Bàn về con đường sáng tạo của nhà văn, NLXH chuyện con mèo dạy hải âu bay

Đề thi khối 10
ĐỀ KIỂM TRA
 

 

 

(Đề có 01 trang, gồm 02 câu)

            ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI LỚP 12

NĂM HỌC 2022 – 2023

Môn: Ngữ văn

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)                           

                          

ĐỀ:

            Câu 1 (8,0 điểm)

            Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Chi-lê Luis Sepúlveda kể về một câu chuyện đại ý như sau:

Có một cô hải âu tên là Kengal bị nhấn chìm trong váng dầu – thứ chất thải nguy hiểm mà những con người xấu xa bí mật đổ ra đại dương. Với nỗ lực đầy tuyệt vọng, cô bay vào bến cảng Hamburg và rơi xuống ban công của một con mèo mun to đùng, mập ú: Zorba. Trong phút cuối cuộc đời, cô sinh ra một quả trứng và con mèo mun hứa với cô sẽ thực hiện ba lời hứa chừng như không tưởng với loài mèo:

– Không ăn quả trứng.

– Chăm sóc cho tới khi nó nở.

– Dạy cho con hải âu bay.

Lời hứa của một con mèo cũng là trách nhiệm của toàn bộ mèo trên bến cảng. Bởi vậy, bè bạn của Zorba bao gồm ngài mèo Đại Tá đầy uy tín, mèo Secretario nhanh nhảu, mèo Einstein uyên bác, mèo Bốn Biển đầy kinh nghiệm đã chung sức giúp nó hoàn thành trách nhiệm. Tuy nhiên, việc chăm sóc, dạy dỗ một con hải âu đâu phải chuyện đùa, có hàng trăm rắc rối nảy sinh và cần có những kế hoạch đầy linh hoạt được bàn bạc kĩ càng… Và loài mèo đã thành công với nhiệm vụ đó.

“Tất cả chúng ta đều yêu con, Lucky. Và chúng ta yêu con bởi vì con là một con hải âu. Một con hải âu xinh đẹp. Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo… Con là một con chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của một con chim hải âu. Con phải bay… Nhờ con, chúng ta đã học được một điều đáng để tự hào: Chúng ta học được cách trân trọng, yêu mến và yêu thương một kẻ không giống chúng ta”.

Anh /chị suy nghĩ gì về ý nghĩa của câu chuyện và lời nói của chú mèo Zorba?

        Câu 2 (12,0 điểm)

Bàn về con đường sáng tạo của nhà văn, nhà phê bình Nguyễn Hữu Hiệu cho rằng:

Phải sống và nói về ĐỜI như một TOÀN THỂ, về TA như một thành phần và về TA như là TÂT CẢ, vô thủy, vô chung, hủy diệt và hồi sinh trong từng hơi thở.

                     (Nguyễn Hữu Hiệu, Con đường sáng tạo, NXB Trẻ, 2004).

 Bằng những hiểu biết và trải nghiệm về văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

            (Bản Đáp án và Hướng dẫn chấm gồm 05 trang)

HƯỚNG DẪN CHUNG

Bản Hướng dẫn chấm chỉ định hướng các yêu cầu cơ bản cần đạt của đề, Giám khảo cần nắm vững đáp án, biểu điểm để đánh giá hợp lí các mức độ năng lực của học sinh, tránh đếm ý cho điểm. Cần đánh giá cao tính sáng tạo và năng khiếu bộ môn của học sinh. Chấp nhận cách kiến giải khác với Hướng dẫn chấm nhưng hợp lí, thuyết phục, thể hiện được chính kiến riêng.

Giám khảo cần trân trọng cách trình bày, lập luận, giải quyết vấn đề sáng tạo, mang dấu ấn cá nhân của học sinh; chỉ cho điểm tối đa ở mỗi câu khi người viết trình bày đủ bố cục bài văn, đạt được cả hai yêu cầu về kĩ năng và kiến thức; kết cấu chặt chẽ, hành văn mạch lạc và không mắc các lỗi về ngữ pháp, dùng từ, chính tả.

Tổng điểm toàn bài: 20.0 điểm, điểm lẻ nhỏ nhất: 0.25 điểm.

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

Câu Nội dung Điểm
Câu 1

(NLXH)

  Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Chi-lê Luis Sepúlveda kể về một câu chuyện đại ý như sau:

(…)

     Anh/ chị suy nghĩ gì về ý nghĩa của câu chuyện và lời nói của chú mèo Zorba?

8.0
I. Yêu cầu về kĩ năng:

– Học sinh nắm chắc kĩ năng làm văn nghị luận về một vấn đề xã hội. Bài văn có kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, hoàn chỉnh, diễn đạt tốt; thể hiện được lối tư duy mạch lạc, sắc sảo của người viết qua câu chữ, hành văn; sáng tạo trong cách viết; không mắc các lỗi trình bày, diễn đạt.

– Học sinh tự do huy động vốn kiến thức và sự trải nghiệm của bản thân để giải quyết vấn đề một cách thấu đáo. Hướng trình bày có thể tự do song phải có lập luận chặt chẽ, thể hiện được chính kiến riêng, sâu sắc, độc đáo; thái độ đúng đắn, phù hợp với chuẩn mực đạo đức.

 
II. Yêu cầu về kiến thức:

Trên cơ sở năng lực nhận thức các vấn đề xã hội và trải nghiệm của bản thân, học sinh tự do trình bày quan điểm, chính kiến riêng. Bài viết có thể tập trung làm rõ một số ý chính sau:

 
1. Giải thích

– Nội dung của câu chuyện nói về vấn đề gì? Được biểu hiện như thế nào? (Câu chuyện nói về tình yêu thương vượt biên giới, vượt qua những khoảng cách của các chú mèo ở bến cảng Hamburg đối với một chú chim hải âu mồ côi mẹ đã giúp họ có được sức mạnh phi thường, nhẫn nại vượt qua khó khăn để làm được một việc tưởng chừng không tưởng với loài mèo: không ăn trứng hải âu, nuôi chú hải âu lớn và dạy hải âu bay.)

– Câu nói của chú mèo Zorba trong câu chuyện với chú chim hải âu có ý nghĩa gì?

+ Yêu thương một người khác mình thật không dễ nhưng không phải là không làm được, nếu ta có tình yêu thương thật sự vô tư, lòng hào hiệp, sự thành tâm và niềm tin vững chắc.

+ Yêu thương không có nghĩa là trói buộc, gò ép người ta sống như mình muốn mà để người ta sống đúng với bản chất, được phát huy giá trị thực sự của mình…

=> Câu chuyện hư cấu nhưng lại đánh thức ở con người những suy nghĩ sâu sắc về ý nghĩa của tình yêu thương: không chỉ yêu thương đồng loại mà cao hơn là yêu thương những người khác mình, thậm chí có thể là người không cùng lí tưởng, đối lập với mình.

2.0
2. Bàn luận – Chứng minh

– Biểu hiện của tình yêu thương và yêu thương những người không giống mình:

+ Sự quan tâm, sẻ chia niềm vui nỗi buồn, giúp đỡ lẫn nhau trước những thăng trầm của cuộc sống; dành cho nhau tình cảm cao thượng, tốt đẹp; đùm bọc, quan tâm đến nhau khi hoạn nạn, khó khăn …

+ Thể hiện tình cảm tốt đẹp với nhau một cách vô điều kiện, vượt qua mọi rào cản, hận thù, không có sự phân biệt thân sơ, sang hèn, sắc tộc, tôn giáo, quan điểm…

– Ý nghĩa, giá trị của tình yêu thương và yêu thương những người không giống mình:

+ Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, không ai có thể đơn độc tồn tại. Vì vậy cần yêu thương, gắn bó, sẻ chia với những người xung quanh.

+ Cho đi yêu thương, ta sẽ nhận lại yêu thương. Biết sống yêu thương sẽ tạo cơ hội để mỗi người hiểu thêm về sự rộng lớn của thế giới trái tim mình; độ lượng, nhân ái hơn trong những mối quan hệ với “người khác mình”, từ đó tạo lập cho bản thân một đời sống hạnh phúc, ý nghĩa.

+ Tình yêu thương làm cho con người xích lại gần nhau, nhân lên những giá trị tốt đẹp; nâng cao phẩm cách làm người; xóa nhòa những định kiến và giới hạn; tạo sức mạnh tinh thần giúp con người làm nên những điều phi thường kì diệu, xây dựng môi trường xã hội tốt đẹp, nhân văn.

+ Tình yêu thương những người không giống mình càng có ý nghĩa trong thời đại ngày nay, giữa một thế giới đa cực, nhiều khác biệt với những nguy cơ phân hóa, xung đột và chia rẽ.

(HS làm rõ bằng lập luận, dẫn chứng cụ thể)

3.5
3. Mở rộng – nâng cao

– Yêu thương người khác đôi khi là một việc khó khăn, nên rất cần sự bao dung, vị tha, thấu hiểu; yêu thương đòi hỏi phải được thể hiện một cách chân thành, thực lòng; tình yêu thương không dung nạp những biểu hiện toan tính, vụ lợi hoặc cố tỏ vẻ một cách giả tạo.

– Muốn yêu thương người khác, trước hết cần biết yêu thương, trân trọng chính bản thân mình; đồng thời trong những hoàn cảnh cụ thể, cần biết quên mình để yêu thương người khác.

– Phê phán những kẻ sống vô cảm, không có tình thương, sống vụ lợi, cá nhân ích kỉ hoặc đố kị, hằn thù…

(Học sinh có thể bàn luận, kiến giải bằng góc nhìn, quan điểm riêng về vấn đề)

1.5
4. Bài học nhận thức và hành động

   – Ý thức được giá trị của lối sống yêu thương sẻ chia, sống bao dung nhân ái, không chỉ yêu thương những người giống mình, thân yêu gần gũi mà phải yêu thương cả những người khác mình.

 – Có những hành động chân thành, cụ thể, thiết thực để thể hiện tình yêu thương trong đời sống.

1.0
Câu 2 Bàn về con đường sáng tạo của nhà văn, nhà phê bình Nguyễn Hữu Hiệu cho rằng:

Phải sống và nói về ĐỜI như một TOÀN THỂ, về TA như một thành phần và về TA như là TÂT CẢ, vô thủy, vô chung, hủy diệt và hồi sinh trong từng hơi thở.

(Nguyễn Hữu Hiệu, Con đường sáng tạo, NXB Trẻ, 2004).

 Bằng những hiểu biết và trải nghiệm về văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

12.0
I. Yêu cầu về kĩ năng

– Học sinh vận dụng phối hợp các thao tác lập luận tương ứng để trình bày, kiến giải một vấn đề về văn học.

– Học sinh được tự do huy động vốn kiến thức và sự trải nghiệm của bản thân về tiếp nhận văn học để giải quyết vấn đề một cách thấu đáo. Hướng trình bày có thể tự do song phải có lập luận chặt chẽ, lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục; thể hiện được tư duy nhạy bén, năng lực cảm thụ văn chương sâu sắc, mang tính phát hiện sáng tạo.

 
II. Yêu cầu về kiến thức

Bằng vốn tri thức và trải nghiệm văn học, học sinh cần tập trung làm rõ một số ý chính sau:

 
1. Giải thích

– “Phải sống và nói về ĐỜI như một TOÀN THỂ”: Nhà văn phải có sự trải nghiệm cuộc sống thật phong phú, sâu sắc và phải viết về cuộc sống, phản ánh hiện thực trong cái nhìn tổng thể, đa chiều, biện chứng chứ không phải đơn nhất, phiến diện. (như một TOÀN THỂ). (0,5 điểm)

– “Phải sống và nói về TA như một thành phần và về TA như là TÂT CẢ, vô thủy, vô chung, hủy diệt và hồi sinh trong từng hơi thở”: Những cảm xúc, tâm trạng, khát vọng của nhà văn được gợi lên trong tác phẩm là nỗi niềm riêng tư của chính nhà văn (TA như một thành phần) nhưng đó cũng là tiếng nói chung, là tâm tư và khát vọng của cộng đồng, nhân loại (TA như là TÂT CẢ). Những tâm tư và khát vọng ấy không chỉ diễn ra trong từng khoảng khắc của thực tại mà đồng vọng mãi trong mọi không gian, thời gian (vô thủy, vô chung, hủy diệt và hồi sinh trong từng hơi thở). (1,0 điểm)

→ Ý kiến bàn về vai trò, sứ mệnh của nhà văn trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, nhấn mạnh và đề cao sự trải nghiệm cũng như tầm nhìn, tầm tư tưởng của nhà văn trong vấn đề phản ánh hiện thực đời sống con người (chân thực, sâu sắc, toàn diện và nhân văn); có giá trị định hướng cho người viết khi sáng tác và người đọc khi tiếp nhận, lĩnh hội những giá trị đích thực của những tác phẩm văn học. (0,5 điểm)

   2.0
2. Chứng minh – Bàn luận

HS có thể trình bày nhiều cách, cơ bản là bàn luận được vấn đề và biết lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu, phân tích sâu để làm rõ những khía cạnh sau:

– Văn học phản ánh hiện thực thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Tác phẩm văn học trước hết là sự thể hiện thế giới tâm hồn người nghệ sĩ qua những trải nghiệm và chiêm nghiệm cuộc đời của chính anh ta. (TA như một thành phần) (3,0 điểm)

   – Nhà văn phải là người sống sâu với cuộc đời, tức là nhà văn phải thấu hiểu cả mọi ngõ ngách của cuộc đời, phải tận hiểu mọi cái biến thái từ vật chất đến con người, từ đồ vật đến động vật, từ tâm lí đến tình cảm… Nói chung nhà văn phải hòa nhập vào cuộc đời, phải thật sự nếm trải mọi buồn – vui, được – mất, diệt – sinh, hạnh phúc – khổ đau,… để thấu hiểu hết thảy mọi tâm tình, ẩn trắc, nỗi niềm, khát vọng của con người nói chung (TA như là TÂT CẢ). (3,0 điểm)

– Cuộc sống con người vốn phong phú, phức tạp với muôn vàn sắc thái và dạng vẻ khác nhau, hoặc tách rời, hoặc đan xen lẫn nhau: Tốt- xấu, thiện-ác, yêu-ghét, buồn-vui, khổ đau-hạnh phúc…. Nhà văn phản ánh cuộc sống con người cũng phải thể hiện cái nhìn đa chiều, toàn diện với mục đích là hướng tới những giá trị Chân – Thiện – Mĩ, mang đến cho tác phẩm của mình giá trị nhân văn sâu sắc, trường tồn trong mọi không gian, thời gian. (2,0 điểm)

       (Học sinh phân tích các dẫn chứng cụ thể để chứng minh)

  8.0
3.  Đánh giá mở rộng, nâng cao

    – Khẳng định ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Hữu Hiệu là đúng đắn, giúp ta hiểu rõ về đặc trưng, bản chất của văn học nghệ thuật và sứ mệnh của nhà văn trong quá trình sáng tạo. (1,0 điểm)

– Bài học đối với người sáng tác và tiếp nhận: (1,0 điểm)

+ Đối với người nghệ sĩ: Muốn khẳng định giá trị tác phẩm của mình, phải có vốn sống và sự trải nghiệm phong phú, có cảm nhận tinh tế, sâu sắc về con người và cuộc sống, phải luôn có trách nhiệm với ngòi bút, trau dồi tài và tâm.

+ Đối với người tiếp nhận: Trau dồi vốn sống, sự hiểu biết về cuộc sống và thông qua những trải nghiệm cuộc sống của chính mình để cảm nhận, hiểu được chiều sâu tư tưởng của tác phẩm; trân trọng nhân cách và tài năng của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.

  2.0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *