Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 – PT Vùng Cao Việt Bắc

Đề thi khối 11
HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XII

TRƯỜNG PT VÙNG CAO VIỆT BẮC

(Đề thi gồm 2 câu trong 01 trang)

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 11

NĂM 2019

 Thời gian làm bài: 180 phút

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

 

 

Câu 1 (8,0 điểm)

 

“ Nếu bạn không thể là mặt trời  thì hãy đừng là đám mây” ( Hoài Nam Tử )

 

Trình bày suy nghĩ của anh/chị ?

 

Câu 2 (12,0 điểm)

 

Bàn về truyện ngắn, có ý kiến cho rằng:

“Sứ mệnh của thể loại truyện ngắn đặt lên vai các chi tiết nghệ thuật. Chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn là những người tí hon mang nhiệm vụ khổng lồ”.

Anh/ chị hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên qua một vài truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945.

……………………..HẾT …………………………

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI ĐỀ XUẤT THI HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐBBB LẦN THỨ XII

Môn Ngữ văn lớp 11

( HƯỚNG DẪN CÓ 05 TRANG)

* Câu 1 (8,0 điểm):

Học sinh có thể làm theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên cần đảm bảo những yêu cầu cơ bản sau:

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội .

– Có sự hiểu biết sâu sắc về kiến thức xã hội và biết cách vận dụng kiến thức xã hội vào bài văn một cách hợp lý.

– Bài viết có bố cục rõ ràng, lập luận và dẫn chứng thuyết phục; diễn đạt mạch lạc.

– Khuyến khích những bài viết sáng tạo.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể bộc lộ quan điểm của bản thân theo những cách khác nhau nhưng cần chân thành, hợp lí và thuyết phục. Về cơ bản, cần đạt được một số ý chính sau:

  1. Giải thích vấn đề
  • “ mặt trời” : chỉ những gì rực rỡ, chói sáng, lung linh , thành công vượt trội
  • “ đám mây “ : chỉ sự phù du, phù phiếm, nổi trôi.

Ý nghĩa câu nói: nếu bạn không thể trở thành người nổi tiếng với những vinh quang, thành công rực rỡ thì cũng đừng sống nhạt nhòa, vô nghĩa

Câu nói khuyên con người cần có một cách sống tích cực: không nên sống nhạt nhòa, vô vị, mỗi người cần sống có ích, có ý nghĩa trong cuộc đời.

  1. Bàn luận, chứng minh:

+ Ý kiến đúng đắn:

  • Trong cuộc sống , con người thường khao khát có được những vinh quang nổi trội, những thành công chói sáng để khẳng định tên tuổi, để vinh danh. Song đạt được điều đó cần sự hội tụ nhiều yếu tố. Nhiều khi rất cố gắng mà không thể đạt tới được vì vượt ngoài khả năng.
  • Giá trị đích thực của con người không nằm ở những thành công chói sáng mà ở thái độ sống tích cực, sống có ích, có ý nghĩa.
  • Khi sống có ý nghĩa, mỗi người sẽ tự biết đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho gia đình, quê hương, xã hội. Tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc giản dị trong những đóng góp bé nhỏ. Thấy sự tồn tại của mình có giá trị.

+ Làm thế nào để sống có ích “ đừng là đám mây” ?

  • Mỗi người tự hoàn thiện bản thân, biết hướng tới những điều tốt đẹp.
  • Biết khai thác những mặt mạnh của bản thân tập trung vào việc làm cụ thể, hữu ích. Không ngừng trau dồi tri thức, rèn luyện phẩm chất….
  • Thay vì than trách số phận hãy bắt tay vào công việc, tìm niềm vui trong cuộc sống thường ngày.
  1. Nêu ý nghĩa của vấn đề
  • Câu nói bồi đắp ở mỗi người cách sống tích cực, lạc quan, tránh cách sống buông xuôi, chán nản, tiêu cực
  • Mỗi người chỉ sống một cuộc đời hãy biết tìm nguồn vui trong những đóng góp bé nhỏ.

 

Biểu điểm:

– Điểm 7- 8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; văn phong chuẩn xác, biểu cảm; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

– Điểm 5- 6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề cơ bản rõ ràng nhưng chưa thật sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 3- 4: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 1- 2: Bài viết tỏ ra chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả .

– Điểm 0: Bài viết lạc đề, hiểu sai vấn đề hoặc không viết gì.

 

*Câu 2 (12,0 điểm)

  I .Yêu cầu về kĩ năng

  • Hiểu đúng yêu cầu của đề bài, biết cách làm bài nghị luận văn học, bố cục chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, có cảm xúc, có hình ảnh; dẫn chứng chọn lọc, không mắc lỗi dùng từ, diễn đạt và ngữ pháp.
  • Biết vận dụng các thao tác nghị luận, giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh thuần thục. Biết lựa chọn, phân tích nhân vật tiêu biểu làm rõ yêu cầu của đề
  • Biết cách đưa kiến thức lí luận văn học hợp lý.
  1. Yêu cầu về nội dung

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo những ý cơ bản sau:

1.Giải thích.

– Chi tiết nghệ thuật: “các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng” (Theo Từ điển thuật ngữ văn học).

Truyện ngắn: Thể loại tự sự cỡ nhỏ, “thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người” (Từ điển thuật ngữ văn học). Truyện ngắn được coi như “lát cắt của đời sống”.

– Sứ mệnh của thể loại truyện ngắn: Qua việc tái hiện những khoảnh khắc đời sống, những hiện tượng nhân sinh, những cảnh huống trong quan hệ giữa người với người, truyện ngắn khái quát lên các vấn đề có ý nghĩa sâu sắc về con người và xã hội; qua một lát cắt đời sống mà người đọc thấy cả cái cây đời, qua cái khoảnh khắc mà nói được cái muôn thuở của cõi người.

– Những người tí hon mang nhiệm vụ khổng lồ: Chi tiết nghệ thuật là đơn vị nhỏ nhất cấu thành tác phẩm nhưng nó mang trọng trách lớn lao: làm nổi bật tính cách, phẩm chất của nhân vật; chủ đề của tác phẩm; quan niệm thẩm mĩ, tư tưởng nghệ thuật, phong cách nghệ thuật của nhà văn; tạo nên chiều sâu và sức hấp dẫn cho tác phẩm…

Ý kiến trên đã khẳng định vai trò then chốt, tầm quan trọng không thể thiếu của chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn.

  1. Bình luận

          Đây là ý kiến đúng đắn, “bắt mạch” được một phương diện cơ bản trong đặc trưng của truyện ngắn. Sở dĩ chi tiết nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong truyện ngắn là vì:

+ Truyện ngắn có dung lượng nhỏ; số lượng nhân vật, sự kiện không nhiều; cốt truyện diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế, thường chỉ xoay quanh một tình huống có tính chất chủ đạo. Nhưng điều quan trọng là những gì phản ánh phải có sức khái quát, có chiều sâu, vượt ra ngoài khuôn khổ của câu chữ. Truyện ngắn là “tác phẩm có bề sâu nhưng lại không được dài”.

+ Để giải quyết mâu thuẫn trên, cần phải có những chi tiết nghệ thuật đắt giá trong tác phẩm. Đó là những điểm sáng hội tụ chiều sâu nội dung và vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm, cô đúc những điều nhà văn muốn nói trong một dung lượng câu chữ khiêm tốn, tạo nên những trang văn hàm súc, nói ít gợi nhiều. Chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn phải gánh vác nhiệm vụ nặng nề, có ý nghĩa then chốt trong việc thực hiện sứ mệnh của thể loại. Dù chỉ là tiểu tiết của tác phẩm nhưng những gì nó làm được thì thật lớn lao.

  1. Chứng minh:

– Thí sinh chọn và phân tích một vài chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong các truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 để làm sáng tỏ vấn đề đang bàn luận.

  1. Mở rộng:

– Đề cao vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn nhưng không có nghĩa là đẩy vai trò ấy lên địa vị độc tôn. Bên cạnh chi tiết nghệ thuật, những yếu tố khác cũng có ý nghĩa không nhỏ trong truyện ngắn: tình huống truyện, nhân vật, ngôn ngữ…

– Chi tiết nghệ thuật không chỉ quan trọng đối với thể loại truyện ngắn mà đối với tất cả các thể loại văn học, sức nặng nghệ thuật của tác phẩm sẽ tăng lên rất nhiều khi chủ thể sáng tạo sản sinh được những chi tiết “có tầm”.

  1. Bài học cho người sáng tác và người tiếp nhận.

– Những người đã gắn đời văn của mình với nghiệp viết truyện ngắn cần nhận thức được sâu sắc vai trò của các chi tiết nghệ thuật ở thể loại này, không ngừng khổ luyện để nâng cao nội lực, mài sắc tài năng, từ đó cho ra đời những chi tiết đặc sắc, độc đáo, có khả năng “đóng đinh” vào lòng người đọc.

– Người đọc khi đến với truyện ngắn cần phải sống hết mình với tác phẩm, cần sự cảm thụ tinh tế để có thể phát hiện, giải mã các chi tiết đặc sắc – những “huyệt đạo” làm bừng sáng nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

* Cách cho điểm:

– Điểm 11 – 12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

– Điểm 9 – 10: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy; câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 7 – 8: bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 5 – 6: Bài viết đáp ứng khoảng ½ nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.

– Điểm 3 – 4: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài; kết cấu không rõ ràng; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết gì.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *