Sức hấp dẫn của bài thơ “Miền Trung”, cuộc sống liên tục được cập nhật trên mạng xã hội

Đề thi khối 10

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI VĂN HÓA CẤP TRƯỜNG

NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN THI: NGỮ VĂN – LỚP 10

(Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề)

 Câu 1: Nghị luận xã hội (8.0 điểm)

Cuộc sống phải liên tục được cập nhật lên mạng xã hội. Nên hay không nên?

Câu 2: Nghị luận văn học (12.0 điểm)

Sức hấp dẫn của bài thơ “Miền Trung”:

Bao giờ em về thăm
Mảnh đất quê anh một thời ngút lửa
Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam

Miền Trung
Tấm lưng trần đen sạm
Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm dăng màn
Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng
Những đứa con văng như mảnh đạn
Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi

Miền Trung
Đã bao đời núi với bể kề đôi
Ôi! Biển Đông – giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ
Nóng hổi như vừa lăn xuống
Theo những tảng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm
Miền Trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm

Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo mọc trắng mặt người

Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong.
                    (5-1990)

(Hoàng Trần Cương, Trầm tích, NXB Hội nhà văn, 1996)

…………Hết……………

Chú thích: Hoàng Trần Cương (1948 -2020)  sinh tại xã Đặng Sơn,huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp Đại học Tài chính – Kế toán  1970, ông  trở thành người lính chiến đấu ở chiến trường. Sau ngày nước nhà thống nhất, 1975, ông  chuyển ngành làm chuyên viên kế toán, rồi làm Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam. Ông khởi nghiệp văn chương bằng văn xuôi và từng đọat giải A của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 1970-1972. Ông đã cho xuất bản các tập thơ Đường chân trời (1989), Dấu vết tháng ngày (1991), Bóng cỏ (1996), Quà tặng hành tinh (2000) và trường ca Trầm tích (2000). Các giải thưởng thơ: Giải Nhất báo Văn Nghệ (1989-1990), Giải C Bộ quốc phòng (1995-2000), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2001).       
    Hoàng Trần Cương là một nhà thơ đậm đặc khí chất dấn thân bạo liệt và trữ tình của một người trai Nghệ, yêu quê như keo dính, yêu người đến quên mình. Đây cũng là tính cách của người dân nơi miền quê khổ nghèo rát bỏng nắng gió mùa hè, xiết chảy những dòng sông ngập tràn mùa lũ. Chính vì vậy mà thơ của ông thường vạm vỡ, khoẻ mạnh và cuộn trào tuôn chảy, chứa đầy sự sống.

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

YÊU CẦU CHUNG:

1.Có kiến thức văn học và xã hội đúng đắn, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và sức gợi cảm, ít mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp…

2.Đáp ứng yêu cầu đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Hướng dẫn chấm chỉ nêu một số nội dung cơ bản, không chỉ đánh giá kiến thức và kĩ năng mà còn chú ý đến thái độ, cảm xúc, tình cảm của người viết. Cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, cần khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo riêng trong nội dung và hình thức bài làm. Chấp nhận các kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí, có sức thuyết phục.

3.Tổng điểm của toàn bài là 20,0 điểm, cho lẻ đến 0,25 điểm. Hướng dẫn chấm cho từng câu, từng ý trên cơ sở đó giám khảo có thể thống nhất định ra các thang điểm cụ thể khác.

YÊU CẦU CỤ THỂ

CÂU NỘI DUNG ĐIỂM
1 Cuộc sống phải liên tục được cập nhật lên mạng xã hội. Nên hay không nên? 8,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn 0,5
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Ứng xử cẩn trọng, thông minh khi đưa thông tin lên mạng xã hội. 0,5
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể viết bài văn theo định hướng sau: 6,0
* Giải thích

Mạng xã hội là cụm từ đã quá quen thuộc với mọi người, đặc biệt là trong thời đại công nghệ phát triển như ngày nay. Mạng xã hội có thể hiểu là một trang web hay nền tảng trực tuyến với rất nhiều dạng thức và tính năng khác nhau, giúp mọi người dễ dàng kết nối từ bất cứ đâu. Mạng xã hội có thể truy cập dễ dàng từ nhiều phương tiện, thiết bị như máy tính, điện thoại,…

Ví dụ một số mạng xã hội đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam: Facebook, YouTube, Instagram…

– Cập nhật có nghĩa là thay đổi, bổ sung những thông tin mới, thông tin còn thiếu về một lĩnh vực nào đó mà bạn đang muốn…

=> “Cuộc sống phải liên tục được cập nhật lên MXH” có nghĩa là những thông tin về cuộc sống cá nhân, cộng đồng ở tất cả các lĩnh vực đều luôn được bổ sung, cập nhật, làm mới liên tục trên MXH.

=> Điều này vừa nên vừa không nên.

1,0
*Bàn luận

Nên cập nhật thông tin liên tục lên MXH.

+ Vì MXH có có sức lan tỏa lớn đến cộng đồng nên khi cập nhật những điều tốt đẹp sẽ tạo ra một sức mạnh vô cùng to lớn, có tác dụng định hướng tư tưởng, hành động cho cộng đồng…

+ Nên cập nhật một số thông tin lên MXH đã được xác minh, kiểm chứng và những điều có lợi ích tốt đẹp cho cộng đồng như:  chia sẻ tài liệu học tập, các nhóm hội đam mê hội họa, tuyên truyền các lễ hội sách và đọc sách, thiện nguyện…

Ví dụ: Rất nhiều hội nhóm trên mạng xã hội như “cộng đồng đam mê hội họa” , “nghệ thuật gấp giấy origami” hay “nhóm chơi rubik” thu hút hàng ngàn lượt tham gia từ các bạn học sinh. Qua việc tham gia các hội nhóm ấy, các bạn được thể hiện đam mê, phát triển tài năng của mình.

– Không nên cập nhật liên tục các thông tin lên MXH

+ Vì MXH có thể làm rò rỉ thông tin, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, xâm nhập, làm tổn hại đến đời sống cá nhân….

+ Cập nhật những thông tin lên MXH nếu chưa được kiểm chứng sẽ gây hoang mang dư luận, làm tổn thương người khác, tổn hại đến kinh tế, xã hội cho cộng đồng, …

+ Cập nhật những thông tin bạo lực, vi phạm đạo đức, tin thất thiệt sẽ gây phản cảm, làm mất lòng tin vào cuộc sống, mất tin yêu giữa con người với nhau…

=>MXH là con dao hai lưỡi mà người dùng cần cẩn trọng khi đưa những thông tin lên trên đó.

4,0

 

* Bài học nhận thức, hành động

Cần nhận thấy MXH là một phần tất yếu của cuộc sống nhưng người dùng MXH, cập nhật tin tức lên MXH phải thông minh, sáng suốt, có hiểu biết …

1,0
d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận. 0,5
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt. 0,5
Câu 2 Nghị luận văn học

Sức hấp dẫn của bài thơ “Miền Trung” (Hoàng Trần Cương)

12,0
1.Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận: Có đầy đủ Mở bài; Thân bài; Kết bài. 0,5
2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận sức hấp dẫn của bài thơ “Miền Trung” 0,5
3. Triển khai các luận điểm nghị luận: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. 10,0
a. Giải thích Thơ và  sức hấp dẫn của một bài thơ

Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu…

– Sức hấp dẫn của một bài thơ nằm ở 2 phương diện: nội dung, tư tưởng, chủ đề của thơ và hình thức nghệ thuật thơ như âm điệu của thơ (tính nhạc, bố cục, nhịp điệu, gieo vần), ngôn từ, hình ảnh….

1,0
b. Bình luận

+ Văn học bắt nguồn từ hiện thực đời sống, từ những vui buồn, đau khổ, hạnh phúc của cuộc đời, …. Vì thế, sức hấp dẫn của một tác phẩm văn học, một bài thơ được tạo nên từ chính cái đẹp chân thực, mộc mạc, dung dị, gần gũi với đời thường, thể hiện trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.

+ Sức hấp dẫn của thơ nằm ở cảm xúc và nghệ thuật ngôn từ: cảm xúc nảy nở từ lòng thi nhân một cách chân thành, thắm thiết; câu chữ không cần trau chuốt hay “thần bí hóa”; ngôn ngữ dễ hiểu, cô đúc, trong sáng….

+ Thơ khởi nguyên là sự lên tiếng của trái tim, là sự rung động tâm hồn của nhà thơ nhưng trở thành tiếng lòng chung của muôn người, tiếng gọi đàn, thành tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình với người đọc, thơ là một ngọn lửa nhen lên trong lòng người, một ngọn lửa đốt cháy, sưởi ấm và soi sáng, là ánh sáng mạnh mẽ hướng con người đến vẻ đẹp của chân, thiện, mĩ…

+ Nhưng thơ đến được với con người là nhờ đôi cánh của nghệ thuật. Nghệ thuật thơ ca chính là nghệ thuật của ngôn từ. Ngôn từ trong thơ phải hàm súc, “như chất hiếm Radium”, phải vừa có hình, có sắc….

ð Tóm lại thơ hấp dẫn phải là vừa  “như thứ rượu quỳnh tương, nấu lâu, cất kĩ, rót ra chén ngọc rồng” vừa  “như nước suối thiên nhiên chảy ra trong mát nơi khe núi.” (Phạm Thế Ngũ).

1,0
c. Phân tích, chứng minh sức hấp dẫn của bài thơ “Miền Trung”  
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm

* Phân tích sức hấp dẫn của bài thơ “Miền Trung”
– Sức hấp dẫn về nội dung:

+ Mảnh đất miền Trung đầy khắc nghiệt, đất đai khô cằn, nhiều bão lũ, cây cối không phát triển, khiến cuộc sống của người dân nơi đây đầy khó khăn và thử thách: “Trên nắng và dưới cát”; “Lúa con gái mà gầy còm túa đỏ”; “Chỉ gió bão là tốt tươi như có”=> tác giả đã bày tỏ sự thấu hiểu sâu sắc với người dân miền Trung.

+ Mảnh đất miền Trung cũng rất thơ mộng, gợi cảm “mảnh đất trồng mùng tơi, eo đất này thắt đáy lưng ong”=> đây chính là tình yêu thiên nhiên của tác giả

+ Mảnh đất miền Trung tuy phải chịu nhiều thiên tai, bão lũ khiến cuộc sống của con người nơi đây vất vả, cơ cực. Tuy nhiên, họ là những con người dạt dào tình cảm, trân thành, giản dị, đó là những điều vô cùng đáng quý… Hoàng Trần Cương ca ngợi từng phẩm chất tốt đẹp của con người miền Trung như “Tình người đọng mật”, hay luôn nhớ tới người mẹ miền Trung chịu thương chịu khó chờ mình về. =>Tình cảm của tác giả với miền Trung thật sâu sắc, gắn bó và mãnh liệt. Thứ tình cảm này ăn sâu vào tâm trí tác giả như máu thịt.

=> Qua bài thơ, chúng ta có thể thấy tình cảm của tác giả đối với miền Trung vô cùng lớn. Tác giả Hoàng Trần Cương đã thể hiện được sự thấu hiểu, tình cảm chân thành, sự cảm thương và ngợi ca  đối với miền Trung và con người nơi đây. Tác giả yêu Miền Trung tới nỗi nhớ được từng thứ nhỏ nhất của quê hương như từng hạt cát sàng qua sàng lại. Tình cảm của tác giả với miền Trung thiêng liêng qua từng câu chữ….

– Sức hấp dẫn về nghệ thuật: Thể thơ tự do, hình ảnh thơ chân thật, giản dị, giàu sức gợi, ngôn ngữ thơ giàu tính nhạc…

0,5

6,0

*Đánh giá:

– Khẳng định “Miền Trung” là một bài thơ hay, xúc động và ám ảnh. Bài thơ hấp dẫn người đọc bởi tình người chân thành, chân thật.. hấp dẫn còn bởi nghệ thuật ngôn từ giản dị, mộc mạc mà đặc sắc….

0,5
c. Mở rộng vấn đề

+ Bài thơ “Miền Trung” cho ta hiểu thêm về giá trị và cái đẹp của thơ ca đích thực. Bài thơ mang vẻ đẹp giản dị và có cảm xúc chân thành, đó là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho thi phẩm…

+  Nhà thơ nói riêng, người nghệ sĩ nói chung muốn có chỗ đứng, muốn thể hiện và khẳng định được mình phải sáng tác những tác phẩm có giá trị, tạo nên sức hấp dẫn…

+ Với người đọc phải cảm nhận được vẻ đẹp chân thực, mộc mạc, giản dị của tác phẩm văn chương mới thấy hết được giá trị đích thực của một tác phẩm văn học chân chính.

 

1,0
4. Sáng tạo: Cảm thụ thơ sâu sắc, có cách diễn đạt độc đáo; suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề… 0.5
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt 0,5
  Tổng điểm 20,0

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *