Đọc hiểu, Phân tích đặc sắc chủ đề, nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Trái tim hổ

Văn mẫu lớp 10

ĐỌC (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

TRÁI TIM HỔ

Ngày ấy, ở Hua Tát có một cô gái tên Pùa. Sắc đẹp của nàng khắp các mường không ai bì kịp, da trắng như trứng gà bóc tóc mượt và dài, môi như son đỏ. Chỉ khổ một nỗi là Pùa bị liệt hai chân, suốt năm suốt tháng nằm một chỗ.

Hồi xảy ra chuyện này Pùa mười sáu tuổi. Tuổi mười sáu là tuổi của mùa xuân, của tình yêu. Tình yêu có thể có nhiều nhưng mà mùa xuân thiếu nữ lại chỉ có một. Năm mười sáu tuổi là tháng đầu của mùa xuân, đến mười chín tuổi thì có khi đã sang mùa thu rồi.

Mùa xuân ở Hua Tát đầy ắp tiếng khèn bè. Tiếng khèn quấn quýt chân sàn, chân quản (sàn ở rể) nhà các cô gái. Cỏ dưới chân các cầu thang không mọc được. Ở đấy phẳng lỳ một lớp đất bạc.

Sàn nhà Pùa không có những tiếng khèn bè. Không ai đi lấy cô gái liệt cả hai chân làm vợ. Đàn ông thương xót, đến cả trẻ con cũng thương xót Pùa. Người ta cúng ma, tìm thuốc cho Pùa. Vô hiệu, đôi chân của nàng vẫn không nhúc nhích.

Năm ấy, Hua Tát sống trong mùa đông khủng khiếp. Trời trở chứng, cây cối khô héo vì sương muối, nước đóng thành băng. Mùa đông ấy, trong rừng Hua Tát xuất hiện một con hổ dữ. Hổ rình rập suốt ngày đêm quanh bản. Bản hoang vắng hẳn, không ai dám ra nương ra rẫy. Buổi tối, chân các cầu thang được rấp rào gai kỹ lưỡng, các cửa nhà đóng chặt. Sáng sáng, thấy vết chân hổ vòng quanh từng ngôi nhà một. Cả bản sống trong nơm nớp lo âu.

Người ta đồn con hổ có trái tim khác thường, trái tim nó chỉ bằng hòn sỏi và trong suốt. Trái tim ấy là bùa hộ mệnh, cũng là vị thuốc thần. Ai có trái tim ấy sẽ được may mắn, giàu sang suốt cả cuộc đời. Trái tim ấy nếu đem ngâm rượu sẽ chữa được mọi thứ bệnh hiểm nghèo. Liệt chân như Pùa, uống thứ thuốc ấy cũng sẽ khỏi được.

Tin đồn như con chim cắt chuyền khắp thung lũng. Ở bếp lửa, chân quản, dưới suối, trên nương, đâu đâu người ta cũng nói về trái tim hổ. Tin đồn bay xuống cả vùng đồng bằng của người Kinh, bay lên cả đỉnh núi cao của người Mông. Tin đồn bao giờ cũng thế, qua miệng của những kẻ ngu dốt thì quái lạ thay, thường thú vị hơn qua những con người từng trải.

Có rất nhiều người đi săn con hổ. Có người Thái, người Kinh, người Mông… Người thì muốn săn hổ để lấy trái tim làm bùa hộ mệnh, người thì muốn lấy trái tim hổ làm thuốc. Trách họ thế nào được? Đời người ta, ai đã chẳng từng săn đuổi bao nhiêu phù du?

Trong đám thợ săn, đông nhất là đám con trai bản Hua Tát. Họ muốn lấy được trái tim hổ để về chữa bệnh cho Pùa.

Việc săn hổ kéo dài gần hết mùa đông. Nhưng, như có phép lạ, con hổ tinh khôn biết tránh những nơi người ta phục nó. Những người đi săn bị nó săn lại. Hơn mười người chết vì con hổ dữ. Tiếng khóc than lẫn với tiếng gió hú dài âm âm trong bản. Người ta nản chí dần, số người đi săn rụng nhanh như bứa chín cây, cuối cùng chỉ còn một người. Người ấy là Khó.

Khó là trai bản Hua Tát. Chàng mồ côi cha mẹ, sống như con don con dim. Con don, con dim sống lủi thủi, đi con đường riêng, ăn uống thế nào không ai biết được. Khó chẳng bao giờ tham dự những cuộc họp mặt, hội hè ở bản. Phần vì Khó nghèo, phần Khó xấu trai. Chàng bị đậu mùa, mặt rỗ chằng chịt. Người Khó dị dạng: hai tay dài chấm đầu gối, đôi chân khẳng khiu lúc nào đi cũng như chạy. Con don, com dim có đi bao giờ?

Thấy Khó đi săn nhiều người ngạc nhiên. Người ta lại càng ngạc nhiên thấy Khó săn hổ không phải để lấy bùa phép may mắn cho chàng mà để lấy thuốc về chữa cho Pùa. Đêm đêm, họ thấy Khó đứng dưới chân sàn nhà Pùa nhìn lên như kẻ si tình, cũng giống như tên ăn trộm.

Người bản Hua Tát không biết Khó đi con đường nào tìm vết hổ. Đường của con don, con dim hổ cũng không biết. Con hổ thấy sự nguy hiểm. Nó thay đổi chỗ ở, thay đổi đường đi. Khó và con hổ săn nhau từng giờ…

Một đêm, người ta đang ngồi kể chuyện ở sàn nhà Pùa thì nghe thấy tiếng súng nổ. Tiếng súng kíp âm âm như tiếng sấm. Có tiếng hổ gầm dữ dội vang trong khe núi.

Hổ chết rồi ! Đúng Khó bắn chết hổ rồi ! Cả bản kinh hoàng xôn xao như rừng gặp bão. Người ta reo hò. Nhiều người vừa reo vừa trào nước mắt. Trai bản đốt đuốc lên rừng tìm Khó.

Gần sáng, người ta mới tìm thấy Khó và xác con hổ đã chết. Cả hai lăn xuống vực sâu dưới suối. Khó bị gãy lưng, mặt chàng đầy vết cào cấu của hổ. Con hổ bị bắn toác đầu. Viên đạn bắn gần xé rách trán hổ xuyên vào tận óc.

Nhưng, điều kỳ lạ nhất là ngực con hổ đã bị rạch đi, trái tim của nó không còn đấy nữa. Vết rạch bằng dao còn mới, máu bết hai bên vết rạch chảy ròng ròng, sủi thành bọt như bong bóng. Đã có kẻ nào đánh cắp trái tim con hổ!

Tất cả trai bản Hua Tát lặng im, cúi gầm mặt xuống. Họ hổ thẹn, căm giận, chua xót.

Hơn mười người chết trong mùa đông ấy vì con hổ dữ. Thêm hai người nữa chết sau câu chuyện đó. Hai người ấy là Pùa và Khó…

Người bản Hua Tát đã chôn con hổ ngay chỗ nó chết. Không ai nhắc lại huyền thoại về sự mầu nhiệm của trái tim hổ. Người ta đã quên nó đi như quên bao điều cay đắng xảy ra trên thế gian này. Điều ấy cũng cần.

Còn nhớ chuyện ấy, bây giờ có lẽ chỉ rất ít người.

(Những ngọn gió Hua Tát, Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, NXB Văn học, 2003, tr 276-279)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 (0,75 điểm): Câu chuyện Trái tim hổ được kể theo điểm nhìn của ai?

Câu 2 (0,75 điểm): Xác định ngôi kể trong văn bản trên.

Câu 3 (1,0 điểm): Những chi tiết nào cho thấy sức mạnh và sự màu nhiệm của trái tim hổ?

Câu 4 (1,0 điểm): Chi tiết “Đã có kẻ nào đánh cắp trái tim con hổ” có ý nghĩa gì trong văn bản?

Câu 5 (1,25 điểm): Nhân vật chàng Khó hiện lên với số phận và vẻ đẹp như thế nào trong văn bản? Anh/ Chị hãy lấy một vài dẫn chứng để làm rõ.

Câu 6 (1,25 điểm): Theo anh/chị, chàng Khó là người chiến thắng hay là kẻ bại trận trong cuộc chiến với con hổ? Vì sao?

Thực hiện các yêu cầu:

VIẾT (4,0 điểm)

Phân tích đặc sắc chủ đề, nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Trái tim hổ.

 

———— Hết ———–

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị coi thi không giải thích gì thêm.

 

   HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN NGỮ VĂN – LỚP 11

 

I. PHẦN ĐỌC
Câu Nội dung Điểm
1 Câu chuyện Trái tim hổ được kể theo điểm nhìn của người kể chuyện. 0,75
2 Ngôi kể: ngôi thứ 3 0.75
3 Những chi tiết cho thấy sức mạnh và sự màu nhiệm của trái tim hổ:

– Trái tim hổ là bùa hộ mệnh, cũng là vị thuốc thần.

– Trái tim hổ sẽ mang lại may mắn, giàu sang suốt cả cuộc đời cho con người.

– Trái tim hổ nếu đem ngâm rượu sẽ chữa được mọi thứ bệnh hiểm nghèo. Liệt chân như Pùa, uống thứ thuốc ấy cũng sẽ khỏi được.

1,0
4 Chi tiết “Đã có kẻ nào đánh cắp trái tim con hổ” có ý nghĩa:

– Chi tiết tạo ra kết thúc bất ngờ, làm nên sức hấp dẫn cho câu chuyện.

– Chi tiết khẳng định lòng tham, niềm tin mù quáng của con người vào những điều viển vông. Nó góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm: thức tỉnh con người sống lý trí, không nên tin vào những điều hão huyền, không có thực.

1,0
5 Nhân vật chàng Khó hiện lên với số phận và vẻ đẹp:

Số phận bất hạnh: xuất thân nghèo khó, mồ côi cả cha lẫn mẹ, ngoại hình xấu xí, dị dạng.

–  Vẻ đẹp tâm hồn: Có khát vọng tình yêu, hạnh phúc; có trái tim giàu lòng yêu thương: tình yêu của Khó dành cho Pùa đã vượt lên trên những toan tính, ích kỷ tầm thường của con người. Trong khi mọi người tìm cách giết hổ để có được sức mạnh, sự giàu sang thì Khó giết hổ chỉ vì muốn cứu Pùa, cũng không hề nghĩ cho bản thân mình dù chỉ một thoáng.

1,25
6 – Học sinh bày tỏ quan điểm của bản thân: chàng Khó là người chiến thắng trong cuộc chiến với con hổ hoặc chàng Khó là kẻ bại trận trong cuộc chiến với con hổ. (0,5 điểm)

– Lí giải hợp lý, thuyết phục. (0,75 điểm)

Dưới đây là một số định hướng:

+ Nếu cho rằng chàng Khó là người chiến thắng trong cuộc chiến với con hổ có thể lí giải: Chàng Khó dù không lấy được trái tim của hổ nhưng đã giết chết được hổ. Chàng đã làm được điều những thanh niên trong làng không làm được. Đó là sự chiến thắng của sức mạnh, lòng quyết tâm, sự dũng cảm của con người.

+ Nếu cho rằng chàng Khó là kẻ bại trận trong cuộc chiến với con hổ có thể lí giải: Dù đã giết được hổ nhưng chàng Khó không lấy được trái tim của hổ, không thực hiện được mong ước của mình lấy trái tim hổ chữa bệnh cho Pùa. Đồng thời, khi giết được hổ chàng Khó cũng kết thúc sinh mệnh của chính mình.

1,25
II. PHẦN VIẾT
Nội dung Điểm
Mở bài Giới thiệu Truyện ngắn “Trái tim hổ” của Nguyễn Huy Thiệp.

– Nguyễn Huy Thiệp (1950 2021), Nguyễn Huy Thiệp là hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, để lại sức ảnh hưởng và dấu ấn lâu dài trên văn đàn. Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, tiểu luận văn chương, kịch… nhưng đặc sắc nhất là truyện ngắn. Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn (1986) nhưng được coi là người đạt đỉnh cao nghệ thuật của truyện ngắn với một loạt tác phẩm như: Tướng về hưu, Không có vua, Tuổi 20 yêu dấu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết…Truyện ngắn của ông có cấu trúc, nhân vật, ngôn ngữ, cách triển khai riêng biệt, ảnh hưởng đến nhiều cây bút trẻ; chỉ thoáng đọc đã nhận ra ngay “chất Nguyễn Huy Thiệp đặc sệt” trong sáng tác của họ. Đó là những câu văn ngắn, tốc độ nhanh, ngữ pháp đơn giản nhưng sắc lẹm, nhiều ẩn dụ, có lúc thật tinh khôi, có lúc thật ám ảnh, ma mị.

– Truyện ngắn Trái tim hổ là truyện ngắn mở đầu Tập truyện “Những ngọn gió Hua Tát” của tác giả Nguyễn Huy Thiệp. Tác phẩm có một cốt truyện đậm chất văn học dân gian nhưng gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đương đại.

0.25
0,25
 

Thân bài

Trình bày được hệ thống luận điểm thể hiện về đặc trưng thể loại của truyện ngắn: điểm nhìn, chủ đề, nhân vật, đặc sắc nghệ thuật, thông điệp của truyện. Có thể theo hướng sau:

– Khái quát nội dung truyện:

Trái tim hổ xoay quanh một câu chuyện ly kỳ xảy ra ở bản Hua Tát. Cô gái tên Pùa xinh đẹp nhưng không may bị liệt đôi chân, không đi được đến đâu nên suốt ngày phải ở trong nhà. Lại có một con hổ dữ thường xuyên rình rập trong bản nhỏ, reo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân nơi đây. Tương truyền rằng trái tim con hổ làm bằng sỏi và trong suốt, nếu ai lấy được nó thì sẽ giàu sang, khoẻ mạnh. Đặc biệt nếu dùng trái tim đó để chữa bệnh thì chắc chắn sẽ khỏi. Tin vào điều hoang đường đó, trai bản rồi người Kinh lũ lượt lên núi để tìm cách giết hổ. Nhưng đã có 10 người bỏ mạng trên rừng do bị hổ vồ. Cuối cùng chàng trai tên Khó đã giết được hổ nhưng vẫn không thoát được cái chết do không may trượt xuống núi. Trái tim của hổ cũng bị một kẻ nào đó hớt tay trên móc lấy. Pùa cũng chết vì chờ đợi mỏi mòn 1 phương thuốc thần kì để đôi chân có thể đi lại được. Cuối cùng, phương thuốc “trái tim hổ” của người đời đồn thổi đã khiến 10 người phải chết vì đi săn hổ, khi hổ đã chết rồi thì thêm 2 người nữa phải chết.

– Điểm nhìn và ngôi kể: Truyện được kể theo ngôi thứ 3, điểm nhìn tòa ntri của tác giả. Qua điểm nhìn đó, tác giả Nguyễn Huy Thiệp đã kể lại câu chuyện xoay quanh những con người đi tìm sự sống, tình yêu bằng niềm tin viễn vông, thiếu thực tế và chết vì niềm tin đó. Điểm nhìn cũng giúp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khắc họa những tình cảm, khát vọng sâu thẳm bên trong tâm hồn nhân vật Khó, nhân vật Pùa. Họ đều giống nhau ở chỗ là có khát vọng tìm kiếm tình yêu hạnh phúc mãnh liệt, nhưng bản thân lại bệnh tật, xấu xí. Họ đặt niềm tin vào những điều viễn vông, hão huyền và chết vì niềm tin đó. Qua cái chết của các nhân vật, đã góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm: thức tỉnh con người sống lý trí, không nên tin vào những điều hão huyền, không có thực rồi phải trả giá.

– Phân tích nhân vật: Nhân vật Khó với tên gọi đã nói lên cuộc đời khốn khó của anh ta. Thân phận mồ côi, nghèo khó, sống tách biệt với cộng đồng vì diện mạo xấu xí. Anh sống lủi thủi 1 mình như con dim con don và hy sinh mạng sống trong hành trình giết hổ lấy trái tim chữa bệnh cho Pùa.

+ Tâm hồn và ý chí nhân vật Khó rất đẹp: yêu Pùa bằng tình yêu chân thành, bất chấp nguy hiểm đi tìm trái tim hổ để chữa bệnh cho người con gái mình yêu trong khi những kẻ khác chỉ nghĩ đến việc cuới vợ lành lặn để có lợi cho mình. Tình yêu của Khó như cổ tích giữa đời thường, tiếp thêm cho anh sức mạnh để anh quyết tâm săn hổ lấy trái tim về chữa bệnh cho Pùa.

+ Cái chết của Khó: anh đã giết được con hổ, và chết cùng nó. Dù ước nguyện chữa bệnh cho Pùa chưa thành nhưng anh đã sống thật ý nghĩa, cao thượng.

Nhân vật Pùa: xinh đẹp nhưng lại bệnh tật. Cuộc đời cô gái quá éo le tội nghiệp. Người ta thương xót tìm cách chữa bệnh cho Pùa nhưng không ai dám lấy cô về vợ vì như vậy chẳng khác nào mang về một của nợ. Pùa không chấp nhận hoàn cảnh của mình, mang khát vọng tình yêu quá lớn nên khi trái tim hổ bị người khác đánh cấp, cô cũng tuyệt vọng và chết. Nếu cô có thể có thái độ sống khác đi, có lẽ cuộc đời cô cũng đã khác đi. Người đọc tháy rõ Pùa không phải chết vì bệnh tật, mà chết vì niềm hy vọng viễn vông, thiếu thực tế của cô.

– Nghệ thuật kể chuyện: xây dựng cốt truyện đậm màu sắc cổ tích, truyền thuyết. Cách kể chuyện đầy ly kỳ, hấp dẫn bằng ngôi kể chuyện thứ ba, xây dựng nhân vật mang đậm màu sắc núi rừng với những chi tiết so sánh, tưởng tượng, hư cấu, những đoạn văn tả cảnh thiên nhiên rừng núi đầy màu sắc “Bản Hua Tát ở trong thung lũng hẹp và dài… Xung quanh hồ, khi thu đến, hoa cúc dại nở vàng đến nhức mắt” gợi một không gian núi rừng hoang sơ, thanh bình.

2,0

 

 

– Thông điệp của truyện: là lời thức tỉnh con người hãy sống lý trí, tỉnh táo, đừng bao giờ tin vào những điều huyễn hoặc, không có thực trong cuộc sống. Cuộc sống hiện đại với bao quan hệ bộn bề cần những con người luôn biết xét đoán thông minh, biết ứng xử để dành cho những giá trị đích thực có một chỗ đứng xứng đáng. Nhà văn cũng bộc lộ mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, ở đó con người và con người sống với nhau tử tế, chân thành. 0.5
Kết bài Trái tim hổ là truyện ngắn hay, có sức lay động dữ dội đến với tâm hồn bạn đọc nhờ cách kể chuyện độc đáo, cách xây dựng nhân vật ấn tượng, kết thúc bất ngờ cùng với những câu hỏi lớn xoáy vào lòng người đọc: Ai đã đánh cắp trái tim của hổ? Ai đã giết chết Pùa? Niềm tin về phương thuốc “trái tim hổ” đã tạo ra bi kịch cho con người và thiên nhiên quá sức khủng khiếp. Con người tàn nhẫn với nhau và tàn nhẫn với tự nhiên, thì cho dù trái tim hổ có thật sự phương thuốc thần dược cũng không cứu lấy được lương tâm và đạo đức của con người. 0.5
Kĩ năng trình bày, diễn đạt Có mở bài, kết bài gây ấn tượng. 0.25
Diễn đạt rõ ràng, rành mạch, không mắc lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp 0.25
TỔNG 10.0 ĐIỂM

 HẾT

Bài mẫu

Phân tích chủ đề, đặc sắc nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Trái tim hổ của tác giả Nguyễn Huy Thiệp

Mở bài:

 Nguyễn Huy Thiệp (1950 2021), Nguyễn Huy Thiệp là hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, để lại sức ảnh hưởng và dấu ấn lâu dài trên văn đàn. Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, tiểu luận văn chương, kịch… nhưng đặc sắc nhất là truyện ngắn. Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn (1986) nhưng được coi là người đạt đỉnh cao nghệ thuật của truyện ngắn với một loạt tác phẩm như: Tướng về hưu, Không có vua, Tuổi 20 yêu dấu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết…Truyện ngắn của ông có cấu trúc, nhân vật, ngôn ngữ, cách triển khai riêng biệt, ảnh hưởng đến nhiều cây bút trẻ; chỉ thoáng đọc đã nhận ra ngay “chất Nguyễn Huy Thiệp đặc sệt” trong sáng tác của họ. Đó là những câu văn ngắn, tốc độ nhanh, ngữ pháp đơn giản nhưng sắc lẹm, nhiều ẩn dụ, có lúc thật tinh khôi, có lúc thật ám ảnh, ma mị. Truyện ngắn Trái tim hổ là truyện ngắn mở đầu Tập truyện “Những ngọn gió Hua Tát” của tác giả Nguyễn Huy Thiệp. Tác phẩm có một cốt truyện đậm chất văn học dân gian nhưng gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đương đại.

Thân bài:

Trái tim hổ xoay quanh một câu chuyện ly kỳ xảy ra ở bản Hua Tát. Cô gái tên Pùa xinh đẹp nhưng không may bị liệt đôi chân, không đi được đến đâu nên suốt ngày phải ở trong nhà. Lại có một con hổ dữ thường xuyên rình rập trong bản nhỏ, reo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân nơi đây. Tương truyền rằng trái tim con hổ làm bằng sỏi và trong suốt, nếu ai lấy được nó thì sẽ giàu sang, khoẻ mạnh. Đặc biệt nếu dùng trái tim đó để chữa bệnh thì chắc chắn sẽ khỏi. Tin vào điều hoang đường đó, trai bản rồi người Kinh lũ lượt lên núi để tìm cách giết hổ. Nhưng đã có 10 người bỏ mạng trên rừng do bị hổ vồ. Cuối cùng chàng trai tên Khó đã giết được hổ nhưng vẫn không thoát được cái chết do không may trượt xuống núi. Trái tim của hổ cũng bị một kẻ nào đó hớt tay trên móc lấy. Pùa cũng chết vì chờ đợi mỏi mòn 1 phương thuốc thần kì để đôi chân có thể đi lại được. Cuối cùng, phương thuốc “trái tim hổ” của người đời đồn thổi đã khiến 10 người phải chết vì đi săn hổ, khi hổ đã chết rồi thì thêm 2 người nữa phải chết, đó là Khó và Pùa.

Truyện được kể theo ngôi thứ 3, điểm nhìn tòa ntri của tác giả. Qua điểm nhìn đó, tác giả Nguyễn Huy Thiệp đã kể lại câu chuyện xoay quanh những con người đi tìm sự sống, tình yêu bằng niềm tin viễn vông, thiếu thực tế và chết vì niềm tin đó. Điểm nhìn cũng giúp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khắc họa những tình cảm, khát vọng sâu thẳm bên trong tâm hồn nhân vật Khó, nhân vật Pùa. Họ đều giống nhau ở chỗ là có khát vọng tìm kiếm tình yêu hạnh phúc mãnh liệt, nhưng bản thân lại bệnh tật, xấu xí. Họ đặt niềm tin vào những điều viễn vông, hão huyền và chết vì niềm tin đó. Qua cái chết của các nhân vật, đã góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm: thức tỉnh con người sống lý trí, không nên tin vào những điều hão huyền, không có thực rồi phải trả giá.

Nhân vật Khó với tên gọi đã nói lên cuộc đời khốn khó của anh ta. Thân phận mồ côi, nghèo khó, sống tách biệt với cộng đồng vì diện mạo xấu xí. Anh sống lủi thủi 1 mình như con dim con don và hy sinh mạng sống trong hành trình giết hổ lấy trái tim chữa bệnh cho Pùa. Tâm hồn và ý chí nhân vật Khó rất đẹp, anh yêu Pùa bằng tình yêu chân thành, bất chấp nguy hiểm đi tìm trái tim hổ để chữa bệnh cho người con gái mình yêu trong khi những kẻ khác chỉ nghĩ đến việc cuới vợ lành lặn để có lợi cho mình. Tình yêu của Khó như cổ tích giữa đời thường, tiếp thêm cho anh sức mạnh để anh quyết tâm săn hổ lấy trái tim về chữa bệnh cho Pùa. Bằng sự dũng cảm, quyết tâm, anh đã giết được con hổ, và rơi xuống vách đá chết cùng nó. Cả hai cái chết thật dữ dội và ám ảnh.  Dù ước nguyện chữa bệnh cho Pùa chưa thành nhưng anh đã sống thật ý nghĩa, cao thượng.

Nhân vật Pùa xinh đẹp nhưng lại bệnh tật. Cuộc đời cô gái quá éo le tội nghiệp. Người ta thương xót tìm cách chữa bệnh cho Pùa nhưng không ai dám lấy cô về vợ vì như vậy chẳng khác nào mang về một của nợ. Pùa không chấp nhận hoàn cảnh của mình, mang khát vọng tình yêu quá lớn nên khi trái tim hổ bị người khác đánh cấp, cô cũng tuyệt vọng và chết. Nếu cô có thể có thái độ sống khác đi, có lẽ cuộc đời cô cũng đã khác đi. Người đọc tháy rõ Pùa không phải chết vì bệnh tật, mà chết vì niềm hy vọng viễn vông, thiếu thực tế của cô.

Truyện ngắn Trái tim hổ có nhiều đặc sắc nghệ thuật. Tác giả đã xây dựng cốt truyện đậm màu sắc cổ tích, truyền thuyết. Cách kể chuyện đầy ly kỳ, hấp dẫn bằng ngôi kể chuyện thứ ba, xây dựng nhân vật mang đậm màu sắc núi rừng với những chi tiết so sánh, tưởng tượng, hư cấu, những đoạn văn tả cảnh thiên nhiên rừng núi đầy màu sắc “Bản Hua Tát ở trong thung lũng hẹp và dài… Xung quanh hồ, khi thu đến, hoa cúc dại nở vàng đến nhức mắt” gợi một không gian núi rừng hoang sơ, thanh bình.

Trái tim hổ là lời thức tỉnh con người hãy sống lý trí, tỉnh táo, đừng bao giờ tin vào những điều huyễn hoặc, không có thực trong cuộc sống. Cuộc sống hiện đại với bao quan hệ bộn bề cần những con người luôn biết xét đoán thông minh, biết ứng xử để dành cho những giá trị đích thực có một chỗ đứng xứng đáng. Nhà văn cũng bộc lộ mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, ở đó con người và con người sống với nhau tử tế, chân thành.

Kết bài:

Trái tim hổ là truyện ngắn hay, có sức lay động dữ dội đến với tâm hồn bạn đọc nhờ cách kể chuyện độc đáo, cách xây dựng nhân vật ấn tượng, kết thúc bất ngờ cùng với những câu hỏi lớn xoáy vào lòng người đọc: Ai đã đánh cắp trái tim của hổ? Ai đã giết chết Pùa? Niềm tin về phương thuốc “trái tim hổ” đã tạo ra bi kịch cho con người và thiên nhiên quá sức khủng khiếp. Con người tàn nhẫn với nhau và tàn nhẫn với tự nhiên, thì cho dù trái tim hổ có thật sự phương thuốc thần dược cũng không cứu lấy được lương tâm và đạo đức của con người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *