Đề và đáp án HSG lớp 11 chương trình mới, Lam Kinh 2024

Đề thi khối 11
  SỞ GD&ĐT THANH HÓA

TRƯỜNG THPT LAM KINH

 

 

 

ĐỀ KIỂM TRA HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG LỚP 11

                         NĂM HỌC 2023-2024

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian phát đề

(Đề thi có 03 trang, gồm 7 câu )

Họ, tên học sinh: ………………………………. Số báo danh: …………………….

Chữ ký của cán bộ coi thi: …………………………………

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

 
Đọc văn bản sau:  

VAI KỊCH CUỐI CÙNG

Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp I trường làng.

Vào buổi chiều, ông thường ra nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên.

Chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ, ầm ầm lướt qua thung lũng. Chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng hành khách mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết.

Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. Ông nghĩ: “Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người.”

Hôm sau người em thấy ông mở chiếc vali hóa trang ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu một chiếc veston cũ, mặc rồi chống gậy đi. Ông nhờ chuyến xe ngựa của trạm, lên tàu đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: “Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình, một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu…”

Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quít, nhẩy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi.

Con tàu đi xa. Người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm diễn huy hoàng nào của nhà hát. Đây là vai kịch cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất lòng tin ở cuộc đời.

(https://www.truyenngan.com.vn/truyen-ngan/truyen-ngan-song/1289-vai-kich-cuoi-cung.html).

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định ngôi kể trong văn bản trên.

Câu 2. Theo văn bản, lí do nào khiến ông lão quyết định đóng vai kịch cuối cùng?

Câu 3. Phân tích sự tương phản giữa hình ảnh “chú đợi tàu và hành khách trên chuyến tàu?

Câu 4. Ý nghĩa nhan đề văn bản“Vai kịch cuối cùng”.

Câu 5.  Anh/Chị hãy rút ra thông điệp sâu sắc nhất từ văn bản trên. Vì sao?

  1. PHẦN VIẾT (14,0 điểm)

Câu 1 (4,0 điểm).

Ngày 05/01/2019, chương trình WeChoice Awards 2019 chủ đề Mặt trời ẩn trong tim đã được tổ chức với thông điệp:

[…] Có những người mang trong mình trái tim như mặt trời. Họ truyền cảm hứng và lòng tin, giúp chúng ta mỉm cười vì được chiếu rọi dù là giữa những mịt mù của cuộc sống. Họ giống như chúng ta, có xuất phát điểm như bất cứ ai, họ đến từ bất cứ nơi nào trong xã hội – thế nhưng, họ khiêm nhường giấu trong tim mình những mặt trời rực rỡ đó, để nó âm thầm lan toả hơi ấm của mình cho tất cả những người ở cạnh bên. Họ là những người có mặt trời ẩn trong tim.

   Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của lẽ sống với mặt trời ẩn trong tim.

Câu 2 (10,0 điểm).

Bàn về thơ, trong bài “Liên tưởng tháng hai Lưu Quang Vũ viết rằng:

Mỗi bài thơ của chúng ta

Phải như một ô cửa

Mở tới tình yêu.

Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Làm sáng tỏ ý kiến qua việc phân tích bài thơ “Sông Mã” của Huy Trụ:  

Sông Mã

 

Em có về quê anh

Vượt ghềnh thác một lần trên sông Mã

Không phải ông cha xưa đặt tên sông cho lạ

Bao cuộc đời từng ngẫm nghĩ trước mênh mông

 

Một tiếng gà giữa ngã ba Bông

Dân sáu huyện cùng nghe, người sáu làng cùng thức

Một tiếng “huầy dô” xô con đò dọc

Người trên bờ, áo cũng đẫm mồ hôi…

 

Chả bao giờ sông bình lặng, em ơi

Cả những lúc lòng sông phơi trắng cát

Không sóng chồm bờ, thì sóng ngầm xoáy đất

Đừng thấy trăng lên, lơ đễnh gác con sào…

 

Đã sống đất này, dám chấp nhận cùng nhau

Một câu nói nửa rừng, nửa biển…

Đi hết lòng nhau để cùng đến bến

Khúc nông sâu, bồi lở thường tình.

 

Bao cuộc đời ngụp lặn với dòng xanh

Giờ ngoái lại, tóc còn dựng ngược

Xin tìm đến ngọn nguồn tiếng nấc

Của ai kia một thuở thác ghềnh…

 

Riêng một điều em nhận ở đất Thanh

Cái giàu có ẩn trong từng con sóng

Nên dòng sông trước khi ra biển rộng

Hắt lên tay người, bão lũ với phù sa…

Sông Mã, tháng 5-1988.

(Sông Mã(*)– Huy Trụ(*). Nguồn: https://ct.qdnd.vn/van-hoc-nghe-thuat/trang-tho-huy-tru-529281).

………………….. HẾT…………………

Thí sinh không được sử dụng tài liệu; Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Chú thích:

(*)Huy Trụ: sinh ra trong một gia đình ở làng Bồng Thượng, nằm bên bờ tả dòng sông Mã. Ông tham gia vào đội văn nghệ, tập trung sáng tác thơ, xây dựng kịch bản để biểu diễn mỗi khi tiễn từng đoàn quân lên đường đi B chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Thơ Huy Trụ vừa mềm mại, uyển chuyển, vừa hàm chứa giá trị sâu lắng bên trong. Thơ Huy Trụ không quá đỗi ồn ào với những trải nghiệm mới mẻ của thi ca mà tự nhiên của cảm xúc, sự thôi thúc của cõi lòng. Mỗi bài thơ là một lát cắt, tâm trạng, suy tư, câu thơ cất lên từ tiếng lòng chân thành khiến mọi thứ xung quanh hay một khoảnh khắc đều có thể thành thơ. Các chủ đề về tình yêu, hạnh phúc, vẻ đẹp thiên nhiên, quê hương, đất nước là dòng chảy xuyên suốt trong thơ ông.

 (*)Bài thơ “Sông Mã”: nhận được giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi sáng tác chào mừng Đại hội Đảng bộ Thanh Hóa năm 1996, sau đó được giới thiệu trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam cùng với chùm thơ của ông. “Sông Mã” là bài thơ đã găm vào lòng nhiều thế hệ bạn đọc, nhất là các thế hệ đã từng cầm cân, nảy mực trên đất xứ Thanh, được một số nhạc sĩ phổ nhạc và phát trên Đài Phát thanh – Truyền hình Thanh Hóa, Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài thơ đã được nhắc tới trong một số buổi giao lưu, tọa đàm về thơ, mỗi khi Thanh Hóa có sự kiện buồn, vui… (Tạp chí Xứ Thanh). Huy Trụ kể rằng: Những vần thơ trong bài này tuôn chảy chỉ trong vòng khoảng 30 phút thôi; đó là những vần thơ tả thực về sự khắc nghiệt của dòng sông cũng như phong cảnh của vùng đất chứa đựng những giá trị văn hóa rất riêng này, song nó cũng lột tả được gần như trọn vẹn về tính cách của người Thanh Hóa. 

      SỞ GD&ĐT THANH HÓA

   TRƯỜNG THPT LAM KINH

 

 

 

ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA HSG CẤP TRƯỜNG LỚP 11

                         NĂM HỌC 2023-2024

                                Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian phát đề

(Đáp án có 07 trang, gồm 7 câu)

 

A. YÊU CẦU CHUNG:

  1. 1. Có kiến thức văn học và xã hội đúng đắn, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và gợi cảm, ít mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp…
  2. 2. Đáp ứng yêu cầu đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, hướng dẫn chấm chỉ nêu một số nội dung cơ bản, định tính chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm, không chỉ đánh giá kiến thức và kĩ năng mà còn chú ý đến thái độ, cảm xúc, tình cảm của người viết, cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể. Giám khảo cần khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo riêng trong nội dung và hình thức bài làm, chấp nhận các kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí, có sức thuyết phục.
  3. Tổng điểm của toàn bài là 20,0 điểm, cho lẻ đến 0,25 điểm. Hướng dẫn chấm chỉ cho điểm từng câu, từng ý, trên cơ sở đó giám khảo có thể thống nhất định ra các thang điểm cụ thể khác.
  4. YÊU CẦU CỤ THỂ:
Phần/ Câu Ý                                                   Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6.0
Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản.

– Diễn đạt rõ ý, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức:

1  Ngôi kể của người trong văn bản: Ngôi thứ 3/Người kể chuyện toàn tri. 0.75
2 Theo văn bản, lí do khiến ông lão quyết định đóng vai kịch cuối cùng:

– Ông quan sát thấy cậu bé thật tội nghiệp: Hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại.

– Ông thấy mình cần làm một việc gì đó để cậu bé ngừng thất vọng và thắp sáng niềm tin ở con người, cuộc sống: Ông nghĩ: “Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người.”

0.75
3  – Sự tương phản: Một bên là hình ảnh chú bé đợi tàu vui mừng đón chào chuyến tàu băng qua (Chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại) và một bên là không hành khách nào trong chuyến tàu vẫy chào cậu (hành khách mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết).

– Ý nghĩa sự tương phản:

+ Hình ảnh c bé đợi tàu, vui mừng đón chào chuyến tàu băng qua: biểu tượng của khát khao giao hòa cùng cuộc sống, tìm kiếm niềm vui, làm tươi sáng cuộc đời cậu nơi vùng núi vắng vẻ. Trái tim chú bé luôn khao khát, luôn ấp ủ những ước mơ trong cuộc sống. Bóng dáng bé nhỏ của chú bé đã ánh lên tinh thần, niềm tin bất diệt của con người. Mỗi ngày trôi qua, ngóng chờ những chuyến tàu vụt qua, cậu bé đang nuôi dưỡng, bồi đắp thêm cho hi vọng của cuộc đời cậu một cách nhẫn nại.

+ Hình ảnh không hành khách nào trong chuyến tàu vẫy chào cậu: gợi lên sự lạnh lùng, thờ ơ và vô cảm của con người trong xã hội hiện nay. Sự ích kỉ cá nhân đã lấn át trái tim yêu thương và sự sẻ chia của con người trong cuộc đời. Điều đó như một lưỡi dao giết chết niềm tin, ước mơ, khát vọng của con người trong cuộc sống.

1.5

 

 

 

 

4  Ý nghĩa nhan đề “Vai kịch cuối cùng”:

– Nhan đề gợi những vai diễn thực tế “rất đời” đã khích lệ tinh thần cậu bé, tiếp thêm cho cậu sức mạnh và niềm tin trên hành trình tương lai của cậu bé.

– Nhan đề gợi những hành động đẹp xuất phát từ tình yêu thương chân thành, sự đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc, biết quan tâm chia sẻ với những người xung quanh làm cuộc sống trở nên ấm áp, thức tỉnh bao trái tim con người.

1.5

 

5 – Thí sinh rút ra cho mình một bài học sâu sắc nhất.

– Lí giải thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Có thể hướng tới bài học sau:

+ Hãy luôn yêu thương thấu hiểu, đừng lạnh lùng vô cảm.

+ Giữ vững niềm tin trong cuộc sống.

+ Sống và nuôi dưỡng niềm tin cho bản thân và người xung quanh.

+ Sự hóa thân hoàn hảo xuất phát từ trái tim biết quan tâm chia sẻ.

+ Kiên trì nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ.

1.5

 

II LÀM VĂN 14.0
1   Ngày 05/01/2019, chương trình WeChoice Awards 2019 chủ đề Mặt trời ẩn trong tim đã được tổ chức với thông điệp:

Có những người mang trong mình trái tim như mặt trời. Họ truyền cảm hứng và lòng tin, giúp chúng ta mỉm cười vì được chiếu rọi dù là giữa những mịt mù của cuộc sống. Họ giống như chúng ta, có xuất phát điểm như bất cứ ai, họ đến từ bất cứ nơi nào trong xã hội – thế nhưng, họ khiêm nhường giấu trong tim mình những mặt trời rực rỡ đó, để nó âm thầm lan toả hơi ấm của mình cho tất cả những người ở cạnh bên. Họ là những người có mặt trời ẩn trong tim.

Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của lẽ sống với mặt trời ẩn trong tim.

4,0
  Yêu cầu chung:

– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan niệm riêng của mình, nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

  Yêu cầu cụ thể:
  a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn:

Có đủ mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

0.25
  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của lẽ sống với mặt trời ẩn trong tim. 0.25
   c. Triển khai vấn đề nghị luận thành một đoạn văn theo những cách khác nhau, nhưng cần tập trung làm rõ vấn đề: Ý nghĩa của lẽ sống với mặt trời ẩn trong tim. Có thể triển khai theo hướng sau:

Giải thích:

+ Lẽ sống: một phạm trù triết học, một quan niệm xã hội, một ý tưởng, … thể hiện mục đích một người muốn đạt đến trong cuộc đời của mình.

+ Lẽ sống với mặt trời ẩn trong tim là sống với những trái tim chứa đầy tình yêu thương, lòng nhiệt thành, sự đam mê, nghị lực, niềm tin, niềm lạc quan…, có những việc làm, hành động tốt đẹp nhưng thầm lặng, khiêm nhường, không mưu cầu được người khác ngợi ca, tôn vinh.

Bàn luận: Lẽ sống với mặt trời ẩn trong tim là một lẽ sống đẹp, cao quý có nhiều ý nghĩa tích cực:

+ Lan tỏa sức mạnh về tình người, về niềm tin, sự quyết tâm và khát vọng để biến giấc mơ thành hiện thực.

+ Giúp bản thân mỗi người có đủ sức mạnh và nghị lực chiến thắng những khó khăn, vượt qua chông gai bão tố, gặt hái được thành công, tạo nên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

+ Góp phần lan tỏa giá trị sống, truyền cảm hứng sống tốt đẹp tới mọi người xung quanh, thắp lửa dẫn đường cho những hành động đáng quý.

+ Góp phần vào sự phát triển tốt đẹp của cộng đồng, làm cho cuộc sống của bản thân mỗi người trở nên có ý nghĩa.

Mở rộng:

+ Bên cạnh đó, chúng ta cần cảnh tỉnh, phê phán những người sống ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân hoặc không dám xông pha, dâng hiến, tỏa sáng.

+ Mỗi người hãy sống tích cực, sống ý nghĩa với mặt trời ẩn trong tim cống hiến để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Tôn vinh những hành động đẹp, những con người, việc làm truyền cảm hứng tích cực trong xã hội.

(Thí sinh lấy dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục)

 

3.0

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu:

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

0.25
e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0.25
2     Bàn về thơ, trong bài Liên tưởng tháng hai Lưu Quang Vũ viết rằng:

Mỗi bài thơ của chúng ta

Phải như một ô cửa

Mở tới tình yêu

Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Làm sáng tỏ ý kiến qua việc phân tích bài thơ “Sông Mã” của Huy Trụ.

10,0
  Yêu cầu chung:
– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.

  Yêu cầu cụ thể: Xác định đúng được vấn đề nghị luận: Phân tích “Sông Mã” của Huy Trụ, bình luận ý kiến của Lưu Quang Vũ.  
1 Giải thích ý kiến           2.0
  1.1 Cắt nghĩa:

Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhịp điệu.

– “Ô cửalà nơi ngăn cách giữa hai thế giới: bên trong và bên ngoài. – Sự so sánh “Mỗi bài thơ như một ô cửa”: nói về chức năng của thơ ca – phương tiện giúp nhà thơ gửi gắm tâm tư, tình cảm sâu kín của cá nhân mình đến mọi người.

– “Mở tới tình yêu: Đằng sau cánh cửa thơ ca chính là tình yêu – tình cảm của nhà thơ với con người, cuộc đời; tình yêu còn là tình cảm của con người với con người dành cho nhau.

=> Ý kiến của Lưu Quang Vũ bàn về đặc trưng và giá trị của thơ ca. Thơ là biểu hiện tâm hồn con người, thơ chứa đựng tình cảm mãnh liệt của người nghệ sĩ và chuyển tải được tình cảm ấy đến người đọc một cách sâu sắc. Mỗi bài thơ là một sợi dây tình yêu kết nối tâm hồn của mỗi người đến cuộc sống “Thơ là điệu hồn đi tìm tâm hồn đồng điệu”(Tố Hữu).

1,0

 

  1.2 Lí giải:

– Thơ ca ngoài việc phản ánh hiện thực đời sống còn thể hiện rõ tư tưởng, tình cảm thái độ của tác giả. Mỗi bài thơ ra đời là một giãi bày tâm hồn của người nghệ sĩ. Mỗi bài thơ chứa đựng tình yêu, niềm tin cuộc sống, những khát vọng… để nuôi dưỡng cảm xúc, tâm hồn và làm cho cuộc sống nhân văn hơn, tốt đẹp hơn.

– Đến với mỗi bài thơ, người đọc bước vào một thế giới tâm hồn và họ hiểu tâm hồn mình hơn, biết rung động và nhạy cảm với thế giới xung quanh. Người đọc tìm thấy trong từng câu thơ sự vỗ về, chia sẻ, động viên, khích lệ…. để đứng dậy, để đi tới, để thấy tâm hồn mình được thanh lọc và sống đẹp hơn. Thơ ca kết nối con người bằng tình yêu và đưa con người xích lại gần nhau.

– Mỗi bài thơ là những tâm tư tình cảm sâu sắc mãnh liệt của người nghệ sĩ gửi gắm tới con người, cuộc đời. “Viết thơ là hành trình thả những mảnh hồn về với bạn bè muôn phương”. Qua những xúc cảm của cá nhân, mỗi bài thơ lại đánh thức những xúc cảm trong lòng người đọc, hướng con người tới những giá trị Chân – Thiện – Mĩ.

1,0
2  Phân tích bài thơ “Sông Mã để làm sáng tỏ ý kiến 7.0
  a. Giới thiệu tác giả Huy Trụ và bài thơ “Sông Mã.

– Thơ Huy Trụ vừa mềm mại, uyển chuyển, vừa hàm chứa giá trị sâu lắng bên trong. Thơ Huy Trụ không quá đỗi ồn ào với những trải nghiệm mới mẻ của thi ca mà tự nhiên của cảm xúc, sự thôi thúc của cõi lòng. Mỗi bài thơ là một lát cắt, tâm trạng, suy tư. Những câu thơ cất lên từ tiếng lòng chân thành khiến mọi thứ xung quanh hay một khoảnh khắc đều có thể thành thơ. Các chủ đề về tình yêu, hạnh phúc, vẻ đẹp thiên nhiên, quê hương, đất nước là dòng chảy xuyên suốt trong thơ ông.

– Bài thơ “Sông Mã” của Huy Trụ đã nhận được giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi sáng tác chào mừng Đại hội Đảng bộ Thanh Hóa năm 1996, sau đó được giới thiệu trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam cùng với chùm thơ của ông. Riêng ở Thanh Hóa, “Sông Mã” là bài thơ đã găm vào lòng nhiều thế hệ bạn đọc, nhất là các thế hệ đã từng cầm cân, nảy mực trên đất xứ Thanh. Bài thơ đã được một số nhạc sĩ phổ nhạc và phát trên Đài Phát thanh – Truyền hình Thanh Hóa, Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài thơ đã được nhắc tới trong một số buổi giao lưu, tọa đàm về thơ, mỗi khi Thanh Hóa có sự kiện buồn, vui… (Tạp chí Xứ Thanh).

0,5
  b. Phân tích bài thơ  “Sông Mã” để làm sáng tỏ ý kiến.

* Bài thơ Sông Mã” như một ô cửa sổ mở tới tình yêu:

“Sông Mã” là những tâm tư tình cảm sâu sắc mãnh liệt của trái tim, những giây phút cuộn sóng, quẫy đạp của nỗi lòng Huy Trụ gửi gắm tới con người, cuộc đời.

+ Cảm xúc chủ đạo: Tình yêu tha thiết, ngợi ca vẻ đẹp, giá trị văn hóa của con người và mảnh đất Xứ Thanh. Bài thơ cô đọng với 6 khổ, mỗi khổ 4 câu, mạch thơ như một dòng chảy không ngừng của cảm xúc.

+ Hình tượng thơ: Sông Mã – con sông lớn nhất xứ Thanh, khởi nguồn từ vùng Tây Bắc Việt Nam qua nước bạn Lào chảy vào lòng Thanh Hóa, từ vùng núi cao, qua trung du đến đồng bằng qua bao ghềnh thác, vực sâu mới hiền hòa, thảnh thơi ra biển. Dòng sông Mã đã trở thành nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa và trở thành điểm tựa cảm xúc cho toàn bài nhằm khắc họa một cái tôi trữ tình đậm chất Huy Trụ với một tình yêu với quê hương đất nước. Cái tôi ấy trong bài thơ nhận được nhiều sự đồng cảm, sẻ chia của bạn đọc.

+ Mở ô cửa bài thơ bắt gặp tình cảm yêu mến, gắn bó, tự hào mà Huy Trụ dành cho dòng Sông Mã và con người xứ Thanh.

++ Trong bài thơ, Huy Trụ khắc họa một sông Mã gân guốc, tiềm ẩn và độ lượng. Hình ảnh đặc trưng ấy hiển hiện một sông Mã hung dữ, bạo liệt: “Không sóng chồm bờ, thì sóng ngầm xoáy đất”, hay: “Giờ ngoái lại tóc còn dựng ngược”… Bằng phương pháp cường điệu, dùng nhiều từ tượng thanh, tượng hình, gây ấn tượng mạnh trong lòng người đọc: “Một tiếng gà giữa ngã Ba Bông/ Dân sáu huyện cùng nghe, người sáu làng cùng thức/ Một tiếng “huầy dô” xô con đò dọc/ Người trên bờ áo cũng đẫm mồ hôi”.

++ Nói về sông Mã để nói về con người sông Mã – con người xứ Thanh trên vùng đất ấy: Bản lĩnh con người “dám chấp nhận” tức là phải mạo hiểm, phải có gan trước những rủi ro có thể xảy ra không lường trước được, sẵn sàng chịu mất mát thua thiệt, hay nhẫn chịu trước những thử thách, những nghiệt ngã, tai ương của vùng đất; nỗ lực chống chọi trước khắc nghiệt của thiên nhiên hung bạo, con người phải gồng mình lên để “cùng đến bến”, nên những vất vả, gian lao, khúc nông sâu bồi lở cũng là chuyện “thường tình”.

Bài thơ “Sông Mã” lại đánh thức những xúc cảm trong lòng người đọc, hướng con người tới những giá trị thẩm mĩ.

+ Mở ô cửa bài thơ đều tìm thấy quê mình ở một góc bức tranh ấy. Quê hương – nơi dòng sông hiền hòa xanh trong ấy, nhiều phen vật vã gồng mình trong giông bão: “Chả bao giờ sông thầm lặng em ơi/ Cả những lúc lòng sông phơi trắng cát/ Không sóng nổi chồm bờ thì sóng ngầm xoáy đất/ Đừng thấy trăng lên lơ đễnh gác con sào”.

+ Trong không gian thơ “Sông Mã” luôn hướng nội với ánh diện đa chiều, cảm hứng thế sự thấm đẫm chất nhân sinh. Câu thơ ẩn chứa triết lý, suy ngẫm: “Đừng thấy trăng lên lơ đễnh gác con sào!” nhắc nhở con người luôn phải cảnh giác trước bão lũ của dòng sông lắm thác nhiều ghềnh. Huy Trụ còn đúc kết và nâng lên chiều sâu triết luận: “Đã sống đất này, dám chấp nhận cùng nhau/ Một câu nói nửa rừng, nửa biển/ Đi hết lòng nhau để cùng đến bến/ Khúc sông sâu, bồi lở thường tình… khái quát quy luật của tình cảm: sự gắn bó, thủy chung, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước trong lòng người đọc. “Bão lũ” và “phù sa” là hai thái cực con sông mang lại, để có được chút hạnh phúc con người phải đổ biết bao mồ hôi, công sức.

+ Mở ô cửa bài thơ gợi ra vẻ đẹp của niềm tin mà thi ca mang đến cho con người: “Riêng một điều em nhận ở đất Thanh/Cái giàu có ẩn trong từng con sóng”.

* Ô cửa sổ mở tới tình yêu trong bài thơ Sông Mã” được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật độc đáo:

– Thể thơ tự do, co duỗi linh hoạt phù hợp diễn tả một dòng chảy cảm xúc không ngừng của người con xứ Thanh.

– Hình ảnh thơ: gần gũi, bình dị, đời thường.

– Giọng thơ: nhẹ nhàng, sâu lắng, tha thiết.

– Sử dụng kết hợp nhiều biện pháp tu từ: Nhân hóa, ẩn dụ, cách nói cường điệu, phóng đại.

=> Bài thơ mang cảm hứng ngợi ca quê hương, đất nước, Sông Mã và những giá trị văn hóa rất riêng của người Thanh Hóa với nhiều chiêm cảm đời thường và dự cảm trước hiện thực của cuộc sống. Qua bài thơ, Huy Trụ đã góp một tiếng nói có giá trị trong nền thơ xứ Thanh, thơ ca Việt Nam nói chung.

6,5

 

3,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2,0

 

1,5

 

 

 

 

 

 

 

 

3 Đánh giá, mở rộng: 1.0
  – Ý kiến của nhà thơ Lưu Quang Vũ hoàn toàn đúng đắn, khẳng định về đặc trưng và vai trò của thơ ca trong đời sống con người. Mỗi bài thơ như một cánh cửa mở tâm hồn người nghệ sĩ, kết nối những tâm hồn người đọc đến với nhau, cùng hướng đến những giá trị tốt đẹp.

– Ý kiến là một chỉ dẫn cho người sáng tác và định hướng cho người tiếp nhận:

+ Với người sáng tác: Nhà thơ cần cảm nhận cuộc sống bằng tất cả tâm hồn, những xúc cảm mãnh liệt, phải sống sâu sắc, gắn bó hết mình với cuộc đời để tình yêu mở ra trong ô cửa thơ ca là những tình cảm mang ý nghĩa nhân văn. Nhà thơ cần ý thức về sứ mệnh của mình là người mở cánh của tâm hồn con người, đưa con người đến với nhau, cùng sống trong một thế giới ngập tràn tình yêu. Để ô cửa thơ ca hấp dẫn, lôi cuốn hơn với người đọc, ngoài những xúc cảm sâu sắc, phong phú gửi trong nội dung, nhà thơ còn cần có những nỗ lực sáng tạo những hình thức nghệ thuật độc đáo, mới mẻ, giàu giá trị thẩm mĩ…

+ Với người tiếp nhận: Người đọc cũng cần có sự rung động mãnh liệt để thấu hiểu được những cung bậc cảm xúc sâu sắc của nhà thơ; từ đó đồng điệu, sẻ chia, hiểu người hiểu mình hơn; góp phần tạo nên sức sống cho tác phẩm. Người đọc thơ cần mở những ô cửa tâm hồn mình đón nhận tình yêu ấy để vươn đến những giá trị tốt đẹp.

0,5

 

 

 

 

 

 

 

0,5

Lưu ý chung:

1. Đây là hướng dẫn chấm mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.

2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.

3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.

4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.

5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *