

TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM HÀ NỘI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

—™

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—-—«™—-

 

 

GỢI Ý CHẤM THI KÌ THI HỌC SINH GIỎI DHBB NĂM 2019 MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 10

 

Câu 1: (8 điểm)

Ý CHÍNH ĐIỂM
1. Ý nghĩa của câu  chuyện:

Thay vì trả lời câu hỏi của du khách, ông già trong câu chuyện đã hỏi lại họ “vậy có những loại người nào sống ở chỗ của bạn?” đó là cách để ông tìm hiểu cách nhìn nhận của họ đối với những người xung quanh. Nếu câu trả lời của họ “chỉ có người xấu” thì ông sẽ không cho họ vào với lý do “ở đây bạn cũng chỉ thấy người xấu thôi”. Nếu câu trả lời của du khách là “chỉ toàn người tốt” thì ông sẽ mời họ vào với một lời khẳng định “ở đây cũng vậy, bạn sẽ chỉ thấy người tốt thôi”. Câu chuyện ngắn gọn mà giàu ý nghĩa chuyển tải một thông điệp: cách mà chúng ta nhìn nhận những người xung quanh hết sức quan trọng. Nó nói lên ta là người thế nào đồng thời cũng ảnh hưởng có tính quyết định đến cuộc sống của ta. Ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu. Điều cốt yếu là phải biết nhìn vào phần tốt của nhau mà sống. Hãy yêu mến, trân trọng và tin tưởng mọi người, bạn sẽ nhận được những điều tương ứng và sẽ có một cuộc sống tốt đẹp.

2 điểm
2. Phân tích, chứng minh:

Từ hiểu biết thực tế của mình, học sinh chứng minh những điều được nêu trong câu chuyện trên vẫn diễn ra thường ngày trong cuộc sống. Có những người nhìn đâu cũng thấy người xấu vì họ thiếu sự yêu mến, lòng tin ở con người. Họ cũng chỉ nhìn người khác ở mặt tiêu cực. Sự nhìn nhận đó cũng có thể xuất phát từ thái độ kiêu ngạo luôn cho mình là tốt, là nhất, coi thường, ác cảm với những người xung quanh.

Trái lại, những người tốt bụng, nhân hậu, nhìn người khác bằng con mắt yêu mến, trân trọng, tin tưởng sẽ luôn thấy họ tốt, đáng yêu, đáng trân trọng.

Có không ít những ý kiến, lời phát biểu thể hiện sự đồng quan điểm với tác giả câu chuyện trên “Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng dưới con mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ. Và nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ”, “Đừng hy vọng thấy cuộc đời tươi sáng nếu bạn không chịu thay đôi kính đen”.

Một hệ quả tất yếu là: nếu bạn yêu mến, tin cậy những người xung quanh, bạn sẽ được nhận từ họ thái độ tương ứng và ngược lại, chẳng ai muốn làm bạn, kết thân với những kẻ ích kỷ, chỉ chăm chăm soi mói tìm những nhược điểm, hạn chế của người khác.

4 điểm
3. Bài học nhận thức và hành động của người viết:

– Cần có một thái độ tích cực, lạc quan, nhân hậu và bao dung khi nhìn nhận, đánh giá người khác.

– Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với sự cả tin, ngây thơ, tin tưởng một cách không có cơ sở. Vẫn cần một sự tỉnh táo, khôn ngoan và cân bằng.

– Người viết có thể chia sẻ cách nhìn nhận, đáng giá của bản thân về những người xung quanh để từ đó rút ra một bài học có ý nghĩa, có những điều chỉnh cần thiết.

2 điểm

Câu 2: (12 điểm)

Ý CHÍNH ĐIỂM
Những chia sẻ của nhà thơ xứ Đaghetxtan giúp chúng ta hiểu nhiều điều về đặc trưng của thơ và công việc làm thơ:

Một bài thơ hay cần có những điểm nhấn, những “vùng sáng động đậy”, một nhãn tự … chúng là linh hồn của tác phẩm, thể hiện chủ đề, nâng tầm vóc của bài thơ lên, đọng lại dư âm, nỗi ám ảnh trong người đọc.

– Quy trình tạo ra tác phẩm nghệ thuật của một nhà thơ có nhiều nét đặc thù. Nó có thể bắt đầu bằng muôn vàn cách, được khơi gợi từ những yếu tố khác nhau, những thứ tưởng như rất nhỏ nhưng lại có một vai trò, ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó thắp sáng ngọn lửa trong lòng tác giả, “châm ngòi” cảm xúc, tạo tiền đề cho sự bùng nổ …

6 điểm
Từ hiểu biết văn học của mình, học sinh lựa chọn những yếu tố nghệ thuật đặc sắc có vai trò linh hồn của bài thơ, đoạn thơ để phân tích, chứng minh (cách lựa chọn, khai thác những ngữ liệu đó sẽ bộc lộ tư chất của người viết).

Các em cũng cần đề cập đến chuyện “bếp núc” công việc sáng tạo của một số tác giả tiêu biểu để chứng minh cho vấn đề đang bàn luận

6 điểm
Bàn luận mở rộng để những tín hiệu nghệ thuật đặc biệt, độc đáo phát huy hết tác dụng của nó cần phải có “con mắt xanh” để phát hiện và cảm nhận.

Về phía người sáng tác cần biết “chớp” đúng những khoảnh khắc thần tình và phát triển nó lên để thành tác phẩm.

Về phía người thưởng thức cần hiểu, trân trọng vẻ đẹp, giá trị của những yếu tố nghệ thuật mà tác giả đã tạo ra trong tác phẩm

6 điểm

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *