Đề HSG Nước mắt của ong là mật nước mắt của hoa là hương

Đề thi khối 12

ĐỀ VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM HỌC SINH GIỎI

 ĐỀ BÀI.

Câu 1 (8 điểm) – Nghị luận xã hội

“Nước mắt của ong là mật

nước mắt của hoa là hương

nước mắt của chim là những

tiếng ca thoáng tưởng du dương

 

Nước mắt của sông là những

gợn  sóng dường như bình yên

nước mắt của mây là những

giọt mưa ngỡ vợi ưu phiền

 

Nước mắt thiên nhiên là những

dịu  êm khiến ta mỉm cười

liệu nước mắt ta rơi xuống

có là một đóa hoa tươi ?

(Lệ, trích Hở, Nguyễn Thế Hoàng Linh, NXB Hội nhà văn, 2011)

Hãy viết một bài văn nghị luận trả lời câu hỏi được đặt ra ở cuối bài thơ.

 Câu 2 (12 điểm) – Nghị luận văn học

Nhà văn Diêm Liên Khoa (Trung Quốc) từng phát biểu: Đời sống không phải là nguồn mạch duy nhất của sáng tác. Nó chỉ là một nguồn mạch quan trọng, ngoài ra tưởng tượng cũng là một nguồn mạch quan trọng khác. 

(Dẫn theo Nguyễn Thị Thúy Hạnh – Diêm Liên Khoa: Từ quan niệm đến sự thực hành chủ nghĩa thần thực. TC Sông Hương, ngày 21/08/2019)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học của bản thân, hãy làm sáng tỏ.

 HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu Ý Yêu cầu cần đạt Điểm
1  

1

Hình thức, kĩ năng 1,0
Đáp ứng yêu cầu bài nghị luận xã hội  
Trình bày vấn đề một cách khoa học, hấp dẫn  
2 Nội dung 7,0
2.1 Giải thích  
  –                – Nước mắt: biểu tượng của nỗi đau, mất mát, vất vả

– “Mật, hương, tiếng ca, gợn sóng, giọt mưa, dịu êm, đóa hoa”: Tức là những giá trị tốt đẹp, thành quả, thành công mà con người đạt được sau khi trải qua những khổ đau, thử thách…

=> Bài thơ đã mang đến một bài học sâu sắc cho mỗi người về giá trị của việc vượt qua những nỗi đau, mất mát, giọt nước mắt sẽ đem đến những điều tốt đẹp, những thành quả đáng tự hào.

 
2.2 Bàn luận.  
2.2.1 Vì sao con người phải trải qua những nỗi đau?

–         – Vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, thử thách, nhiều nguy cơ, hiểm họa, đồng thời con người cũng có giới hạn trong kiến thức, kĩ năng, trải nghiệm nên việc gặp phải những thất bại, nỗi đau, những áp lực, phải rơi nước mắt là điều khó tránh khỏi.

–         – Vì nỗi đau là một điều tất yếu phải trải qua, nếu con người không chấp nhận đối diện để vượt qua nó, thì sẽ bị vùi dập, chìm nghỉm trong những tăm tối, những đắng cay, đau khổ ấy.

–         – Vì không thành công nào tự dưng mà có. Muốn đạt được những thành quả tốt đẹp con người phải trải qua quá trình khổ luyện, gian nan, sẽ phải tự mình bước đi, tự mình vượt qua những nỗi sợ hãi, cô đơn, những áp lực, mệt nhọc, phải đánh đổi bằng cả nước mắt, sự khổ luyện.

 
2.2.2 Giá trị của những nỗi đau

–         – Giúp ta sẽ hiểu hơn giá trị, ý nghĩa của niềm vui, niềm hạnh phúc, trân trọng hơn những thành quả, công lao mà mình đạt được.

–         – Nỗi đau là môi trường để mỗi người rèn luyện bản lĩnh, ý chí nghị lực, để con người mạnh mẽ hơn trước những khó khăn, thử thách phía trước, luôn trong tư thế chủ động, bình tĩnh sẵn sàng đối mặt.

–         – Khi trải qua những nỗi đau là một cơ hội để con người nhìn nhận lại mình, thấy được năng lực, khả năng thực sự của bản thân. Từ đó con người vươn tới hoàn thiện bản thân.

–         – Giúp con người có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống.

–         – Trải qua nỗi đau con người sẽ thấu hiểu hơn về nó, về những cảm giác mà nó mang lại. Từ đó mà ta biết đồng cảm, cảm thông với những nỗi đau của người khác, cũng như trân trọng những thành quả mà người khác đạt được.

 
2.2.3  Làm như thế nào để vượt qua được nỗi đau?

–         – Tự mình nhận thức được về nỗi đau mình đang gặp phải, bình tĩnh, tập trung mọi khả năng để vượt qua được những khó khăn ,

–    – Không chán nản, bi quan, tuyệt vọng mà có cái nhìn lạc quan, tích cực về vấn đề

–         – Tìm tới những điểm tựa đáng tin tưởng để sẻ chia những khó khăn, nỗi đau, tìm kiếm một trái tim đồng cảm để cùng vượt qua thách thức.

–    – Học hỏi kinh nghiệm, nhận lấy những chia sẻ, lời khuyên từ những người khác.

 
2.3 Liên hệ, mở rộng  
  – Khẳng định bài thơ đem đến một quan niệm, bài học đúng đắn về giá trị, ý nghĩa của những nỗi đau trong cuộc đời.

– Tuy nhiên: Nước mắt sẽ không phải lúc nào cũng có thể thành đóa hoa tươi. Đôi khi nó làm cho con người tuyệt vọng, chán nản, mệt mỏi, tiêu cực, bi quan.

– Con người không nên phán xét, chê bai nỗi đau của người khác, cười nhạo    khi họ không vượt qua vì mỗi người có nỗi đau và sự cảm nhân nỗi đau riêng không ai giống ai, ta không phải họ nên ta không thể hiểu được

–  Không phải cứ vượt qua nỗi đau là con người có thể đạt được thành công, mà nhiều khi để kiến tạo nên những giá trị tốt đẹp, còn phụ thuộc vào nhiều khi  yếu tố như sự may mắn, hoàn cảnh, môi trường xung quanh, năng lực vượt trội của  mỗi người….Do vậy việc vượt lên trên nỗi đau là điều quan trọng nhưng không nên coi đó là tất cả, không được tuyệt đối hóa.

 
2.4 2.   Bài học  
  – Nhận thức được những nỗi đau cũng có vẻ đẹp và giá trị đối với cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không nên bi quan về nó

– Hành động: Mạnh mẽ trước những nỗi đau, tìm kiếm giá trị tích cực của nó, biến nỗi đau thành một trải nghiệm để con người trưởng thành, mạnh mẽ hơn.

 
                                                                                               Tổng điểm câu 1 8,0
2  

1

Hình thức, kĩ năng 1,0
Đáp ứng yêu cầu bài nghị luận xã hội  
Trình bày vấn đề một cách khoa học, hấp dẫn  
2 Nội dung 11,0
2.1 Giải thích  
  – Nguồn mạch: Nguồn gốc, cơ sở hình thành, điều kiện đảm bảo cho sự phát triển liên tục, bền vững của một đối tượng nào đó.

– “Đời sống không phải là mạch nguồn duy nhất”, “chỉ là nguồn mạch quan trong của sáng tác”: Hiện thực cuộc sống đóng vai trò quan trọng nhưng không phải là cơ sở duy nhất để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật.

– “ngoài ra tưởng tượng cũng là một nguồn mạch quan trọng khác”: Tưởng tượng là khả năng hình dung, vẽ ra trong trí óc con người những điều mà thực tế chưa có, không có hoặc khó nắm bắt. Tưởng tượng cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong sáng tạo văn chương.

=> Nhận định thể hiện chiêm nghiệm của nhà văn Diêm Liên Khoa về nguồn gốc, đặc trưng của văn học nghệ thuật. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hiện thực khách quan và yếu tố tưởng tượng trong việc tạo thành tác phẩm.

 
2.2 Bàn luận  
2.2.1 Đời sống là nguồn mạch quan trọng nhưng không phải là nguồn mạch duy nhất của sáng tác.  
  – Văn học lấy hiện thực đời sống làm đối tượng để tìm hiểu, khám phá, miêu tả. Hiện thực là kho tài nguyên phong phú, là nguồn cảm hứng dồi dào để người nghệ sĩ hình thành ý tưởng, khám phá, sáng tạo nên tác phẩm. Không có tác phẩm văn học nào có thể tồn tại nếu nó xa rời hiện thực đời sống, trở nên vô nghĩa với đời sống tinh thần của con người.

– Đời sống không phải là nguồn mạch duy nhất của sáng tác. Văn học không phản ánh hiện thực như nó vốn có, không sao chép y nguyên những gì xảy ra trong cuộc đời. Để tạo thành tác phẩm, người nghệ sĩ ngoài những hiểu biết về đời sống còn cần nhiều nguồn mạch khác.

 
2.2.2 Tưởng tượng là một nguồn mạch quan trọng của sáng tác.  
  – Gắn với hoạt động sáng tạo của nhà văn:

+  Trí tưởng tượng phong phú giúp nhà văn có thể nhìn thấy chiều sâu của hiện thức, phát hiện những ẩn khuất trong đời sống, khám phá được những diễn biến nội tâm bên trong con người.

+ trí tưởng tượng giúp nhà văn hóa thân vào những cảnh ngộ, cuộc đời khác nhau để chia sẻ, yêu thương, đồng cảm.

+ Trí tưởng tượng giúp cho nhà văn trong việc hình dung về thế giới hình tượng trong tác phẩm, cấu trúc tác phẩm theo ý đồ của riêng mình… Do đó, tưởng tượng là yếu tố không thể thiếu với nhà văn trong quá trình sáng tác.

– Gắn với hoạt động tiếp nhận:

+ Giá trị của một tác phẩm không chỉ quyết định bởi nhà văn, mà còn bởi bạn đọc. Người đọc bằng trí tưởng tượng của mình, có thể giải mã ngôn từ văn bản mà nhà văn tạo ra theo cách của riêng mình. Đó chính là quá trình đồng sáng tạo với nhà văn của bạn đọc. Do đó, tưởng tượng thực sự là mạch nguồn quan trọng, đảm bảo cho sức sống lâu bền của một tác phẩm văn học.

 
2.3 Mở rộng.  
    -Tác phẩm văn học nào cũng phải xuất phát từ hiện thực, gắn với hiện thực.

– Tưởng tượng không phải là thoát li, xa rời đời sống và con người…mà là cách nhìn hiện thực mang tính chủ quan của người nghệ sĩ. Đó phải là tưởng tượng chắp cánh từ hiện thực

– Rút ra bài học phù hợp với người sáng tác và người tiếp nhận.

 
  Tổng điểm câu 2 12,0
TỔNG ĐIỂM TOÀN BÀI (1+2) 20,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *