Đề thi chọn đội tuyển HSG quốc gia môn văn Thanh Hóa

Đề thi khối 12
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THANH HÓA

——–

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

Số báo danh

…………………………

 

………………….

KỲ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN DỰ THI HSG QUỐC GIA

NĂM HỌC 2018 – 2019

——

MÔN THI: NGỮ VĂN

 

Ngày thi: 02/10/2018

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

(Đề thi gồm 02 câu, có 01 trang)

 

 

Câu 1 (8.0 điểm)

Đọc câu chuyện sau:

Chuyện kể rằng, có một vòng tròn rất hoàn mĩ. Nó rất tự hào về thân hình tròn trĩnh đến từng milimet của mình. Thế nhưng một buổi sáng thức dậy, nó thấy mình bị mất đi một góc lớn hình tam giác. Buồn bực, vòng tròn ta đi tìm mảnh vỡ đó. Vì không còn hoàn hảo nên nó lăn rất chậm. Nó bắt đầu ngợi khen những bông hoa dại đang tỏa sắc bên đường, nó vui đùa cùng ánh nắng mặt trời, tâm tình cùng sâu bọ… Một ngày kia nó tìm được một mảnh hoàn toàn vừa khít và ghép vào. Nó lăn đi và nhận ra mình đang lăn quá nhanh. Đến nỗi, không kịp nhận ra những bông hoa đang cố mỉm cười với nó. Vòng tròn thấy rằng, cuộc sống khác hẳn đi khi nó lăn quá nhanh. Nó dừng lại, đặt mảnh vỡ bên đường rồi chầm chậm lăn đi.

(Dẫn theo http://dantri.com.vn/nhip-song-tre/bai-hoc-tu-cuoc-song)

Suy nghĩ về bài học sâu sắc nhất mà anh/chị rút ra từ câu chuyện trên.

Câu 2 (12.0 điểm)

          Anatole France, nhà thơ Pháp đạt giải Nobel văn học năm 1921 cho rằng:

Thơ hay cũng giống như một sự ghép nối với những phần rung động trong bản thể của chúng ta.

Bằng những trải nghiệm về thơ ca, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

 

……………………….. HẾT ……………………………..

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THANH HÓA

———–

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN

DỰ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA

NĂM HỌC 2018 – 2019

—————

MÔN THI: NGỮ VĂN

Ngày thi: 02/10/2018

(Đáp án gồm có 04 trang)

 

Câu Ý Nội dung Điểm
1 Suy nghĩ về bài học sâu sắc nhất rút ra từ câu chuyện 8.0
Yêu cầu chung:
– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan niệm riêng của mình, nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

Yêu cầu cụ thể:
a Giải thích ý nghĩa câu chuyện về chiếc vòng tròn 1.5
vòng tròn rất hoàn mĩ: hình ảnh ẩn dụ cho sự hoàn hảo, trọn vẹn của con người.

bị mất đi một góc lớn: hình ảnh ẩn dụ cho sự khiếm khuyết, bất toàn của con người.

Từ việc cắt nghĩa, lí giải các chi tiết, hình ảnh trong câu chuyện có thể rút ra một trong số các bài học sau đây:

– Sự khiếm khuyết, sự bất toàn chưa hẳn đã là một bất hạnh. Biết chấp nhận sự không hoàn hảo sẽ khiến con người ta có thể hòa nhập cùng cộng đồng, trân trọng những giá trị tốt đẹp, hoàn thiện và vươn tới cuộc sống có ý nghĩa.

– Mải mê tìm kiếm sự hoàn hảo trong cuộc sống đôi khi lại là khiếm khuyết lớn nhất của con người, dễ khiến con người bỏ lỡ nhiều giá trị ý nghĩa của cuộc sống.

(Có thể chấp nhận những bài học khác, song phải dựa vào câu chuyện và có sức thuyết phục)

0.25

0.25

 

1.0

b Suy nghĩ, bàn luận về bài học 5.0
Từ nhận thức và trải nghiệm riêng, thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ của bản thân về bài học được rút ra từ câu chuyện. Sự bàn luận cần hướng tới các thao tác sau:

– Đưa ra các lí lẽ để giải thích sự sâu sắc, đúng đắn của bài học sống được rút ra.

– Nêu và phân tích được một số dẫn chứng, những biểu hiện trong cuộc sống để làm rõ bài học sâu sắc.

– Mở rộng, bổ sung, nêu phản biện để việc thực hiện bài học sống thực sự có ý nghĩa.

 

 

2.0

 

2.0

 

1.0

c Bài học nhận thức, hành động 1.5
– Cần có nhận thức và thái độ đúng đắn trước sự khiếm khuyết bất toàn cũng như sự hoàn hảo trong cuộc sống.

– Định hướng hành động cho bản thân trên hành trình tự hoàn thiện hướng tới cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp.

0.75

 

0.75

2 Bằng trải nghiệm thơ ca, bình luận ý kiến của Anatole France: Thơ hay cũng giống như một sự ghép nối với những phần rung động trong bản thể của chúng ta. 12.0
Yêu cầu chung:
– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.

  Yêu cầu cụ thể:
a Giải thích ý kiến 2.0
Thơ hay: là tác phẩm thơ ca sâu sắc về nội dung, độc đáo về hình thức nghệ thuật, có sức lay động tới tâm hồn người đọc.

sự ghép nối với những phần rung động trong bản thể của chúng ta: là khả năng khơi dậy những cảm xúc sâu kín, kết nối những tình cảm tự nhiên và nhân bản nhất trong mỗi con người. Đó có thể là sự rung cảm trước tạo vật, là sự soi ngắm nhận diện bản thể trong quan hệ với thế giới.

=> Bằng cách nói so sánh, ý kiến khẳng định khả năng khơi dậy sự đồng cảm, đánh thức những rung động sâu xa trong con người của những câu thơ hay, bài thơ hay. Thơ hay bao giờ cũng đốt lửa tâm hồn ta, tạo được dư ba trong lòng người.

0.5

 

0.5

 

 

 

1.0

b Bình luận ý kiến 8.0
– Thơ ca chân chính bao giờ cũng là sự bộc lộ những tình cảm chân thành, sâu kín và mãnh liệt nhất của nhà thơ, là nơi lắng đọng tinh chất sự sống mà người nghệ sĩ mang trong lòng. Đó chính là phương tiện, là chất liệu để thơ hay tạo ra được sự ghép nối với những phần rung động trong bản thể của chúng ta.

– Thơ còn là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu, tiếng lòng riêng luôn hướng tới sự hòa điệu với tiếng lòng chung. Vì thế, thơ hay bao giờ cũng tạo ra được sự đồng cảm sâu sắc và quảng đại nơi tâm hồn bạn đọc.

– Khi ghép nối với những phần rung động trong bản thể của chúng ta, thơ ca sẽ bồi đắp và thanh lọc tâm hồn ta, sẽ trở thành điểm tựa để ta vịn trong những phút ngã lòng. Khi đó, thơ ca chân chính đã hoàn thành được thiên chức, sứ mệnh của mình để ở lại mãi với con người cho tới ngày tận thế.

(Thí sinh cần lựa chọn, cảm nhận một số câu thơ, bài thơ hay. Sự cảm nhận này có thể lồng ghép vào với các luận điểm trên hoặc tách riêng. Song, dù trình bày theo cách nào cũng phải làm nổi bật được khả năng tạo được sự ghép nối với những phần rung động của thơ ca).

1.0

 

 

 

1.0

 

 

1.0

 

 

 

5.0

c Đánh giá, nâng cao 2.0
– Ý kiến của nhà thơ Anatole France đã đề cập đến một trong những giá trị quan trọng, đặc trưng của thơ ca chân chính. Đó là khả năng kết nối trái tim, tạo sự đồng cảm, khơi dậy những rung động ở người đọc.

– Khi ghép nối với những phần rung động trong bản thể của chúng ta, thơ ca cũng thức tỉnh, lay động, bồi đắp, thanh lọc tâm hồn con người.

– Ý kiến cũng gợi mở những bài học quan trọng cho người làm thơ và người đọc thơ:

+ Đối với nghệ sĩ: để tạo được sự ghép nối trong thơ, người nghệ sĩ phải sống thật sâu bằng trái tim; kết đọng những trăn trở, suy tư qua sự tinh lọc câu chữ; lan truyền cảm xúc và lay động tâm hồn người đọc, tạo nên sự đồng điệu sâu sắc và quảng đại.

+ Đối với người đọc: phải lắng nhận, đón bắt những rung động thơ, từ đó bồi đắp cảm xúc, thanh lọc tâm hồn.

0.5

 

 

0.5

 

 

 

 

0.5

 

0.5

Lưu ý chung:

1. Đây là hướng dẫn chấm mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.

2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.

3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.

4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.

5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *