Đề HSG thơ ca là có thể san lấp địa ngục trong tâm hồn con người ở bất kì thời đại nào

Đề thi khối 10

Đề thi học sinh giỏi

Câu 1. (8,0 điểm)

Trong bài thơ Lò thiêu, nhà thơ Chế Lan Viên viết:

Ta trên đường đi đến lò thiêu

Cuộc hành trình nhẩn nha mà rất gấp

Vội gì than “cuộc đời như gió bay vèo”

Em hỏi anh: Nên sống lối sống nào?

       (Theo Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên – Hồ Thế Hà,

NXB Văn học, 2019, tr.192)

Từ đoạn thơ trên, anh/chị hãy viết một bài văn trả lời câu hỏi: Nên sống lối sống nào?

 Câu 2. (12,0 điểm)

        Nhà thơ Mai Văn Phấn cho rằng:

Vẻ đẹp và quyền năng của nghệ thuật, trong đó có thơ ca là có thể san lấp địa ngục trong tâm hồn con người ở bất kì thời đại nào.

(Dẫn theo Đứng về phe cái khác – Hoàng Đăng Khoa

NXB Hội nhà văn, 2020, tr.62)

Từ ý kiến trên, Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ về những điều thơ nói riêng, nghệ thuật nói chung có thể làm để san lấp địa ngục trong tâm hồn con người.

——— Hết ———

Hướng dẫn chấm

Câu 1. (8,0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng

– Xây dựng một bài văn nghị luận xã hội chặt chẽ, hợp lí bằng các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận…

– Bố cục bài viết rõ ràng, lập luận chặt chẽ, mạch lạc, dẫn chứng phong phú, tiêu biểu, hành văn trong sáng, có cảm xúc, thuyết phục, có nét riêng. Không mắc lỗi diễn đạt về các mặt chính tả, dùng từ, đặt câu.

b) Yêu cầu về kiến thức

Đây là đề văn mở, học sinh có thể kết cấu bài làm theo nhiều cách khác nhau, có thể tự do trình bày suy nghĩ của mình miễn là lập luận chặt chẽ, có cơ sở và có sức thuyết phục. Sau đây là một số gợi ý, không áp đặt đối với những bài làm có cách hiểu khác nhưng hay và thuyết phục.

­– Giải thích đoạn thơ của Chế Lan Viên: Từ con đường đi đến lò thiêu, tác giả muốn nhắn nhủ rằng kiếp người ngắn ngủi, chóng vánh, ai rồi cũng phải già, phải chết. Tuy nhiên đừng vội ủ rũ, khóc than vì cuộc đời “như gió bay vèo” mà phải trăn trở tìm cho mình lẽ sống, phải trả lời cho được câu hỏi “nên sống lối sống nào?”.

– Bàn luận xung quanh câu hỏi “nên sống lối sống nào?”.

+ Nên sống với tình yêu cháy bỏng dành cho cuộc sống; với những ước mơ, khát vọng lớn lao, không ngừng nỗ lực vươn tới những tầm cao.

+ Nên sống với lí tưởng sống cao đẹp, tận hiến nhưng cũng biết tận hưởng bao nhiêu vẻ đẹp, bao nhiêu điều kì diệu trong cuộc sống này.

+ Nên sống với trái tim nhân ái, dào dạt tình thương và sự bao dung, luôn biết mở rộng lòng ra để hướng đến người khác.

Phê phán những người sống không lí tưởng, không khát vọng, sống nhỏ nhen, ích kỉ, chỉ biết có bản thân mình.

Bài học nhận thức và hành động: nuôi dưỡng cho mình lẽ sống cao đẹp, quan niệm sống nhân văn để không ngừng vươn tới những tầm cao.

c) Cách cho điểm

         – Điểm 7 – 8: đáp ứng tốt các yêu cầu về kĩ năng; thể hiện rõ, xuất sắc năng lực viết bài văn nghị luận xã hội, kiến thức phong phú, chính xác; diễn đạt mạch lạc, luận điểm rõ ràng, dẫn chứng phong phú, bài viết có sự sáng tạo.

Điểm 5 – 6: đảm bảo cơ bản các yêu cầu nêu trên; thể hiện được kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội; diễn đạt mạch lạc, chặt chẽ, có thể mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, hành văn.

– Điểm 3 – 4: đảm bảo được một nửa yêu cầu nêu trên; kiến thức chưa sâu sắc; kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội còn lúng túng; còn mắc một số lỗi về hành văn, dùng từ, đặt câu.

Điểm 1 – 2: viết sơ sài, ý nghèo nàn hoặc quá chung chung; yếu về kĩ năng viết văn nghị luận xã hội; còn mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt…

– Điểm 0: bỏ giấy trắng hoặc hoàn toàn lạc đề.

Câu 2. (12,0 điểm)

a) Yêu cầu về kĩ năng

– Đây là dạng đề nghị luận về một ý kiến bàn về một văn học. Học sinh cần vận dụng kiến thức về lí luận văn học; vận dụng linh hoạt các thao tác nghị luận, các phương thức biểu đạt để làm sáng tỏ một vấn đề lí luận văn học.

– Bố cục rõ ràng chặt chẽ. Diễn đạt lưu loát, văn giàu hình ảnh, cảm xúc chân thực. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

b) Yêu cầu về kiến thức: Đây là đề văn mở, học sinh có thể kết cấu bài làm theo nhiều cách khác nhau miễn là làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc. Dưới đây là một số gợi ý chính:

– Giải thích: “Địa ngục trong tâm hồn người” được hiểu là những buồn thương, đau khổ; những đen tối, xấu xa trong tâm hồn người. Ý kiến trên khẳng định, đề cao giá trị to lớn, quyền năng vĩ đại của văn học, nghệ thuật trong việc xoa dịu nỗi thương tổn trong tâm hồn người, thanh lọc tâm hồn người, hướng con người về chân thiện mĩ.

– Bàn luận:

+ Văn chương có sức đồng cảm mãnh liệt với nỗi đau của  con người. Tác phẩm  chân chính luôn chứa đựng tình người, tình đời bao la; luôn thể hiện một tình thương, một sự quan tâm thường trực dành cho bi kịch của con người, do đó nó có khả năng xoa dịu những nỗi tổn thương, có khả năng cứu rỗi linh hồn người.

+ Văn chương gieo vào lòng người tình yêu cuộc sống, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, giúp con người mạnh mẽ vượt qua mọi nghịch cảnh để vươn lên.

+ Văn chương cũng có khả năng hướng thiện, làm thay đổi con người, có khả năng đẩy lùi nhưng xấu xa, đen tối trong tâm hồn người, từ đó hướng con người đến những điều trong sáng và cao đẹp.

(Học sinh tùy vào trải nghiệm riêng của mình khi mà linh hoạt trình bày suy nghĩ)

c) Cách cho điểm

         – Điểm 11-12 : đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên; bài viết đậm chất văn, diễn đạt mạch lạc, lập luận sắc sảo, luận điểm rõ ràng, bài viết có sự sáng tạo, dẫn chứng chọn lọc, tiêu biểu.

         – Điểm 9 – 10 : đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên; diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, văn giàu hình ảnh, có cảm xúc; dẫn chứng chọn lọc, tiêu biểu.

– Điểm 7 – 8 : cơ bản đáp ứng được các yêu cầu; diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc; dẫn chứng khá tiêu biểu, mắc ít lỗi diễn đạt về chính tả, dùng từ, đặt câu.

– Điểm 5 – 6 : đáp ứng một nửa yêu cầu nêu trên; bố cục đầy đủ, hành văn trôi chảy, rõ ràng, có dẫn chứng tiêu biểu, mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu.

– Điểm 3 – 4 : hiểu đề nhưng ý còn sơ sài, diễn đạt lủng củng, có dẫn chứng, mắc khá nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu..

– Điểm 1 – 2 : bài làm chung chung, diễn đạt lan man, không rõ ý, không nắm được yêu cầu của đề, mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 0 : bỏ giấy trắng hoặc hoàn toàn lạc đề.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *