Đề văn lớp 11 chương trình mới Hai lần chết, Thạch Lam, Mạn thuật 13 Nguyễn Trãi

Đề thi khối 11

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

(Lược dẫn một đoạn: Dung là con thứ bốn trong nhà. Trước kia, gia đình nàng danh giá nhưng giờ sa sút, nghèo khổ. Vì đã đông con, nên khi Dung ra đời, cả bố mẹ đều đối với nàng rất lãnh đạm, thờ ơ. Dung lớn lên trong sự hờ hững, lạnh nhạt ấy của gia đình. Rồi Dung bị mẹ gả bán cho một nhà giàu để lấy mấy trăm đồng bạc.)

 Về đến nhà chồng, Dung mới biết chồng là một anh học trò lớp nhì, vừa lẩn thẩn vừa ngu đần. Nàng đã bé mà chồng nàng lại còn bé choắt hơn. Nhưng bà mẹ chồng với các em chồng nàng thì to lớn ác nghiệt lắm.

Qua ngày nhị hỉ, Dung đã tháo bỏ đôi vòng trả mẹ chồng, ăn mặc nâu sồng như khi còn ở nhà, rồi theo các em chồng ra đồng làm ruộng. Nhà chồng nàng giàu, nhưng bà mẹ chồng rất keo kiệt, không chịu nuôi người làm mà bắt con dâu làm.

Khốn nạn cho Dung từ bé đến nay không phải làm công việc gì nặng nhọc, bây giờ phải tát nước, nhổ cỏ, làm lụng đầu tắt mặt tối suốt ngày. Đã thế lại không có người an ủi. Chồng nàng thì cả ngày thả diều, chả biết cái gì mà cũng không dám cãi lại bà cụ. Còn hai em chồng nàng thì ghê gớm lắm, thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm.

Những lúc Dung cực nhọc quá, ngồi khóc thì bà mẹ chồng lại đay nghiến:

– Làm đi chứ, đừng ngồi đấy mà sụt sịt đi cô. Nhà tôi không có người ăn chơi, không có người cả ngày ôm lấy chồng đâu.

Rồi bà kể thêm:

– Bây giờ là người nhà tao rồi thì phải làm. Mấy trăm bạc dẫn cưới, chứ tao có lấy không đâu.

Dung chỉ khóc, không dám nói gì. Nàng đã viết ba bốn lá thư về kể nỗi khổ sở của nàng, nhưng không thấy cha mẹ ở nhà trả lời.

Một hôm tình cờ cả nhà đi vắng, Dung vội ăn cắp mấy đồng bạc trinh lẻn ra ga lấy vé tàu về quê. Đến nơi, mẹ nàng ngạc nhiên hỏi:

– Kìa, con về bao giờ thế? Đi có một mình thôi à?

Dung sợ hãi không dám nói rằng trốn về, phải tìm cớ nói dối. Nhưng đến chiều tối, nàng lo sợ quá, biết rằng thế nào ngày mai mẹ chồng nàng cũng xuống tìm. Nàng đánh bạo kể hết tình đầu cho cha mẹ nghe, những nỗi hành hạ nàng phải chịu, và xin cho phép nàng ở lại nhà.

Cha nàng hút một điếu thuốc trong cái ống điếu khảm bạc, rồi trầm ngâm như nghĩ ngợi. Còn mẹ nàng thì đùng đùng nổi giận mắng lấy mắng để:

– Lấy chồng mà còn đòi ở nhà. Sao cô ngu thế. Cô phải biết cô làm ăn thế đã thấm vào đâu mà phải kể. Ngày trước tôi về nhà này còn khó nhọc bằng mười chứ chả được như cô bây giờ đâu, cô ạ.

Sớm mai, bà mẹ chồng Dung xuống. Vừa thấy thông gia, bà đã nói mát:

– Nhà tôi không có phúc nuôi nổi dâu ấy. Thôi thì con bà lại xin trả bà chứ không dám giữ.

Mẹ Dung cãi lại:

– Ô hay, sao bà ăn nói lạ. Bây giờ nó đã là dâu con bà, tôi không biết đến. Mặc bà muốn xử thế nào thì xử. Chỉ biết nó không phải là con tôi nữa mà thôi.

Bà nọ nhường bà kia, rút cục Dung được lệnh của mẹ phải sửa soạn để đi với mẹ chồng.

Bị khổ quá, nàng không khóc được nữa. Nàng không còn hy vọng gì ở nhà cha mẹ nữa. Nghĩ đến những lời đay nghiến, những nỗi hành hạ nàng phải sẽ chịu, Dung thấy lạnh người đi như bị sốt. Nàng hoa mắt lên, đầu óc rối bời, Dung ước ao cái chết như một sự thoát nợ.

Nàng không nhớ rõ gì. Ra đến sông lúc nào nàng cũng không biết. Như trong một giấc mơ, Dung lờ mờ thấy cái thành cầu, thấy dòng nước chảy. Trí nàng sắc lại khi nước lạnh đập vào mặt, nàng uất ức lịm đi, thấy máu đỏ trào lên, rồi một cái màng đen tối kéo đến che lấp cả.

Bỗng nàng mơ màng nghe thấy tiếng nhiều người, tiếng gọi tên nàng, một làn nước nóng đi vào cổ. Dung ú ớ cựa mình muốn trả lời.

– Tỉnh rồi, tỉnh rồi, không lo sợ gì nữa. Bây giờ chỉ đắp chăn cho ấm rồi sắc nước gừng đặc cho uống là khỏi.

[…] Hai hôm sau, Dung mạnh khỏe hẳn. Bà mẹ chồng vẫn chờ nàng, hỏi có vẻ gay gắt thêm:

– Cô định tự tử để gieo cái tiếng xấu cho tôi à? Nhưng đời nào, trời có mắt chứ đã dễ mà chết được. Thế bây giờ cô định thế nào? Định ở hay định về?

Dung buồn bã trả lời:

– Con xin về.

Khi theo bà ra ga, Dung thấy người hai bên đường nhìn nàng bàn tán thì thào. Nàng biết người ta tò mò chú ý đến nàng.

Trông thấy dòng sông chảy xa xa, Dung ngậm ngùi nghĩ đến cái chết của mình. Lần này về nhà chồng, nàng mới hẳn là chết đuối, chết không còn mong có ai cứu vớt nàng ra nữa.

Dung thấy một cảm giác chán nản và lạnh lẽo. Khi bà cả lần ruột tương gọi nàng lại đưa tiền lấy vé, Dung phải vội quay mặt đi để giấu mấy giọt nước mắt.

                                (Trích Hai lần chết, Thạch Lam, in trong tập Gió đầu mùa,

NXB Đời nay, Hà Nội, 1937)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1. Xác định lời người kể chuyện và lời nhân vật trong những câu văn sau:

Rồi bà kể thêm:

– Bây giờ là người nhà tao rồi thì phải làm. Mấy trăm bạc dẫn cưới, chứ tao có lấy không đâu.

Dung chỉ khóc, không dám nói gì.

Câu 2. Tìm những chi tiết cho thấy nhân vật Dung bị đối xử bất công tại nhà chồng.

Câu 3. Nhận xét về điểm nhìn trần thuật và người kể chuyện trong đoạn trích.

Câu 4. Qua đoạn trích, nhà văn Thạch Lam bày tỏ tình cảm, thái độ gì?

Câu 5. Chi tiết nào trong văn bản khiến em ấn tượng nhất? Vì sao?

  1. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong bài thơ sau:

         Mạn thuật1 (bài 13)

                                              – Nguyễn Trãi –

Quê cũ nhà ta thiếu của nào,

Rau trong nội, cá trong ao.

Cách song2 mai tỉnh hồn Cô Dịch3,

Kề nước cầm đưa tiếng Cửu Cao4.

Khách đến, vườn còn hoa lác5,

Thơ nên, cửa thấy nguyệt vào.

Cảnh thanh dường ấy chăng về nghỉ,

Lẩn thẩn làm chi áng mận đào6.

(Nguyễn Trãi toàn tập, Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, 1976, tr. 407)

* Chú thích:

1 Mạn thuật: chùm thơ gồm 14 bài trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. (“Mạn thuật” là một cách viết tổng hợp giữa nhiều thể loại (kể chuyện, ghi chép, bình luận, khảo cứu…). Cách viết tự do, nhẹ nhàng, thoải mái, không trói buộc, câu nệ. )

 2 Cách song: ở ngoài cửa sổ

3 Hồn Cô Dịch: Sách Trang tử thiên “Tiêu diêu du”, nói đến thần nhân núi Cô Dịch, da như băng tuyết, yểu điệu như xử nữ, tượng trưng cái đẹp trong trắng. Ở đây Nguyễn Trãi ví cốt cách thanh khiết của cây mai như cái tinh thần trong trắng của nữ thần núi Cô Dịch (núi Cô dịch ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc)

4 Cửu Cao: Chín đầm nước sâu (cả câu này ý nói suối chảy như tiếng đàn, tiếng hạc)

Lác: từ cổ có nghĩa là tiếng hỏi (quát lác, thét lác), ở đây có thể hiểu là hoa chào đón.

6  áng mận đào:  Nghĩa ở đây chỉ chốn cửa quyền, danh lợi.

Câu 2. (4.0 điểm)

Cantauzene từng nói: “Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi”.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

  1. ĐÁP ÁN HƯỚNG DẪN
Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 – Lời người kể chuyện ngôi ba:

  + Rồi bà kể thêm.

  + Dung chỉ khóc, không dám nói gì.

– Lời nhân vật (bà mẹ chồng): Bây giờ là người nhà tao rồi thì phải làm. Mấy trăm bạc dẫn cưới, chứ tao có lấy không đâu.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời đúng 02 ý như đáp án: 0,5 điểm

Trả lời đúng 01 ý như đáp án: 0,25 điểm

0,5
2 Những chi tiết cho thấy nhân vật Dung bị đối xử bất công tại nhà chồng:

+ Qua ngày nhị hỉ, Dung đã tháo bỏ đôi vòng trả mẹ chồng.

+ Phải làm lụng đầu tắt mặt tối suốt ngày ngoài đồng; còn bị hai em chồng ghê gớm thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm.

+ Khi cực nhọc quá khóc thì bị mẹ chồng đay nghiến.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời đúng 1 – 2 ý như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời đúng 1 ý như đáp án: 0,25 điểm

0,5
3 Nhận xét về điểm nhìn trần thuật và người kể chuyện trong đoạn trích:

– Người kể chuyện di chuyển điểm nhìn linh hoạt, từ điểm nhìn bên ngoài (kể những điều nhân vật không biết) sang điểm nhìn bên trong. Điểm nhìn bên trong là điểm nhìn chủ yếu trong đoạn trích, kể qua cảm nhận và những suy nghĩ của nhân vật Dung.

– Người kể chuyện đã thâm nhập sâu vào đời sống nội tâm phức tạp của nhân vật (nhân vật Dung), giúp tái hiện ý thức, suy nghĩ của nhân vật, giúp người đọc hiểu rõ hơn về những diễn biến tâm trạng của nhân vật.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời đúng 2 ý như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời đúng 1 ý như đáp án: 1,0 điểm

1,0
4 Tình cảm, thái độ của nhà văn Thạch Lam qua đoạn trích:

– Đồng cảm, xót thương đối với những người phụ nữ có số phận bất hạnh trong xã hội cũ trước cách mạng. Họ không được quyền định đoạt hạnh phúc cho mình.

–  Phê phán những kẻ sống vô cảm, tàn nhẫn, ác độc.

–  Lên án những lễ giáo phong kiến hà khắc, bất công đã đẩy người phụ nữ vào bước đường cùng sống không bằng chết (lối hôn nhân ép buộc, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy; lấy chồng phải theo chồng,…)

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời đúng 3 ý như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời đúng 2 ý như đáp án: 0,75 điểm

– Trả lời đúng 1 ý như đáp án: 0,5 điểm

HS có cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa

1,0

 

 

 

5 HS chia sẻ suy nghĩ.

Ví dụ HS có thể chọn lựa chi tiết ấn tượng sau:

– Chi tiết nhân vật Dung gieo mình xuống dòng sông để tự tự

à Chi tiết này cho thấy sự bế tắc của nhân vật, mong muốn được giải thoát khỏi những đày đọa tại nhà chồng. Chi tiết vừa cho thấy số phận bất hạnh của nhân vật Dung, cũng vừa cho thấy sự phản kháng của nhân vật.

– Chi tiết cuối đoạn trích: Trông thấy dòng sông chảy xa xa, Dung ngậm ngùi nghĩ đến cái chết của mình. Lần này về nhà chồng, nàng mới hẳn là chết đuối, chết không còn mong có ai cứu vớt nàng ra nữa…. Dung phải vội quay mặt đi để giấu mấy giọt nước mắt.

à Chi tiết này cho thấy sự tuyệt vọng của nhân vật. Từ chỗ phản kháng (tìm đến cái chết để mong giải thoát) thì nàng đã buộc phải chấp nhận hiện thực đắng cay. Đây là tâm trạng tuyệt vọng, buông xuôi và chấp nhận số phận.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời ý giống: 0,5 điểm

– HS trả lời ý khác: 0,5 điểm (mỗi ý nhỏ: 0,25 điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong bài thơ “Mạn thuật” (bài 13). 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:

 Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong bài thơ “Mạn thuật” (bài 13).

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

*Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong bài thơ “Mạn thuật” (bài 13).

– Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ:

+ Tình yêu quê hương gắn bó với tình yêu thiên nhiên: Thể hiện qua việc khắc họa bức tranh cuộc sống nơi nơi quê nhà bình dị, đạm bạc, bình yên… Thiên nhiên hiện lên hài hòa, tươi đẹp, có hoa mai, có suối chảy, có trăng bầu bạn với nhà thơ.

+ Tâm thế thảnh thơi, tự do, hòa mình vào chốn thiên nhiên thanh dã, yên bình.

+ Quan điểm sống “lánh đục về trong”, xa rời chốn quan trường, danh lợi để trở về sống giữa chốn thôn quê, hòa mình với thiên nhiên để giữ gìn cốt cách thanh cao.

– Vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi được thể hiện qua những nét đặc sắc về nghệ thuật: cách tân về thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật xen câu lục ngôn; hình ảnh thơ giàu sức gợi; ngôn ngữ giản dị có sử dụng kết hợp điển cố, điển tích.

* Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của đoạn văn.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
đ. Diễn đạt:

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ 0,25
  2 Cantauzene từng nói: “Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi”.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Thái độ trân trọng sự sống, không rơi vào những cái chết về tinh thần.

0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý theo bố cục hợp lí ba phần của bài văn nghị luận.

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

 + Giải thích ý kiến của Cantauzene, nêu quan niệm của người viết:

++ “Chết” là trạng thái cơ thể con người dừng lại mọi hoạt động: hơi thở chấm dứt, não bộ không còn tư duy, tim ngừng đập,…Đã sinh ra trong cõi đời, không ai thoát khỏi cái chết, đó chính là cái “chết một lần” mà không người nào tránh được.

++ Nhưng bên cạnh cái chết thể xác ấy, còn có những cái chết về tinh thần, về thanh danh, chết trong khi còn đang sống. Chẳng hạn: khi con người không còn lí tưởng, mục đích sống, không có ước mơ, hoài bão; chán nản, buông xuôi trước hoàn cảnh khó khăn; khi tâm hồn vô cảm, đóng băng; khi đánh mất danh dự, lương tâm với những việc làm khiến đồng loại xa lánh, chối bỏ…

=> Tác giả của câu nói khuyên chúng ta hãy không ngừng nỗ lực, cố gắng để không rơi vào những cái chết về tinh thần, để chỉ một lần chết theo quy luật của kiếp nhân sinh.

+ Bàn luận: Vì sao cần “cố gắng để chỉ chết một lần thôi”?

++ Sự cố gắng để “chỉ chết một lần thôi” là điều cần thiết đối với tất cả mọi người. Mỗi cá nhân chỉ một lần được sống, vì vậy phải phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng để tạo nên cuộc đời có ý nghĩa, một sự sống đích thực, khi nhắm mắt xuôi tay được thanh thản, không ân hận hay hối tiếc về những năm tháng sống hoài, sống phí.

++ Chết trong khi còn đang sống là điều đáng sợ và đáng tiếc, khiến cuộc đời con người uổng phí, vô nghĩa, bị xã hội chê cười, khinh bỉ.

++ HS lấy dẫn chứng về những con người đã “cố gắng để chỉ chết một lần thôi”, đã tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa, được xã hội tôn vinh, trân trọng, thậm chí họ đã bất tử sau cái chết “một lần”: Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chị Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Văn Trỗi,…; những tấm gương các bạn trẻ ngày nay đang ra sức học tập và cống hiến cho Tổ quốc.

Mở rộng vấn đề: Phê phán những kẻ đã “chết trong khi còn đang sống”: sống buông thả, trác táng, làm những điều vô đạo đức, phi nhân tính,… Hay những người sống phụ thuộc vào người khác, không làm chủ cuộc đời mình; những người tự biến mình thành nạn nhân của cuộc đời, luôn chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực không lối thoát, sống lay lắt, sống chỉ để cho qua ngày đoạn tháng mà không tìm được niềm hạnh phúc trong cuộc đời.

+ Làm thế nào để bản thân mỗi người “chỉ chết một lần thôi”?

  ++ Mỗi người cần luôn sống có mục tiêu, ước mơ, hi vọng, có đam mê riêng; luôn sẵn sàng đối mặt và vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

++ Mỗi người cần biết trân trọng sự sống hiện tại của mình, cố gắng tạo dựng một cuộc đời có ích, có ý nghĩa.

++ Muốn “chỉ chết một lần thôi” thì phải tích cực sống đẹp, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, lánh xa những điều xấu xa, bạc ác, mở rộng cửa trái tim để trao gửi yêu thương, có ý chí vững vàng trước những chông gai, thử thách của dòng đời,…

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân: Câu nói của Cantauzene là một ý kiến đúng đắn, tích cực, một lời khuyên bổ ích và là phương châm sống cần ghi nhớ đối với những ai đã may mắn có mặt trong cõi đời này.

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Đảm bảo cấu trúc: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

– Triển khai ít nhất được hai luận điểm để làm rõ vấn đề nghị luận.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

1,5
đ. Diễn đạt. Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản. 0,25
e. Sáng tạo. Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *