NLXH câu hát của Đen Vâu Nhà thì vẫn ở yên đó, đợi những đứa con đang ra ngoài

Nghị luận xã hội

: ĐỀ VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM HỌC SINH GIỎI

 

Câu 1 (8 điểm)

Người xưa có câu tục ngữ:

                                        “Đi cho biết đó biết đây

                                Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.”

Còn nhạc sĩ Đen Vâu và Justatee trong bài hát “Đường về nhà” viết:

                              “… Nhà thì vẫn ở yên đó, đợi những đứa con đang ra ngoài

                              Bước ra ngoài mới biết, không ở đâu bằng ở nhà…”

Hãy viết bài văn bày tỏ suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề được gợi ra từ câu tục ngữ và câu hát nêu trên.

1.Giải thích
–         ­Giải thích câu tục ngữ:

+ đi cho biết đó biết đây: đi ra ngoài để mở rộng tầm mắt, phát triển trí tuệ, bồi đắp tâm hồn trí tuệ, bồi đắp tâm hồn

+ ở nhà với mẹ:  lối sống tĩnh tại, được người thân bao bọc, chở che trong vùng an toàn

+ khôn: hiểu biết, trưởng thành

ð Bài học về cuộc sống năng động, dám trải nghiệm, học hỏi, tìm tòi để phát triển bản thân, xây dựng sự nghiệp. Bởi vì xã hội rộng lớn là trường học vô cùng quan trọng.

–         Giải thích câu hát trong bài Đường về nhà

+ Nhà: mái ấm gia đình, tình cảm ruột thịt gắn bó, yêu thương

+ Bước ra ngoài:  Rời khỏi gia đình, bước vào xã hội rộng lớn để học tập, làm việc.

+ Không ở đâu bằng ở nhà: Càng trải nghiệm nhiều trong cuộc đời người ta càng nhận ra tình cảm gia đình thứ tình cảm duy nhất, không gì thay thế được.

Qua câu tục ngữ, lời bài hát rút ra bài học: Tuổi trẻ cần thoát khỏi sự bao bọc của gia đình, thoát khỏi vùng an toàn nhưng cũng cần trân trọng giá trị  gia đình, luôn kết nối và vun đắp tình cảm gia đình

.2. Bàn luận, chứng minh vấn đề
 * Bàn luận về vai trò của  lối sống năng động, dám bước ra ngoài xã hội rộng lớn:

–         Con người là tổng hòa các mối quan hệ, vì vậy chỉ khi mạnh dạn hòa nhập vào dòng chảy cuộc sống, tiếp xúc với nhiều người, trong nhiều mối quan hệ, con người mới hiểu rõ năng lực, giá trị và mong muốn của bản thân

–         Xã hội hiện đại, hội nhập toàn cầu, cuộc sống phát triển và thay đổi từng ngày, buộc con người phải thay đổi bản thân để thích nghi với nhịp sống ấy. Nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao đòi hỏi mỗi người cần không ngừng nâng cao vốn tri thức, kĩ năng sống, làm giàu đời sống tâm hồn. Muốn vậy, mỗi người cần mạnh dạn bước ra ngoài xã hội để tìm tòi, học hỏi. Việc dấn thân vào trường đời rộng lớn có ý nghĩa quan trọng:

+ Giúp con người được mở mang tầm nhìn, có thêm hiểu biết về nhiều phương diện, phát triển trí tuệ

+ Mở rộng, kết nối các mối quan hệ, làm giàu đời sống tâm hồn, tình cảm

+ Rèn luyện bản lĩnh, ý chí, khả năng ứng phó với những hoàn cảnh, tình huống phức tạp của cuộc sống

+ Tìm thấy những cơ hội và từ đó từng bước đi đến thành công

–         Không dám ra khỏi vùng an toàn, cứ bó buộc mình sẽ dẫn đến tâm lí lười biếng, rụt rè, thụ động, thiếu vốn sống và kiến thức, khó có thể thành công.

* Bàn luận về vai trò của gia đình:

–  Gia đình nuôi dưỡng mỗi con người  về thể chất và tâm hồn, trí tuệ:

+ Là nơi ta được sống trong tình yêu thương, sự chở che, đùm bọc

+ Gia đình là môi trường hình thành nhân cách, phẩm chất cho mỗi con người.

+ Gia đình còn là nền tảng, là bệ phóng cho mỗi con người đến với những thành công.

+ Gia đình là điểm tựa, là chỗ dựa vững chắc, là bến đỗ bình yên nhất trong cuộc đời con người: nâng đỡ khi chúng ta vấp ngã, tiếp thêm sức mạnh khi chúng ta gặp khó khăn, trở ngại, an ủi, chia sẻ khi chúng ta đau buồn.,…

–         Tình cảm gia đình là tình ruột thịt, rất thiêng liêng, sâu nặng, không tình cảm nào thay thế được.

–         Gia đình có ý nghĩa to lớn đối với cuộc đời mỗi người đồng thời góp phần tạo nên sự phát triển của xã hội bởi Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc- xã hội phồn vinh.

–         Chúng ta cũng cần tránh lối sống thụ động, dựa dẫm, ỷ nại người thân hoặc mải chạy theo cuộc sống bên ngoài mà phụ bạc tình thân gia đình.

*Chứng minh:

–         Học sinh lấy dẫn chứng chứng minh cho phần bàn luận về thông điệp từ câu tục ngữ, câu hát trên. Khi lấy dẫn chứng, cần lưu ý:

+ Dẫn chứng phải xác thực, sinh động, sát với vấn đề cần nghị luận, không lan man, xa đề.

+ Cần phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

+ Cách đưa dẫn chứng vào bài viết có thể linh hoạt: đưa vào từng luận điểm hoặc sau khi kết thúc phần bình luận.

–         Khuyến khích những bài viết có dẫn chứng phong phú, chứng tỏ vốn hiểu biết xã hội của học sinh.

*Bàn luận mở rộng:

-Quan điểm  về cách sống được đề cập trong câu tục ngữ và câu hát trên không đối lập, mâu thuẫn mà thống nhất, mang đến cho con người những bài học sâu sắc, hướng đến một cuộc sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.

-Cần biết dung hòa giữa lối sống năng động, dám bước ra ngoài xã hội để trải nghiệm và biết “trở về”  vun đắp, yêu thương, trân trọng gia đình:

+ Đó là cách sống giúp con người tìm thấy sự cân bằng, vừa phát huy cao độ giá trị bản thân vừa gìn giữ được gốc rễ của hạnh phúc, bình an.

+ Mỗi người đều nhận thức và hành động  một cách đúng đắn, hài hòa như vậy, xã hội sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.

* Bài học nhận thức và hành động

–         Từ câu tục ngữ, câu hát trên chúng ta cần nhận thức được: Mạnh dạn chủ động bước ra khỏi cuộc sống bao bọc của gia đình là điều cần thiết để trải nghiệm, trưởng thành, phát huy giá trị bản thân, tìm đến thành công. Tuy nhiên, không nên quá coi trọng danh tiếng, thành công bên ngoài xã hội mà thờ ơ, lạnh lùng, đánh mất  niềm vui trong hạnh phúc gia đình . Mỗi chúng ta cần  yêu thương, trân trọng mái ấm gia đình, giữ sự kết nối bền chặt với  người thân.

–         Bản thân mỗi chúng ta cần không ngừng trải nghiệm, rèn luyện, tu dưỡng để có cơ hội khẳng định bản thân trong xã hội năng động hôm nay. Đồng thời,ta cần có những hành động, việc làm, cách ứng xử thể hiện tình yêu thương với người thân, vun đắp mái ấm gia đình thành nơi chốn đi về bình yên, hạnh phúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *