Đề và đáp án thi học sinh giỏi môn văn lớp 11 Bắc Ninh 2019

Đề thi khối 11

 

ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH

NĂM HỌC 2018- 2019

Môn: NGỮ VĂN  – Lớp 11

Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

       (Đề thi gồm có 01 trang)

 )

 

 

Câu 1 (8.0 điểm)

Người Do Thái có một chuyện vui nói về vai trò của tri thức và tiền bạc như sau:

Có hai học giả nói chuyện với nhau. Một người nói: “Tri thức và tiền bạc cái nào quan trọng hơn?”. Người kia trả lời: “Tất nhiên là tri thức quan trọng hơn!”. Vị học giả đáp lại: “Vậy tại sao người có tri thức lại phải làm việc cho người giàu có nhiều tiền bạc. Người giàu có lại không phải phục vụ người có tri thức!?”.

Từ câu chuyện trên, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về tri thức và tiền bạc trong cuộc sống hôm nay.

 

Câu 2 (12 điểm)

Khi giới thiệu tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, có ý kiến cho rằng:

Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào làng văn với những cạnh sắc của riêng mình.

(Tư liệu văn học lớp 11– Tập một)

Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến trên?Bằng việc phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, hãy làm sáng tỏ ý kiến.

 

=====Hết=====

 

Họ và tên thí sinh :………………………………………………. Số báo danh …………………………

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

Môn: Ngữ văn 11

 

Câu 1 (8.0 điểm)

Người Do Thái có một chuyện vui nói về vai trò của tri thức và tiền bạc như sau: Có hai học giả nói chuyện với nhau. Một người nói: “Tri thức và tiền bạc cái nào quan trọng hơn?” Người kia trả lời: “Tất nhiên là tri thức quan trọng hơn!“. Vị học giả đáp lại: “Vậy tại sao người có tri thức lại phải làm việc cho người giàu có nhiều tiền bạc. Người giàu có lại không phải phục vụ người có tri thức!?”.

Từ câu chuyện trên, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về tri thức và tiền bạc trong cuộc sống hôm nay.

Yêu cầu chung:

– Nắm chắc phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận xã hội.

– Biết vận dụng hiểu biết xã hội để bàn luận vấn đề một cách hợp lí.

– Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt sáng rõ, trôi chảy; hạn chế tối đa việc mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể :

Đây là một vấn đề mang tính chất gợi mở, HS có thể trình bày theo cách riêng của mình. Khuyến khích sự sáng tạo, cá tính của học sinh dựa trên lập luận chặt chẽ, có tính thuyết phục.

Giải thích (1.0 điểm)

Tri thức: là những thông tin, hiểu biết và những kĩ năng mà ta đạt được thông qua giáo dục hay trải nghiệm thực tế.Người có tri thức: là người có trình độ học vấn, có hiểu biết sâu rộng về một  hay nhiều lĩnh vực của cuộc sống, có kiến thức được thu nhận từ sách vở hay cuộc sống.

– Tiền bạc: là của cải vật chất. Người có tiền bạc được xem là người giàu có, có điều kiện để đáp ứng, thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, tiền bạc là phương tiện giúp con người có cuộc sống sung túc, thoải mái, tiện nghi…

=>Tri thức và tiền bạc đều có vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Song yếu tố nào quan trọng hơn, yếu tố nào chi phối yếu tố còn lại là nỗi băn khoăn của hai vị học giả trong câu chuyện. Lời đáp kết thúc câu chuyện có vẻ nghiêng về vai trò của tiền bạc: Người có tri thức phải làm việc, phục vụ cho người giàu có nhiều tiền bạc. Tiền bạc có thể sai khiến, điều khiển cả tri thức. Thực chất người thứ hai đã đánh tráo khái niệm giữa tri thức và người có tri thức, tiền bạc và người có tiền bạc.

Bình luận, chứng minh (6.0 điểm)

– Vai trò của tiền bạc và tri thức (2.0 điểm):

+ Vai trò của tiền bạc: Tiền bạc là phương tiện, là công cụ để thỏa mãn những nhu cầu vật chất và cả tinh thần của con người, của cải tiền tài giúp cho con người có được cuộc sống đầy đủ, thoải mái, tiện nghi, người nắm trong tay tiền bạc có thể làm được nhiều việc thiện ích cho mình và cho người. Nhu cầu có được sự giàu có về vật chất, tiền bạc là nhu cầu, mong muốn chính đáng của con người. Để có được của cải, tiền bạc cho bản thân, con người phải nỗ lực học tập, lao động… không ngừng để biến tri thức, kỹ năng, sự cần cù, sáng tạo của mình thành tiền tài vật chất cụ thể phục vụ cho cuộc sống của bản thân.

+ Vai trò của tri thức: Tri thức không chỉ là sở hữu của cá nhân, nó là kết quả tích lũy của cả loài người trong hàng ngàn năm tiến hóa và phát triển, dựng xây. Tri thức giúp mỗi con người có hiểu biết, có thể lí giải được các hiện tượng khi đối diện với tự nhiên, xã hội…do đó giúp con người có thể  tồn tại, phát triển. Tri thức giúp nhân loại tạo nên những phát minh vĩ đại, những thành quả lớn lao. Tri thức giúp cho chúng ta có thể thực hiện những ước mơ, hoài bão của bản thân; giúp chúng ta tự tin khi đối diện với những khó khăn. Ngược lại, không có tri thức hoặc không chịu tích lũy tri thức sẽ khiến cho con người trở nên lạc hậu, gặp khó khăn, thất bại trong cuộc sống. Tri thức là sức mạnh. Người có tri thức luôn được xã hội kính nể, trọng vọng.

-Mối quan hệ giữa tiền bạc và tri thức (2.0 điểm):

+Tri thức và tiền bạc đều là những tài sản có giá trị và bổ trợ cho nhau. Người có tri thức không thể không hiểu giá trị của tiền bạc, nên có thể làm việc cho người giàu có để đem lại lợi nhuận cho bản thân là chuyện đương nhiên. Ngược lại, người giàu có nhiều tiền bạc không đối lập với kẻ có tri thức, chính họ đã biến kho tri thức kinh nghiệm phong phú vô tận của nhân loại trở thành trí tuệ của bản thân mình, họ không chỉ biết giá trị của đồng tiền mà còn biết sử dụng nó để hợp tác với những người có tri thức, biến nó thành vật chất tiền bạc để phục vụ cho bản thân và cộng đồng. Nhờ có tri thức, cao hơn là nhờ có trí tuệ, con người tạo ra của cải vật chất tiền bạc cho bản thân, làm giàu cho xã hội, làm cuộc sống của mình trở nên tiện nghi, xã hội ngày càng hiện đại, văn minh hơn. Bản thân những của cải vật chất phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt của chúng ta ngày hôm nay cũng là sản phẩm của trí tuệ ngày càng trở nên mẫn tiệp, thông thái của con người.

+ Thực chất, tri thức quan trọng hơn tiền bạc. Tri thức là tài sản vô hình và vô giá, không thể đo đếm được. Tiền bạc là tài sản hữu hình và có thể đong đếm được.Tri thức chỉ có thể đầy thêm. Tiền bạc có thể vơi đi. Đầu tư vào tri thức không bao giờ thua thiệt. Đầu tư vào tiền bạc nhiều rủi ro. Có tri thức có thể kiếm được tiền bạc. Có tiền bạc chưa chắc đã mua được tri thức. Tiền bạc có thể khiến người khác nể sợ. Tri thức khiến người khác kính phục.

– Bàn bạc, mở rộng, liên hệ thực tế (2.0 điểm):

+ Tri thức, trí tuệ làm nên giá trị con người chứ không phải tiền bạc. Nhưng con người tiếp thu tri thức, phấn đấu rèn luyện hình thành nên một bản lĩnh trí tuệ, nhằm tạo ra tiền bạc, của cải, phục vụ cho bản thân và cộng đồng, thì đó là nguyện vọng, mong muốn đúng đắn, chân chính của mỗi cá nhân.

+ Người giàu có nhiều tiền bạc không hoàn toàn đồng nghĩa với người có trí tuệ được trọng vọng. Bởi vật chất tiền tài họ có được có thể không xuất phát từ lao động chân chính. Tri thức phải gắn liền với nhân cách, sự giàu sang phải gắn liền với đạo đức, điều đó mới tạo nên giá trị của con người thực sự.

+ Phê phán hiện tượng xã hội chạy theo bằng cấp mà không coi trọng trí tuệ thực lực. Lên án những người quá coi trọng đồng tiền, tìm cách làm giàu bất chấp mọi thủ đoạn, sử dụng đồng tiền với mục đích xấu xa…

Bài học nhận thức và hành động (1.0 điểm)

– Nhận thức đúng đắn vai trò của đồng tiền và tri thức đối với bản thân và xã hội.

– Tích lũy tri thức để làm giàu cho bản thân: cả về trí tuệ, nhân cách và cuộc sống vật chất.

– Kiếm tiền và sử dụng tiền bạc một cách hiệu quả, thiết thực, giúp ích cho bản thân và cộng đồng để trở thành người có trí tuệ và đạo đức chân chính.

Biểu điểm.

Điểm 7-8: Có hiểu biết phong phú, kiến thức vững vàng, kĩ năng viết văn tốt. Hành văn trong sáng, có cảm xúc.

Điểm 5 – 6: Bài viết hiểu vấn đề, biết làm bài nghị luận xã hội, dẫn chứng sinh động, không mắc lỗi.

Điểm 3-4: Hiểu đề, đáp ứng được khoảng ½  yêu cầu trên, còn một số lỗi về diễn đạt, chính tả.

Điểm 1-2: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, bài viết mắc nhiều lỗi diễn đạt.

Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề.

 

Câu 2 (12 điểm)

Khi giới thiệu tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, có ý kiến cho rằng:

Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào làng văn với những cạnh sắc của riêng mình.”

(Tư liệu văn học lớp 11– Tập một)

Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến trên?Bằng việc phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, hãy làm sáng tỏ ý kiến đó.

Yêu cầu chung

– Nắm chắc phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận văn học.

– Biết vận dụng kiến thức văn học để bàn luận vấn đề một cách hợp lí.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, có cảm xúc.

Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày, sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần đảm bảo những nội dung sau:

 

Giới thiệu tác giả, tác phẩm (1.0 điểm)

– Những năm 40 của thế kỉ XX, trên văn đàn hiện thực Việt Nam, Nam Cao nổi bật với những trang viết khai phá sâu sắc bi kịch của những kiếp người khổ đau trong bóng đêm của xã hội cũ, những cuộc đời lầm than đi vào trang sách của Nam Cao đã sống mãi với thời gian.

Chí Phèocủa Nam Cao ra mắt người đọc năm 1941, đã tố cáo bộ mặt vô nhân của xã hội và phản ánh sự bế tắc cùng cực của người nông dân. Với tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào làng văn với những cạnh sắc của riêng mình.

Giải thích ý kiến (2.0 điểm)

Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả

+Nam Cao không bắt chước, đi theo những công thức, những lối mòn dễ dãi đã có sẵn.

+ Nam Cao cũng không uốn cong ngòi bút chiều theo thị hiếu của độc giả đương thời lúc đó đang rất say sưa với những tiểu thuyết lãng mạn.

–  Nam Cao đã bước chân vào làng văn với những cạnh sắc riêng:

+ Nam Cao đã tự mình tìm ra một lối đi riêng, một phong cách riêng độc đáo.

+Sự sáng tạo của nhà văn thể hiện ở cả hai phương diện: nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật

=> Nghĩa cả câu: Khẳng định bản lĩnh và phong cách nghệ thuật độc đáo của Nam Cao so với văn chương đương thời.

Ý kiến đề cập đến vai trò của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Phát hiện ra những cái mới mẻ, độc đáo là yêu cầu bắt buộc của sáng tạo nghệ thuật nói riêng và văn học nói chung. Bởi sự lặp lại là cái chết của nghệ thuật. Người nghệ sĩ không thể lặp lại người khác và chính bản thân mình. Chính việc phát hiện ra những điều độc đáo, mới mẻ sẽ giúp cho nhà văn hình thành được phong cách riêng. Hơn nữa có độc đáo, mới mẻ mới cuốn hút được người tiếp nhận. Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập. (Macxen – Pruxt)

Phân tích – chứng minh (8.0 điểm)

Những sáng tạo ở phương diện nội dung tư tưởng (5.0 điểm)

– Giá trị hiện thực mới mẻ (2.0 điểm):

+ Dựng lên một bức tranh chân thực, sống động về nông thôn Việt Nam ngột ngạt, đen tối trước Cách mạng tháng Tám.

+ Nhà văn thường chú ý tới những con người thấp cổ bé họng, những số phận bi thảm. Ông đặc biệt đi sâu vào tình cảnh và số phận của những con người bị đày đọa vào cảnh nghèo đói, cùng đường, bị hắt hủi, lăng nhục một cách tàn nhẫn, bất công . Viết về quá trình tha hóa của những con người này, nhà văn có phát hiện thật sâu sắc : xã hội tàn bạo đã hủy diệt cả thể xác lẫn linh hồn người nông dân lương thiện, đẩy họ vào cuộc sống khốn cùng không lối thoát.

Giá trị nhân đạo mới mẻ (3.0 điểm): nhà văn đã phát hiện, miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người lao động ngay khi tưởng như họ đã bị xã hội tàn ác cướp mất cả bộ mặt người lẫn linh hồn người. (Tư tưởng nhân đạo của phần lớn các cây bút hiện thực khác chủ yếu thể hiện sự đồng cảm với người nông dân, lên án cái xã hội thực dân nửa phong kiến bóc lột tàn tệ người lao động, đẩy họ vào con đường bần cùng, ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của họ.)

b.Những sáng tạo ở phương diện nghệ thuật (3.0 điểm)

– Về nghệ thuật xây dựng nhân vật: Chí Phèo và Bá Kiến là những nhân vật điển hình sắc nét vừa có ý nghĩa tiêu biểu, vừa hết sức sinh động, có cá tính độc đáo, gây ấn tượng mạnh cho người đọc, là nhân vật “lạ mà quen”. Khi xây dựng những nhân vật này, Nam Cao đã phát huy cao độ sở trường khám phá và miêu tả những trạng thái tâm lí phức tạp của nhân vật, những hiện tượng lưỡng tính dở say dở tỉnh, dở khóc dở cười, mấp mé ranh giới giữa thiện với ác, giữa hiền với dữ, giữa con người với con vật… (1.0 điểm)

– Kết cấu mới mẻ (0.5 điểm):

+ Truyện có kết cấu phóng túng thoải mái, gặp đâu nói đấy, không theo trình tự thời gian, lúc đầu đi thẳng vào giữa truyện, sau mới ngược thời gian kể về lai lịch của nhân vật nhưng thực chất lại rất chặt chẽ lôgic.

+ Kết cấu đầu cuối tương ứng hiện đại, mở đầu và kết thúc là hình ảnh chiếc lò gạch cũ gợi sự luẩn quẩn, bế tắc trong số phận của người nông dân.

– Cốt truyện hấp dẫn, tình tiết đầy kịch tính và luôn biến hóa, càng về cuối càng gay cấn với những tình tiết quyết liệt, bất ngờ.(0.5 điểm)

– Ngôn ngữ sống động, vừa điêu luyện, nghệ thuật vừa rất gần với lời ăn tiếng nói trong đời sống. Giọng điệu của nhà văn phong phú và biến hóa, có sự đan xen lẫn nhau. Cách trần thuật cũng rất linh hoạt. Nhà văn có khả năng nhập vào các vai, chuyển từ vai này sang vai khác một cách tự nhiên, linh hoạt, gây hấp dẫn cho người đọc, lúc thì trần thuật theo điểm nhìn của tác giả, lúc thì trần thuật theo nhân vật Chí Phèo, khi lại trần thuật theo nhân vật Bá Kiến, thị Nở.(1.0 điểm)

Đánh giá (1.0 điểm)

Với những sáng tạo trên, Chí Phèo của Nam Cao xứng đáng là “Một phát hiện về hình thức, một khám phá về nội dung” (Lê-ô-nít Lê-ô-nốp), trở thành một kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, thể hiện tài năng truyện ngắn bậc thầy của nhà văn.

– Ý kiến trên không chỉ làm nổi bật phong cách truyện ngắn Nam Cao mà còn góp phần định hướng người đọc trong việc tiếp cận, khám phá tác phẩm cũng như đặt ra cho người nghệ sĩ bài học quý giá trong sáng tạo nghệ thuật: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao).

 

Biểu điểm.

            – Điểm 10-12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

– Điểm 8-9: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy; câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 6-7:Bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 4-5: Bài viết đáp ứng khoảng ½ nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.

– Điểm 2-3: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài; kết cấu không rõ ràng; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1-2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết gì ./.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *