Đề và đáp án thi học sinh giỏi môn văn lớp 12 tỉnh Hà Nam 2019

Đề thi khối 12
   SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

HÀ NAM

 ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề thi gồm 01 trang)

             KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THPT

                           NĂM HỌC 2018 – 2019

                                 Môn: Ngữ văn 12

   Thời gian làm bài: 180 phút

 

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

          Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

          Cậu chăn cừu Santiago mở mắt khi vầng đông ló rạng ở chân trời. Đêm trước nơi đó còn lấp lánh ánh sao, giờ đây là một hàng cây chà là dài ngút mắt.

        “Chúng ta đến nơi rồi”, chàng người Anh nói và thấy nhẹ cả người. Anh ta cũng mới vừa thức giấc.

          Cậu không nói gì. Cậu đã học được sự nín lặng của sa mạc và hài lòng với việc ngắm hàng chà là nơi chân trời kia. Cậu còn phải đi xa nữa mới tới được Kim Tự Tháp và một ngày nào đó buổi sáng hôm nay sẽ chỉ còn là kỉ niệm. Nhưng lúc này đây nó là khoảnh khắc của hiện tại, là ngày hội mà người phu lạc đà đã nói. Cậu thưởng thức nó, nhớ lại những bài học của quá khứ và những ước mơ cho tương lai. Một ngày kia cả nghìn cây chà là này sẽ chỉ là kỉ niệm, nhưng giờ đây, với cậu, chúng là bóng mát, là nước và nơi tránh chiến tranh. Hôm qua, tiếng kêu của con lạc đà có thể gây nguy hiểm, thì giờ đây rừng chà là có thể báo hiệu sự kì diệu.

          “Thế giới nói bằng nhiều thứ ngôn ngữ”, cậu nghĩ.

          “Đoàn lữ hành tới cũng hối hả như thời gian trôi”, nhà luyện kim đan thầm nghĩ khi nhìn cả trăm người và thú vật đến được ốc đảo. Dân chúng lớn tiếng hò reo chạy về phía đoàn người mới tới. Bụi bay mù trời. Lũ trẻ reo hò, nhảy như choi choi khi thấy đoàn người lạ. Nhà luyện kim đan thấy tù trưởng ốc đảo lại chào trưởng đoàn lữ hành và hai người trò chuyện hồi lâu.

          Nhưng nhà luyện kim đan không quan tâm mấy đến những điều ấy. Ông đã từng thấy nhiều người đến rồi đi, trong khi ốc đảo và sa mạc vẫn là ốc đảo và sa mạc. Ông đã thấy vua chúa và kẻ ăn xin đi qua biển cát này, cái biển cát thường xuyên thay hình đổi dạng vì gió thổi nhưng vẫn mãi mãi là biển cát mà ông đã biết từ thuở nhỏ. Tuy vậy, tự đáy lòng mình, ông không thể không cảm thấy vui trước hạnh phúc của mỗi người lữ khách, sau bao ngày chỉ có cát vàng với trời xanh nay được thấy chà là xanh tươi hiện ra trước mắt. “Có thể Thượng Đế tạo ra sa mạc chỉ để cho con người biết quý trọng cây chà là”, ông nghĩ.

(Trích Nhà giả kim, Paulo Coelho, NXB Hội nhà văn, 2018, tr.121-123)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,25 điểm)

Câu 2. Khi đứng trước hàng cây chà là dài ngút mắt, cậu chăn cừu Santiago đã có những cảm xúc và suy nghĩ như thế nào? (0,5 điểm)

Câu 3. Các hình ảnh sa mạc, cây chà là trong đoạn văn biểu tượng cho điều gì? (0,5 điểm)

Câu 4. Tại sao chứng kiến cảnh reo hò, mừng rỡ của dân chúng trên ốc đảo, nhà luyện kim đan không quan tâm mấy nhưng lại không thể không cảm thấy vui trước hạnh phúc của mỗi người lữ khách? (1,0 điểm)

Câu 5. Anh/Chị có đồng ý với suy nghĩ của nhà luyện kim đan: “Có thể Thượng Đế tạo ra sa mạc chỉ để cho con người biết quý trọng cây chà là” không? Vì sao? (0,75 điểm)

LÀM VĂN (17,0 điểm)

Câu 1. (7,0 điểm)

Anh/Chị hãy viết bài văn với chủ đề: Khoảnh khắc của hiện tại.

Câu 2. (10,0 điểm)

            Trong Nhân gian từ thoại, Vương Quốc Duy, nhà từ luận đời Thanh của Trung Quốc có đưa ra nhận định: “Nhà thơ, đối với vũ trụ nhân sinh, nên bước vào bên trong, mà lại nên đi ra bên ngoài. Bước vào bên trong mới có thể viết được. Đi ra bên ngoài mới có thể quan sát được. Bước vào bên trong mới có sinh khí. Đi ra bên ngoài mới đạt cao siêu.” (Lí luận văn học cổ điển Trung Quốc, Khâu Chấn Thanh – Mai Xuân Hải dịch, NXB Văn học, 2001, tr 67)

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ vấn đề qua một số bài thơ trong chương trình Ngữ văn 12.

_______Hết_______

 

Họ và tên thí sinh:…………………………………..Số báo danh:………………………………………………………….

Người coi thi số 1:………………………………….Người coi thi số 2:……………………………………………………

 

          SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

                          HÀ NAM

 

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THPT

                NĂM HỌC 2018 – 2019

 

                                HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN LỚP 12

(Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)

 

YÊU CẦU CHUNG

– Học sinh có kiến thức văn học và xã hội chính xác, sâu rộng; kĩ năng đọc hiểu, làm văn tốt: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và cảm xúc.

– Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, không đếm ý cho điểm; trân trọng, khuyến khích những bài có cảm xúc và sáng tạo, có ý kiến và giọng điệu riêng; chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.

YÊU CẦU CỤ THỂ

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Kĩ năng: Thí sinh trả lời các câu hỏi theo đúng yêu cầu, ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc.

Kiến thức

Câu 1.Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Tự sự.                                                (0,25 điểm)

Câu 2. Khi đứng trước hàng cây chà là dài ngút mắt, cậu chăn cừu Santiago đã có những cảm xúc và suy nghĩ:

– Cậu hài lòng khi đứng trước hàng chà là, khi đã vượt qua một chặng đường đầy gian khổ và tiếp tục ước mơ cho tương lai.

– Cậu nghĩ lại những khó khăn đã qua, ý thức được chặng đường phía trước còn nhiều thử thách và trân trọng niềm hạnh phúc hiện tại…                                                                    (0,5 điểm)

Câu 3. Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh sa mạc, cây chà là:

Sa mạc: là con đường mà đoàn lữ hành phải vượt qua, là biểu tượng cho những khó khăn, thử thách, hiểm nguy trong cuộc sống.

Cây chà làngày hội, bóng mát, nước, nơi tránh chiến tranh trong suy nghĩ của cậu chăn cừu. Đó chính là biểu tượng cho niềm vui, sự sống, nơi che chở, chốn yên bình,…

                                                                                                                                              (0,5 điểm)

Câu 4.

Nhà luyện kim đan không quan tâm mấy khi chứng kiến cảnh reo hò, mừng rỡ của dân chúng vì đó chỉ là niềm vui được gặp gỡ, được nhìn thấy đoàn người lạ…

– nhưng lại không thể không cảm thấy vui trước hạnh phúc của mỗi người lữ khách bởi đó là niềm hạnh phúc khi đã vượt qua bao khó khăn, thậm chí cả cái chết trên sa mạc để đến được ốc đảo…                                                                                                                                    (1,0 điểm)

Câu 5.

HS có thể đồng ý, không hoàn toàn đồng ý hoặc ý kiến khác  nhưng phải lí giải thuyết phục.

(0,75 điểm)                                                                                               II. LÀM VĂN­ (17,0 điểm)

Câu 1 (7,0 điểm)

Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu của bài văn nghị l uận xã hội; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; những dẫn chứng thực tế phù hợp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.

Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận xã hội, thí sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần hợp lí, thuyết phục; dưới đây là một hướng giải quyết:

a) Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu được vấn đề cần nghị luận                                             (0,25 điểm)

b) Thân bài                                                                                                                         

            * Giải thích                                                                                                                 (1,0 điểm)   

            – Khoảnh khắc: Khoảng thời gian hết sức ngắn

       – Hiện tại: thời gian đang diễn ra, đối lập với quá khứ và tương lai

-> Khoảnh khắc của hiện tại là khoảng thời gian đang diễn ra, rất ngắn…

            * Bàn luận                                                                                                                  (5,0 điểm)

– Thời gian là sự tiếp nối của vô vàn khoảnh khắc và khoảnh khắc của hiện tại là khoảng thời gian giàu ý nghĩa, quý giá bởi:

+ Nó sẽ trôi đi rất nhanh, không bao giờ quay lại.

+ Hiện tại là thời điểm để tiếp nối, hiện thực hóa ước mơ của quá khứ và chuẩn bị cho tương lai (vật chất, tinh thần,…)

+ Hiện tại hôm nay sẽ trở thành quá khứ của ngày mai, vì thế những suy nghĩ, hành động, sáng tạo,…trong hiện tại sẽ quyết định chỗ đứng của mỗi người.

+ Nếu không có những khoảnh khắc của hiện tại thì sẽ không có tương lai…

– Trân trọng hiện tại, sống hết mình cho mỗi phút giây trong hiện tại là điều quan trọng nhất để cuộc sống có ý nghĩa, tìm được hạnh phúc đích thực. Và như vậy chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc, không bao giờ phải dằn vặt, day dứt vì những điều đã qua.

– Nếu không biết trân trọng hiện tại thì cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa, tương lai mờ mịt,…

– Sống cho hiện tại nhưng cũng không được quên quá khứ bởi với quá khứ người ta xây dựng tương lai, lãng quên quá khứ ta sẽ trở thành kẻ lạc loài, vô ơn, khó có thể trưởng thành; đồng thời chúng ta cũng cần tích cực hành động để xây dựng tương lai vì tương lai ngày mai sẽ là hiện tại hôm nay…

– Phê phán những người thờ ơ với quá khứ, ảo tưởng về tương lai và vô trách nhiệm với hiện tại,…

* Bài học nhận thức và hành động.                                                                        (0,5 điểm)

c) Kết bài.                 (0,25 điểm)

Câu 2 (10,0 điểm)

Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu một bài văn nghị luận văn học bàn về một ý kiến; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp làm nổi bật được vấn đề; khuyến khích những bài viết sáng tạo.

Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, học sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau song về cơ bản cần có những ý sau:

a) Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu và trích dẫn nguyên văn ý kiến.                   (0,25 điểm)

b) Thân bài

            b.1. Giải thích                                                                                                             (1,5 điểm)                            

Vũ trụ nhân sinh: hiện thực đời sống

bước vào bên trong: đi sâu vào, tìm tòi, khám phá, trải nghiệm để thẩm thấu, chiếm lĩnh hiện thực

đi ra bên ngoài: tạo ra một độ lùi, một sự gián cách với đối tượng để khám phá hiện thực dưới nhiều góc độ và mang tính khái quát hơn.

-> Ý kiến đề cập đến động thái của người nghệ sĩ với hiện thực đời sống trong quá trình sáng tạo. Người nghệ sĩ phải thâm nhập để thấu hiểu hiện thực, đồng thời cũng phải vượt lên hiện thực để chiêm nghiệm, từ đó mới tạo nên được sinh khí cho tác phẩm, đưa tác phẩm đạt đến ngưỡng cao siêu.

            b.2. Cơ sở lí luận                                                                                                                              (1,0 điểm)

– Văn học bao giờ cũng là sự nhận thức và phản ánh hiện thực. Hiện thực là nguồn gốc, là mảnh đất dồi dào, màu mỡ của nghệ thuật. Thơ ca cũng không nằm ngoài quy luật đó.

– Nhà thơ muốn phản ánh hiện thực một cách sâu sắc thì phải bước vào, phải thâm nhập vào hiện thực trên cả bề rộng lẫn chiều sâu. Đời sống bao giờ cũng phức tạp, đa chiều, luôn biến chuyển đòi hỏi  người nghệ sĩ cần phải trải nghiệm mới có đủ vốn sống, mới hiểu sâu để sáng tác.

– Tuy nhiên, không chỉ đắm mình trong thế giới hiện thực để khai thác chất liệu đời sống, người nghệ sĩ phải biết đi ra khỏi môi trường chất liệu ấy, dùng chính lí trí và xúc cảm để quan sát, soi ngắm một cách kĩ lưỡng, thấu suốt, để khám phá mọi ngóc ngách, mọi giá trị của hiện thực, đồng thời, khái quát hóa lên tầm triết lí, tầm tư tưởng để đạt đến ngưỡng cao siêu.

– Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ không chỉ phản ánh, tái hiện cuộc sống, nêu lên những hiểu biết về thế giới, nhận thức thế giới mà còn bày tỏ thái độ chủ quan của mình, nói lên ước mơ, khát vọng của mình về thế giới, về cuộc sống.

– Văn chương nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Hiện thực cuộc sống không được bê nguyên xi vào tác phẩm mà được kiến tạo lại dưới một cái nhìn mới, một cách cảm mới của người nghệ sĩ. Tác phẩm nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Trong quá trình lao động nghệ thuật, nhà văn chân chính luôn có ý thức tạo ra cho mình một dấu ấn riêng. Bởi đó là đòi hỏi tất yếu của hoạt động sáng tạo…

            b.3. Làm sáng tỏ qua một số bài thơ trong chương trình Ngữ văn 12                      (6,0điểm)        Yêu cầu:

– Đúng giới hạn: Các tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ văn 12.

– Đảm bảo số lượng tác phẩm:  chọn được một số tác phẩm hay và đặc sắc

– Đúng, trúng, làm nổi bật được vấn đề,…

         b.4. Ý nghĩa vấn đề đối với người sáng tác và người đọc.                                              (1,0 điểm)

c) Kết bài                       (0,25 điểm)

 

 

————— Hết —————

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *