Đề HSG 10 sáng tạo văn học

Đề thi khối 10

 

  ĐỀ KHẢO SÁT ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI LỚP 10 THPT

NĂM HỌC 2022 – 2023

Môn Ngữ văn

Ngày thi: …………….

Thời gian làm bài: 180 phút, không tính thời gian phát đề

Đề thi gồm 02 câu, 01 trang 

 Câu 1 (4,0 điểm)

Hôm ấy là ngày đầu tiên tôi học môn Toán với thầy Peter. Vừa vào lớp, thầy cho cả lớp làm bài kiểm tra đầu năm.

Cả lớp ngạc nhiên khi thầy phát cho chúng tôi ba loại đề khác nhau rồi nói:

– Đề thứ nhất gồm những câu hỏi vừa dễ và khó, nếu làm hết các em sẽ được 10 điểm. Đề thứ hai có số điểm cao nhất là 8 với những câu hỏi tương đối dễ. Đề thứ 3 có số điểm tối đa là 6 với những câu hỏi rất dễ. Các em được quyền chọn đề cho mình.

Thầy chỉ cho làm bài trong 15 phút nên tôi đã chọn đề thứ 2 cho chắc ăn. Không chỉ tôi mà các bạn cùng lớp cũng thế, chẳng có ai chọn đề thứ nhất cả.

Một tuần sau, thầy Peter phát bài kiểm tra ra. Cả lớp lại càng ngạc nhiên hơn khi biết ai chọn đề nào thì được tổng số điểm của đề đó, bất kể làm đúng hay sai. Lớp trưởng hỏi thầy:

– Thưa thầy tại sao lại như thế?

Thầy cười rồi nghiêm nghị trả lời:

– Với bài kiểm tra này, thầy chỉ muốn thử thách

(Trích “Quà tặng cuộc sống”)

Anh/chị hãy viết tiếp câu trả lời của thầy giáo, và trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề được rút ra từ câu chuyện.

Câu 2 (6,0 điểm)

“Có thể xem quá trình sáng tạo là quá trình luyện ngọc. Tác phẩm được hình thành, hình tượng được tạo ra lung linh ánh sáng của ngọc quý. Nhưng nếu tinh ý, ta có thể nhìn thấy máu, thấy nước mắt, thấy niềm vui và nỗi đau của người thợ kì tài” (Nguyễn Khải).                                                                                           Hãy bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên, làm sáng tỏ vấn đề qua một số tác phẩm truyện ngắn trong chương trình Ngữ văn 10.

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 10

(Bản hướng dẫn gồm 03 trang)

  1. Hướng dẫn chung
  2. Cán bộ chấm thi cần nắm bắt nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh để đánh giá được một cách tổng quát, tránh đếm ý cho điểm. Chủ động, linh hoạt vận dụng, cân nhắc trong từng trường hợp.
  3. Việc chi tiết hóa điểm số trong mỗi câu (nếu có) phải được thống nhất trong Ban chấm thi và đảm bảo không sai lệch so với tổng điểm của mỗi câu. Khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
  4. Bài thi được chấm theo thang điểm 10; lấy đến 0,25; không qui tròn điểm.
  5. Hướng dẫn cụ thể

Câu 1 (4,0 điểm)

Ý Nội dung Điểm
  Anh/chị viết tiếp câu trả lời của thầy giáo, và trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề được rút ra từ câu chuyện.   
          Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề nghị luận, thân bài triển khai vấn đề, biết tổ chức thành nhiều đoạn văn, liên kết chặt chẽ với nhau để làm sáng tỏ vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. 0,5
1 Viết tiếp câu trả lời của thầy giáo và khái quát nội dung câu chuyện 0,75
  – “… sự tự tin của lớp mình. Ai trong số các em cũng mơ ước đạt được điểm 10 nhưng ít ai dám vượt qua thử thách để biến ước mơ ấy thành sự thật”.

– Câu chuyện về sự lựa chọn và cách thực hiện ước mơ của mình: mỗi người có 3 sự lựa chọn, đều muốn 10 điểm nhưng lại sợ khó nên không dám chọn lựa bài tập được 10 mà chỉ chọn bài được 8 cho phù hợp khả năng của mình.

– Bài kiểm tra kì lạ ấy của thầy Peter đã đưa ra một bài học: Có những việc thoạt nhìn tưởng như rất khó khăn nên dễ làm cho chúng ta rút lui ngay từ phút đầu tiên. Nhưng nếu không tự tin đối đầu với thử thách thì chúng ta chẳng biết khả năng của mình đến đâu và cũng khó vươn tới đỉnh điểm của thành công.

=> Tác giả đề cao sự tự tin, dám đối đầu với thử thách để biết giới hạn khả năng của mình và từ đó vươn tới đỉnh cao của thành công.

 
2 Lí giải, phân tích, chứng minh 1,25
  –   Đứng trước cuộc sống con người luôn phải đối mặt với sự lựa chọn: hoặc là lựa chọn mất ít công sức, dễ dàng đạt được kết quả nhưng lợi ích đem lại thấp, hoặc là lựa chọn đối mặt với khó khăn, tốn nhiều công sức hơn, nhưng được nhiều lợi ích và kết quả tốt đẹp, vẻ vang hơn.

–   Thực tế, có những việc thoạt nhìn tưởng như rất khó khăn, khó thực hiện được thành công nên chúng ta rút lui ngay từ phút đầu tiên.

–   Nhưng nếu không tự tin đối đầu với thử thách, không dám làm những điều khó, chỉ chọn những điều dễ thực hiện, cho rằng chỉ nên làm những việc phù hợp sức mình, thì chúng ta sẽ chẳng biết khả năng của mình đến đâu, không bao giờ vượt được giới hạn của bản thân và cũng khó vươn tới được thành công rực rỡ.

– Như vậy, sự tự tin, dám đối đầu với thử thách sẽ giúp con người tìm ra khả năng tiềm ẩn và vượt được những giới hạn năng lực cố hữu của bản thân, từ đó tích luỹ kiến thức, trau dồi vốn sống để trở nên ưu tú, đạt được thành công và mục đích trong cuộc sống.

(HS lấy dẫn chứng thực tế và phân tích hiệu quả, thuyết phục)

 
3 Bình luận 1,0
  – Phê phán những kẻ ngại khó, ngại khổ, không dám lựa chọn mục tiêu lớn lao trong cuộc sống.

– Những kẻ hèn nhát, luôn sợ hãi, chưa “thấy sóng cả” mà đã “ngã tay chèo”…

– Tuy nhiên lựa chọn phải thông minh, phù hợp với mục đích cuộc sống, lí tưởng của bản thân, để có thể phát huy năng lực, hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

– Không nên viển vông, ảo vọng, chọn cái đích quá xa vời để không bao giờ đạt được.

=> Dám tự tin lựa chọn và lựa chọn một cách thông minh, thiết thực để hoàn thành mục tiêu một cách xuất sắc nhất là điều cần thiết với mỗi người.

 
4 Bài học nhận thức và hành động 0,5
  – Ý thức được giá trị của sự tự tin, dám đối đầu với thử thách để biết giới hạn khả năng của mình và từ đó vươn tới đỉnh cao của thành công.

– Luôn chăm chỉ, nỗ lực, không ngừng trau dồi hiểu biết, vốn sống, kĩ năng sống của bản thân, lựa chọn và đối đầu với thử thách một cách thông minh và trí tuệ nhất.

 
Liên hệ bản thân
HS tự liên hệ.

 

Câu 2 (6,0 điểm)

Ý Nội dung Điểm
  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận 0,5
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Công phu sáng tạo của người nghệ sĩ, sức hấp dẫn của tác phẩm nghệ thuật. 0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp tốt các lí lẽ, dẫn chứng; đánh giá khái quát vấn đề nghị luận.  
1 Giải thích ý kiến 0,5
  Quá trình sáng tạo là quá trình nhà văn rung động trước các vấn đề trong cuộc sống, thể hiện những suy nghĩ, ý tưởng, cảm hứng nghệ thuật, từ đó hình thành nên ý đồ sáng tác và tạo nên tác phẩm văn học.

Quá trình luyện ngọc là quá trình chắt lọc, lựa chọn những sự tinh tuý nhất để làm ra tác phẩm.

Tác phẩm, hình tượng được tạo ra lung linh ánh sáng của viên ngọc quý: vẻ đẹp, sức hấp dẫn của tác phẩm nghệ thuật.

Máu: chất làm nên sự sống còn của một sinh thể, một con người, là toàn bộ sự hiểu biết, sự sống của người nghệ sĩ sáng tạo.

Nước mắt, nỗi đau, niềm vui: Những cung bậc cảm xúc phong phú của con người.

=> Ý nghĩa: Quá trình sáng tạo nghệ thuật là quá trình công phu khó nhọc, chỉ khi người nghệ sĩ đem toàn bộ sự hiểu biết, tài năng và tâm hồn mình vào tác phẩm thì mới tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật có sức hấp dẫn. Tác phẩm kết tinh tư tưởng và tình cảm của người nghệ sĩ về con người và cuộc đời.

 

 

 

 

2 Bàn luận về ý kiến: Có thể xem quá trình sáng tạo là quá trình luyện ngọc. Tác phẩm được hình thành, hình tượng được tạo ra lung linh ánh sáng của ngọc quý. Nhưng nếu tinh ý, ta có thể nhìn thấy máu, thấy nước mắt, thấy niềm vui và nỗi đau của người thợ kì tài (Nguyễn Khải) 1,0
  – Bản chất của lao động nghệ thuật là lao động sáng tạo, đó là lao động tạo ra cái mới. Đây là một quá trình công phu, khó nhọc.

– Lao động nghệ thuật có tính chất cá thể. Không ai có thể thay thế người nghệ sĩ trong quá trình làm ra tác phẩm. Khi người nghệ sĩ có cảm hứng trước vấn đề của đời sống, hình thành được ý đồ sáng tác thì tác phẩm mới chỉ hình thành ở dạng thai nghén. Để viết được người nghệ sĩ phải huy động vốn sống, sự hiểu biết trải nghiệm về cuộc sống, xây dựng được những hình tượng nghệ thuật độc đáo và chọn lọc ngôn từ tinh tế để diễn đạt. Người nghệ sĩ phải là “người phu chữ” tài hoa, độc đáo.

– Chỉ khi đem toàn bộ sự hiểu biết của mình vào tác phẩm thì người nghệ sĩ mới có khả năng tạo ra được những hình tượng có ý nghĩa, có sức truyền cảm mãnh liệt khi ấy tác phẩm mới có khả năng tác động to lớn đến con người và cuộc đời.

– Khi nghệ sĩ đem sự sống và tâm hồn mình vào tác phẩm, tác phẩm không chỉ là tấm gương phản chiếu cuộc sống mà còn là tấm gương phản chiếu tâm hồn nghệ sĩ. Người đọc sẽ thấy ở đó có máu, nước mắt, niềm vui và nỗi đaucủa người sáng tạo.

(HS chứng minh).

 

 

 

3 Chọn một số tác phẩm và phân tích để làm sáng tỏ vấn đề 2,5
  Yêu cầu thí sinh chọn dẫn chứng  phù hợp và phân tích để làm rõ các phương diện sau đây:

Có thể xem quá trình sáng tạo là quá trình luyện ngọc. Tác phẩm được hình thành, hình tượng được tạo ra lung linh ánh sáng của ngọc quý.

+ Về nội dung, tác phẩm văn học thông qua những hình tượng nghệ thuật được khắc họa bằng sự hiểu biết, tình cảm thôi thúc mãnh liệt, thể hiện sự hiểu biết của tác giả về hiện thực.

+ Về nghệ thuật: tác phẩm được tinh luyện thành ngọc quý, bộc lộ tài hoa của người nghệ sĩ và đạt đến độ độc đáo về mặt ngôn từ, xây dựng hình tượng, vận dụng các thủ pháp nghệ thuật.

Nhưng nếu tinh ý, ta có thể nhìn thấy máu, thấy nước mắt, thấy niềm vui và nỗi đau của người thợ kì tài

+ Người đọc hiểu được tư tưởng sâu sắc mà tác giả đã gửi gắm.

+ Những cung bậc tình cảm phong phú của người cầm bút.

(HS tự chọn và khai thác dẫn chứng thuyết phục)

 

 

 

 

 

 

 

4 Đánh giá, bàn luận vấn đề 0,5
  – Người nghệ sĩ cần có tài và có tâm, phải công phu trong sáng tạo và sống sâu sắc với cuộc đời, có những tình cảm mãnh liệt, trong sáng.

– Người đọc: Cảm nhận về hiện thực, thông điệp tinh thần trong tác phẩm văn chương, tìm hiểu một tác phẩm là tiếp xúc với một con người, hiểu thêm một nhân cách.

 

 

d. Sáng tạo: những cách diễn đạt hay, cách lập luận sắc bén, lí luận phong phú, đa dạng. 0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu 0,25

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *