Đề thi học sinh giỏi Phân tích Vội vàng để chứng minh nhận định Kẻ làm thơ không được đánh mất đi tấm lòng trẻ thơ

Đề thi khối 11

TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN TẤT THÀNH, YÊN BÁI

ĐỀ ĐỀ XUẤT DUYÊN HẢI 2018

MÔN : NGỮ VĂN 11

 

Câu 1. (8,0 điểm):

Thư Các Mác gửi con gái

Con đừng bao giờ tự hỏi rằng người yêu con có xứng với con không ? Cái thứ Tình yêu mà lại mặc cả như món hàng ngoài chợ thì không còn gọi là tình yêu được. Yêu là không so tính thiệt hơn !

Nếu người con yêu là một người nghèo khổ thì con sẽ cùng người ấy chung sức lao động để xây đắp tô thắm cho Tình yêu. Nếu người yêu của con già hơn con thì con làm cho người đó trẻ lại với con. Nếu người yêu con bị cụt chân thì con sẽ là cái nạng vững chắc nhất đời họ. 

Nhưng con cũng phải luôn tự hỏi xem người đó yêu con vì lẽ gì. Nếu người đó yêu con vì sắc đẹp, con nên nhớ nhan sắc rồi sẽ tàn. Nếu người đó yêu con vì có chức tước cao thì khẳng định người đó không yêu con, con hãy từ chối và bảo họ rằng địa vị không bao giờ làm sung sướng cho con người.

Con phải độ lượng, phải giàu lòng vị tha nếu có sự hối hận thực sự. Con phải chung thuỷ với người con yêu. Nếu con làm mất hai chữ quý báu ấy, con sẽ hổ thẹn không lấy gì mà mua lại được. Nếu con dễ dàng để cho một kẻ xa lạ nào đó đặt cái hôn gian manh bẩn thỉu lên môi con, thì trước khi hôn họ đã khinh con, đang khi hôn họ cũng khinh con và sau khi hôn họ càng khinh con hơn nhất.

Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh, chị khi đọc những quan niệm về tình yêu của Các Mác trong bức thư trên.

 

Câu 2. (12,0 điểm):

Trong tác phẩm “Tuỳ viên thi thoại”, Viên Mai – nhà lí luận phê bình nổi tiếng của Trung Quốc thời Thanh cho rằng: “Kẻ làm thơ không được đánh mất đi tấm lòng trẻ thơ’’. Anh, chị hiểu nhận định trên như thế nào ? Hãy phân tích bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu để làm sáng tỏ nhận định đó.

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ ĐỀ XUẤT DUYÊN HẢI 2018

MÔN : NGỮ VĂN 11

Câu 1

Giải thích

– Tình yêu là không mặc cả như món hàng, không so tính thiệt hơn, không yêu vì sắc đẹp, chức tước, địa vị, tiền bạc.

=> Tình yêu chân chính không toan tính, vụ lợi mà xuất phát từ tình cảm chân thành.

– Nếu yêu một người nghèo phải cùng người ấy chung sức. Nếu người già hơn thì làm cho người đó trẻ lại. Nếu yêu người bị cụt chân thì phải là cái nạng vững chắc nhất.

=> Tình yêu chân chính phải mang đến hạnh phúc cho người mình yêu, phải biết cùng nhau vượt quá khó khăn để xây đắp hạnh phúc.

– Giàu lòng độ lượng, vị tha (trước sự hối hận thực sự) và nhất là chung thuỷ (nếu đánh mất sẽ không bao giờ lấy lại được, sẽ bị khinh thường).

=> Bức thư thể hiện quan niệm về tình yêu chân chính.

Phân tích, chứng minh

– Tình yêu chân chính không toan tính, vụ lợi mà xuất phát từ tình cảm chân thành.

– Tình yêu chân chính phải mang đến hạnh phúc cho người mình yêu, phải biết cùng nhau vượt quá khó khăn để xây đắp hạnh phúc.

– Giàu lòng vị tha và nhất là chung thuỷ.

Bình luận

– Phê phán những kẻ yêu bằng sự giả dối, toan tính, vụ lợi.

– Yêu chân thành nhưng vẫn phải tỉnh táo, sáng suốt nếu không sẽ thành mù quáng.

Thang điểm

– Điểm 7 – 8: Đáp ứng các yêu cầu trên, phân tích sâu sắc, dẫn chứng chọn lọc, tiêu biểu, phong phú, chính xác, văn viết hấp dẫn, có cảm xúc chân thành, thấm thía.

– Điểm 5 – 6: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên. Dẫn chứng chọn lọc, chính xác, văn viết lưu loát, trôi chảy.

– Điểm 3 – 4: Đáp ứng tương đối đủ các yêu cầu trên. Nắm rõ yêu cầu của đề, dẫn chứng chính xác, diễn đạt tương đối tốt.

– Điểm 1 – 2: Nắm được một phần yêu cầu của đề, có dẫn chứng, phân tích, chứng minh, bình luận chưa sâu sắc, còn mắc lỗi chính tả.

– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề hoặc không làm được bài.

 

Câu 2

Giải thích:

– Đối tượng của văn học nói chung, thơ ca nói riêng là cuộc sống muôn màu.

– Nhưng việc phản ánh đời sống không tách rời việc thể hiện tư tưởng, tình cảm:

“Tác phẩm văn học sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay một lời ca tụng hân hoan…”

– Tư tưởng, tình cảm trong thơ trước hết phải hồn nhiên, chân thực, tươi mới: “kẻ làm thơ không được đánh mất đi tấm lòng trẻ thơ”.

=> “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống” (Nguyễn Đình Thi) – những rung động tươi mới, tinh khiết nhất của tâm hồn.

=> Đây là một cơ sở quan trọng cho sự sáng tạo những điều độc đáo, mới mẻ trong văn chương.

Phân tích, chứng minh: Xuân Diệu là nhà thơ “mới nhất trong các nhà Thơ mới” vì đã “thoát xác” khỏi hệ thống ước lệ để nhìn đời bằng cặp mắt “xanh non”, “biếc rờn”, “trẻ thơ” nhất qua :

* Ước muốn táo bạo .

* Sự ngây ngất, đắm say trước vẻ đẹp của “thiên đường trên mặt đất”

* Sự âu lo trước dòng thời gian trôi chảy.

* Khát vọng, thái độ sống vội vàng, cuống quýt, bồng bột để tận hưởng, tận hiến giữa thời tuổi trẻ.

Bình luận

– Thơ không chỉ cần cảm xúc chân thành, hồn nhiên mà cần cả sự sâu sắc, đầy tính chiêm nghiệm : yếu tố lí trí, tính triết lí trong thơ.

Muốn thế, thi sĩ vừa phải biết gắn bó với hiện thực, lắng nghe những thanh âm cuộc đời vừa phải biết lắng nghe rung động trong chính mình.

– Tấm lòng trẻ thơ không chỉ cần với người nghệ sĩ mà cũng rất cần thiết với người đọc để tạo nên sự đồng điệu, lan tỏa trong quá trình tiếp nhận văn chương.

Thang điểm

– Điểm 11 – 12: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng nêu trên. Có hiểu biết sâu rộng, chắc chắn về kiến thức lí luận và kiến thức tác phẩm. Tư duy rõ ràng, sắc bén, sáng tạo.

– Điểm 9 – 10: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Giải quyết vấn đề một cách chính xác, có một số phát hiện tốt. Tuy duy rõ ràng, mạch lạc, hành văn trôi chảy, có cảm xúc.

– Điểm 7 – 8: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên. Bố cục cân đối, rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt khá tốt. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả.

– Điểm 5 – 6: Đáp ứng một cách cơ bản các yêu cầu trên. Bố cục tương đối rõ, mắc một số lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp…

– Điểm 3 – 4: Hiểu đúng vấn đề nhưng chỉ đáp ứng được một nửa yêu cầu kể trên. Kết cấu, bố cục tương đối rõ. Còn mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp…

– Điểm 1 – 2: Bài làm sơ sài, ý nghèo nàn, có phần lệch đề. Bố cục chưa rõ, mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, ngữ pháp,…

– Điểm 0: Chưa đáp ứng được yêu cầu của đề bài, hoàn toàn lạc đề hoặc không viết được gì.

 

————–HẾT—————

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *