Một bài thơ hay phải có khả năng làm cho người đọc xúc động. Hiếm hơn, chúng làm bạn bất ngờ, giật mình

Đề thi khối 10

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI 2022 – 2023

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG

NĂM 2022 – 2023

MÔN NGỮ VĂN 12

Thời gian: 180 phút, không kể thời gian phát đề

 Câu 1. (8,0 điểm)

Trong đêm tối.

Mẹ không sợ con không mở cửa phòng.

Mẹ chỉ sợ con không mở lòng, để nỗi buồn có khe hở – rời đi.

Con có thể khóa trái cửa nếu muốn một mình, một lúc nào đó.

Nhưng con ơi, đừng vặn chặt trái tim mình và khóa trái tổn thương

(Nín đi con – Lê Nguyễn Nhật Linh, NXB Văn hóa thông tin, 2014, tr.48-49)

Từ lời nhắn gửi của người mẹ dành cho con qua đoạn thơ trên, anh (chị) hãy viết bài văn nghị luận với chủ đề: Đối diện với tổn thương.

         Câu 2. (12,0 điểm)

Bàn về thơ, có ý kiến cho rằng: Một bài thơ hay phải có khả năng làm cho người đọc xúc động. Hiếm hơn, chúng làm bạn bất ngờ, giật mình.

(Thơ cần thiết cho ai, Nguyễn Đức Tùng, NXB Nhã Nam, tr.44)

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.

———————Hết———————

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG

NĂM 2022 – 2023

ĐÁP ÁN MÔN NGỮ VĂN 12

Thời gian: 180 phút, không kể thời gian phát đề

 

HƯỚNG DẪN CHẤM:

Câu Nội dung Điểm
 1

 

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài. 0,5
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đối diện với tổn thương. 1,0
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm rõ ràng, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, lựa chọn các dẫn chứng phù hợp

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo các ý sau:

* Giải thích   

khóa trái cửa, vặn chặt trái tim, khóa trái tổn thương: không chia sẻ, đóng khép tâm hồn, giấu kín, chôn chặt buồn bã, khổ đau.

mở cửa, mở lòng để nỗi buồn có khe hở – rời đi: mở rộng tâm hồn, sẻ chia, bày tỏ để những tổn thương trong lòng con người được vợi bớt, hóa giải.

è Lời nhắn gửi của người mẹ đã gợi nhiều suy nghĩ về cách con người đối diện với tổn thương.

* Bàn luận và bài học nhận thức, hành động   

– Cuộc sống luôn phong phú, phức tạp, đầy biến động. Bên cạnh niềm vui, hạnh phúc, con người còn phải đối diện với biết bao nỗi buồn, sự tổn thương. Tổn thương là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, việc đối diện với những tổn thương là điều tất yếu của con người.

– Con người cũng cần có những lúc một mình đối diện với tổn thương, để có được sự tĩnh lặng, lắng nghe tiếng nói tâm hồn, tự nhìn nhận lại bản thân. Hơn thế, khi đó con người còn có thể tôi luyện được bản lĩnh, ý chí, sự mạnh mẽ, tự chủ, độc lập… Nhưng nếu thiếu sự kết nối, chia sẻ, nếu khóa trái, vặn chặt tổn thương, con người cũng dễ bị thu mình lại, rơi vào trạng thái lạc lõng, cô độc; thậm chí trầm uất, bế tắc, bi quan.

– Mỗi người đều có những cách thức, lựa chọn khác nhau khi đối diện và bước qua tổn thương nhưng nên giải tỏa, cởi bỏ, tháo gỡ chứ không nên đóng khép, khóa kín. Khi giãi bày, mở lòng, con người có thể tìm thấy sự đồng cảm, thấu hiểu. Nỗi buồn, sự tổn thương có cơ hội được xoa dịu, giải phóng. Con người cảm nhận được tình yêu thương, giá trị của sự sẻ chia, tìm lại được niềm tin tưởng, có cái nhìn tích cực, lạc quan về cuộc sống… Sẻ chia, mở lòng để vượt thoát khỏi tổn thương, có được cảm xúc ổn định, thái độ tích cực, tư duy khoáng đạt, hành động nỗ lực.

– Mặt khác, tổn thương, đau đớn cũng có thể “mang tới những bài học bổ ích” (Franklin), giúp con người được trải nghiệm và trưởng thành. Tuy vậy, cần phân biệt mở lòng, giãi bày với than thở, kể lể, lệ thuộc, thụ động khi đối diện tổn thương.

5,0
d. Diễn đạt: Diễn đạt trong sáng, giàu sức biểu cảm; không mắc lỗi. 0,5
e. Sáng tạo: Có suy nghĩ độc đáo và kiến giải riêng; cách trình bày mới lạ. 1,0
2

 

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài. 0,5
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Quan niệm về thơ hay 1,0
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm rõ ràng, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, lựa chọn các dẫn chứng phù hợp

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo các ý sau:

* Giải thích

Bài thơ hay làm cho người đọc xúc động: sức lay động tình cảm, cảm xúc của con người trong thơ.

– Bài thơ hay làm người đọc bất ngờ, giật mình: những khám phá mới lạ, khác thường, riêng biệt, độc đáo, kích thích sự tò mò, thích thú của độc giả.

à Thơ hay là thơ đem đến những tác động thẩm mĩ tích cực, mạnh mẽ, sâu sắc cho độc giả.

* Bàn luận

– Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc. Mọi biểu hiện của cuộc sống được nói đến trong thơ đều gắn với tư tưởng, tâm hồn của con người. Thơ có sức lay động, lan tỏa mạnh mẽ, gợi sự đồng cảm sâu xa.

– Thơ dẫu là tiếng nói của tình cảm, điệu hồn thì cũng phải là thứ tình cảm, điệu hồn được cất lên từ cuộc đời và về cuộc đời. Bởi vậy, thơ còn thể hiện những trăn trở suy tư, những thông điệp triết lí nhân sinh sâu sắc, đem đến những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ, khiến người đọc có những khám phá, thức nhận, giác ngộ, làm cho người đọc phải “bất ngờ, giật mình”.

– Thơ hay không chỉ khiến người đọc “bất ngờ, giật mình” bởi chiều sâu của tư tưởng mà còn bởi những sáng tạo độc đáo của hình thức nghệ thuật. Bởi mỗi tác phẩm nghệ thuật chân chính “bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” (Leonit Leonop). Chính những đổi mới, cách tân về vần điệu, hình tượng, âm thanh,… đã đem đến những tác động mạnh mẽ cho người đọc.

– Ý kiến đã đặt ra yêu cầu đối với người làm thơ: phải mở lòng lắng nghe, giao cảm; có xúc cảm mãnh liệt, chân thành, có ý thức tìm tòi, đổi mới, sáng tạo,…

– Ý kiến đã đặt ra yêu cầu đối với người đọc thơ: phải biết rung cảm trước hiện thực đời sống được phản ánh trong thơ; đồng điệu với tâm hồn, trân trọng sự sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ. Trong quá trình khám phá tác phẩm, người đọc sẽ suy ngẫm, giải mã, phát hiện ra được vẻ đẹp bất ngờ, tinh tế của thơ ca.

* Thí sinh chọn các dẫn chứng phù hợp để minh chứng cho các lí lẽ trên.

9,0
  d. Diễn đạt: Diễn đạt trong sáng, giàu sức biểu cảm, không mắc lỗi. 0,5
e. Sáng tạo: Trình bày, diễn đạt có sự mới lạ; thể hiện quan điểm riêng, sâu sắc. 1,0
Tổng 20,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *