Phân tích những đặc sắc nổi bật về hình thức nghệ thuật truyện ngắn “Ván cờ đầu xuân” của nhà văn Nguyễn Trí Công

Đề thi khối 11
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II – LỚP 11

Năm học: 2023 – 2024

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 90 phút

 

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

 Đọc văn bản sau:

VÁN CỜ ĐẦU XUÂN

(Nguyễn Trí Công)[1]

Mới 13 tuổi mà thằng Hiển đã nổi danh là một tay cao thủ cờ tướng. Thoạt đầu thằng Hiển tập chơi với anh nó ở nhà, rồi do mê cờ, nó mua thêm sách dạy đánh cờ tướng về nghiên cứu các thế “độc chiêu”. Từ một tay cờ chưa “sạch nước cản” nó đã hạ anh nó, rồi tới ba nó, bằng những nước cờ “thần sầu, quỷ khốc”. Đó là nhờ nó chịu khó học thuộc lòng trong sách nên đi nhuyễn như cháo.

(Tóm lược một đoạn: Hiển còn đi xa hơn nữa. Nó đạt giải nhất cờ tướng của trường, giành chức vô địch toàn phường. Thằng Hiển lịm đi vì sung sướng. Dưới mắt nó bây giờ chẳng ai còn đáng là địch thủ của nó nữa. Càng lúc Hiển càng ra vẻ ta đây, không thèm đánh cờ với bạn bè cùng xóm nữa. Thế rồi căn nhà ở kế nhà nó đổi chủ. Người chủ mới là một bác cán bộ về hưu vui tính).

Tết năm nay đến sớm quá nên ai cũng vội vội vàng vàng lo trang hoàng nhà cửa, sắm sửa mọi thứ cho ba ngày xuân. Nhà thằng Hiển chưng một cành mai lớn, vàng hực. Nó hãnh diện treo lên tường hai cái bằng chứng nhận vô địch cờ tướng của trường, của phường và đứng ngắm không chán mắt. Trên đầu tủ búp-phê, ba nó trang trọng đặt chiếc cúp vô địch phường tặng, dưới đế cúp, má nó trải một tấm khăn vuông thêu rồng, phụng tuyệt đẹp. Ý hẳn với những chiến tích đó, ba má nó sẽ mở mày mở mặt với bạn bè đến thăm. Chắc chắn họ sẽ không tiếc lời ca tụng thằng nhỏ “thần đồng” của ông bà.

Sáng mồng một, bác cán bộ về hưu và hai anh con trai sang nhà thằng Hiển chúc Tết. Họ bước qua xác pháo đỏ ngập sân nhà thằng Hiển với nụ cười trên môi. Ba má thằng Hiển đón bác cán bộ vào nhà, vui vẻ trò chuyện. Nhìn thấy bằng chứng nhận và chiếc cúp, bác cán bộ cười nói:

– Ông bà có cậu con trai giỏi cờ quá nhỉ.

– Bác quá khen! – Ba thằng Hiển đáp và nhìn má nó một cách hãnh diện.

– Cháu nó tự học chơi cờ đấy – Ba thẳng Hiển nói thêm.

– Chơi cờ là một thú vui thanh tao, cốt rèn luyện tâm tính con người cho bình tĩnh, thận trọng chứ không cốt cao thấp ông bà ạ. – Bác cán bộ điềm đạm nói.

Thằng Hiển đứng sau rèm buồng đợi bác cán bộ khen ngợi thêm nhưng nó bực dọc khi nghe bác cán bộ có vẻ “lên lớp”. Nó tức lắm, giả dụ mà có dịp, nó sẽ cho “ông già” này biết thế nào là “lễ độ”. Và hình như “ông già” đó đoán được nó đang nghĩ gì nên vui vẻ nói:

– Giá có cháu ở nhà, nhân dịp đầu xuân, tôi chơi với cháu vài ván cho vui.

Vốn muốn khoe tài con, ba thẳng Hiển vội nói:

– Cháu nó đang ở nhà. Nếu bác muốn, tôi gọi cháu ra hầu bác vài ván cho vui.

Bác cán bộ về hưu gật gù:

– Hay lắm! Hay lắm! Hồi trong chiến khu, mỗi dịp Tết, tôi cũng rất thích đánh cờ với anh em trong cơ quan. Chà! Hiếm khi được đấu cờ với nhà vô địch.

Không đợi ba gọi, thằng Hiển đã bước ngay ra, tay cầm bộ cờ giấy. Nhìn thấy quân cờ gỗ, bàn in bằng giấy, bác cán bộ xua xua tay:

– Ôi! Chơi cờ phải chơi bằng quân cờ tiện bằng đồi mồi, bàn cờ phải là bàn cờ đồi mồi mới thích – Ông đưa mắt nhìn hai người con – Đứa nào về nhà mang qua đây cho ba bàn cờ.

Một trong hai anh con trai của bác cán bộ về hưu lập tức quay về nhà và nhanh chóng trở lại với bộ cờ đồi mồi trên tay. Trái với sự nôn nóng của thằng Hiển, bác cán bộ chậm rãi, từ tốn mở bàn cờ ra và nhẹ nhàng sắp những quân cờ đã lên nước bóng lộn, đẹp tuyệt. Nhìn thấy bộ cờ của bác cán bộ, thằng Hiển thèm nhỏ dãi. Nó nuốt nước miếng ừng ực. Ồ! Đoạt giải cờ trong trường, vô địch phường mà chả ai tặng nó được bộ cờ đẹp đến thế. Thật uổng.

Vốn tự phụ, thằng Hiển chọn quân đỏ vì quân xanh được quyền đi trước. Nhưng bác cán bộ đã nhẹ nhàng nói:

– Chơi cờ phải có tôn ti trật tự nữa cháu ạ? Nếu đấu với người lớn, cháu phải nhường cho họ đi quân đỏ.

Và bác cán bộ đưa tay ra, mỉm cười bảo:

– Thôi được, xin mời!

[…] Gian nhà bỗng chìm trong im lặng. Tiếng đồng hồ tích tắc nghe rõ mồn một. Không gian như lắng đọng lại. Thằng Hiển ra quân như vũ bão. Nó quyết tâm chứng tỏ cho “ông già” này biết rằng cờ của nó cao như thế nào và cũng muốn nhắc ông ta đừng lên mặt dạy đời. Nhưng “ông già” trước mặt nó, lạ chưa, lại bình thản “phá nát” những thế cờ “gài” của nó và thủng thỉnh “lượm” của nó hết pháo, mã tới… xe. Bấy giờ thằng Hiển mới giật mình. Trời đất! Chuyện gì lạ vậy? Cái nước cờ hiểm hóc của nó đã bị rơi vào thế bị động […]

Ván cờ thứ nhất kết thúc bằng một tiếng cười sảng khoái của bác cán bộ. Thằng Hiển đã thua […].

Ván cờ thứ hai diễn ra lâu hơn. Thằng Hiển tỏ ra thận trọng, đi cờ hết sức cẩn thận. Nhưng sao thế kia? Dù lần này nó được quyền đi trước, nó vẫn không tài nào chiếm được thượng phong. Những quân cờ của nó kẹt cứng, không còn biết đường nào mà chạy mà lui nữa. Thôi thế là cầm chắc thảm bại rồi. Thằng Hiển toát mồ hôi, tai nó ù lên, mắt nó mờ đi. Nó thẫn thờ nhìn con tướng “kẹt” cứng trong vòng vây cờ của bác cán bộ về hưu. Ván thứ hai nó đã bí, nghĩa là nó đã thua, thua một cách cay đắng. Ba má thằng Hiển cũng lặng người đi, chẳng ai thốt lên tiếng nào. Bình thản xếp cờ vào hộp cờ mà cũng là bàn cờ, bác cán bộ khẽ nói:

– Cháu đánh khá lắm! Bằng tuổi cháu bác chưa bằng cháu bây giờ đâu.

Thằng Hiển chợt ứa nước mắt. Nỗi tức giận lẫn đau khổ đang dày xéo lòng nó. Nhưng bác cán bộ đã vỗ nhẹ lên vai nó:

– Chẳng có gì phải buồn cháu ạ. Đây chỉ là một trò chơi, một thú tiêu khiển thanh tao. Nếu chúng ta lấy nó làm mục đích của đời mình thì chúng ta phải hết sức khiêm tốn mà học hỏi thêm. Rồi bác cháu ta còn có dịp trao đổi những ván cờ hay, thú vị hơn những ván cờ vừa rồi.

Bác cán bộ cầm bộ cờ đứng lên, chào ba má thằng Hiển rồi cùng hai người con trai ung dung ra cửa. Thằng Hiển ngồi bất động trên ghế, lòng buồn man mác. Một bàn tay khẽ đặt lên vai nó, rồi tiếng anh Vinh nó vang lên:

– Đấy, em thấy không, cao sơn tất hữu cao sơn. Núi cao tất có núi cao hơn. Nhưng thôi, em còn có thời gian để rèn luyện thêm, em ạ.

Thằng Hiển ngước lên nhìn hai cái chứng nhận cúp vô địch. Nó chợt thấm thía lời bác cán bộ về hưu cũng như thấm sâu hơn những lời nói của anh nó. Thằng Hiển cúi mặt thở dài. Ván cờ đầu xuân với bác cán bộ về hưu là bài học đáng ghi nhớ của nó.

                (Nguồn: Tuyển tập Văn học thiếu nhi, trang 48-56)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. (0.5 điểm) Anh/ chị hãy xác định ngôi kể trong truyện ngắn trên.

Câu 2. 0.5 điểm Liệt kê một số câu văn có sự kết hợp giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật.

Câu 3. (1.0 điểm Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn sau:

Gian nhà bỗng chìm trong im lặng. Tiếng đồng hồ tích tắc nghe rõ mồn một. Không gian như lắng đọng lại. Thằng Hiển ra quân như vũ bão.”

 

Câu 4. (1.0 điểm)Vì sao ván cờ đầu xuân với bác cán bộ về hưu là bài học đáng ghi nhớ của Hiển?

Câu 5. (1.0 điểm) Qua văn bản, hãy rút ra một thông điệp mà anh/chị thấy có ý nghĩa nhất với mình và lí giải ngắn gọn thông điệp đó.

 

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 150 chữ) bàn luận về tác hại của thói tự phụ.

Câu 2 (4.0 điểm)

            Viết bài luận (khoảng 500 chữ) phân tích những đặc sắc nổi bật về hình thức nghệ thuật truyện ngắn “Ván cờ đầu xuân” của nhà văn Nguyễn Trí Công.

ĐỀ CHẴN- HƯỚNG DẪN CHẤM GIỮA HỌC KÌ II

                            MÔN NGỮ VĂN, LỚP 11- Năm học 2023-2024

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Ngôi kể thứ ba 0,5
  2 HS nêu được ít nhất 02 ví dụ có sự kết hợp lời người kể chuyện và lời nhân vật. Ví dụ:

            Vốn muốn khoe tài con, ba thẳng Hiển vội nói:

– Cháu nó đang ở nhà. Nếu bác muốn, tôi gọi cháu ra hầu bác vài ván cho vui.

Bác cán bộ về hưu gật gù:

– Hay lắm! Hay lắm! Hồi trong chiến khu, mỗi dịp Tết, tôi cũng rất thích đánh cờ với anh em trong cơ quan. Chà! Hiếm khi được đấu cờ với nhà vô địch.

 

0,5
  3 Biện pháp tu từ: so sánh (không gian như lắng đọng; ra quân như vũ bão)

Tác dụng:

– Tạo dựng bầu không khí căng thẳng.

– Nhấn mạnh thái độ nôn nóng muốn giành chiến thắng của Hiển.

– Làm cách diễn đạt sinh động, hấp dẫn.

1.0
  4 Ván cờ đầu xuân là bài học đáng ghi nhớ của Hiển vì:

– Bác cán bộ về hưu đã dạy cho Hiển bài học về sự khiêm tốn, phải luôn cố gắng rèn luyện, tránh thói thỏa mãn, tự cao tự đại, coi thường người khác.

1.0
  5 HS rút ra được bài học cho bản thân

Lí giải hợp lí về bài học

Hướng dẫn chấm:

+ Rút ra được bài học: 0.5đ

+ Lí giải về bài học: 0,5đ

1.0
II   VIẾT 4,0
  1 a. Đảm bảo hình thức đoạn văn 0.25
    b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: tác hại của tự phụ 0.25
    Ý chính cần đạt

Tự phụ là đánh giá quá cao tài năng, thành tích, do đó coi thường mọi người.

– Người tự phụ luôn đề cao bản thân dẫn đến khó có sự kết nối, đồng cảm với những người xung quanh; luôn tự mãn với những gì mình đạt được vì thế luôn từ chối những cơ hội học hỏi, dễ dàng dẫn đến thất bại; tự phụ cũng gây ra những căng thẳng trong các mối quan hệ, dễ  dẫn đến xung đột, mâu thuẫn…

– Bài học nhận thức và hành động.

1.0
    d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25
    e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng, cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0.25
  2 a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học (bố cục và hệ thống luận điểm chính). 0,5
    b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn “Ván cờ đầu xuân”. 0,5
    Ý chính cần đạt

1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

2. Phân tích một số nét đặc sắc nổi bật về hình thức nghệ thuật của truyện:

a. Cốt truyện gắn với cuộc sống đời thường giản dị, gần gũi mà hấp dẫn, với tình huống kịch tính: kể về cuộc gặp gỡ giữa Hiển và bác cán bộ về hưu. Qua ván cờ đầu xuân, bác đã dạy cho Hiển bài học về lòng khiêm tốn, biết kính trên nhường dưới, phải cố gắng mỗi ngày,  không nên tự cao tự đại…

b. Cách đặt nhan đề “Ván cờ đầu xuân” gợi hứng thú, thu hút người đọc, gợi khả năng phỏng đoán… cho người đọc.

c. Người kể chuyện giấu mặt với điểm nhìn toàn tri: nhập sâu vào suy nghĩ nhân vật, hiểu được những gì đang diễn ra trong nhân vật (khi hiểu được những cảm giác của Hiển, bố mẹ Hiển, bác cán bộ về hưu)… -> Cách kể chuyện hấp dẫn, có duyên; câu chuyện sinh động.

d. Xây dựng tính cách nhân vật rõ nét với nhiều chi tiết tiêu biểu, thủ pháu tương phản: Hiển – cậu bé giỏi đánh cờ nhưng tự mãn, kiêu ngạo; bố mẹ Hiển: luôn tự hào thái quá về con, khiến con thêm kiêu căng, tự phụ; bác cán bộ về hưu: điềm đạm, sâu sắc.

(Học sinh nêu một số dẫn chứng)

e. Dựng không gian-thời gian: Không gian căn nhà của Hiển, thời gian là dịp tết đầu xuân năm mới, đó là không gian vừa thân thuộc gần gũi với mỗi người, lại vừa có ý nghĩa biểu tượng gắn với nhận thức mới mẻ của nhân vật sau khi nhận được bài học đắt giá.

3. Khái quát lại vấn đề, đánh giá tác phẩm, rút ra triết lí nhân sinh:

+ Cốt truyện đơn giản, ít nhân vật nhưng có sự lôi cuốn, hấp dẫn, triết lí nhân sinh sâu sắc – mỗi người cần rèn luyện cho mình đức tính khiêm tốn, kiên trì, học hỏi mỗi ngày…

Hướng dẫn chấm:

–         – Bàn luận ít nhất 4/5  vấn đề chính, phân tích kết hợp với chng minh, lí lẽ kết hợp dẫn chứng hài hòa. (2.0đ)

– Bàn luận tương đối đủ ý nhưng chưa thật sâu sắc, khái quát được nét cơ bản: 1,0- 1,5 đ.

– Hệ thống ý còn sơ sài, thiếu sức thuyết phục: 0,5-0,75 đ.

– Hệ thống ý quá sơ sài hoặc lạc đề, : 0,0-0,25 điểm

2.5

 

    d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt

0,25
    e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng, cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy 0,25

[1] Nhà văn Nguyễn Công Trí tên thật là Nguyễn Trí Công, sinh năm 1954 tại An Giang. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp thành phố. Ông là hội viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang công tác tại Nhà xuất bản Trẻ. Các tác phẩm đã xuất bản: Cô giáo Thủy, Cô bé khéo tay, Sự tích lông nhím… Ông được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng giải thưởng Văn học thiếu nhi với tác phẩm “Dũng Sài Gòn”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *