NLXH ý nghĩa bức hình vòng tròn Cha mẹ- con cái, vai trò của trí tưởng tượng

Đề thi khối 12
  ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI  THPT

Năm 2023

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

(Đề thi gồm 02 câu, trong 01 trang)

 

Câu 1 (8,0 điểm)     

Hãy viết một bài luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề được gợi ra từ bức tranh sau:

Câu 2 (12,0 điểm)   

            Mặt trời chói lọi của trí tưởng tượng chỉ có thể cháy sáng khi được cọ xát với mặt đất. Nó không thể cháy sáng trong khoảng không trống rỗng. Trong khoảng trống, nó tắt.  (Cội nguồn sáng tạo – K.Pauxtopxki – Bông hồng vàng và bình minh mưa – NXB Văn học 2007, tr.142)

Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

……….….Hết …………

 

    HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI  THPT

Năm 2023

MÔN: NGỮ VĂN

(Hướng dẫn chấm gồm  03 trang)

 
Câu Đáp án- HDC Điểm
1 Hãy viết một bài luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề được gợi ra từ bức tranh sau: 8,0
1.Yêu cầu về kĩ năng

HS viết được bài nghị luận xã hội nêu suy nghĩ của bản thân về vấn đề được nêu ra. Bài viết chặt chẽ, thuyết phục, diễn đạt mạch lạc, trong sáng, không mắc các loại lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

0,5
2.Yêu cầu về kiến thức

HS có thể trình bày suy nghĩ của mình theo nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau:

 
a. Giải thích

– Hình thứ nhất cho thấy mối quan hệ của cha mẹ với con cái là mối quan hệ phụ thuộc. Hình con nằm gọn, lọt vào trong hình cha mẹ. Bức vẽ gợi cho ta nghĩ đến cách chăm sóc bao bọc hoàn toàn của cha mẹ với con cái. Đây là mối quan hệ ta vẫn thường bắt gặp trong xã hội hiện đại.

– Hình thứ hai cho thấy mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái có sự kết nối, vẫn có phần phụ thuộc đan cài vào nhau nhưng chỉ chiếm phần nhỏ thôi. Chủ yếu cha mẹ và con vẫn có không gian riêng, tự lập tự do.

– Hình cuối cùng chỉ mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có mối quan hệ gần gũi nhưng độc lập, không có sự phụ thuộc từ sự bao bọc của cha mẹ.

=> Bức tranh gợi ra những kiểu mối quan hệ thường thấy giữa cha mẹ và con cái

1,5
b. Bàn luận, mở rộng

Thí sinh có thể bàn luận về cả ba hình ảnh trong bức tranh hoặc lựa chọn 1 hình ảnh để bàn luận. Tuỳ theo lựa chọn của thí sinh để có cách bàn luận cụ thể, cần đảm bảo được các ý sau:

– Giải thích, cảm nhận bức hình mà mình lựa chọn với mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được thể hiện trong đó.

– Nêu lý do vì sao chọn mối quan hệ đó?

– Biểu hiện cụ thể của mối quan hệ ấy?

– Vai trò của mối quan hệ mà mình chọn?

– Mở rộng vấn đề

4,5
c. Liên hệ, rút ra bài học

– Nhận thức được điều gì về vai trò của cha mẹ và sự trưởng thành của con cái trong gia đình?

– Cần có việc làm cụ thể, phương hướng cụ thể trước vấn đề mình đã chọn.

1,5
2           Mặt trời chói lọi của trí tưởng tượng chỉ có thể cháy sáng khi được cọ xát với mặt đất. Nó không thể cháy sáng trong khoảng không trống rỗng. Trong khoảng trống, nó tắt.(Cội nguồn sáng tạo – K..Pauxtopxki – Bông hồng vàng  và bình minh mưa – NXB Văn học 2007, tr.142).

Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

12,0

 

1.Yêu cầu về kĩ năng

Biết làm bài văn nghị luận văn học giải thích, chứng minh ý kiến, nhận định; lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc, không mắc các loại lỗi.

0,5
2. Yêu cầu về kiến thức

HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

 
a. Giải thích nhận định

-Trí tưởng tượng: Là thuộc tính của con người sử dụng vốn quan sát đời sống, ý nghĩ và tình cảm, tạo ra được bên cạnh thực tại một cuộc sống do mình hư cấu ra với những sự kiện và con người hư cấu.

Mặt trời: Sự rực rỡ, ý nghĩa quan trọng, cần thiết.

Mặt đất: Thực tế đời sống, cội nguồn đời sống.

Khoảng trống: Sự xa rời, không gắn kết với thực tế đời sống.

Tắt: sự vô giá trị, sự chấm dứt, tàn lụi.

ðNhận định khẳng định vai trò quan trọng, đặc biệt cần thiết của trí tưởng tượng trong sáng tác văn học, đồng thời khẳng định mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa hiện thực đời sống với những tưởng tượng hư cấu trong văn học.

1,5
b. Bình luận ý kiến

– Trí tưởng tượng có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết trong quá trình sáng tác văn học, giống như mặt trời đối với sự sống. Đó là “cái hoàn cảnh đẹp đẽ nhất cho sự phồn vinh của ý sáng tác, đất đai mang vàng bạc đến cho thơ văn”

+ Bởi vì cuộc sống đời thực lớn lao và phức tạp, con người không bao giờ có thể biết hết được cuộc đời trong mọi mặt của nó. Con người lại muốn biết, muốn nhìn thấy, nghe thấy hết tất cả. Trí tưởng tượng cho con người những gì mà thực tại chưa kịp cho hoặc không thể cho. Trí tưởng tượng lấp đầy chỗ trống cho đời sống.

+ Bởi vì nghệ thuật không phải là sự sao chép đơn giản, máy móc hiện thực mà phải luôn thể hiện một hiện thực mới mẻ từ sự sáng tạo, tưởng tượng và hư cấu của người nghệ sĩ. Nhà văn chọn lọc, sắp xếp lại hiện thực, thêm vào các yếu tố theo cảm nhận, kinh nghiệm, lăng kính chủ quan, kiến tạo nên một hiện thực thứ hai để từ đó gửi gắm một thông điệp, một triết lí nhân sinh riêng, thể hiện cách lí giải, khám phá mang dấu ấn riêng.

-Tuy nhiên, trí tưởng tượng phải bắt nguồn từ thực tế đời sống. Bởi đời sống chính là cội nguồn của sáng tác văn học. Trí tưởng tượng khi xuất phát từ cuộc sống sẽ khiến tác phẩm đi vào chiều sâu hiện thực, khái quát được bản chất hiện thực và phản ánh những vấn đề nhân sinh giàu ý nghĩa. Còn ngược lại, trí tưởng tượng xa rời thực tế sẽ không còn giá trị, sẽ khô héo, tàn lụi, sẽ khiến tác phẩm chỉ là sự “phô trương, khoác lác”. Trí tưởng tượng xuyên tạc cuộc sống sẽ tạo nên sự lệch lạc trong tư tưởng, quan điểm.

3,5
  c. Chứng minh

– Chọn được dẫn chứng phù hợp, khuyến khích dẫn chứng toàn diện, tiêu biểu làm rõ vấn đề nghị luận

– Phân tích theo đúng thể loại (cảm hứng, cấu tứ, nhân vật trữ tình, sự vận động của hình tượng thơ…), gắn với hoàn cảnh ra đời, tư tưởng nghệ thuật và phong cách  tác giả, quan niệm thẩm mĩ của thời đại, khuynh hướng trào lưu văn học

– Quá trình phân tích cần hướng vào làm sáng tỏ vấn đề lí luận văn học: chỉ rõ hiện thực được phản ánh trong tác phẩm, quy luật, bản chất đời sống được khái quát trong tác phẩm; chỉ rõ những tưởng tượng, hư cấu trong tác phẩm, từ đó khái quát giá trị ý nghĩa tư tưởng tác phẩm, khẳng định sự sáng tạo độc đáo của tác giả.

 

 

5,0

 

  d. Mở rộng, đánh giá chung

– Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến.

– Ý kiến trên cũng đặt ra yêu cầu đối với người sáng tác và người đọc:

+ Người nghệ sĩ phải tôn trọng hiện thực, đồng thời cũng không được sao chép đơn giản hiện thực mà phải luôn phát huy trí tưởng tượng để tạo nên ánh sáng của mơ ước, khát vọng, tạo nên sức hút cho tác phẩm. Muốn vậy người nghệ sĩ cần phải có tâm huyết, tài năng và tấm lòng.

+ Người đọc thông qua tác phẩm thấy được hiện thực cuộc đời và vẻ đẹp của văn chương, vẻ đẹp trong tâm hồn, ước mơ của người nghệ sĩ.

1,5

 

  Lưu ý: Giám khảo vận dụng đáp án một cách linh hoạt, chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đáp ứng được cả những yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *