Đề và đáp án HSG lớp 10 chương trình mới, Lam Kinh 2024

Đề thi khối 10
  SỞ GD&ĐT THANH HÓA

TRƯỜNG THPT LAM KINH

 

 

ĐỀ KIỂM TRA HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG LỚP 10

NĂM HỌC 2023-2024

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian phát đề

(Đề thi có 02 trang, gồm 07 câu )

 PHẦN ĐỌC HIỂU (6,0 điểm).

Đọc bài thơ sau:    

Tháng Tư và câu hát ấy

 Nguyễn Quang Thiều

Tiến về Sài Gòn giải phóng…” đồng đội ơi

Câu hát dài theo tháng năm đi đánh giặc

Chúng tôi nén trong mình một tháng Tư đỏ rực

Một tháng Tư mẹ khóc đón tôi về

 

Chúng tôi từng lo câu hát vơi đi

Mà phía ấy cứ thưa dần bóng mẹ

Cơn sốt rét và người đầy vết đạn

Chúng tôi vịn vào câu hát vượt rừng đêm

 

Chúng tôi đi có một tháng Tư

Chưa trọn vẹn nên vơi đầy phượng đỏ

Trường Sơn ơi, ve kêu khô rừng khộp

Phía Sài Gòn còn một cánh diều không?

 

Có lẽ nào đồng đội ơi lại để

Một tháng Tư góa bụa nữa trong đời

Có lẽ nào để cho câu hát

“tiến về Sài Gòn…” quay lại với rừng xanh

 

Đồng đội tôi bao người đã hy sinh

Sắc đỏ tháng Tư trào ra mặt đất

Tiếng đồng đội phút cuối cùng ngã xuống

Thành tín hiệu mở màn dông bão những đoàn quân

 

Và chúng tôi về thành phố tháng Tư ơi

Máu hòa máu, thịt da liền lại

Chúng tôi chạy như trẻ con trong tháng Tư đỏ rực

Trên những lá cờ đồng đội gọi tên nhau…

(Theo Báo Quân đội nhân dân, thứ 2, ngày 26/3/2021)

Thực hiện yêu cầu:

Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Câu 2. Chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh gợi tả tháng tư trong văn bản.

Câu 3. Anh/ chị hiểu thế nào về hai câu thơ sau:

Cơn sốt rét và người đầy vết đạn

Chúng tôi vịn vào câu hát vượt rừng đêm.

Câu 4. Chỉ ra và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ trong các câu thơ sau:

Có lẽ nào đồng đội ơi lại để

Một tháng Tư góa bụa nữa trong đời

Có lẽ nào để cho câu hát

                                “tiến về Sài Gòn…” quay lại với rừng xanh.

Câu 5. Thông điệp tâm đắc nhất của anh/chị sau khi đọc bài thơ?

  1. PHẦN VIẾT (14,0 điểm).

Câu 1. (4,0 điểm).

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự dũng cảm đối mặt với chính mình.

Câu 2. (10,0 điểm).

Bài thơ là một lượng thông tin lớn nhất trong một diện tích ngôn từ nhỏ nhất”     (Ô-giê-rốp).

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ sau:

Tự tình I

Hồ Xuân Hương

Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom(1),
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc
(2),
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om
(3).
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.

                                 Tài tử văn nhân ai đó tá,
Thân này đâu đã chịu già tom
(4).

(Theo Thơ Nôm Hồ Xuân Hương(*), NXB Văn học, 2008)

Chú thích.

  • Bom: mỏm đất.

(2),(3) Mõ và chuông dùng trong nhà chùa có tác dụng làm nguôi dịu lòng người. Ở đây nhà thơ vận dụng khác, mõ thảm, chuông sầu không đánh mà vẫn vang lên những âm thanh khô khốc, ầm ĩ.

(4) Già tom: như già đanh

* Hồ Xuân Hương quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sống vào nửa cuối thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX. Con người tài sắc, thông minh, đầy bản lĩnh, tính cách tự do, phóng túng. Cuộc đời gặp nhiều éo le, trắc trở trong tình duyên.

Thơ Hồ Xuân Hương trân trọng, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của người phụ nữ, thông cảm với những éo le, bất hạnh của họ, đồng thời phê phán những thế lực, những thói xấu trong xã hội. Thơ bà mang đậm chất dân gian: từ đề tài, cảm hứng, ngôn ngữ, hình tượng….Bà được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm (Xuân Diệu).

    Tự Tình (bài I) nằm trong chùm thơ Tự tình gồm ba bài của Hồ Xuân Hương.

SỞ GD &ĐT THANH HÓA                    ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

TRƯỜNG THPT LAM KINH                ĐỀ KIỂM TRA HSG TRƯỜNG LỚP 10

                                                                                NĂM HỌC 2023-2024

Môn thi: Ngữ văn 10

(Đáp án và hướng dẫn chấm gồm có 05 trang)

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
1 Nhân vật trữ tình trong bài thơ: “Chúng tôi”.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,75 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,75
2 Những từ ngữ, hình ảnh gợi tả “tháng Tư”: tháng Tư đỏ rực, tháng Tư mẹ khóc đón tôi về, tháng Tư…vơi đầy phượng đỏ, Một tháng Tư góa bụa, Sắc đỏ tháng Tư trào ra mặt đất.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,75 điểm

– Trả lời được 3-4 từ ngữ, hình ảnh: 0,5 điểm.

– Trả lời được 1-2  từ ngữ, hình ảnh: 0,25 điểm.

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,75
3 Hai câu thơ: Cơn sốt rét và người đầy vết đạn

                     Chúng tôi vịn vào câu hát vượt rừng đêm.

– Gợi lại kí ức về chiến tranh khốc liệt, với bao khó khăn gian khổ, hi sinh (sốt rét, người đầy vết đạn), đồng thời nhấn mạnh sự xúc động mãnh liệt của tác giả khi nhớ về những năm tháng dữ dội đó.

– Ca ngợi tinh thần lạc quan, yêu đời, tâm hồn lãng mạn của những người đồng đội, họ luôn vững vàng trước mọi thử thách khốc liệt của chiến tranh.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời đầy đủ 2 ý như đáp án: 1,5 điểm

– Trả lời được 1 ý như đáp án: 0,75 điểm

– Trả lời chung chung, không đầy đủ như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

* Lưu ý: Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng đảm bảo đúng bản chất vấn đề vẫn cho điểm tối đa.

1,5
4 Chỉ ra và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ trong các câu thơ sau:

Có lẽ nào đồng đội ơi lại để

Một tháng Tư góa bụa nữa trong đời

Có lẽ nào để cho câu hát

                                “tiến về Sài Gòn…” quay lại với rừng xanh.

– HS có thể chỉ ra 1 trong các bptt sau: điệp từ, nhân hóa.

 Sau đó nêu tác dụng.

Ví dụ: Chọn bptt: Điệp từ: “Có lẽ nào”.

– Tác dụng:

+ Gợi hình, gợi cảm cho câu thơ, làm câu thơ trở nên có vần điệu, nhịp điệu.

+ Lời thơ là sự tự nhủ về tinh thần trách nhiệm, thể hiện ý chí kiên cường, sự quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước, hướng đến ngày toàn thắng.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 1,5 điểm

– Trả lời được 1 ý: 0,75 điểm.

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

* Lưu ý: Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng đảm bảo đúng bản chất vấn đề vẫn cho điểm tối đa.

1,5
5  Thông điệp tâm đắc nhất sau khi đọc bài thơ :

+ Luôn tự hào, biết ơn và tri ân đối với các thế hệ đi trước.

+ Cần thấu hiểu được những hi sinh và cống hiến của thế hệ cha ông để có được hòa bình như ngày nay.

+ Trân trọng và gìn giữ giá trị hòa bình.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 1,5 điểm

– Trả lời được 2 ý nhưng còn chung chung hoặc trả lời đầy đủ 2 ý như đáp án: 0,75 điểm

– Trả lời được 1 ý như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

* Lưu ý: Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng đảm bảo đúng bản chất vấn đề vẫn cho điểm tối đa.

1,5
II   VIẾT 14,0
 

 

1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự dũng cảm đối mặt với chính mình. 4,0
  a. Xác định được về hình thức, dung lượng của đoạn văn. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp; song hành hoặc móc xích. 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự dũng cảm đối mặt với chính mình.

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận.

Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý sau:

* Giải thích:

Dũng cảm đối mặt với chính mình là dám nhìn nhận thẳng thắn, trung thực với tất cả những gì thuộc về bản thân, bao gồm cả ưu điểm lẫn nhược điểm.

* Bàn luận:

– Dũng cảm đối diện với bản thân là cơ hội để ta thấu hiểu, đánh giá một cách khách quan về chính mình, nhìn nhận lại mình đã làm được gì và đã sai lầm ở đâu. Từ đó biết cách khắc phục và dần hoàn thiện bản thân.

– Dũng cảm đối diện với chính mình không chỉ để tự sám hối mà còn để bao dung, yêu thương, trân trọng bản thân nhiều hơn, sống chân thành và đúng đắn hơn.

– Đó cũng là cách để mỗi người tự hiểu mình, hiểu người, hiểu đời, từ đó tạo nên tấm lòng nhân hậu, trái tim biết cảm thông, chia sẻ, khiến cuộc sống tốt đẹp hơn.

+ Phê phán những người trẻ sống tự ti, thiếu bản lĩnh, thiếu niềm tin vào chính mình.

(HS lấy được dẫn chứng tiêu biểu để chứng minh)

*Bài học nhận thức và hành động.

– Mỗi người luôn biết vượt lên chính mình, sống mạnh mẽ, tự tin, phá vỡ những giới hạn của bản thân để trở thành phiên bản tốt nhất.

2,5

 

0,5

 

 

1,5

 

 

 

 

 

 

0,5

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được thao tác lập luận, phương thức biểu đạt hợp lý để triển khai vấn đề.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng hợp lý.

0.5
đ. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0.25
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ, văn phong trôi chảy. 0.25
 

 

2  Bài thơ là một lượng thông tin lớn nhất trong một diện tích ngôn từ nhỏ nhất” (Ô-giê-rốp). Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua việc cảm thụ bài thơ Tự tình I của Hồ Xuân Hương. 10,0

 

  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận với cấu trúc 3 phần:

Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đặc trưng của thơ và ngôn ngữ thơ. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận:

Thí sinh triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp; thể hiện những cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo những yêu cầu sau:

* Giải thích ý kiến:

– “Bài thơ là một lượng thông tin lớn nhất”: Tác phẩm thơ chứa đựng, mở ra và mang đến cho người đọc những thông tin đa dạng và phong phú về con người và cuộc đời.

– “Trong một diện tích ngôn từ nhỏ nhất”: Số lượng ngôn từ ít ỏi, hạn chế, kiệm lời.

=> Ý kiến của Ô-giê- rốp khẳng định đặc trưng của thơ và ngôn ngữ thơ là: Tính hàm súc, cô đọng, lời ít ý nhiều, ý tại ngôn ngoại- ý ngoài lời, mạch ngầm văn bản. Ngôn ngữ thơ hàm súc, giàu sức gợi.

* Bàn luận:

– Ngôn ngữ là chất liệu để tạo ra tác phẩm văn chương nói chung.

Ngôn ngữ thơ thường đa nghĩa, giàu hàm ý, được chưng cất từ cảm xúc, được chắt chiu và chọn lọc, mang tính “đặc tuyển”.

– Tính hàm súc được hiểu là khả năng của ngôn ngữ có thể miêu tả mọi hiện tượng của cuộc sống một cách cô đọng, ít lời mà nói được nhiều ý, ý tại ngôn ngoại. Đây chính là cách dùng từ sao cho đắt nhất, có giá trị biểu hiện cao nhất, ngôn ngữ thơ, vì vậy, chứa đựng các thuộc tính khác. Hàm súc cũng có nghĩa là phải chính xác, giàu hình tượng, có tính truyền cảm và thể hiện cá tính của người nghệ sỹ.

– Ngôn ngữ thơ là tinh hoa quí giá nhất của một người làm thơ, đó là nơi họ nhắn nhủ những tâm tình, trao gửi ước mơ, nên ngôn ngữ thơ phải được lựa chọn, trau chốt kĩ càng, tỉ mỉ, tinh luyện: “Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời”(Nguyễn Công Trứ), hay “Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ”…

– Thơ ca thường sử dụng từ ngữ rất “tiết kiệm”. Thơ là loại hình có dung lượng hạn chế nhất trong các thể loại văn học, nhưng thơ lại có tham vọng chiếm lĩnh thế giới:“Mỗi bài thơ là một ô cửa/ Mở tới tình yêu” (Lưu Quang Vũ).

* Làm sáng tỏ ý kiến qua bải thơ Tự tình I của Hồ Xuân Hương

– Giới thiệu khái quát tác giả Hồ Xuân Hương, bài thơ Tự tình I.

Tự tình I là bài thơ chứa đựng lượng thông tin lớn.

+ Bài thơ là nỗi niềm, tình cảm, tâm tư của chính nhà thơ Hồ Xuân Hương: nỗi xót xa, oán hờn về kiếp hồng nhan; nỗi sầu thảm, não nề của lòng người lan tỏa, thấm vào ngoại cảnh; nỗi đau chất chứa khiến nhân vật trữ tình trực tiếp thổ lộ nỗi chán chường, rầu rĩ vì tình duyên muộn màng, lỡ dở; nhưng nữ sĩ vẫn thể hiện bản lĩnh cứng cỏi thách thức cuộc đời.

+ Bài thơ thể hiện tình cảm của Hồ Xuân Hương: khổ đau, phẫn uất, phản kháng. Tác giả đồng cảm với tiếng lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa. Từ đó, nữ sĩ khái quát được thân phận bi kịch chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

+ Bài thơ thể hiện khát vọng tình yêu, hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội xưa. Tác giả đã cất lên tiếng nói đòi nữ quyền, khẳng định bản lĩnh và phẩm chất của người phụ nữ.

Tự tình I là bài thơ có một diện tích ngôn từ nhỏ nhất, được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật độc đáo, sáng tạo.

+ Thể thơ Nôm Đường luật được sử dụng thành công nhằm thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình.

+ Giọng điệu linh hoạt, tự nhiên, gần gũi với cuộc sống.

+ Ngôn từ hàm súc, tinh tế, gợi cảm: bài thơ chất chứa nhiều sắc thái tâm trạng, nỗi niềm của con người.

+ Ngôn ngữ chữ Nôm bình dị, mộc mạc giàu sức gợi hình và lay động cảm xúc.

+ Cách sử dụng từ ngữ độc đáo: “mõ thảm”, “chuông sầu”, “già tom”, “mõm mòm”…’, cách gieo vần “om” tài tình, ấn tượng….

*Đánh giá, nâng cao.

– Ý kiến trên hoàn toàn đúng với đặc trưng của thơ: Thơ ca chân chính muôn đời là điểm tựa tinh thần của con người được thể hiện qua sáng tạo ngôn từ độc đáo.

– Đồng thời ý kiến cũng đưa ra yêu cầu đối với người nghệ sĩ và độc giả:

+ Với người nghệ sĩ, để làm thơ, bên cạnh tâm hồn giàu xúc cảm, cần phải có tài năng, sự điêu luyện trong việc sử dụng ngôn từ. Phải mài giũa ngòi bút thật sắc, phải khiến cho những con chữ viết ra cô đọng đến tuyệt đối, khiến cho ngôn từ ấy không nằm im lìm trên trang giấy mà sống động, chan chứa cảm xúc. Người nghệ sĩ là những “phu chữ”, người luyện đan ngôn từ.

+ Với độc giả không nên là một người đọc thụ động, mà phải biết hòa mình, thâm nhập vào tác phẩm, thẩm thấu các tầng ý nghĩa của ngôn ngữ thơ để thu nhận những thông tin mà bài thơ gửi gắm.

9,0

 

 

1,0

 

 

 

 

1,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5.5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

 

đ. Diễn đạt:

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản

0,25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
Tổng điểm 20,0

*Lưu ý toàn bài:

– Giám khảo tránh đếm ý cho điểm, cân nhắc toàn bài để đánh giá.

– Những cách triển khai hợp lí, kiến giải riêng thuyết phục đều được chấp nhận và khuyến khích những bài có ý tưởng sáng tạo.

– Thang điểm trên đây là điểm tối đa cho mỗi phần. Nếu thí sinh chưa đáp ứng tốt những yêu cầu về kĩ năng thì không đạt được điểm tối đa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *