Đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu.Nghị luận Mùa xuân trên Tây Bắc – Nguyễn Tuân

Đề thi khối 11

PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi :

Đam mê là điều cần thiết để thành công. Vì sự nhiệt huyết, niềm say mê trong lúc ta làm điều mình yêu thích, sẽ giúp ta vượt qua khó khăn dễ dàng hơn. Nhưng đừng nghĩ rằng chỉ cần có được đam mê thì sẽ thành công. Vì sao? Là một người lựa chọn sống với đam mê, tôi nhận ra rằng: Nếu có đam mê mà không kiên trì nỗ lực thì làm gì cũng sẽ thất bại. Bất kì công việc nào cũng sẽ có điểm mình thích, điểm mình không thích. Ngay cả khi đang làm công việc mà mình đam mê thì cũng có những ngày cực kì hứng khởi và những quãng thời gian với vô vàn khó khăn. Những thử thách trong bất kì công việc nào cũng đều tồn tại. Điều quan trọng là cam kết với việc mình làm. Cam kết để đẩy mình qua những khoảng thời gian khó khăn. Cam kết để dốc hết sức mình vượt lên trở ngại. Cam kết để ráng thêm chút  nữa ngay cả khi đã rã rời.

          Đam mê là cái ban đầu. Nhưng ý chí, nghị lực vượt khó, sự kiên trì của bản thân là những nguyên liệu khác của chiếc bánh thành công. Đam mê cũng không phải tự dưng mà có. Nó là điểm giao thoa giữa sở thích và tiềm năng. Từ hai chất xúc tác đó, người ta tiếp tục cọ xát, mài giũa, học tập trau dồi, tìm kiếm cơ hội, làm việc, thực hành… Đến một lúc nào đó nó sẽ phát triển thành thiên hướng nghề nghiệp của con người. Nếu có đam mê, nhưng không rèn luyện thì tiềm năng chẳng bao giờ hé nở.

     (Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? – Rosie Nguyễn, NXB Hội Nhà văn 2018)

Câu 1. Theo tác giả bài viết, “chiếc bánh thành công” được tạo ra từ những nguyên liệu nào?

Câu 2. Căn cứ vào nôi dung bài viết, em hãy cho biết làm thế nào để phát huy tiềm năng của con người?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn văn sau: Điều quan trọng là cam kết với việc mình làm. Cam kết để đẩy mình qua những khoảng thời gian khó khăn. Cam kết để dốc hết sức mình vượt lên trở ngại. Cam kết để ráng thêm chút  nữa ngay cả khi đã rã rời.”

Câu 4. Khi con người làm việc mà không có niềm đam mê, theo em điều gì có thể xảy ra?

Câu 5. Em hãy rút ra cho mình một thông điệp có ý nghĩa từ nội dung văn bản và giải thích lí do lựa chọn thông điệp đó.

  1. PHẦN VIẾT VĂN:

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của mình về ý vai trò của niềm đam mê trong cuộc sống.

Câu 2.  Cho đoạn trích sau

[…]Núi rùng Sơn La, có rất nhiều thứ cây khác nhau nhưng đến dộ cuối thu sang đông thì đều nhất trí với nhau mà chuyển sang thành một rừng lá đỏ, trông như là máu cán bộ và máu nhân dân quệt vương lên cây cỏ. Trong số những cây chuyển sang lá đỏ, có cây mảy noi trông hao hao cây tre miền xuôi. Những vệt đỏ mảy noi và nhiều thứ lá đỏ khác của rừng Sơn La nay đã trở nên vui hơn, cái màu đỏ lá rừng trông in hệt cái màu gạch mấy triệu viên đợt đầu của công trường gạch ngói Bản Giàng đang dỡ lò.

Tôi đến thăm di tích lịch sử Sơn La, tiếc không phái là nhà điện ảnh quay phim màu. Hôm ấy là chiều ba mươi Tết dương lịch, những gốc đào Tô Hiệu đang reo gió đông và đang hớn hở nhìn xuống cả một vùng công trường bụi hồng khói trắng. Đồng chí Tô Hiệu giồng đào trong hành lang nhà ngục cách đây gần hai mươi năm. Thôi Hiệu nhà Đường có làm thơ; còn đồng chí Tô Hiệu chúng ta có làm bài thơ nào ghi vào mực đen giấy trắng hay không thì tôi cũng chưa rõ; nhưng cái động tác cắm gốc đào lên đất tù, giồng đào trong ngục tối, cái đó là một câu thơ đẹp và rất biện chứng. Tôi nghĩ rằng người trồng cây hoa không bình thường kia là một tâm hồn có cái phong cách của một nhà thơ lớn. Cũng nhắc đến Son La ngày trước, có đổng chí chỉ mới thấy có “núi khuất sương mù, lá vù gió suối”, trong khi cùng quằn quại giữa ngục tù thì lại có đồng chí khác có một cái nhỡn quan sâu lắng hơn và ghi lại bằng cánh hoa đào của tương lai, tức lá hoa cây đào của khu vực giồng giọt Sơn La-Nà Sản hôm nay. Tôi nghĩ rằng cái khía cạnh trữ tình cách mạng ấy cũng là một cái cốt cách của hiện thực xã hội chủ nghĩa ờ Tây Bắc và khắp nơi.

Thật vậy, Tây Bắc vẫn là cái quê hương cùa chủ nghĩa lãng mạn. Người Thái Mèo chính quê Tây Bẳc và người Kinh lên đoàn kết với nhân dân khu tự trị củng xây dựng Tây Bắc cho núi rừng miền Tây tươi thêm và sáng mãi lên, đều là có cái căn bản lãng mạn cả.

Ngày xưa, nhân dân Thái dằng dặc một niềm trữ tình gửi vào cái đài kiến trúc văn học Sống chụ son sao với một ngàn sáu trăm câu thơ tiễn đưa dặn dò người yêu. Cũng dằng dặc màu trữ tình là những cổ tích thần thoại và câu hát của người Mèo yêu nghĩa khí, của những người Mèo sống phóng khoáng quen với những đỉnh cao của cuộc đời, của những người Mèo quen thấy mặt giời mọc trước hết mọi dân tộc khác và cũng là những người tiễn mặt trời lặn sau hết tất cả mọi người khác.

Ngày xưa là như vậy mà ngày nay Tây Bắc càng gấp bội bừng bừng lên cái chất lãng mạn yêu đời. Ở Lai Châu tôi đã thấy người ta cấy gặt hai mùa. Ở Lai Châu ì ạch nhất vể phong trào phụ nữ bình quyền bình đẳng với đàn ông về mặt lao động sáng tạo, rất nhiều chị Thái trắng đã đánh đá, gánh đá, cuốc đá để dựng những công trình thủy nông lấy nước suối tưới ruộng bằng. Chiến sĩ số một của công trường Phiêng Thin là một cô thanh nữ Thái trắng mười sáu tuổi: cô Điều Thị Doọng, người Chiềng Nưa, nhà nghèo khổ nhưng rất giàu có về nhiệt tình lao động. Thường các chị em khác ở công trường chỉ mới tập xúc bằng xẻng và khiêng ki, nhưng cô Doọng đã cầm hẳn xà beng lách sắt vào vỉa đá mà bẩy đá mica sít. Chị chở đò công trường trên Nậm Na mà bận thì cô Doọng lại chở đò luôn. Đò ngang, đò dọc, cô Doọng đều chở nặng chở nhanh, mà giỏi hơn nữa, cô lại cầm chèo mà lái ở phía đuôi cá quẫy nơi sau thuyền. Bên cạnh cô chiến sĩ thanh nữ trong trắng Doọng là rất nhiều phụ nữ Thái khác, cả những chị Thái trắng trước đây bị ép làm vợ Tây, vợ lính cũng đang lên tất cả mặt rừng, mặt đường, mặt nương và phấn khởi lấy lao động “cứu quốc” ra làm cái cơ sở để mà hoàn lương. Có nhiều chị đã bị đế quốc đưa tàu bay đi xòe ở Sài Gòn rồi Điện Biên, và đã được ta giải phóng cho sau cái xuân khói lưa Điện Biên Phủ ấy. Nhiều chị dân công xúc khỏe, cuốc khỏe, khiêng khỏe. Hình như hễ nhắc đến phụ nữ Thái trắng là không ai bảo ai đều nhất tề mà hình dung ngay ra một cô xòe múa đang động viên sự sống bằng chân tay uyển chuyển. Hôm nay trong cuộc sống mới, chính những cô xòe ấy lại trực tiếp bắt tay vào xây dựng đất nước Tây Bắc! Trên mặt ghềnh, nắng núi tan sương tỏa xuống những chăn hoa nệm gấm các chị đem theo lên công trường. Nhưng chính giữa công trường này, cánh tay bắp thịt cuộn sóng thừng các chị cũng đang dệt những đường tơ mới, cho những tấm thổ cẩm mới. Trong chuyến đi Tây Bắc, tôi càng thấy cái quán triệt lớn lao của chính sách đối với các dân tộc ở Tây Bắc của Đảng. Các dân tộc nhiều người ít người cầm tay nhau cho chặt mà giữ gìn đất nước chung, và giúp đỡ nhau làm cho giàu đẹp thêm mãi lên cái cúa hương hỏa chung ấy. Theo chỗ tôi được biết, thì cái khối người Thái ở Việt Nam, ở Trung Quốc, ở Lào, ớ Xiêm, ở Miến Điện lên tới 50 triệu và riêng ở Tây Bắc nước ta thì anh chị em đồng bào Thái trắng, Thái đen được gần 20 vạn. Nếu trong cuộc sống của Tây Bắc nói chung mà cuộc sông riêng của đồng báo Thái trắng, Thái đen được tươi sáng rạng rỡ mãi lên, thì nhất định sẽ dội hưởng vào cả cái khối 50 triệu to lớn ấy. Gian lao thay! mà cũng vinh quang vậy thay![…]

(Trích Mùa xuân trên Tây Bắc – Nguyễn Tuân)

Cảm nhận của em về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc qua đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về cái nhìn của nhà văn về mảnh đất Tây Bắc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐÁP ÁN

  1. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1: Chiếc bánh thành công được tạo ra từ niềm đam mê kết hợp với ý chí, nghị lực vượt khó và sự kiên trì của con người.

Câu 2: Muốn phát huy tiềm năng, con người cần có sự đam mê và chăm chỉ rèn luyện.

Câu 3:

– Biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu văn đó là điệp cấu trúc (hoặc điệp ngữ): Cam kết để…

– Tác dụng:

+ Tạo ra sự nhịp nhàng, uyển chuyển trong lời văn

+ Nhấn mạnh quyết tâm tối đa và sự nỗ lực hết khả năng của mình để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Câu 4: Khi con người làm việc mà không có niềm đam mê sẽ có thể dẫn đến những hậu quả sau:

– Nhanh chán đối với công việc mình đang làm dẫn đến bỏ dở công việc.

– Thiếu đi sự sáng tạo trong công việc, từ đó dẫn đến làm việc kém hiệu quả.

Câu 5: HS căn cứ vào nội dung văn bản để rút ra cho mình thông điệp phù hợp và có ý nghĩa rồi giải thích lí do lựa chọn

GỢI Ý:

– Đam mê là yếu tố giúp con người thành công

– Cần kết hợp giữa đam mê và hành động để phát huy tiềm năng

– Hãy theo đuổi đam mê chân chính

  1. PHẦN VIẾT VĂN:

Câu 1:

– Giải thích vấn đề:

+ Đam mê là lòng yêu thích, say mê với một việc gì đó.

+ Đam mê khác với viển vông, nghĩ đến những điều quá xa vời với khả năng của bản thân, theo đuổi đam mê cũng khác với những kẻ dùng mọi thủ đoạn để thực hiện đam mê.

+ Đam mê có hai xu hướng là tích cực và tiêu cực: Đam mê tích cực giúp con người phát triển bản thân, còn đam mê tiêu cực làm hại con người(người ta gọi đam mê này là đam mê mù quáng).

– Phân tích ý nghĩa của những đam mê tích cực trong cuộc sống:

+ Có đam mê giúp con người có động lực để theo đuổi một công việc, một lí tưởng nào đó.

+ Khi gặp khó khăn, sự đam mê sẽ giúp ta có ý chí để tìm cách vượt qua, tránh được sự gục ngã hay từ bỏ.

+ Lòng đam mê giúp ta bản lĩnh hơn, tập trung hơn với công việc, nhờ vậy ta dễ thành công hơn.

– Phê phán:

+ Những người sống thiếu đi đam mê tích cực, làm việc gì cũng hay chán nản dễ bỏ cuộc.

+ Những người có những đam mê mù quáng làm hại chính mình như đam mê trai gái, đam mê hút chích, đam mê cờ bạc…

– Bài học nhận thức và hành động:

+ Mỗi người cần có một đam mê lành mạnh phù hợp với chính mình, không đi ngược với luân thường đạo lí, không trái pháp luật.

+ Mỗi người cần kiên trì hành động để theo đuổi đam mê của bản thân.

Câu 2:

  1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Tuân và bài kí “Mùa xuân trên Tây Bắc”

– Nêu vấn đề nghị luận: Đoạn trích khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên và con người của vùng đất Tây Bắc. Qua đoạn trích, nhà văn Nguyễn Tuân thể hiện cái nhìn mang tính phát hiện về thiên nhiên và con người nơi đây.

– Trích dẫn văn bản.

  1. Thân bài:

* Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc:

– Cuối thu sang đông, núi rừng Sơn La chuyển sang một màu đỏ bạt ngàn:

+ Màu đỏ của lá rừng được so sánh với màu đỏ của máu cán bộ, máu nhân dân quệt vương trên cây cỏ => Cách so sánh này của Nguyễn Tuân vô cùng độc đáo bởi nhà văn không chỉ miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc mà còn muốn tri ân những con người đã ngã xuống vì mảnh đất này.

+ Tác giả sử dụng hình ảnh cây mảy noi, đặc trưng của núi rừng Tây Bắc để tôn vinh cái màu đỏ đậm chất sử thi của núi rừng Tây Bắc: Trong số những cây chuyển sang lá đỏ, có cây mảy noi trông hao hao cây tre miền xuôi.  

+ Cây lá núi rừng Tây Bắc trong cảm nhận của tác giả có linh hồn, cũng vui hơn trong không khí tự do: Những vệt đỏ mảy noi và nhiều thứ lá đỏ khác của rừng Sơn La nay đã trở nên vui hơn, cái màu đỏ lá rừng trông in hệt cái màu gạch mấy triệu viên đợt đầu của công trường gạch ngói Bản Giàng đang dỡ lò. => Màu đỏ của lá rừng còn được so sánh với màu đỏ của những viên gạch mới ra lò, đó là màu của niềm vui lao động.

– Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc được tô điểm bởi hình ảnh cây hoa đào Tô Hiệu đón xuân:

+ Những gốc đào Tô Hiệu được tác giả thổi hồn vào bỗng trở nên có sức sống: Hôm ấy là chiều ba mươi Tết dương lịch, những gốc đào Tô Hiệu đang reo gió đông vã đang hớn hở nhìn xuống cả một vùng công trường bụi hồng khói trắng.

+ Những gốc đào đón xuân gợi nghĩ đến thơ đường, gợi nghĩ đến nhà cách mạng Tô Hiệu.

* Vẻ đẹp con người Tây Bắc:

– Vẻ đẹp tâm hồn:

+ Người Thái giàu tình nghĩa, họ gửi gắm tình cảm thủy chung trong lâu đài kiến trúc văn học: nhân dân Thái dằng dặc một niềm trữ tình gửi vào cái đài kiến trúc văn học Sống chụ son sao với một ngàn sáu trăm câu thơ tiễn đưa dặn dò người yêu.

+ Người Mèo sống mạnh mẽ, phóng khoáng và đầy nghĩa khí

– Vẻ đẹp thể chất:

+ Vẻ đẹp con người Tây Bắc được khắc họa qua hình ảnh những người phụ nữ Thái yêu lao động, khát khao khẳng định bản thân: rất nhiều chị Thái trắng đã đánh đá, gánh đá, cuốc đá để dựng những công trình thủy nông lấy nước suối tưới ruộng bằng.

+ Tác giả khắc họa hình tượng nhân vật Điều Thị Doọng như một minh chứng về vẻ đẹp thể chất và tình yêu lao động của đồng bào Thái: cô tuy còn ít tuổi nhưng có thể làm được nhiều việc, kể cả những công việc nặng nhọc, vất vả, đòi hỏi sức vóc đàn ông.

* Về nghệ thuật:

– Bài kí có những so sánh liên tưởng thú vị, độc đáo

– Kết hợp giữa bút pháp lãng mạn và hiện thực

– Tác giả vận dụng kết hợp những tri thức về lịch sử, địa lí và văn hóa trong bài viết

* Nhận xét cái nhìn về mảnh đất Tây Bắc của nhà văn:

– Tác giả bộc lộ cái nhìn mang tính phát hiện về mảnh đất Tây Bắc:

+ Trong cái nhìn của tác giả về mảnh đất Tây Bắc, thiên nhiên nơi đây hiện ra gợi cảm, thơ mộng, trữ tình, đẹp một cách đầy cuốn hút.

+ Con người Tây Bắc trong cảm quan của tác giả trẻ trung, tràn đầy sức sống, lạc quan yêu đời, yêu lao động, yêu tự do, mang phẩm chất của người nghệ sĩ giữa đời thường.

– Nhận xét: Cái nhìn sâu sắc của nhà văn về thiên nhiên và con người Tây Bắc thể hiện tình cảm gắn bó, yêu quý thiết tha của nhà văn Nguyễn Tuân với mảnh đất Tây Bắc.

  1. Kết bài: Đánh giá chung về vẻ đẹp thiên nhiên và con người Tây Bắc trong đoạn trích và tài năng viết kí của tác giả.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *