Bài thơ Không đề của Văn Cao, Viết bài nghị luận phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật

Văn mẫu lớp 10

 KHÔNG ĐỀ

        Văn Cao

Con thuyền đi qua

để lại sóng

Đoàn thuyền đi qua

để lại tiếng

Đoàn người đi qua

để lại bóng

Tôi không đi qua tôi

để lại gì?

(Theo Văn Cao, In trong Nhạc sĩ Văn Cao, Tài năng và nhân cách, NXB Thanh Niên, 2007, tr.231)

– Văn Cao (1923-1995) là một nghệ sĩ đa tài, có nhiều ảnh hưởng đối với nghệ thuật Việt Nam đương đại trên nhiều lĩnh vực: âm nhạc, hội họa và thơ ca.

– Bài thơ Không đề được Văn Cao sáng tác năm 1967.

Viết bài nghị luận phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Không đề (Văn Cao) đã dẫn ở phần I.

DÀN Ý CHI TIẾT

  1. Mở bài:

– Giới thiệu đôi nét về:

+ Tác phẩm: Không đề – Không cầu kỳ lựa chọn tựa đề “mang nhiều ý nghĩa”, “Không đề” như một suy niệm về cuộc sống.

+ Tác giả: Văn Cao là nghệ sĩ tài hoa, được vinh danh với vai trò nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ. Thành công trên nhiều lĩnh vực, song văn chương mới là “vùng đất hứa” khắc họa rõ nét nhất chất uyên bác của người nghệ sĩ đa tài.

– Khái quát nội dung: “Không đề” là một chia sẻ về việc lựa chọn thái độ sống của Văn Cao: Hãy sống hết mình với mình, với đời. Bài thơ gợi trong lòng bạn đọc những suy tư, trăn trở về ý nghĩa cuộc sống: để lại dấu ấn hiện sinh trên cõi đời chứ không đơn thuần chỉ là tồn tại.

“Con thuyền đi qua

để lại sóng,

Đoàn tàu đi qua

để lại tiếng,

Đoàn người đi qua

để lại bóng,

Tôi không đi qua tôi

để lại gì ?”

  1. Thân bài:
  2. a) Sơ lược về phong cách tác giả, hoàn cảnh sáng tác và nhan đề của tác phẩm.
  3. b) Xác định và phân tích, đánh giá chủ đề:

– Chủ đề: Nỗi niềm suy tư, chiêm nghiệm của chủ thể trữ tình trước quy luật của cuộc đời; đồng thời bộc lộ sự tha thiết, chân thành nhằm nhắn nhủ đến người đọc về việc để lại dấu ấn cá nhân, khẳng định cái tôi bản lĩnh trước thời đại ngày nay.

– Triển khai chủ đề:

* Luận điểm 1: Mỗi sự vật đi qua đều để lại những dư âm, dư ảnh biểu hiện cho sự tồn tại của nó.

“Con thuyền đi qua

để lại sóng,

Đoàn tàu đi qua

để lại tiếng,

Đoàn người đi qua

để lại bóng,

*Luận điểm 2: Sự bừng tỉnh của chủ thể trữ tình về lẽ sống sau ngần ấy chặng đường đời:

“Tôi không đi qua tôi

để lại gì ?”

*Luận điểm 3: Nỗi suy tư, trăn trở về việc lựa chọn thái độ sống đối diện trước cuộc đời; đồng thời bộc lộ sự băn khoăn trên con đường khẳng định cái tôi cá nhân – một dấu ấn hiện sinh nhằm tôn tạo những giá trị bản thân góp phần tạo dựng nên một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn.

– Đánh giá: Đây là một chủ đề đặc sắc vì: chứa đựng những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời; trấn tỉnh con người nhận thức về giá trị đích thực trong cuộc sống; để lại nhiều bài học giá trị trên hành trình đi tìm lẽ sống.

  1. c) Phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc hình thức nghệ thuật:

– Thể thơ: tự do (thể thức bậc thang)

– Vần nhịp: linh hoạt; giọng điệu: trầm lắng, triết lý, suy tư.

– Thủ pháp điệp cấu trúc “đi qua… để lại…”

– Yếu tố tượng trưng: “sóng”, “tiếng”, “bóng”, “tôi”

– Ngôn từ, hình ảnh: chắt lọc, tuyển chọc được tinh luyện dưới ngòi bút tài hoa của tác giả.

– Cấu tứ: Đôi mắt tinh tường khi nhận diện dấu ấn mà các sự vật đi qua để rồi trăn trở về lẽ đời, khắc họa dấu ấn hiện sinh của con người trên cõi đời.

– Cảm hứng chủ đạo: Nỗi niềm trăn trở của chủ thể về việc khắc ghi dấu ấn cá nhân trên cõi đời. Biểu hiện:

*Nội dung: Hình ảnh giàu sức gợi; chủ thể trữ tình trực tiếp với nhân xưng “tôi”.

*Nghệ thuật: Yếu tố tượng trưng, thể thơ cô đọng, hàm súc.

  1. d) Đánh giá chung:

– Điểm qua những nét đặc sắc về chủ đề, nội dung, tư tưởng, thông điệp và hình thức nghệ thuật. Từ đó, khẳng định vị thế, giá trị của tác phẩm trong dòng chảy văn chương.
– Liên hệ tác phẩm cùng chủ đề: Bài thơ số 90 – Tagore. Món quà ý nghĩa nhất chính là “cái ly tràn đầy cuộc sống” – một cuộc sống trọn vẹn, có ý nghĩa. Hình như Tagore muốn tận hưởng hết cái đẹp đẽ, đa thanh phức vị của cuộc sống thăng trầm trước khi gặp thần Chết. Đoạn thơ như một lời kêu gọi mỗi con người cần sống trọn vẹn từng phút giây, nắm bắt từng khoảnh khắc để tận hưởng hết giá trị cuộc đời.

“Ngày tử thần gõ cửa nhà anh

Anh sẽ có món chi làm tặng vật?

Trước vị khách đến thăm tôi sẽ đặt

Cái li tràn đầy cuộc sống tôi dâng.”

  1. Kết bài:

– Tác động của văn bản đến người đọc: Mỗi con người sinh ra đều mang trong mình một sứ mệnh – lưu giữ dấu ấn cá nhân trên cuộc đời. Để rồi, mỗi người đều nhận thức về giá trị hữu của chính mình từ đó ta hãy cho phép bản thân được dấn thân trải nghiệm, phá kén, vượt qua khỏi lớp vỏ bọc của bản thân để khẳng định cái tôi bản lĩnh trên cuộc đời này.

– Khẳng định giá trị tác phẩm: “Không đề” chinh phục độc giả bằng chất uyên bác, sự thông tuệ của người nghệ sĩ đa tài, là chiếc gương soi quý giá góp phần phản tỉnh, cổ vũ tinh mỗi người phát triển, hoàn thiện bản thân, nỗ lực vì những giá trị sống tốt đẹp. Tài hoa, tấm lòng vì cuộc đời, vì con người của nghệ sĩ Văn Cao quả là đáng trân trọng.

 

  1. BÀI VIẾT MINH HỌA:

 

Tagore đã từng nói về thơ rằng: “Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”. Thật vậy, một kiệt tác thi ca là kết quả hoàn thiện của quá trình nuôi dưỡng cảm hứng, thai nghén sáng tạo nên một thế giới sinh động thuộc quyền sở hữu của chủ thể sáng tạo. Tuy là thế giới riêng nhưng chẳng phải dành riêng cho mình nhà thơ. Trong thế giới tinh thần “Không đề” của Văn Cao, mỗi độc giả chúng ta như chiêm nghiệm ra nhiều điều về giá trị hiện hữu của bản thân trong cuộc sống. “Không đề” như một lời chia sẻ về việc lựa chọn thái độ sống: Hãy sống hết mình với mình, với đời. Bài thơ gợi trong lòng bạn đọc những suy tư, trăn trở về ý nghĩa cuộc sống: để lại dấu ấn hiện sinh trên cõi đời chứ không đơn thuần chỉ là tồn tại.

“Giống như ngọn lửa bốc lên từ những cành khô, tài năng bắt nguồn từ những tình cảm mạnh mẽ của con người”. Quả thật, với một đôi mắt tinh tường của một nhà nhíp ảnh, một trái tim thấu cảm nồng nàn của một nhà nhân đạo, Văn Cao đã chắt chiu từng kinh nghiệm sống ở đời thai nghén nên đứa con tinh thần “Không đề”. Không cầu kỳ lựa chọn tựa đề “mang nhiều ý nghĩa”, “Không đề” như một suy niệm về cuộc sống, chắp nhặt từ những điều bình dị, gần gũi nhất. Ông là một nghệ sĩ tài hoa, được vinh danh với vai trò nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ. Thành công trên nhiều lĩnh vực, song văn chương mới là “vùng đất hứa” khắc họa rõ nét nhất chất uyên bác của người nghệ sĩ đa tài. Thưởng thức những sáng tác của Văn Cao, độc giả thường lạc vào những miền suy niệm, miền yên lặng của những thông tuệ riêng tư. Văn Cao lôi cuốn, mê hoặc người đọc bởi tầm nhận thức và “Không đề” là một điển hình cụ thể.

Con thuyền đi qua

để lại sóng

Đoàn thuyền đi qua

để lại tiếng

Đoàn người đi qua

để lại bóng

Tôi không đi qua tôi

để lại gì?

 

Xuyên suốt bài thơ, ta bắt gặp được nỗi niềm suy tư thầm kín, những chiêm nghiệm sâu sắc của chủ thể trữ tình trước quy luật của cuộc đời; đồng thời bộc lộ sự tha thiết, chân thành nhằm nhắn nhủ đến người đọc về việc để lại dấu ấn cá nhân, khẳng định cái tôi bản lĩnh trước thời đại ngày nay. Dưới một lăng kính tinh tường, chủ thể trữ tình đã dễ dàng nhận diện được những dư âm, dư ảnh mà sự vật để lại sau khi đi qua:

Con thuyền đi qua

để lại sóng

Đoàn thuyền đi qua

để lại tiếng

Đoàn người đi qua

để lại bóng

Bài thơ mở đầu với những hình ảnh liệt kê từ cá thể cho đến tập thể: “Con thuyền, đoàn tàu, đoàn người” đều là những hình ảnh bình dị, đời thường đi kèm với quá trình “đi qua” và “ để lại”, tất cả như để lại dấu vết xác định của riêng mình là “tiếng”, “sóng”, “bóng”. Thủ pháp nghệ thuật điệp cấu trúc “đi qua… để lại…” đã phần nào tô đậm giá trị mà mỗi sự vật để lại như một dấu ấn biểu hiện cho sự tồn tại của chúng trên cuộc đời này. Từ đó, con người soi chiếu với bản thân mình để rồi nhận ra giá trị hiện hữu và sứ mệnh của mình đối với cuộc đời này:

“Tôi không đi qua tôi

để lại gì ?”

Bài thơ được mở đầu bằng những dòng tự sự và kết thúc là lời tự vấn của chủ thể trữ tình trực tiếp “tôi”. Từ những chiêm nghiệm về giá trị sống, “Tôi không đi qua tôi/để lại gì?” như một lời độc thoại nội tâm của chính chủ thể trữ tình, cũng là lời đối thoại với bạn đọc. Qua đó, giúp độc giả “nhận thức lại” về giá trị sống, giá trị hiện hữu của chính mình. Chủ thể trữ tình như chậm lại một nhịp giữa dòng đời vội vã để rọi soi, thấu suốt bản thân rằng trong chặng đường đời vừa qua mình đã để lại những gì. Mỗi con người hiện hữu trên thế gian này đều mang trong mình một sứ mệnh cao cả: khắc ghi dấu ấn hiện sinh cho một cuộc đời mà ta thật sự sống. Bởi “con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”. Câu hỏi tu từ “ Tôi đi qua tôi để lại gì?” Như một lời trấn tỉnh mỗi con người hãy “sống thật sâu nếu biết trăm năm là hữu hạn”; đồng thời là một lời thách thức thế hệ trẻ khi còn cơ hội hãy phá kén, vượt qua khỏi lớp vỏ bọc cầm chừng bản thân để khẳng định cái tôi bản lĩnh trên cuộc đời này.

Bài thơ “Không đề” bộc lộ nỗi suy tư, trăn trở về việc lựa chọn thái độ sống đối diện trước cuộc đời; đồng thời bộc lộ sự băn khoăn trên con đường khẳng định cái tôi cá nhân – một dấu ấn hiện sinh nhằm tôn tạo những giá trị bản thân góp phần tạo dựng nên một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn. Đây là một chủ đề đặc sắc vì nó chứa đựng những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời; trấn tỉnh con người nhận thức về giá trị đích thực trong cuộc sống; để lại nhiều bài học giá trị trên hành trình đi tìm lẽ sống.

“Một tác phẩm văn học là một sự phát minh về hình thức và là khám phá mới về nội dung” ( Leonid Leonov ). Quả như vậy, một tác phẩm chân chính là sự tổng hòa về cả hình thức lẫn nội dung. Nếu chỉ mãi chăm chút về mặt nội dung mà thiếu đi hình thức thì đó cũng chỉ là những dòng lý thuyết nằm cứng đơ trên trang giấy, không thể truyền tải đến người đọc. Đặc biệt, trong thơ ca luôn có sự tổng hòa giữa hai mặt. Như Chu Văn Sơn đã từng nhận xét về thơ rằng: “Một mặt, thơ là tiếng lòng. Mặt khác, thơ là một công trình kiến trúc chặt chẽ của ngôn từ, chỉ cần bỏ đi một dấu phẩy thì cả bài thơ sẽ sụp đổ.” Vì vậy, đọc thơ là tìm điệu hồn trong kiến trúc ngôn từ đòi hỏi độc giả không những phải “dùng hồn ta để hiểu hồn người” mà còn phải tinh tế nắm bắt được cấu trúc thi phẩm.

Bài thơ được trình bày bằng thể thơ tự do theo thể thức bậc thang. Vần nhịp trong thơ linh hoạt góp phần thể hiện giọng điệu trầm lắng, giàu triết lý, suy tư. Điểm sáng trong bài đó chính là sử dụng hệ thống hình ảnh tượng trưng “sóng”, “tiếng”, “bóng”, “tôi” hàm chứa nhiều tầng nghĩa đã để lại những dư cảm khó quên trong lòng độc giả và phần tôn tạo giá trị của tác phẩm trên dòng chảy văn chương. Bởi Chế Lan Viên đã từng khẳng định rằng: “Cái kết tinh của vần thơ và muối bể/ Muối lắng ở ô nề, thơ đọng lại ở bề sâu.” “Tôi đi qua tôi” là quá trình soi chiếu, khám phá sâu vào thế giới nội tâm của mỗi người. Từ đó, chuyến hành trình giúp ta hiểu rõ hơn mục đích sống và giá trị của bản thân. Câu thơ vang lên như gợi ra một khoảng lặng trong tâm hồn. Nếu tôi không đi qua chính mình, nếu tôi sống mà không để lại chút dấu vết cho đời thì liệu cuộc sống này có còn giá trị hay không ? Câu hỏi ấy mở ra trong chúng ta những băn khoăn, như một sự thức tỉnh con người nhìn lại quá khứ và cả thực tại. Đó là quá trình mà bất kỳ con người nào đều phải trải qua để trưởng thành hơn, hiểu rõ chính mình và tìm ra “ta là ai ?” giữa biển đời mênh mông, rộng lớn này ?

Thơ ca là điệu hồn trong kiến trúc ngôn từ. Chính ngôn từ là phương thức tạo hình và biểu cảm ngôn ngữ hoạt động trong văn bản nhằm truyền tải hết thảy những tư tưởng, thông điệp chất chứa ở bề sâu. Trong thơ Văn Cao, ngôn từ không chỉ là vẻ đẹp của món trang sức hay trò chơi phù phiếm mà đó là vẻ đẹp ánh lên từ đời sống thông qua sự tinh luyện của chủ thể sáng tạo. Chỉ cần mất đi chữ “tôi” ấy tác phẩm sẽ mất đi bề thế và chiều sâu, phá vỡ kết cấu hoàn chỉnh của một công trình kiến trúc ngôn từ.  Thông qua bài thơ “Không đề”, Văn Cao như trở thành một người thợ kim hoàn của chữ bằng cách lựa chọn những hình ảnh tinh tuyển, chắt lọc “con thuyền”, “đoàn tàu”, “đoàn người” và nhấn mạnh những gì chúng để lại qua điệp từ “đi qua”. “Con thuyền” đi qua để lại “sóng”, “đoàn tàu” đi qua để lại “tiếng”, “đoàn người” đi qua để lại “bóng” hay đó cũng chính là quy luật tất yếu của tự nhiên: vạn vật luôn vận động và để lại dấu vết minh chứng cho sự tồn tại của nó. Bài thơ đã thành công truyền tải nỗi niềm trăn trở của chủ thể về việc khắc ghi dấu ấn hiện sinh trên cõi đời.

“Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó.” (Nguyễn Khải). Thông qua những tư tưởng tiến bộ cùng thông điệp nhân văn, sâu sắc mà bài thơ truyền tải đã phần nào khẳng định vị thế, giá trị của thi phẩm trong dòng chảy văn chương. Hình tượng “tôi” trong bài như một bản thể riêng biệt buộc mỗi con người chúng ta phải đối diện với chính nó nhằm phần định bản ngã ở giữa cuộc đời này. Để rồi, ta buộc phải “đi qua” nó để ngày càng trưởng thành, để tìm thấy hạnh phúc và con đường đi phù hợp với bản thân. Hay đơn giản, ta đi qua để hiểu hơn về con người mình, để nhận ra không gì tuyệt vời hơn khi được sống với ước mơ và khát vọng, được sống là chính mình.

Trong dòng chảy văn chương, ta bắt gặp được điểm giao giữa hai tâm hồn chất những nỗi niềm suy tư, trăn trở về cuộc đời. Điển hình là “Bài thơ số 90” của Tagore. Món quà ý nghĩa nhất chính là “cái ly tràn đầy cuộc sống” – một cuộc sống trọn vẹn, có ý nghĩa. Hình như Tagore muốn tận hưởng hết cái đẹp đẽ, đa thanh phức vị của cuộc sống thăng trầm trước khi gặp thần Chết. Đoạn thơ như một lời kêu gọi mỗi con người cần sống trọn vẹn từng phút giây, nắm bắt từng khoảnh khắc để tận hưởng hết giá trị cuộc đời.

“Ngày tử thần gõ cửa nhà anh

Anh sẽ có món chi làm tặng vật?

Trước vị khách đến thăm tôi sẽ đặt

Cái li tràn đầy cuộc sống tôi dâng.”

Bằng hình ảnh ẩn dụ “tử thần gõ cửa” và “cái ly tràn đầy cuộc sống”, tác phẩm đã gợi nên một vấn đề lớn lao: Con người nên làm gì để sống một cuộc đời trọn vẹn? Nhưng cũng chính bài thơ đã tự mình giải quyết vấn đề ấy bằng sự hiến dâng, trao tặng một cuộc sống tràn đầy của chủ thể trữ tình khi “tử thần” ghé thăm. Ngược lại, sẽ bất ngờ và đau đớn biết bao trước vị khách lạ nếu “chiếc ly” của tôi cạn kiệt chất “ sống”. Những dòng thơ hàm súc tuyệt đẹp này gợi cho ta biết bao suy ngẫm về cách sống hiến dâng tròn đầy và đẹp đẽ với tư cách của một con người. Đúng như Bêlinxki đã từng nhận định: “ Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”.

Cũng trong một thi phẩm khác của mình, Văn Cao cũng từng khẳng định về sức sống lâu bền của thơ “ Riêng những câu thơ còn xanh”. Như vậy thơ ca nói riêng cũng như văn học nói chung đều nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết. Sau khi tác phẩm được khép lại thì khi ấy cuộc sống của nó mới thật sự bắt đầu. Bài thơ “Không đề” sẽ trở thành hành trang giăng mắc vào đời sống tinh thần của chúng ta bởi những thông điệp, tư tưởng sâu sắc mà nó truyện tải. Mỗi con người sinh ra đều mang trong mình một sứ mệnh – lưu giữ dấu ấn cá nhân trên cuộc đời. Để rồi, mỗi người đều nhận thức về giá trị hữu của chính mình từ đó ta hãy cho phép bản thân được dấn thân trải nghiệm, phá kén, vượt qua khỏi lớp vỏ bọc của bản thân để khẳng định cái tôi bản lĩnh trên cuộc đời này. “Không đề” chinh phục độc giả bằng chất uyên bác, sự thông tuệ của người nghệ sĩ đa tài, là chiếc gương soi quý giá góp phần phản tỉnh, cổ vũ tinh mỗi người phát triển, hoàn thiện bản thân, nỗ lực vì những giá trị sống tốt đẹp. Tài hoa, tấm lòng vì cuộc đời, vì con người của nghệ sĩ Văn Cao quả là đáng trân trọng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *