Đề đọc hiểu Cỏ dại Xuân Quỳnh

Đề thi khối 11
 

 

(Đề có 01 trang)

 

 

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I

NĂM HỌC: 2023 2024

MÔN: NGỮ VĂN 11 THPT

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc bài thơ:

CỎ DẠI

 

Cỏ dại quen nắng mưa

Làm sao mà giết được

Tới mùa nước dâng

Cỏ thường ngập trước

Sau ngày nước rút

Cỏ mọc đầu tiên”

 

Câu thơ nào trong ý nghĩ vụt lên

Khi tôi bước giữa một vùng cỏ dại

Không nhà cửa, không bóng cây. Tìm lối

Cứ đường hào rẽ cỏ mà đi.

 

Người dân quân tì súng lắng nghe

Bài hát nói về khu vườn đầy trái

Anh bỗng nghĩ đến một vùng cỏ dại

Nỗi nhớ đầu anh nhớ quê anh

 

Mảnh đạn bom và chất lân tinh

Đã phá sạch không còn chi nữa

Chỉ có sắt, chỉ còn có lửa

Và cuối cùng còn có đất mà thôi

Thù trong lòng và cây súng trên vai

Cùng đồng đội anh trở về làng cũ

Anh nhận thấy trước tiên là cỏ

Sự sống đầu anh gặp ở quê hương

 

Có một lần anh tìm đến bà con

Khi xúm xít quanh anh thăm hỏi

Giữa câu chuyện có điều này đau nhói:

– Đất quê mình cỏ đã mọc lên chưa?

 

Trong cuộc đời bình yên tựa nghìn xưa

Gần gũi nhất vẫn là cây lúa

Trưa nắng khát ước về vườn quả

Lúc xa nhà nhớ một dáng mây

Một dòng sông, ngọn núi, rừng cây

Một làn khói, một mùi hương trong gió

 

Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ

Mọc vô tình trên lối ta đi

Dẫu nhỏ nhoi không đáng nhớ làm chi

Không nghĩ đến nhưng mà vẫn có.

    Vĩnh Linh, 1969

(Xuân Quỳnh thơ và đời, NXB Văn hóa, 1998, tr.24-25)                         

 

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra hình tượng xuyên suốt trong bài thơ trên.

Câu 3. Trong khổ thơ thứ ba, người dân quân có cảm nghĩ gì khi anh lắng nghe bài hát về khu vườn đầy trái?

Câu 4. Bạn hiểu như thế nào về những câu thơ: Mảnh đạn bom và chất lân tinh/ Đã phá sạch không còn chi nữa/ Chỉ có sắt, chỉ còn có lửa/ Và cuối cùng còn có đất mà thôi.?

Câu 5. Người chiến sĩ trong bài thơ có tình cảm như thế nào đối với quê hương của anh?

Câu 6. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong những câu thơ: Lúc xa nhà nhớ một dáng mây/ Một dòng sông, ngọn núi, rừng cây/ Một làn khói, một mùi hương trong gió.

Câu 7. Nhận xét về hình ảnh ngọn cỏ và cảm xúc, tình cảm của tác giả thể hiện trong những câu thơ: Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ/ Mọc vô tình trên lối ta đi.

Câu 8. Từ hình ảnh ngọn cỏ quen nắng mưa, làm sao mà giết được,bạn hãy rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân.

Phần Câu Nội dung Điểm
 

 

 

I

            ĐỌC HIỂU 6,0
1 Thể thơ tự do.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời sai: 0,0 điểm

0,5

 

2 Hình tượng xuyên suốt đoạn thơ:  cỏ/cỏ dại.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời sai: 0,0 điểm

0,5

 

 

 

3 Trong khổ thơ thứ 3, khi lắng nghe bài hát về khu vườn đầy trái, người dân quân bỗng nghĩ đến một vùng cỏ dại và nhớ về quê hương của anh.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời đúng 02 ý: 0,5 điểm

Học sinh trả lời đúng 01 ý: 0,25 điểm

0,5
  4 Có thể hiểu những câu thơ như sau:

– Những câu thơ là hiện thực khốc liệt của chiến tranh trên mảnh đất quê hương người chiến sĩ dân quân. Nơi quê hương anh, lẫn vào trong đất chỉ còn là sắt và lửa cháy. Đạn bom, chất lân tinh của kẻ thù đã phá sạch, hủy hoại sự sống ở nơi đây.

– Những câu thơ là nỗi xót xa, căm thù của người chiến sĩ khi sự sống của quê hương bị hủy hoại bởi sự tàn ác của kẻ thù xâm lược.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời đúng 02 ý: 1,0 điểm

Học sinh trả lời đúng 01 ý: 0,5 điểm

(Học sinh có câu trả lời với cách diễn đạt tương đương được điểm tối đa khi đúng ý)

1,0
  5 Tình cảm của người chiến sĩ đối với quê hương:

– Yêu quê hương tha thiết.

– Luôn nhớ về quê hương.

– Xót xa khi quê nhà bị tàn phá.

– Đau đáu hướng về sự hồi sinh của quê hương.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời đúng từ 03 – 04 ý: 1,0 điểm

Học sinh trả lời đúng từ 02 ý: 0,75 điểm

Học sinh trả lời đúng 01 ý: 0,5 điểm

(Học sinh có câu trả lời với cách diễn đạt tương đương được điểm tối đa khi đúng ý)

1,0
  6 – Biện pháp tu từ liệt kê: dáng mây, dòng sông, ngọn núi, rừng cây, làn khói, mùi hương trong gió.

– Tác dụng:

+ Tạo giọng điệu tha thiết, suy tư

+ Gợi lên những hình ảnh quen thuộc của quê hương, những hình ảnh gợi thương gợi nhớ vấn vương lòng người đặc biệt trong hoàn cảnh xa nhà, xa quê.

+ Gợi tình cảm yêu thương, gắn bó sâu sắc với quê hương.

Hướng dẫn chấm:

– Chỉ ra được các hình ảnh liệt kê: 0,25 điểm

– Nêu tác dụng:

+ Học sinh nêu được 02- 03 tác dụng: 0,75 điểm.

+ Học sinh nêu được 01 tác dụng: 0,5 điểm.

+ Học sinh không nêu được tác dụng hoặc trả lời không thuyết phục: 0,0 điểm.

1,0
  7 Nhận xét về hình ảnh ngọn cỏ và cảm xúc, tình cảm của tác giả

– Hình ảnh ngọn cỏ hiện lên trong câu thơ: bình dị, nhỏ nhoi, dễ bị quên lãng…

– Cảm xúc của tác giả: xót xa trước sự lãng quên, vô tình của con người đối với cỏ dại; nâng niu, trân trọng những ngọn cỏ bé nhỏ, bình dị; gắn bó tha thiết, yêu thương bởi sự gần gũi của cỏ dại với cuộc sống con người…

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng 02 ý: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời đúng 01 ý: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Học sinh có câu trả lời với cách diễn đạt tương đương được điểm tối đa khi đúng ý; ở ý thứ 02 chỉ cần học sinh nhận xét được 1/3 ý đã cho điểm tối đa)

1,0
  8 Học sinh rút ra bài học phù hợp về lẽ sống tích cực. Có thể là:

– Bài học về ý chí, nghị lực.

– Bài học về sự kiên cường.

– Bài học về sự dũng cảm.

– Bài học về sức sống mãnh liệt.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh nêu được bài học phù hợp, diễn đạt thuyết phục, mạch lạc, rõ ý: 0,5 điểm.

– Học sinh nêu được bài học phù hợp nhưng diễn đạt còn chung chung, sáo rỗng, chưa rõ ý: 0,25 điểm.

0,5
 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *