Cái lí có thể nói ra ai cũng nói được, cần gì phải có nhà thơ nói lên? Những vật có thể chứng kiến được ai cũng có thể kể lại được, cần gì phải có nhà thơ nói lại

Đề thi khối 12

 ĐỀ VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM HỌC SINH GIỎI

 Câu 1 (8 điểm) – Nghị luận xã hội

Có người nói: Trong cuộc sống hiện nay, hãy xây những cầu nối, đừng xây hàng rào

Nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng việc xây những hàng rào là cần thiết .

Dựa vào hiểu biết về đời sống của con người, xã hội, đất nước và tình hình thế giới hiện nay, anh/chị  hãy chọn một góc độ trình bày quan điểm của mình.  

 Câu 2 (12 điểm) – Nghị luận văn học)

Trong cuốn Nguyên thi (Cội nguồn của thơ), tác giả Diệp Nhiếp có nói: Cái lí có thể nói ra ai cũng nói được, cần gì phải có nhà thơ nói lên? Những vật có thể chứng kiến được ai cũng có thể kể lại được, cần gì phải có nhà thơ nói lại?

Bằng trải nghiệm văn học và hiểu biết của mình, anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ về ý kiến trên.

 Hướng dẫn chấm chi tiết 

Câu Ý Nội dung Điểm
Câu 1 (8 điểm)  
  a. Về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng.

– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

 
  b. Về kiến thức

Trên cơ sở hiểu bản chất của vấn đề, bài làm của thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải có căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội…

 
1 Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề 0,5
2 Giải thích

Cầu nối: là phương tiện để liên kết nhiều đối tượng với nhau. Đó có thể là những địa điểm, những con người, những tập thể, những đất nước khác nhau,… Có những cây cầu nối về vật chất, có những cây cầu nối về tâm hồn, tình cảm. Xây dựng những cầu nối cũng chính là xây dựng những mối quan hệ, thể hiện sự liên kết, giao lưu, gặp gỡ để hợp tác, chia sẻ, tăng cường sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng,…

Hàng rào là hình ảnh gợi lên sự ngăn cách giữa không gian này với không gian khác, giữa người này với người khác,…Có những hàng rào hữu hình, vật chất nhưng cũng có những hàng rào vô hình, đó có thể là những định kiến, những suy nghĩ, thói quen, những yếu tố, tác động đến con người…

-> Đây là vấn đề sâu sắc, nhiều ý nghĩa trong đời sống xã hội, đất nước hiện nay.

1,0
3 Bình.

* Khẳng định vấn đề (HS có thể đứng hẳn về một góc độ để trả lời câu hỏi của đề bài: Nên xây những hàng rào hoặc nên xây những cầu nối hoặc cần phải xây những cầu nối nhưng cũng phải xây những hàng rào).

* Phân tích, lí giải, chứng minh (Tùy thuộc vào việc lựa chọn góc độ để trình bày quan điểm của học sinh sẽ có sự lí giải khác nhau). Dưới đây là một hướng giải quyết:

– Việc xây những cầu nối trong tình hình xã hội, đất nước và thế giới hiện nay là vô cùng cần thiết:

+ Con người không thể sống riêng lẻ, tách rời khỏi cộng đồng, đặc biệt trong thế giới phẳng, muốn tồn tại mỗi cá nhân, tập thể, đất nước,…phải có mối liên hệ chặt chẽ với nhau…

+ Đối với cá nhân:

/ Xây cầu nối sẽ khiến con người được mở rộng tầm nhìn, tầm suy nghĩ, hiểu biết, xác định được vị trí của bản thân, có thêm động lực phấn đấu để khẳng định chỗ đứng của mình trong xã hội.

/ Cầu nối sẽ xóa đi khoảng cách khiến ta không còn lạc lõng, cô đơn, đồng thời có được sự giúp đỡ của nhiều người để phát huy tận độ năng lực của bản thân, là một trong những điều kiện để đạt tới thành công trong cuộc sống.

/ Không những thế, bắc những cây cầu cũng là cách chúng ta trao đi yêu thương để đồng cảm, sẻ chia với người khác, để học cách suy nghĩ, bày tỏ với những người xung quanh, từ đó làm phong phú đời sống tâm hồn và hoàn thiện nhân cách của bản thân.

+ Đối với cộng đồng: Xây dựng những cầu nối cũng giúp con người với con người trở nên gần gũi, gắn bó, góp phần tạo dựng một tập thể, một xã hội, một thế giới hòa hợp, đoàn kết, tốt đẹp,…

(HS lấy được dẫn chứng để chứng minh)

– Nhưng có những khi cần phải xây những hàng rào:

+ Đối với cá nhân: Trong một xã hội mà nhịp sống đang diễn ra quá nhanh, quá gấp gáp hiện nay, đôi khi con người cũng cần một không gian riêng tư để sống với thế giới riêng của mình. Dựng lên hàng rào cũng là cách để chúng ta có thời gian để lắng lại, để suy ngẫm, để hiểu về con người và cuộc đời nhiều hơn,…

+ Đối với cộng đồng, đất nước: Dù chúng ta đang sống trong thời kì hội nhập, sự mở rộng liên kết, hợp tác diễn ra trên mọi phương diện nhưng không có nghĩa là phá bỏ toàn bộ những hàng rào ngăn cách. Chúng ta cần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, phải dựng được hàng rào để bảo về những truyền thống tốt đẹp, bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc, hội nhập nhưng không được hòa tan.

5,0
4  Bàn luận mở rộng:

 Thực tế cho thấy có những cá nhân, tập thể,… dựng lên quanh mình quá nhiều hàng rào, tự giam hãm mình trong không gian nhỏ hẹp do sự tự ti, thiếu bản lĩnh hoặc sự ích kỉ muốn bảo vệ quyền lợi cá nhân của mình, không muốn chia sẻ cho người khác…dẫn đến sự cô đơn, lạc lõng, không thể phát triển, vươn xa được, thậm chí có thể gây ra hậu quả nặng nề…Nhưng cũng có những người lại phá bỏ mọi hàng rào khiến cho họ không thể tự bảo vệ được bản thân mình trước những hiểm nguy của cuộc sống…

– Cần kết hợp xây cầu nốixây hàng rào đúng cách, hợp lí, vừa hòa nhập vừa giữ được bản sắc cá nhân là điều cần thiết

1,0
5 Bài học nhận thức và hành động: 0,5
 

Câu 2

(12 điểm)

 
  a. Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu một bài văn nghị luận văn học bàn về một ý kiến; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp làm nổi bật được vấn đề; khuyến khích những bài viết sáng tạo.

b. Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, học sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau song về cơ bản cần có những ý sau:

 
1 Dẫn dắt , giới thiệu vấn đề 0,5
2 Giải thích

  – Cái lí: là những điều hiển nhiên đúng mà ai cũng biết, ai cũng thừa nhận. Những vật là những sự vật, hiện tượng ngoài cuộc sống mà ai cũng có thể nhìn thấy, nghe được.

Cái lí có thể nói ra ai cũng nói được, những vật có thể chứng kiến được ai cũng có thể kể lại được: Những gì có thật, đang hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày thì ai cũng có thể nói ra được, kể lại được cho những người xung quanh biết và hiểu.

Cần gì phải có nhà thơ nói lên, cần gì phải có nhà thơ nói lại: là những sáng tạo của nhà văn trong việc quan sát, nhận thức, đánh giá hiện thực đời sống, trong viễ thể hiện tình cảm, khát vọng.

Những việc, những điều mà ai cũng biết cả rồi: Hai câu hỏi là để khẳng định ngoài cái lí, ngoài những vật đó thì nhà thơ còn nói được, thể hiện được nhiều điều khác nữa, ẩn chứa bên trong và luôn sâu sắc tư tưởng

=> Cả câu: Ngoài những cái có thể hiểu ngay, nhìn thấy ngay thì nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng còn phản ánh được nhiều điều linh diệu, kì thú, sâu xa của cuộc sống. Bởi vậy, mỗi nhà thơ cần có một tâm hồn nhạy cảm, luôn rung động để cảm được và thể hiện được những điều ẩn chứa trong các sự vật của cuộc sống.      

1,5
3

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến trên hoàn toàn chính xác vì:

+ Thơ là tíếng  nói của tâm hồn, cảm xúc mà cảm xúc thì phong phú và vô hình nên khó thể hiện một cách cụ thể mà phải cảm nhận bằng cảm giác và trái tim.

+ Thơ vốn ngắn gọn, súc tích nhưng lại có khả năng mang chở được rất nhiều vấn đề, tình cảm của con người. Thơ tránh lộ ý, đọc thơ phải đọc bằng sự rung động và tâm hồn.

+ Ngôn từ và hình ảnh thơ mang tính đa nghĩa. Lớp nghĩa hiển thị qua câu từ chỉ là cái lí, sự vật mà ai cũng nhìn thấy, nghe thấy của cuộc sống. Phía sau lớp nghĩa hiển thị ấy là cả một trường ý nghĩa và cảm xúc được nhà thơ dồn nén và gửi gắm.

 

 

3,0

 

 

 

 

4 Phân tích, chứng minh                                                     

– Thí sinh có thể lựa chọn một số tác phẩm đã học, đã đọc trong và ngoài chương trình.

– Lưu ý:

+ Thí sinh chọn ít nhất 2 tác phẩm và có thể triển khai ý theo nhiều hướng nhưng không phân tích chung chung mà cần bám sát các vấn đề lí luận đã lí giải, bàn luận.

+ Sự cảm thụ, phân tích, bình luận phải tinh tế, sâu sắc, thuyết phục, kết hợp so sánh với những tác phẩm cùng đề tài, cùng hình thức để chỉ ra những điểm sáng tạo.

+ Có sự đối sánh để thấy được nét riêng trong nghệ thuật phản ánh, miêu tả và quan niệm về con người ở mỗi nhà văn trong mỗi tác phẩm.            

 

6,0

 

 

 

5 Đánh giá, mở rộng, nâng cao vấn đề                                        

            – Yêu cầu đối với nhà thơ: Nhà thơ cần cảm nhận cuộc sống bằng nhiều giác quan, bắt lấy từng rung động của cuộc sống; cần mài giũa, chọn lọc câu từ để truyền tải được nhiều nhất, hay nhất những rung động của cuộc sống và những tư tưởng cao đẹp ẩn chứa trong mỗi vần thơ.

– Yêu cầu đối với người đọc: Đọc và cảm thụ mỗi bài thơ để thấy được những rung động cảm xúc sâu sắc và sự sáng tạo của nhà thơ ở cả nội dung và hình thức.

– Đánh giá tác giả, tác phẩm được lấy làm dẫn chứng.  

 

1,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *