Thuyết minh về hiện tượng muốn trải nghiệm cuộc sống trước hôn nhân của giới trẻ hiện nay

Đề thi khối 11

Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Phở Bò – Món Quà Căn Bản

Sao lại là quà căn bản?

Vâng, chính thế; người ta có thể nói rằng người Việt Nam có thể không ăn bánh bao, bánh bẻ, có thể không ăn mằn thắn hay mì, có thể không ăn xôi lúa, nhưng chắc chắn là ai cũng đã từng ăn phở.

Rẻ lắm. Theo giá trị của đồng bạc bây giờ năm đồng một bát phở, mà ba đồng cũng được một bát phở ngon như thường.

Vì thế, từ cô bán hàng trong một cửa hiệu buôn cho đến một ông công chức, từ một bà mệnh phụ nhà có cửa võng sơn son thiếp vàng, đến một người thợ vắt mũi không đủ nuôi miệng, ai cũng ăn bát phở. Ngon miệng thì ăn hai, riêng tôi thì tôi đã từng thấy có người điểm tâm buổi sáng tới ba bát liền, mỗi bát tám đồng, vị chi hai mươi bốn, hai mươi nhăm đồng bạc.

Thật thế, phở đối với một hạng người, không còn là một món ăn nữa, mà là một thứ nghiện như nghiện thuốc lào, thuốc lá, trà tươi, thuốc phiện.

Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong rồi lại ra chùa ngoài. Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở, thật là cả một bài trí nên thơ. Qua lần cửa kính ta đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có… Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu.

Trông mà thèm quá! Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được…

Ấy vậy mà người sành ăn phở, người ăn phở kỹ càng không thể dễ tính, nhất tề bước vào một cửa hiệu phở thứ nhất nào để mà ăn liều ăn lĩnh.

Bởi vì những người sành ăn đó, thường không tin gì cho lắm ở những hàng phở mở cửa hàng. Người ta bảo rằng phần nhiều những hàng phở mở hiệu như thế, nước dùng không được ngọt, hoặc có ngọt là cái ngọt của mì chính, chứ không phải là cái ngọt của xương bò, ấy là chưa nói rằng lại còn cửa hiệu phở quá vụng về muốn có nước dùng ngọt lại cho đường vào nữa. Ăn phải một bát phở như thế, không những tiếc tiền, mà lại còn thấy phí phạm cả cái công ăn, đến sinh ra lợm giọng, bực mình là khác.

Vì thế, người ăn phở muốn cho thật đúng cung cách, phải thăm dò, phải điều tra, phải thí nghiệm kỹ càng rồi mới ăn mà một khi đã chịu giọng rồi, ta có thể tin chắc rằng người đó sẽ là một người khách trung thành, cũng như một người đàn ông nghệ sĩ trung thành với hơi hướng của một người yêu, cũng như một người chồng mê vợ vì người vợ đã có tài làm một hai món khéo, ăn vào hợp giọng…

(Theo Vũ Bằng, Miếng ngon Hà Nội)

Câu 1. Văn bản trên viết về đề tài gì?

Câu 2. Theo văn bản, Phở được gọi là món ăn như thế nào?

Câu 3. Câu văn nào bộc lộ trực tiếp cảm xúc của tác giả khi nói về phở? Nhận xét về những cảm xúc đó.

Câu 4. Qua văn bản, em cảm nhận như thế nào về cái tôi của tác giả?

Câu 5. Không phải ngẫu nhiên tác giả lại đặt tên cho nhan đề là: Phở bò – món quà căn bản. Viết đoạn văn (khoảng 5-7 dòng) đưa ra cảm nhận của anh/chị về yếu tố được cho là căn bản được thể hiện qua đoạn văn bản trên.

I Viết (4,0 điểm)

Anh/ chị hãy viết bài văn thuyết minh về hiện tượng muốn trải nghiệm cuộc sống trước hôn nhân của giới trẻ hiện nay.

============= Hết ============

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
 

I

1 – Đề tài: Ẩm thực Hà thành.

Hướng dẫn chấm

– Trả lời như đáp án: 0,75 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,75
2 – Theo văn bản, Phở được gọi là: món quà căn bản.

Hướng dẫn chấm

– Trả lời như đáp án: 0,75 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,75
3 – Trong văn bản, câu văn bộc lộ trực tiếp cảm xúc của tác giả khi nói về phở: Trông mà thèm quá! Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được…

– Bộc lộ cảm xúc trực tiếp cảm xúc thèm muốn, sự hưng phấn và thích thú của mình khi nhắc về phở.

Hướng dẫn chấm

– Trả lời như đáp án: 1,5 điểm

– Trả lời được 1/2 số ý: 0,75

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,5
4 – Cái tôi tác giả:

+ Một người yêu quê hương, thấu hiểu sâu sắc về món ăn đặc sản của quê hương mình. Chính vì thế ông viết về món phở Hà Thành, nhà văn không chỉ đơn giản là để giới thiệu về một món ăn mà như đang bày tỏ lòng mình, kể cho người đọc nghe về món ăn mang hồn cốt văn hóa dân tộc.

+ Một cái tôi tài năng, am hiểu sâu sắc và có vốn hiểu biếu sâu sắc về ẩm thực…

Hướng dẫn chấm

– Trả lời như đáp án: 1,5 điểm

– Trả lời được một ý của đáp án: 0,75 điểm.

– Trả lời được một nửa ý, diễn đạt còn sơ sài: 0,25 điểm.

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,5

 

5  Học sinh có thể nêu lên quan điểm theo cách hiểu của mình và có những lí giải phù hợp.

– Một vài gợi ý: Yếu tố được cho là căn bản

+ Phở là một món ăn đơn giản nhưng phổ biến, thân thuộc và gần gũi với mọi đối tượng, mọi tầng lớp trong xã hội, bất cứ ai cũng có thể ăn, lại rẻ và dễ mua.

+ Nguyên liệu đơn giản, thông dụng, dễ kiếm (một bát phở có đầy đủ các vị: Vị cay của ớt, thơm của hành hoa, ngon ngọt của nước hầm xương và từ những miếng thịt bò đi kèm,… phở còn mang đầy đủ chất dinh dưỡng).

+ Hương vị hấp dẫn, dễ ăn đối với mọi người.

+ Đó là thứ quà tinh tế của Hà Nội, thứ quà mà toàn xã hội đều có thể tự thưởng cho mình sau những ngày hạn chế tiếp xúc. Phở vì thế mang một ý nghĩa tượng trưng lớn trong một khoảng khắc đặc biệt….

Hướng dẫn chấm

Trả lời đúng như đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương như đáp án: 1,5 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 1,0 điểm

– Trả lời được một nửa ý, diễn đạt còn sơ sài: 0,5 điểm.

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,5

 

II    Anh/ chị hãy viết bài văn thuyết minh về hiện tượng muốn trải nghiệm cuộc sống trước hôn nhân của giới trẻ hiện nay. 4,0
  a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài:

– Yêu cầu kiểu bài: Bài văn thuyết minh về một hiện tượng trong đời sống xã hội.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

– Vấn đề nghị luận: viết văn bản thuyết minh về hiện tượng muốn trải nghiệm cuộc sống trước hôn nhân của giới trẻ hiện nay.

0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

– Xác định được các ý chính của bài viết.

– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lý theo bố cục ba phần của bài văn (Mở bài, thân bài, kết bài).

Sau đây là một số gợi ý:

1. Mở bài:

– Dẫn dắt và giới thiệu hiện tượng trải nghiệm trước hôn nhân của thế hệ trẻ hiện nay.

– Nêu rõ sự tồn tại của hiện tượng trong đời sống xã hội.

2. Thân bài:

a. Nêu thực chất của sự vật, hiện tượng:

– Trải nghiệm trước hôn nhân thực chất là “sống thử”.

– Đây là một trong những thực trạng đáng báo động của xã hội hiện đại, khi con người có những suy nghĩ rất thoáng, cởi mở cho vấn đề này. Nhưng nhìn từ góc độ đạo đức, thuần phong mĩ tục thì đây lại đã và đang trở thành một vấn nạn của xa hội, trở thành một trào lưu rất khó kiểm soát trong đâị bộ phận giới trẻ hiện nay.

b. Cung cấp thông tin về sự vật, hiện tượng được thuyết minh theo một trong các trình tự sau theo cấu trúc: Nguyên nhân – hệ quả – giải pháp.

* Nguyên nhân:

– Lối sống thử này bắt nguồn từ sự ảnh hưởng tư tưởng, văn hóa phương Tây. Giới trẻ do có những suy nghĩ khá cởi mở, họ cho rằng trải nghiệm cuộc sống trước hôn nhân là cách để học tự khẳng định bản thân, tìm hiểu về người bạn đời tương lai.

– Do ảnh hưởng từ gia đình, khi những bạn trẻ sống trong một gia đình không hạnh phúc, có những đổ vỡ hôn nhân, cha mẹ thiếu sự thấu hiểu, cảm thông lẫn nhau khiến họ có nhu cầu trải nghiệm cuộc sống trước khi đưa ra quyết định xây dựng tương lai, hạnh phúc sau này.

– Một bộ phận giới trẻ có những suy nghĩ khá lệch lạc, không quá coi trọng sự thủy chung, ham vật chất hoặc đua đòi, a dua cùng bạn bè….

* Những ảnh hưởng/ hệ quả của lối sống trải nghiệm trước hôn nhân:

+ Khi chấp nhận lối sống trải nghiệm trước hôn nhân con người thường có suy nghĩ “thử trải nghiệm” nên thường ít có trách nhiệm với nhau.

+ Cuộc sống không lâu bền, tạm bợ, những va chạm trong cuộc sống hằng ngày dễ làm cho người ta chán nhau, thậm chí dễ xảy ra xô xát.

+ Một số bạn trẻ đã bị lợi dụng về tình cảm, vật chất từ cách sống này.

+ Ảnh hưởng nhiều đến học tập, công việc, mất mát về thời gian, sức khoẻ, tiền bạc, cơ hội trong cuộc sống…

+ Lối sống trải nghiệm trước hôn nhân không được xã hội và cộng đồng chấp nhận

+ Những chuyện không mong muốn xảy ra như nạo phá thai, con cái sinh ra chưa được pháp luật công nhận và đặc biệt nó có thể kéo theo nhiều căn bệnh nguy hiểm…

* Giải pháp:

– Trang bị cho bản thân những hiểu biết về cuộc sống, kiến thức pháp luật và những quan niệm đúng đắn về tình yêu.

– Đưa ra những giải pháp xóa bỏ tác động tiêu cực của hiện tượng sống thử đối với đời sống con người.

3. Kết bài:

– Ý nghĩa của việc nhận thức đúng về hiện tượng muốn trải nghiệm cuộc sống trước hôn nhân.

 

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân về vấn đề nghị luận.

– Lựa chọn được thao tác lập lập, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Lưu ý: Học sinh có thể có bày tỏ suy nghĩ, quan điểm và cách diễn đạt riêng, nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luận, bài có sức thuyết phục.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5

 

* BÀI VIẾT THAM KHẢO

Nhân loại bước vào thế kỉ XXI – một kỷ nguyên đánh dấu bước ngoặt về kinh tế, khoa học và nhất là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin khiến cho cuộc sống con người ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nhưng đi cùng với sự phát triển đó của xã hội, công nghệ, là những tác động không nhỏ mà nó đem lại. Sự du nhập của văn hoá bên ngoài đã hình thành trong giới trẻ một lối sống khá cởi mở – trải nghiệm cuộc sống trước hôn nhân. Họ cho mình quyền được trải nghiệm trước khi kết hôn bằng việc sống thử mà quên mất rằng điều quan trọng nhất trong hôn nhân không chỉ là hạnh phúc, hòa hợp mà còn là sự ổn định.

Trải nghiệm trước hôn nhân thực chất là sống thử. Đó là việc các cặp nam nữ về sống chung với nhau như vợ chồng, mà không tổ chức hôn lễ cũng như đăng ký kết hôn để được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Sống thử vốn dĩ không phải bắt nguồn từ văn hóa của Việt Nam, bởi điều đó hoàn toàn vi phạm nghiêm trọng vào đạo đức, thuần phong mĩ tục. Lối sống này bắt nguồn từ các nước phương Tây và ảnh hưởng vào nước ta trong những năm gần đây do du nhập văn hóa và sự phát triển của công nghệ truyền thông. Đã có rất nhiều bậc cha mẹ và những lớp người trưởng thành lên tiếng phản đối và phê phán trào lưu này. Nhưng sự ảnh hưởng của nó trong giới trẻ là không hề nhỏ.

Nếu nhìn nhận theo hướng tích cực thì sống thử có thể là cơ hội để chúng ta nhìn nhận một cách toàn diện về đối phương. Về góc độ luật pháp thì không có bất cứ một quy định nào của nhà nước cấm những người trong độ tuổi thành niên, chưa vợ, chưa chồng có quan hệ và sống với nhau như vợ chồng. Xã hội hiện nay cũng không khuyến khích việc sống thử. Lối sống này phần lớn bắt nguồn từ nhu cầu, suy nghĩ của mỗi cá nhân.

Phần lớn cho rằng sống thử là một hình thức chung sống mà đôi bên đều có lợi. Đa số sinh viên đều sống xa gia đình nên sự thiếu vắng về tình cảm và gánh nặng về tài chính là không thể tránh khỏi. Khi sống chung, họ có thể chia sẻ với nhau về mặt tình cảm, đồng thời, sức ép kinh tế lên mỗi người cũng được giảm bớt. Một nguyên nhân khác của việc sống thử là để kiểm tra xem mình và đối phương có hợp nhau hay không rồi mới quyết định tiến tới hôn nhân. Không bị ràng buộc bởi trách nhiệm và luật pháp nhưng vẫn có thể trải nghiệm cuộc sống như khi đã kết hôn, điều này khiến nhiều bạn trẻ thực hiện ý định chung sống khi vẫn còn là sinh viên.

Tuy nhiên, không phải cặp đôi nào sống thử cũng sẽ đi tới hôn nhân hay kết thúc mọi chuyện dễ dàng. “Sống thử” mang lại nhiều khó khăn hơn những gì người ta tưởng tượng về nó, và thực sự, trong cuộc “sống thử” người ta ít có trách nhiệm với nhau hơn, sự gắn kết cũng không lâu bền vì hầu hết sau một thời gian sống chung tạm bợ, những va chạm trong cuộc sống hằng ngày dễ làm cho người ta chán nhau. Một cuộc nghiên cứu của Trung tâm Hôn nhân và Gia đình tại trường Đại học Crieghton (Mỹ) cho biết, những đôi bạn sống chung trước khi thành hôn thường phải chịu đau buồn khốn khổ nhiều hơn bởi cách sống ấy, và cuối cùng dẫn tới tình trạng không ổn định trong đời sống vợ chồng.

Bên cạnh đó, một số bạn trẻ xuất phát từ tâm lí “sống thử” nên đã lợi dụng về tình cảm, vật chất từ cách sống này, gây cho đối phương những tổn thương tâm lí khi cuộc sống thử chấm dứt. Đầu tiên, nó có thể khiến cho con người rơi vào trạng thái tâm lí chán nảm, buồn bã. Lâu dần có cảm giác căm hậm đối phương hoặc chán ghét hôn nhân, dẫn tới việc sa sút trong học tập, hiệu quả công việc thấp, mất nhiều thời gian, sức khỏe, thậm chí là đánh mất nhiều cơ hội trong cuộc sống, những chuyện không mong muốn có thể xảy ra như nạo phá thai, con cái sinh ra chưa được pháp luật công nhận và đặc biệt nó có thể kéo theo nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Cho đến nay, lối sống trải nghiệm trước hôn nhân vẫn không được xã hội và cộng đồng chấp nhận. Nó vẫn được nhìn nhận là một hiện tượng đáng lo ngại, cần ngăn ngừa, khắc phục. Để đẩy lùi hiện tượng này, trước hết, cần sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Mỗi người nên cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức về tình yêu, về hôn nhân gia đình, không nên vì những lời ngon ngọt, những suy nghĩ nông nổi, nhất thời hay cố chạy theo trào lưu mà bỏ qua những chuẩn mực, giá trị đạo đức đúng đắn. Hơn nữa, nên tham gia các sân chơi lành mạnh, giao lưu học hỏi và rèn luyện tích cực. Sự gắn kết không cần phải được thử nghiệm bằng việc sống chung. Mặt khác, xã hội cũng cần phải có những động thái tích cực cho vấn nạn này như tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn tâm lí trước hôn nhân để mọi người có cái nhìn đúng đắn, tích cực về cuộc sống.

Tóm lại, trải nghiệm trước hôn nhân là một hiện tượng tiêu cực, thiếu văn hóa, đi ngược lại thuần phong mĩ tục và văn hóa của người Á đông. Hiểu đúng về bản chất, chỉ ra nguyên nhân, nhận thức được tác hại của hiện tượng này để tìm cách đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ trào lưu này từ giới trẻ. Đó không phải là việc làm đơn giản, có thể giải quyết triệt để trong một thời gian ngắn, mà cần có sự chung tay của mọi người và sự vào cuộc của toàn xa hội. Mỗi người hãy hướng tới hạnh phúc chân chính bằng việc quan sát, lắng nghe, thấu hiểu và đưa ra quyết định hôn nhân một cách đúng đắn. Không nên đánh đổi bản thân để tìm kiếm những giá trị không trung thực, không đáng tin cậy trong lối sống thử hiện nay.

 

=========== Hết==========

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *