Đề văn lớp 11 chương trình mới Đêm làng Trọng Nhân, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn

Đề thi khối 11

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

      (Bối cảnh đoạn trích: Tường đi bộ đội hơn sáu năm không có tin tức gì. Hòa bình, anh may mắn còn sống trở về làng với gương mặt “đã chết” khó mà nhận ra. Tường về đến cây đa đầu làng Trọng Nhân thì trời đã mãn chiều. Anh tạt vào quán nước dưới gốc đa và hỏi thăm về tình hình gia đình mình sau bao năm xa cách).

Anh bỏ mũ cối xuống chõng tre hàng nước và tháo kính râm ra khỏi mắt. Cô bé ngước nhìn lên và giật mình. Tường thấy hai mắt cô bé mở to kinh ngạc. Bát nước chè xanh trên tay cô bé sóng sánh, tướt trên nắp hộp kẹo bột.

– Chú mời nước ạ!

Cô bé chớp chớp mắt. Cô đặt bát nước trước mặt Tường rồi rót thêm.

– Bà ơi có khách. Bà ra trông hộ cháu.

Cô gái đứng dậy cầm quyển sách vào trong rất nhanh. Tường chạnh lòng, tủi thân. Anh đưa tay sờ lên mặt: thô, ráp, xù xì. Đó là cảm giác của tay anh nhận được trên khuôn mặt đã chết.

– Chú bộ đội quê ở đâu ta? – Bà già còng lưng chậm rãi từ trong đi ra. Tường nhận ra bà Còm. Bà già nhiều và yếu, lưng còng hơn ngày anh ở nhà.

– Dạ! Cháu quê tận Nghệ An. Bà ở luôn đây à?

– Ấy! Trước bà ở trong làng, sáng đem ra bán, tối lại dọn về. Từ ngày thằng Cu Theo có giấy báo tử, bà yếu nhiều không dọn đi, dọn về được, nghỉ luôn ở đây. Đứa cháu lúc nãy đấy, tối ra học rồi ngủ chung với bà.

Lòng Tường chợt se lại. Thế là thằng Cu Theo cái thằng cùng đơm lờ để đó với anh thuở nhỏ đã hy sinh. Anh còn may hơn nó là ra khỏi chiến tranh, mang được tấm thân thương tật về nhà.

– Giời sắp tối rồi. Nếu còn xa cứ nghỉ lại quán của bà, sáng mai đi tiếp. Khổ thân các chú bộ đội vất vả.

– Cảm ơn bà! Cháu là bạn anh Tường làng Trọng Nhân đây bà ạ!

– Giời đất ơi! Quý hóa quá! Bom đạn đã ngừng năm sáu năm rồi. Làng này chết sáu, bảy chục. Đứa nào còn sống về cả rồi. Chỉ còn mỗi thằng Tường chẳng biết sống chết ra sao chưa thấy về mà cũng không có giấy báo tử. Chuyến này chú về là ông bà Tân mừng lắm.

– Dạo ni ông bà Tân có khỏe không bà. O Thương vợ anh Tường bây giờ ra răng ạ…?  Anh hỏi liên tục.

– Ôi dào ơi! Già cả rồi! ì oặt luôn. Chú này, cái đám cô Thương ấy mà. Có khối đám đến dập dìu đấy. Ông bà Tân chỉ ưng gả con dâu cho anh giáo Mười thôi.

Lòng Tường thắt lại. Anh hoang mang. Tim anh đập loạn xạ. Phải về thôi! Về ngay nhà. Thương ơi! Tất cả hãy dừng lại. Anh đang về với em đây.

Tối chạng vạng.

Tường bước vội trên con đường lát gạch về làng Trọng Nhân. Hơn sáu năm đi xa, chắc bây giờ mẹ anh già lắm. Có già như bà Còm không. Anh đổi khác, mẹ anh có nhận ra không. Còn bố anh có còn đi làm thợ thùng đào, thùng đấu nữa không. Cái nghề ấy khổ lắm bố ơi. Và Thương nữa! Tường nhớ lại cây đa hai trăm tuổi đã nhiều lần chứng kiến tình yêu của anh. Ôi! Những giọt trăng lọt qua kẽ lá rơi xuống tóc, vai Thương. Mùi hương bưởi thoảng bay ra từ suối tóc mây. […]

 Tường giật mình. Mải nghĩ, anh đã đi qua ngõ nhà mình mấy bước.[…]

 Tường đứng trước ngõ. Nhà mình đây rồi. Tường reo to trong lòng. Ôi! Bao năm anh lặn lội khắp các nẻo chiến trường. Bao năm Tường sống trong nhớ nhung, khát khao, chờ đợi. Hình ảnh mẹ, vợ và cha lúc nào cũng đau đáu, khắc khoải trong tim. Giờ thì anh đã về đây. Về nơi đã sinh ra anh, nơi anh lớn lên và ra trận.

[…] Lòng anh rạo rực. Những bước chân rất nhẹ, lâng lângGặp mẹ như thế nào nhỉ. Anh sẽ chạy nhanh đến ôm chầm lấy mẹ. Không! Anh sẽ hiu hiu nhắm mắt, hai tay đưa về trước khi dò dẫm trong sân. Cũng không! Nhìn thấy, mẹ sẽ ngã mất. […] Còn bố nữa. Anh sẽ đứng nghiêm: “Thưa bác lực điền. Con đang đeo hai huân chương chiến công trở về. Tửu lượng của bác dạo này thế nào ạ?”. Bố anh cười rạng rỡ: “Cha anh chứ! Mẹ và vợ anh hết nước mắt”. Còn Thương nữa! Anh sẽ đeo ba lô đứng chờ bên cửa buồng. […] “Không! Trái tim của anh nhưng còn gương mặt…”

– Chị Thương! Có tắm thì ào đi còn ăn cơm. Bà ấy không về đâu.

Tường bừng tỉnh. Đúng là tiếng bố rồi.

– Thầy cứ uống rượu trước đi. U cũng bảo con vài hôm u mới về.

Tiếng nói của Thương vẫn như xưa, dịu dàng và đằm thắm.

– Bố rất quý cái nết anh giáo Mười. Anh giáo với con ở đây bố mẹ yên tâm lúc tuổi già. Anh giáo cũng giản dị, đã đi lính rồi nên dễ thông cảm.

Tai Tường ù đi. Chiến tranh. Xa cách. Mất mát. Chia ly và chiến thắng. Anh rùng mình nhớ lại: ánh mắt trố ra kinh ngạc của cô gái, lời bà Còm, tiếng kêu kinh ngạc của thằng bé, cái mặt ông ác, tiếng nói của cha. Lòng anh quặn lại. Ngôi nhà bỗng trở nên xa lạ…

Tường quay đầu, khoác ba lô đi ra đường. Tường vấp ngã. Anh luống cuống ngồi dậy. Nước mắt tự nhiên ứa ra. Anh cứ đi, bước thấp, bước cao, hẫng hụt.

(Trích Đêm làng Trọng Nhân, Sương Nguyệt Minh, NXB Quân đội nhân dân, 1998)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Xác định ngôi kể trong đoạn trích.

Câu 2. Nêu hoàn cảnh của nhân vật Tường khi trở về làng Trọng Nhân.

Câu 3. Theo anh/chị, vì sao khi đã về đến cổng nhà mình, nhân vật Tường lại không vào nhà mà lại quay đầu bỏ đi?

Câu 4. Anh/Chị có nhận xét gì về số phận và tính cách của nhân vật Tường qua đoạn trích?

Câu 5. Từ số phận của người lính sau chiến tranh trong đoạn trích, anh/chị rút ra thông điệp ý nghĩa nào?

  1. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của anh/chị về hình ảnh những người lính đảo qua những câu thơ sau:

Ôi ước gì được thấy mưa rơi
Mặt chúng tôi ngửa lên như đất
Những màu mây sẽ thôi không héo quắt
Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên
Đảo xa khơi sẽ hóa đất liền
Chúng tôi không cạo đầu, để tóc lên như cỏ
Rồi kháo nhau
Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt

[…]

Ôi hòn đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo
Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão
Chúng tôi như hòn đá ngàn năm, đập trong nhịp tim người
Như đá vững bền, như đá tốt tươi…

(Trích Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Trần Đăng Khoa,        Dẫn theo https://www.thivien.net/)

Câu 2. (4.0 điểm)

“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ.” Sống như thế nào để tuổi trẻ có ý nghĩa là lựa chọn của mỗi người.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị về lối sống hết mình trong tuổi trẻ.

ĐÁP ÁN HƯỚNG DẪN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Xác định ngôi kể trong văn bản: Ngôi thứ ba

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời đúng như đáp án: 0,5 điểm

0,5
2 Hoàn cảnh của nhân vật Tường khi trở về làng Trọng Nhân:

– Bản thân mang thương tích với gương mặt biến dạng khiến mọi người không thể nhận ra.

– Bố mẹ và vợ anh không còn dám hi vọng anh sống sót trở về, đang có ý định se duyên cho vợ anh với một người khác.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời đúng 02 ý: 0,5 điểm

– Trả lời đúng 01 ý: 0,25 điểm

0,5
3 Khi đã về đến cổng nhà mình, nhân vật Tường lại không vào nhà mà lại quay đầu bỏ đi vì:

– Anh tự ti, mặc cảm với gương mặt “đã chết”, “thô, ráp, xù xì”, bị biến dạng đến không thể nhận ra của mình.

– Anh không muốn sự xuất hiện của mình làm đảo lộn cuộc sống đang yên bình của gia đình, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của người vợ anh yêu thương.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời đúng 02 ý như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời đúng 01 ý đáp án: 0,5 điểm

HS có cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa

1,0
4 Nhận xét về số phận và tính cách của nhân vật Tường qua đoạn trích:

– Số phận: chịu nhiều mất mát, bất hạnh bởi chiến tranh. Tuy giữ được mạng sống trở về làng nhưng mang theo thương tích không thể xóa đi trên gương mặt.

– Tính cách:

+ Là người giàu tình yêu thương: luôn nhớ thương những người thân yêu, luôn cháy bỏng khát khao được trở về đoàn tụ với gia đình.

+ Là người vị tha: Do mặc cảm về hình hài của bản thân nên anh nén tình cảm của mình lại, muốn bỏ đi để giữ gìn sự bình yên và hạnh phúc của những người thân yêu.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời đúng 02 ý như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời đúng 01 ý đáp án: 0,5 điểm

HS có cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa

1,0

 

 

 

5 – Số phận của những người lính sau chiến tranh: Những người lính tuy giữ được tính mạng nhưng phải chịu đựng những mất mát về thể xác mà còn phải chịu những nỗi đau về tinh thần dai dẳng.

– Thông điệp: HS có thể trả lời theo hướng sau:

+ Trân trọng, biết ơn sự hi sinh của những người lính vì độc lập, tự do của dân tộc.

+ Đồng cảm với những nỗi đau mà những người lính phải chịu đựng.

+ Trân trọng giá trị của hòa bình.

….

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời đúng 02 ý như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời đúng 01 ý đáp án: 0,5 điểm

HS có cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của anh/chị về hình ảnh những người lính đảo qua những câu thơ. 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:

 Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cảm nhận về vẻ đẹp của những người lính đảo qua những câu thơ.

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

*Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp của những người lính đảo qua những câu thơ trong bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” (Trần Đăng Khoa).

– Hình ảnh những người lính đảo qua những câu thơ:

+  Cuộc sống phải đối mặt với nhiều gian khổ nơi đảo xa: điều kiện tự nhiên khắc nghiệt khi triền miên không mưa, cuộc sống sinh hoạt nhiều thiếu thốn.

+ Tâm hồn những người lính đảo vẫn hiện lên với bao vẻ đẹp đáng yêu, đáng khâm phục:

++  Tâm hồn trẻ trung, hổn nhiên, lạc quan, yêu đời: Thể hiện qua khát khao và sự tưởng tượng về cơn mưa mong đợi đem lại sự sống, sự hồi sinh cho hòn đảo và cho những người lính trên đảo Sinh Tồn; tưởng tượng cảnh tượng liên hoan với toàn nước ngọt. (“Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh”, “để tóc lên như cỏ”).

   ++ Mang trong mình tình yêu quê hương đất nước và ý chí kiên định: Hình ảnh so sánh: Chúng tôi như hòn đá ngàn năm, đập trong trái tim người/ Như đá vững bền, như đá tốt tươi… nhấn mạnh phẩm chất kiên định, bền bỉ “như hòn đá ngàn năm”, “như đá vững bền” của những người lính đảo. Trái tim người lính và đá trên đảo Sinh Tồn có một sự gắn bó mật thiết: đá mang sức sống của trái tim người lính trẻ, trái tim người lính trẻ có sự vững vàng, kiên định như đá san hô trên biển đảo quê hương, chính vì thế mà cả hai đểu “vững bển” và “tốt tươi” – tràn đầy sức sống, sức hồi sinh mãnh liệt trong gian khổ.

– Nghệ thuật miêu tả hình ảnh người lính đảo trong những câu thơ: sử dụng thể thơ tự do, những hình ảnh liên tưởng so sánh sáng tạo , các hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa biểu tượng; ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm; sử dụng cấu trúc câu cảm thán.

* Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của đoạn văn.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
đ. Diễn đạt:

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ 0,25
  2    “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ.” Sống như thế nào để tuổi trẻ có ý nghĩa là lựa chọn của mỗi người.

    Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị về lối sống hết mình trong tuổi trẻ.

4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Suy nghĩ về lối sống hết mình trong tuổi trẻ.

0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý theo bố cục hợp lí ba phần của bài văn nghị luận.

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

+ Giải thích: Sống hết mình trong tuổi trẻ là sống một cách đầy nhiệt huyết, sống một cách lãnh liệt, rạng rỡ huy hoàng, ưa dấn thân, trải nghiệm trong những năm tháng thanh xuân của mỗi người. Sống hết mình là sống một cách có ý nghĩa nhất, tận hưởng và tận hiến đối với cuộc sống. Sống hết mình đồng nghĩa với việc cố gắng hết mình trong mọi khoảnh khắc.

+ Bàn luận: Tại sao cần sống hết mình trong tuổi trẻ?

++ Mỗi người chỉ sống có một lần, cho nên cần sống thật say mê, thật hết mình, để làm cho bản thân hạnh phúc và cống hiến hết sức cho xã hội. Có như vậy ta mới không uổng phí kiếp người.

++  Cuộc sống luôn có muôn vàn khó khăn, chông gai, thử thách, sống hết mình sẽ giúp ta đương đầu, có thêm niềm tin, sức mạnh để vượt qua, vươn lên, hướng tới những gì tươi sáng nhất.

++ Sống hết mình, đầy nhiệt huyết sẽ giúp khơi dậy những khả năng vốn ngủ say trong ta, phát huy hết sức mạnh nội tại, tiềm ẩn, giúp ta trở thành một con người ưu tú.

++ Sống hết mình sẽ giúp truyền cảm hứng cho những người khác, khiến họ cũng trở nên yêu cuộc đời hơn.

++ Nếu mỗi người đều biết cách tỏa sáng, sống và cống hiến hết mình thì xã hội sẽ phát triển, tiến bộ nhanh chóng.

HS đưa ra dẫn chứng chứng minh.

+ Mở rộng vấn đề:

++ Bên cạnh những người đã cháy hết mình trong tuổi trẻ thì có không ít bạn trẻ để thanh xuân của mình trôi qua vô vị, luôn sợ sai, không dám sống thật với những mong ước của bản thân, để rồi sau này phải thốt lên hai chữ “giá như”.

++ Sống hết mình trong tuổi trẻ là theo đuổi những giá trị chân chính, đem lại lợi ích cho bản thân ta và cộng đồng;  đối lập với lối sống hưởng thụ hay ăn chơi sa đọa của một bộ phận giới trẻ ngày nay.

+ Làm thế nào để có thể sống hết mình trong tuổi trẻ?

++ Cần đặt mục tiêu, hoài bão cho bản thân thật sớm để nỗ lực theo đuổi từng ngày.

++ Mỗi chúng ta hãy luôn coi mỗi ngày là một cơ hội để khám phá cuộc sống và cuộc sống là cả một hành trình không phải đích đến. Để từ đó ta sẽ có tâm thế đón nhận những thất bại, khó khăn bất cứ lúc nào mà không dễ dàng gục ngã hay từ bỏ.

++ Cần rèn luyện cho bản thân sự bình tĩnh, lòng kiên nhận, sự dũng cảm để dám dấn thân, dám đương đầu với mọi thử thách trong tuổi trẻ để tuổi trẻ trôi qua không hề nhạt nhẽo, vô vị.

++ Luôn xây dựng và duy trì những mối quan hệ với bạn bè, người thân để có thể chia sẻ và nhận sự hỗ trợ của họ bất cứ lúc nào khi ta cần.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân: Việc chọn cho bản thân mình một cách sống phù hợp trong những năm tháng tuổi trẻ thực sự rất cần thiết. Lối sống hết mình, nhiệt huyết sẽ giúp cho chúng ta có những hướng đi đúng đắn để sống một cách trọn vẹn nhất, khiến cuộc sống của ta có ý nghĩa hơn mỗi ngày.

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Đảm bảo cấu trúc: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

– Triển khai ít nhất được hai luận điểm để làm rõ vấn đề nghị luận.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *