Đề thi HSG môn văn lớp 11 Quảng Bình 2024, bài thi thứ hai

Đề thi khối 11
SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH

 

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI CHỌN HSG LỚP 11 NĂM HỌC 2023-2024

VÀ CHỌN ĐỘI DỰ TUYỂN DỰ THI CHỌN HSG
QUỐC GIA NĂM HỌC 2024-2025

Khóa ngày 02 tháng 4 năm 2024

Môn thi: NGỮ VĂN

 

SỐ BÁO DANH:……………

BÀI THI THỨ HAI

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Đề gồm có 01 trang và 02 câu.

 

Câu 1 (4,0 điểm)

        “Thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn.[…] Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó”.

      (Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, 2013, tr.83)

Anh/chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm trên.

Câu 2 (6,0 điểm)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong bài “Dòng sông và những thế hệ của nước” từng chia sẻ:

 “Lịch sử của sáng tạo nghệ thuật trên thế gian này giống như sự chảy của dòng sông. Không bao giờ ngưng nghỉ.[…] Nếu không có những thế hệ nghệ sĩ trước đó thì các nghệ sĩ của thế hệ tiếp theo sẽ không có nguồn lực để sáng tạo và khai phá. Nhưng nếu không có những nghệ sĩ của thế hệ tiếp theo thì nghệ thuật bắt đầu rơi vào bất động và đi tới hủy diệt”.

(Trích Dòng sông và những thế hệ của nước, Nguyễn Quang Thiều,

Viết & đọc Chuyên đề mùa thu 2023, Nhiều tác giả, NXB Hội Nhà văn, 2023, tr.8)

Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

KỲ THI CHỌN HSG LỚP 11 NĂM HỌC 2023-2024

VÀ CHỌN ĐỘI DỰ TUYỂN DỰ THI CHỌN HSG
QUỐC GIA NĂM HỌC 2024-2025

Khóa ngày 02 tháng 4 năm 2024

Môn thi: NGỮ VĂN

  BÀI THI THỨ HAI

Đáp án này gồm có 03  trang

YÊU CẦU CHUNG

– Phần hướng dẫn chủ yếu để định hướng cho người chấm; học sinh có thể trình bày, diễn đạt theo cách khác.

– Trên cơ sở các mức điểm đã định, giám khảo căn cứ vào mức độ triển khai, trình bày ý và kĩ năng viết của học sinh để cho điểm tối đa hoặc thấp hơn.

– Khi cho điểm toàn bài cần cân nhắc đến việc đáp ứng các yêu cầu về kĩ năng. Có thể cho điểm toàn bài như sau: 0; 0,25; 0,5; 0,75…đến tối đa là 10.

– Khuyến khích những bài viết sáng tạo, có cảm xúc, có chất văn; chấp nhận những bài viết có cách kiến giải riêng nhưng hợp lí.

– Phần trong ngoặc […] là gợi ý.

                             HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

  1. Yêu cầu về kĩ năng
  2. Biết cách làm một bài văn nghị luận.
  3. Bố cục bài làm rõ ràng, kết cấu hợp lí. Hình thành, triển khai ý tốt.
  4. Diễn đạt suôn sẻ, mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
  5. II. Yêu cầu về nội dung và cách cho điểm

Học sinh có thể sắp xếp, trình bày, diễn đạt theo những cách khác nhau, miễn là đạt được các yêu cầu cơ bản sau:

Câu Nội dung Điểm
1         Anh/chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm của Phạm Lữ Ân. 4,0
1.1. Giải thích 1,0
HS giải thích được:

Định kiến” là những suy nghĩ đã được mặc định sẵn khi nhận thức, đánh giá về con người và đời sống; buông mình vào tấm lưới định kiến” là chấp nhận để mình bị bủa vây, bị điều khiển bởi sự phán xét đã mặc định của người khác.

– Tác giả gửi gắm quan niệm: Định kiến của xã hội là điều tồi tệ nhưng tồi tệ hơn là con người chấp nhận để mình bị bủa vây, bị điều khiển bởi sự phán xét mặc định của những người xung quanh.

 

 

0,5

 

 

0,5

 

1.2. Bàn luận 2,0
HS bàn luận được vấn đề, có thể theo hướng sau:

– Vì sao phán xét người khác theo định kiến có sẵn là điều tồi tệ?

[Không có tiêu chuẩn nào chung cho tất cả mọi người; định kiến dẫn đến những nhận định phiến diện, sai lầm, áp đặt; cản trở sự phát triển của cá nhân và xã hội;…]

– Vì sao phán xét người khác theo định kiến có sẵn là điều tồi tệ nhưng đó không phải là điều tồi tệ nhất?

[Nếu có đủ bản lĩnh thì con người sẽ có sức mạnh để đương đầu; có niềm tin vào chính mình thì sẽ vượt qua được; …]

– Vì sao điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến của những người xung quanh?

[Chấp nhận để tấm lưới định kiến bủa vây, con người sẽ tự trói buộc mình trong những rào cản và giới hạn, sống thiếu tự chủ, mất niềm tin, thiếu ý thức vươn lên hoàn thiện bản thân; không dám sống đúng là mình; dẫn đến những tổn thương về tinh thần, cảm xúc: sợ hãi, thu mình, nổi loạn; …]

 

 

0,5

 

 

 

0,5

 

 

 

 

 

1,0

1.3. Bài học nhận thức và hành động 1,0
Học sinh rút ra được bài học, có thể theo hướng sau:

– Tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân; không lấy chuẩn mực của mình để phán xét người khác; đặt mình vào vị trí của người khác để sẻ chia, thấu hiểu.

– Có nhận thức đúng đắn, rõ ràng về bản thân; xác lập được thang giá trị của riêng mình; có bản lĩnh để sống vững vàng, thành thực với nhu cầu bản thể, không bị chi phối bởi sự đánh giá của người khác.

 

 

0,5

 

0,5

2       Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. 6,0
2.1. Giải thích 1,0
HS giải thích được:

– Lịch sử của sáng tạo nghệ thuật trên thế gian này giống như sự chảy của dòng sông: lịch sử văn học nghệ thuật luôn vận động, trôi chảy liên tục.

– Nếu không có những thế hệ nghệ sĩ trước đó thì các nghệ sĩ của thế hệ tiếp theo sẽ không có nguồn lực để sáng tạo và khai phá: nếu không có các thế hệ nghệ sĩ đi trước và những thành tựu họ tạo ra, thế hệ nghệ sĩ tiếp theo sẽ thiếu đi nền tảng, điểm xuất phát thuận lợi để tìm tòi, kiến tạo các thành tựu mới.

Nếu không có những nghệ sĩ của thế hệ tiếp theo thì nghệ thuật bắt đầu rơi vào bất động và đi tới hủy diệt: nếu không có thế hệ nghệ sĩ sau tiếp nối và sáng tạo cái mới thì lịch sử văn học không thể nào vận động và phát triển. Và đó là cái chết của nghệ thuật.

Ý kiến trên khẳng định: văn học phát triển liên tục là nhờ sự nối tiếp không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ sĩ. Đó chính là quy luật kế thừa và cách tân trong sáng tạo nghệ thuật, quyết định sinh mệnh và sức sống của văn học.

 

 

0,25

 

 

 

0,25

 

 

0,25

 

 

0,25

2.2. Bàn luận 4,0
HS bàn luận được vấn đề, có thể triển khai theo hướng sau:

– Vì sao lịch sử của sáng tạo nghệ thuật trên thế gian này giống như sự chảy của dòng sông?

[Lịch sử của sáng tạo nghệ thuật là một quá trình vận động liên tục không ngưng nghỉ bởi sự tiếp nối và thay thế nhau của nhiều thế hệ nhà văn. Trong quá trình vận động ấy, nghệ thuật vừa kế thừa những giá trị cũ vừa tạo nên những giá trị mới để theo kịp sự thay đổi của đời sống và xu hướng phát triển chung…]

– Vì sao không có những thế hệ nghệ sĩ trước đó thì các nghệ sĩ của thế hệ tiếp theo sẽ không có nguồn lực để sáng tạo và khai phá?

 [Kế thừa là quy luật tất yếu của mọi sự vận động, trong đó có văn học; những sáng tạo của thế hệ nhà văn đi trước đóng vai trò mở đường, khơi gợi lối đi, xác lập nền móng…cho thế hệ nhà văn tiếp sau. Nhà văn đời sau tìm thấy ở thành tựu giai đoạn trước những kinh nghiệm nghệ thuật quý báu có thể vận dụng để tiếp tục hành trình sáng tạo. Sự tiếp nối một cách chọn lọc, có ý thức, chủ động của thế hệ nhà văn đời sau giúp bảo lưu những tinh hoa của lịch sử văn học…]

– Vì sao không có những nghệ sĩ của thế hệ tiếp theo thì nghệ thuật bắt đầu rơi vào bất động và đi tới hủy diệt?

[Sự phát triển của nghệ thuật được đánh dấu bằng sự ra đời của cái mới; bản chất của văn chương là sáng tạo; thế hệ sau vừa thâu nhận giá trị văn học của người đi trước đồng thời mở ra những khía cạnh, những chiều kích mà các nhà văn đi trước chưa khám phá; sáng tạo nên những giá trị mới, những kiến giải mới để đáp ứng nhu cầu nhận thức và thị hiếu thẩm mĩ của bạn đọc từng thời kì, giúp nghệ thuật bắt kịp với sự phát triển của thời đại;…]

 

 

 

 

 

1,0

 

 

 

 

 

 

 

1,5

 

 

 

 

 

 

1,5

2.3. Đánh giá, mở rộng vấn đề 1,0
– Với nhà văn: có ý thức học hỏi từ tiền nhân nhưng không sao chép rập khuôn, không ngừng tìm tòi để sáng tạo, đem đến những phát hiện mới mẻ, nhân văn, giàu giá trị thẩm mĩ.

– Với người đọc: luôn nâng cao tầm đón nhận, phát hiện những sáng tạo độc đáo, trân trọng tấm lòng và tài năng của nhà văn.

 

0,5

 

0,5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *