Đọc hiểu Tôi tài giỏi, bạn cũng thế,phong cách viết kí tài hoa, độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân trong Cô Tô

Đề thi khối 11

ĐỌC HIỂU:

Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi:

     (1)Người thành công luôn chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ tin rằng dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, họ là một phần nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ: nếu họ thi trượt, đó là lỗi của họ. Nếu không được cha mẹ tin tưởng, đó là lỗi của họ. Nếu phải vào lớp tệ hại nhất, đó là lỗi của họ. Nếu trở thành một học sinh xuất sắc, đó cũng là nhờ nỗ lực của họ. Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn. Nếu bạn tin rằng bạn là nguyên do của mọi chuyện, bạn sẽ có khả năng thay đổi và cải thiện mọi chuyên. Nói một cách đơn giản, bạn làm chủ cuộc sống của chính bạn.

     (2)[…] Những kẻ thất bại bao giờ cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người ngoại trừ bản thân họ. Họ đổ thừa thầy cô giảng bài nhàm chán, đổ thừa kỳ thi quá khó, đổ thừa bạn bè làm họ xao nhãng việc học, đổ thừa cha mẹ suốt ngày cằn nhằn họ. Tệ hại hơn cả, một số học sinh còn tự lừa dối bản thân rằng mọi việc cũng không đến nỗi quá tệ, rằng môn Toán của họ cũng không tệ đến thế, rằng thực chất họ học hành rất chăm chỉ… trong khi tự đáy lòng, họ biết rõ những điều đó không phải là sự thật. “Những người và những việc xung quanh mình khiến mình thất bại”. Suy nghĩ đó khiến bạn trở thành nạn nhân bất lực, không thể thay đổi được cuộc sổng.

(Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, Adam Khoo, NXB Phụ nữ, 2013)

Câu 1. Điểm khác biệt giữa người thành công và kẻ thất bại mà văn bản đề cập là gì?

Câu 2. Tác giả bài viết có quan điểm như thế nào về người sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm về bản thân?

Câu 3. Theo em, việc tác giả đưa ra ví dụ ở đoạn (1) có tác dụng gì?

Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu sau: Họ đổ thừa thầy cô giảng bài nhàm chán, đổ thừa kỳ thi quá khó, đổ thừa bạn bè làm họ xao nhãng việc học, đổ thừa cha mẹ suốt ngày cằn nhằn họ.

Câu 5. Qua văn bản trên, em rút ra cho mình bài học gì? Giải thích ngắn gọn lí do lựa chọn bài học đó.

  1. Viết văn:

Câu 1. Từ văn bản đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn 200 chữ làm rõ ý kiến: sống trách nhiệm để thành công.

Câu 2. Cho đoạn trích sau

[…]Nước bể Cô Tô sao chiều nay nó xanh quá quắt đến như vậy? Ai dám bảo rằng mình đã thuộc tên của hết thảy loài cá trên khắp biển lớn biển con? Ai đã ghi chép cho hết những hình trang trí trên mình cá? Cái màu xanh luôn luôn biến đổi của nước biển chiều nay trên biển  như là thử thách cái vốn từ vị của mỗi đứa tôi đang nổi gió trong lòng. Biển xanh như gì nhỉ? Xanh như lá chuối non? Xanh như lá chuối già? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng? Nước biển Cô Tô đang đổi từ vẻ xanh này sang vẻ xanh khác. Nó xanh như cái màu áo Kim Trọng trong tiết Thanh Minh? Đúng một phần thôi. Bởi vì con sóng vừa dội lên kia đã gia giảm thêm một chút gì, đã pha biến sang màu khác. Thế thì nước biển xanh như cái vạt áo nước mắt của ông quan Tư mã nghe đàn tỳ bà trên con sóng Giang Châu thì có đúng không? Chưa được ư? Thế thì nó xanh như một màu áo cưới, được không? Hay là nói thế này: nước biển chiều nay xanh như một trang sử của loài người, lúc con người còn phải viết vào thân tre? Nghe hơi trừu tượng phải không? Mà kìa, nhìn cho kỹ mà xem, nước biển đang xanh cái màu xanh dầu xăng của những người thiếu quê hương. Cũng không phải là sợ lai căng, nhưng nghe nó vẫn chưa trúng vẫn chưa được ổn phải không? Sóng cứ kế tiếp cái xanh muôn vẻ mới, và nắng chiều luôn luôn thay màu cho sóng. Mà chữ thì không tài nào tuôn ra kịp được với nhịp sóng. Đua với sóng, thì chỉ có mà thua thôi. Chao ôi, nước biển  chiều nay xanh cái màu xanh của ngọc bích. Hoặc là chao ôi, nó xanh như một niềm hy vọng trên cửa biển. Nghe nó lại càng chung chung; chưa sướng gì, nhưng thôi hãy tạm khoanh lại đó đã. Thuyền đã bắt đầu lượn vòng vào Bắc Loan Đầu. Đảo Lò Hương hồng lên cái nắng sắp hết một ngày thứ năm của tôi trên đất Cô Tô. Ở hợp tác xã Bắc Loan Đầu, gặp lại hầu hết cả đoàn, từ hôm xé lẻ ra mỗi tổ đi một nơi. Trông anh chị em đều vui vẻ, người nào cũng như tìm thêm được triển vọng cho sự sống giầu đẹp của quần đảo.

Mặt trời lại rọi lên ngày thứ sáu của tôi trên đảo Thanh Luân một cách thật quá là đầy đủ. Tôi dậy từ canh tư. Còn tối đất, cố đi mãi trên đá đầu sư, ra thấu đầu mũi đảo. Và ngồi đó rình mặt trời lên. Điều tôi dự đoán, thật là không sai. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển ửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông. Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén. Một con hải âu bay ngang, là là nhịp cánh. Cánh hải âu Cô Tô huyền diệu trong sương thu vầng hồng gợi tôi vụt nhớ đến hải âu bên trời Liên Xô. “Hải âu”, tên một vở kịch của Sêkhốp đáng yêu. Và “Hải âu”, bí danh của chị phi công Valăngtina Têrếchkôva đáng quý, khi chị đi công tác vào vũ trụ liền trong mấy đêm mấy ngày.[…]

(Trích Cô Tô(1) – Nguyễn Tuân)

(1) Tóm tắt tác phẩm: Trong tác phẩm kí “Cô Tô”, tác giả Nguyễn Tuân quan sát và cảm nhận trận bão bằng những giác quan. Cơn bão giống như một kẻ thù đang dàn trận để đánh bại con người. Sau trận bão, quần đảo Cô Tô trở lên trong sáng hơn. Cây cối thêm xanh, nước biển đậm đà hơn, cát vàng giòn hơn, cá nhiều hơn. Mặt trời mọc giống như lòng một quả trứng. Khung cảnh mặt trời mọc trên biển thật tráng lệ, hùng vĩ. Bên giếng nước ngọt đảo Thanh Luân, người dân tấp nập gánh nước để chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên của quần đảo Cô Tô trong đoạn trích trên. Qua đoạn trích, em hãy nhận xét phong cách viết kí tài hoa, độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân

ĐÁP ÁN

  1. ĐỌC HIỂU:

Câu 1: Điểm khác biệt giữa người thành công và kẻ thất bại là

– Người thành công luôn chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ.

– Kẻ thất bại bao giờ cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người ngoại trừ bản thân họ.

Câu 2: Theo tác giả người nhận lãnh trách nhiệm về bản thân là người có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn

Câu 3: Việc đưa ra các ví dụ trong đoạn (1) có tác dụng:

– Chứng minh cho vấn đề cần nghị luận: Người thành công luôn tự chịu trách nhiệm về mình

– Làm tăng sức thuyết phục đối với người đọc, người nghe.

Câu 4:

– Biện pháp tu từ: Điệp từ (“Đổ thừa” được lặp lại 4 lần trong câu văn).

– Tác dụng: Nhấn mạnh hành vi thường thấy của kẻ thất bại.

Câu 5: HS căn cứ vào nội dung văn bản để rút ra cho mình bài học phù hợp và có ý nghĩa rồi giải thích lí do lựa chọn

GỢI Ý:

– Khi làm sai việc gì cần chủ động nhận lỗi

– Không nên đổ thừa cho người khác hoặc cho hoàn cảnh khi gặp thất bại

  1. Viết văn:

Câu 1:

– Giải thích vấn đề:

+ Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ bổn phận đối với xã hội, gia đình, bản thân… dám chịu trách nhiệm trước những hành động của bản thân.

+ Thành công là khi con người đạt được những mục tiêu mà mình đề ra.

=> Ý kiến khẳng định con người sống có trách nhiệm thì sẽ thành công.

– Chứng minh nhận định:

+ Khi con người sống có trách nhiệm, con người sẽ dần hoàn thiện bản thân mình hơn nhờ sự nỗ lực và cầu tiến => Đó chính là chìa khóa dẫn tới thành công.

+ Sống có trách nhiệm, chúng ta sẽ được mọi người yêu quý, tin tưởng, giúp đỡ => Đó là cơ hội để chúng ta thành công.

(Lấy dẫn chứng từ thực tế cuộc sống để làm sáng tỏ cho nhận định)

– Mở rộng vấn đề:

+ Phê phán những kẻ sống thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, thường xuyên không hoàn thành công việc được giao phó.

+ Bài học: ý thức việc sống có trách nhiệm là một phần của sự thành công trong cuộc sống từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong mọi công việc, cố gắng hoàn thành mọi công việc được giao phó một cách tốt nhất.

Câu 2:

  1. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:

+ Nhà văn Nguyễn Tuân: Nguyễn Tuân có những đóng góp không nhỏ đối với nền văn học Việt Nam hiện đại đó là thúc đẩy thể tùy bút, bút kí đạt tới trình độ nghệ thuật cao, góp phần làm phong phú cho ngôn ngữ văn học của dân tộc.

+ Hoàn cảnh ra đời, nội dung của tác phẩm: Tác phẩm ghi lại những ấn tượng về thiên nhiên, con người lao động ở vùng đảo Cô Tô mà nhà văn Nguyễn Tuân thu nhận được trong chuyến ra thăm đảo.

– Nêu vấn đề nghị luận: Đoạn trích miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên ở quần đảo Cô Tô sau bão. Quan đoạn trích nhà văn Nguyễn Tuân bộc lộ một phong cách viết kí tài hoa, độc đáo.

– Trích dẫn văn bản.

  1. Thân bài:

* Khái quát về tác phẩm, đoạn trích:

– Tóm tắt tác phẩm

– Khái quát về đoạn trích:

+ Vị trí: nằm ở gần cuối tác phẩm.

+ Nội dung: đoạn trích miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên biển đảo Cô Tô và bộc lộ cảm xúc của tác giả trước vẻ đẹp đó.

* Cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên trong đoạn trích:

– Màu xanh của nước biển Cô Tô được tác giả cảm nhận trong sự đa dạng:

+ Màu xanh của nước biển làm tác giả trầm trồ, ngạc nhiên: Nước bể Cô Tô sao chiều nay nó xanh quá quắt đến như vậy? => Không chỉ xanh mà còn có hồn.

+ Sắc xanh của nước biển Cô Tô khiến người thăm đảo phải băn khoăn vì nó luôn biến đổi từ cái vẻ xanh này sang vẻ xanh khác: Cái màu xanh luôn luôn biến đổi của nước biển chiều nay trên biển  như là thử thách cái vốn từ vị của mỗi đứa tôi đang nổi gió trong lòng.

+ Tác giả dùng liên tiếp hững câu văn so sánh để miêu tả về sắc xanh gợi cảm của nước biển Cô Tô: Xanh như lá chuối non? Xanh như lá chuối già? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng?

+ Màu xanh nước biển được so sánh vừa cụ thể vừa trừu tượng: xanh như màu áo Kim Trọng trong tiết thanh minh, xanh như màu áo của quan Tư mã lúc nghe đánh đàn tì bà, xanh như màu áo cưới và xanh như sử xanh của loài người.

+ Màu xanh của biển được miêu tả không chỉ mang màu sắc lãng mạn mà còn rất đời thường, gắn với cuộc sống lao động của nhân dân trên đảo: nước biển đang xanh cái màu xanh dầu xăng của những người thiếu quê hương.

+ Màu xanh của nước biển không chỉ làm tác giả ngạc nhiên, mà còn say mê: Chao ôi, nước biển  chiều nay xanh cái màu xanh của ngọc bích. Hoặc là chao ôi, nó xanh như một niềm hy vọng trên cửa biển.=> Những câu văn cảm thán trực tiếp bộc lộ niềm phấn khích của tác giả khi được thưởng lãm màu xanh của biển.

– Cảnh mặt trời mọc trên đảo làm nên một vẻ đẹp riêng của Cô Tô, khiến nhiều người khao khát chiêm ngưỡng:

+ Với nghệ thuật so sánh liên tưởng độc đáo, Nguyễn Tuân đã mang đến cho người đọc một cảnh tượng thiên nhiên kì thú: Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn.

+ Sau trận bão, cảnh tượng mặt trời mọc từ biển như trở nên đẹp hơn, bởi sự liên tưởng hết sức thú vị và độc đáo của tác giả: Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển ửng hồng.=> Tác giả liên tưởng mặt trời như quả trứng hồng khổng lồ được đặt trên một cái mâm bạc khổng lồ là mặt biển rộng lớn.

+ Cảnh tượng mặt trời mọc từ biển trong cảm nhận của tác giả chẳng khác nào một lễ phẩm từ thiên nhiên: Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông.

– Vẻ đẹp thiên nhiên của biển đảo được tô điểm bởi hình ảnh của những con thuyền và những chú chim hải âu:

+ Những con thuyền trên biển giống như cánh nhạn chao nghiêng, lượn đi lượn lại trên chiếc mâm bạc khổng lồ: Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén.

+ Những cánh chim hải âu trên biển Cô Tô gợi những liên tưởng xa xôi: “Hải âu”, tên một vở kịch của Sêkhốp đáng yêu. Và “Hải âu”, bí danh của chị phi công Valăngtina Têrếchkôva đáng quý, khi chị đi công tác vào vũ trụ liền trong mấy đêm mấy ngày.

* Những nét nghệ thuật đặc sắc của đoạn trích:

– Tác giả kết hợp miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên với bộc lộ cảm xúc, khi thì trực tiếp, khi thì gián tiếp.

– Văn phong mượt mà đậm chất lãng mạn.

– Kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật như so sánh, liệt kê, dùng câu hỏi tu từ để miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên trên đảo.

* Nhận xét phong cách viết kí tài hoa, độc đáo của nhà văn:

– Phong cách nghệ thuật là những dấu ấn độc đáo của nhà văn, nhà thơ trong những sáng tác của mình. Phong cách viết kí của Nguyễn Tuân có sự độc đáo bởi bao giờ nhà văn cũng nhìn thiên nhiên dưới góc độ thẩm mỹ, khám phá vẻ đẹp con người ở phương diện tài hoa. Ông còn vận dụng những am hiểu sâu sắc về nhiều lĩnh vực khác nhau để viết kí.

– Biểu hiện phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua đoạn trích:

+ Tác giả có cái nhìn rất riêng, rất độc đáo về thiên nhiên biển đảo Cô Tô.

+ Nguyễn Tuân là nhà văn của những cảm xúc mãnh liệt, vì vậy trong đoạn trích này cảm xúc của nhà văn trào dâng mạnh mẽ qua những những dòng văn đầy cảm xúc và những câu hỏi tu từ.

+ Nhà văn vận dụng những am hiểu sâu sắc về văn học khi miêu tả, liên tưởng sắc xanh của biển.

+ Đoạn trích cho thấy những am hiểu sâu sắc của nhà văn không chỉ ở lĩnh vực văn học mà còn ở lĩnh vực xã hội.

– Nhận xét: Qua phong cách tài hoa, uyên bác, Nguyễn Tuân cho thấy ông là nhà văn có ý thức tự khẳng định cá tính độc đáo của mình, là người một lòng yêu quê hương đất nước tha thiết.

  1. Kết bài: Đánh giá chung về đoạn trích, giá trị tác phẩm và tài năng viết kí của nhà văn.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *