Đề văn 11 Hiểu về trái tim, Tuỳ bút Hương mùa Thu

Đề thi khối 11
 

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

 

 

(Đề thi gồm 02  trang)

KIỂM TRA GIỮA KỲ II– LỚP 11

NĂM HỌC 2023- 2024

                               Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 90 phút,  không kể thời gian phát đề

 

I. Đọc hiểu.

Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi:

 

 

       Cuộc sống luôn có nhiều áp lực nên không phải lúc nào ta cũng có đủ vững chãi để làm chủ hết bản thân, nhất là khi có những biến động bất ngờ. Trong những lúc tâm tư rối bời hoảng loạn hay chán chường lạc lõng, ta luôn ước ao có một người thân bên cạnh để được chia sẻ. Dù người ấy chẳng giúp ta giải quyết được vấn đề, thậm chí chẳng khuyên được một điều gì bổ ích, nhưng chỉ cần thái độ lắng nghe hết lòng cũng đủ khiến ta vơi đi rất nhiều phiền muộn rồi. Cho nên, được lắng nghe là nhu cầu không thể thiếu của con người. Thế nhưng, điều nghịch lý là ai cũng muốn người khác lắng nghe mình, còn mình lại không chịu lắng nghe ai cả.

(….) Nếu ta thực sự muốn giúp người kia vơi đi những nỗi khổ niềm đau đang đè nặng trong lòng, thì việc trước tiên là ta phải biết lắng nghe họ. Cũng như vị thầy thuốc trước khi chẩn mạch kê toa thì phải luôn quan sát thần sắc của bệnh nhân. Sau đó, lắng nghe thật kĩ càng những báo cáo hay những lời than thở về bệnh trạng. Khi ta quyết định lắng nghe một người đang khổ, tức là ta đang đóng vai thầy thuốc để chữa trị bệnh cho họ. Dù ta không phải nhà tâm lý trị liệu, nhưng với lòng chân thành và thái độ lắng nghe đúng đắn, chắc chắn ta sẽ giúp được người kia ít nhiều. Vì vậy mỗi khi chúng ta chuẩn bị lắng nghe, ta phải hỏi kỹ lại mình đã thật sự vào vai của một người cứu giúp chưa?

(Theo Minh Niệm, Hiểu về trái tim, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr.160-162)

Câu 1. Luận đề của văn bản là gì?

Câu 2. Theo tác giả, khi chúng ta lắng nghe cần có thái độ như thế nào?

Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: “khi ta quyết định lắng nghe một người đang khổ, tức là ta đang đóng vai thầy thuốc để chữa trị bệnh cho họ”?

Câu 4. Vấn đề mà văn bản đề cập có ý nghĩa như thế nào đối với anh/ chị? ( Viết 5-7 dòng để trình bày)

Câu 5. Anh/ chị có đồng tình với quan niệm của tác giả : “Được lắng nghe là nhu cầu không thể thiếu của con người”. Vì sao?.

II. Làm văn.            

                                        TIẾNG CHUÔNG  THIÊN MỤ

 

 

Sống thẳng một mạch mười năm có lẻ ở Huế, nhiều đêm mất ngủ, tôi nằm nghe tiếng chuông Thiên Mụ tựa như lời nói thầm âm hao mà lòng thổn thức nhớ quê.
Một năm 365 đêm, đêm nào cũng thế, cứ vào giờ tí, sư trụ trì chùa Thiên Mụ lại cho thỉnh chuông. Mùa xuân, tiếng chuông nghe trong vắt như hơi gió heo may đi qua kẽ lá, làm bồi hồi đất trời, đâu đó những mầm sống cựa mình để đất nở hoa, cho hoàng mai nở vàng suốt một dãy phố chợ. Kể từ tiết lập hạ, tiếng chuông nghe thảnh thơi hơn, có nắng gió và sự trầm tĩnh của lòng người thỉnh chuông. Tiếng chuông như có bóng mát che chở mỗi đời người. Nhưng từ trong sâu thẳm vẫn sừng sững một nỗi cô đơn nhân từ của trời cao, và tiếng chuông lúc này nghe như đại ngã bao dung.
Vào giác thu, trời Huế tím cho đến tận nửa đêm, đường phố nhiều lá rụng, tiếng chuông Thiên Mụ vì thế cũng đã vàng xao xác. Cây cối rũ lá thanh thoát và tiếng chuông đi qua xương cây nghe mơ hồ như một hơi thở nhẹ, say say nắng. Đó cũng là thời khắc bịn rịn, chia lìa của các tình nhân, họ ngậm ngùi trở về để mặc vai áo cho sương thu ướt đẫm. Tiết lập đông có tiếng chim sếu kêu khan ngoài sông lạnh, Huế rét mướt vô kể. Tiếng chuông Thiên Mụ nghe như buồn hơn bao giờ hết, để người xa quê lòng nao nao nhớ một bếp lửa hồng.
Chỉ một tiếng chuông nhưng chao ôi đã đong bao buồn vui, khắc khoải của một đời người. Rằng nương theo tiếng chuông này, ta sẽ gặp ngày hội ngộ của bốn mùa.
Với những người am hiểu Huế, sở dĩ tiếng chuông chùa Thiên Mụ hay và vang xa nhất, không phải chỉ vì nhờ cấu trúc tinh xảo và chất đồng tinh luyện mà còn vì chuông được thỉnh bằng dùi gỗ mít nài xứ núi, tuổi trên một trăm, thớ gỗ đã chuyển cả từ vàng nghệ sang đỏ sẫm với vân hình cánh nhạn. Gỗ mít nài xứ núi khắc với đồng như thủy với hỏa. Sự tương khắc để mà sinh sôi cho tiếng chuông kỳ diệu, nghe một đời mà không thấu trọn.
Còn với người Huế xa quê, tiếng chuông Thiên Mụ là nỗi nhớ dai dẳng như mưa dầm, buốt rức, suốt một đời ám ảnh những bước chân ai phiêu bạt mưu sinh.
(Nguyễn Xuân Hoàng- Tuỳ bút Hương mùa Thu-XB 2001)

Anh/ chị hãy viết  bài văn nghị luận phân tích vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.

Ghi chú về tác giả: Nguyễn Xuân Hoàng sinh năm 1966 mất năm 2006 tại Huế. Anh rong chơi trong cõi đời chỉ có 40 năm ngắn ngủi, những trang văn anh để lại cho đời không nhiều chỉ với 5 tác phẩm: Hương mùa Thu (2001), Cỏ hoa xứ Huế (2003), Ký ức Quỳnh Hương (2007), Hồn Mai (2007), Cõi tạm phù hoa (2011) mà phần lớn là tùy bút viết về Huế và văn hóa Huế. Huế đã trở thành một trong những cảm hứng chủ đạo chi phối hành trình sáng tác và cũng là nhân tố góp phần định hình phong cách văn chương Nguyễn Xuân Hoàng.
Đọc tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng ta thấy ẩn chứa một tình yêu Huế đến cuồng mê. Chính tình yêu này đã kết tinh thành những dự phóng sáng tạo giúp chuyển tải những thông điệp đầy tính nhân văn về những vẻ đẹp văn hóa của thiên nhiên, đất nước và con người xứ Huế.

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

                        Môn: Ngữ văn, lớp 11

          (Đáp án và hướng dẫn chấm gồm 03 trang)

Phần Câu  

Nội dung

Điểm  
I   ĐỌC HIỂU 4.0  
  1 Luận đề của văn bản là: Bàn về nhu cầu được lắng nghe và cách lắng nghe. 0,5  
2 Theo tác giả khi chúng ta lắng nghe cần có thái độ: thái độ lắng nghe đúng đắn, chắc chắn. 0,5  
3 Theo em, khi ta quyết định lắng nghe một người đang khổ, tức là ta đang đóng vai thầy thuốc để chữa trị bệnh cho họ, vì:

– Lắng nghe người đang khổ là ta đang đồng cảm với họ, lắng nghe họ giãi bày hết nỗi lòng, cho họ trút đi những mỏi mệt của cuộc sống vất vả mưu sinh, làm cho họ vơi đi gánh nặng cuộc sống đang đè trên vai họ.

– Khi ta lắng nghe họ sẽ được an ủi, họ được thấu hiểu và sẻ chia, họ cảm thấy nhẹ lòng và thoải mái. Vì thế ta cũng giống như một thầy thuốc chữa trị bệnh cho họ không phải bằng thuốc mà bằng sự trân trọng, bằng sự lắng nghe chân thành, chữa lành trong tâm hồn khổ đau, bất hạnh, giúp họ lạc quan và tin tưởng vào tương lai.

1.0  
4 Vấn đề văn bản đề cập đến đó là: Được lắng nghe hết lòng và cách lắng nghe kĩ càng, đúng đắn và chắc chắn.

– Vấn đề của văn bản có ý nghĩa với em đó là khi trong cuộc sống có nhiều áp lực hay tâm tư rối bời, chán chường bản thân ta cần một người nào đó lắng nghe ta nói, ta giãi bày. Khi được lắng nghe sẽ giúp ta vơi đi phiền muộn.

– Khi ta biết lắng nghe là ta biết quan tâm những người xung quanh mình, biết đặt mình vào vị trí của người khác để an ủi, để sẻ chia khi họ khổ đau, để chữa lành tâm hồn họ. Biết lắng nghe sẽ đem lại niềm vui cho cả chính ta, đem đến hạnh phúc cho họ và cho mình.

1.0  
5 – Em đồng tình với quan niệm của tác giả: Được lắng nghe là nhu cầu không thể thiếu của con người.

– Vì, được lắng nghe cũng là cách để ta biết giao tiếp với mọi người bằng trái tim, bằng sự rung cảm.

– Được lắng nghe để cùng được đồng cảm, sẻ chia, cùng được giải tỏa tâm lí. Nó giống như một món ăn tinh thần để góp thêm niềm vui trong cuộc sống cho họ và cho chính mình.

( Có thể không đồng tình, hs biết lí giải.)

1.0  
 
II   VIẾT 6.0  
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề

0,25  
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật trong văn bản: Tiếng chuông chùa Thiên Mụ.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,25 điểm.

– Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm.

0,25
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:

 
  * Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm, vấn đề cần  nghị luận 0,5
  * Vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật trong văn bản.

Nội dung:

+ Tiếng chuông chùa Thiên Mụ trở thành một dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của tác Nguyễn Xuân Hoàng hơn 10 năm ở Huế.

+ Tiếng chuông thay đổi theo mùa và theo cảm xúc của người nghe chuông:

/ Mùa xuân tiếng chuông  được so sánh “nghe trong vắt như hơi gió heo may ”, làm bồi hồi đất trời… gọi sự sống cho cây cỏ, hoa lá…

/ Mùa hạ tiếng chuông chùa được cảm nhận “thảnh thơi hơn” bởi có sự kết hợp của “nắng gió và sự trầm tĩnh của lòng người thỉnh chuông”..

Thủ pháp so sánh được khai thác triệt để:“như có bóng mát che chở..” “ như đại ngã bao dung…”

/ Mùa thu, nhà văn cảm nhận tiếng chuông chùa bằng thị giác “tiếng chuông Thiên Mụ vì thế cũng đã vàng xao xác.” Câu văn vừa gợi màu sắc vừa gợi âm thanh thưa thớt, đượm buồn…

Chi tiết  “tiếng chuông đi qua xương cây nghe mơ hồ như một hơi thở nhẹ, say say nắng” thủ pháp so sánh độc đáo gợi âm thanh hư ảo, phiêu diêu, như có như không mà hiện hữu, thân thuộc đến khắc khoải…

Âm thanh ấy dường như cũng hòa điệu với tâm tình của những cặp tình nhân sau buổi gặp gỡ lại bịn rịn chia tay…

/ Mùa đông, tiếng chuông “nghe như buồn hơn bao giờ hết”…

/ Với những người am hiểu Huế, sẽ hiểu tiếng chuông chùa hay và vang xa bởi nhờ cấu trúc tinh xảo, chất đồng tinh luyện của chuông và cái dùi bằng gỗ mít quý giá trăm tuổi…

/ Với những người Huế xa quê thì “tiếng chuông Thiên Mụ là nỗi nhớ dai dẳng như mưa dầm, buốt rức”

=>Tiếng chuông như điểm tựa tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của nhà văn nói riêng và của người dân Huế nói chung…

– Nghệ thuật:

+ Sử dụng hiệu quả  nhiều biện pháp tu so sánh, nhân hoá…

+ Miêu tả tỉ mỉ, chọn lọc và tinh tế

+ Ngôn ngữ uyển chuyển, mềm mại; giọng văn mượt mà, sâu lắng; liên tưởng sâu rộng…

* Đánh giá:

Bằng lối hành văn độc đáo cùng trí tưởng tượng phong phú; khả năng quan sát hiện thực sắc sảo luôn hướng đến cái đẹp với một khao khát mỹ cảm cháy bỏng … Từ đó làm nổi bật vẻ đẹp văn hóa của thiên nhiên và con người xứ Huế.

=> Thể hiện cái tôi tinh tế, đa cảm của một nghệ sĩ đa tài…

* Khẳng định/ nâng cao giá trị của đoạn trích…

3.0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.0

 

 

 

 

0,5

  d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25  
  e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,25  
I + II     10.0  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *