Phân tích và đánh giá nét nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện qua truyện ngắn: “Hạt gửi mùa sau”

Văn mẫu lớp 10

Đọc truyện ngắn sau:

HẠT GỬI MÙA SAU

Nguyễn Ngọc Tư

Ông già như lật tung cái nhà lên. Ông chui xuống gầm giường, ông thò đầu vào lục lọi trong tủ chén. Đầu vướng đầy mạng nhện, ông cằn nhằn cử nhử, rõ ràng, mình cất ở đây, sao bây giờ nó mất biệt rồi, kỳ quá, kỳ quá. …

Giữ cho cái sân bông rực rỡ, lung linh trong ký ức của những đứa trẻ xa nhà…

Bài làm

Nguyễn Ngọc Tư là nữ nhà văn trẻ của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Truyện ngắn “Hạt gửi mùa sau” là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của chị. Truyện không chỉ thành công ở giá trị nội dung sâu sắc mà còn ở các nét đặc sắc về nghệ thuật. Thông qua tác phẩm nhà văn đã gửi đến người đọc nhiều bài học nhân  sinh sâu sắc. Tác phẩm ngắn gọn, cốt truyện đơn giản, gần gũi, đời thường và mang đầy đủ những đặc trưng cơ bản của thể loại truyện ngắn. Qua tác phẩm nhà văn gửi đến người đọc nhiều thông điệp có ý nghĩa.

“Hạt gửi mùa sau” xoay quanh câu chuyện về một ông già thích gieo bông nhưng ẩn sau đó lại là những lời nhắn nhủ đầy tính nhân văn đối với thế hệ trẻ, mở ra tính giáo dục sâu sắc cho tác phẩm. Với sự lựa chọn điểm nhìn, người kể chuyện, xây dựng tuyến nhân vật, không gian, thời gian cho đến việc sử dụng ngôn ngữ, lời văn đã làm nên thành công của tác phẩm.

Truyện mở ra bằng một tình huống rất đơn giản, nhẹ nhàng như không có chuyện: một ông già thích gieo bông, năm nào cũng chờ đợi đến tháng giáp tết để gieo hạt thì phát hiện ra đám bông già, hạt giống mà mình cẩn thận cất giữ từ mùa trước biến mất. Câu chuyện đơn giản, nhưng với cách miêu tả độc đáo, kể chuyện linh hoạt, Nguyễn Ngọc Tư đã khéo léo dẫn dắt người đọc đến những ý nghĩa thực sự sâu sắc chỉ từ một thói quen đơn giản như thế của nhân vật ông già. Nhìn cách nhà văn miêu tả hình ảnh ông già như muốn lật tung cái nhà lên, chui xuống gầm giường, lục lọi trong tủ chén, cằn nhằn,…đủ thấy gói bông già ấy quan trong như thế nào với ông. Nhà văn còn lui về quá khứ để người đọc có điều kiện nhìn lại cái thú thích gieo bông của ông già ở những năm trước: lật lịch thăm chừng, trước tết một tháng là chuẩn bị đất gieo hạt, không quản ngại vất vả vun trồng, tưới nước; cười khà, khoái chá khi được ngắm bông – thành quả gieo trồng của mình; tha thẩn ngoài sân cắt tia, ngắm nghía, thưởng thức vẻ đẹp của đám bông; rồi lại cần thận thu từng bông tàn, phơi khô để giữ giống cho mùa sau. Hàng loạt hành động của ông già cho thấy, ông là người có niềm đam mê với cây cối.

Nhà văn còn đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật để tái hiện một cách sinh động niềm vui thú, sung sướng, hạnh phúc,… của ông khi được thưởng thức vẻ đẹp của những bông hoa giản dị, mộc mạc, đậm chất miền quê; cũng như tâm trạng rầu rĩ, thất thần, nhớ hoài những mùa bông cũ khi không tìm thấy đám bông hạt giống; và rồi niềm vui như vỡ òa, khiến ông già mừng quýnh khi tìm thấy gói bông khô, bắt tay vào gieo mùa bông mới. Từ đó nhà văn khái quát nên cái sở thích gieo bông trong tháng giáp tết của ông già đâu chỉ là vì ông thích bông, muốn trồng bồng để trang trí ngày tết mà hơn hết là để “Tụi nhỏ ngậm ngùi, ông già dường như làm điều gì lớn lao hơn là giữ hạt. Giữ cho tụi nhỏ không xuề xòa, lười biếng. Giữ một nếp nhà, giữ phong tục cũ…”. Giá trị nhân văn và tính giáo dục của câu chuyện cũng toát ta từ đó. Nói cốt truyện đơn giản mà hàm nghĩa, sâu xa cũng bởi thế.

Với việc xây dựng điểm nhìn của người kể chuyện toàn tri tác giả đã khéo léo di chuyển đểm nhìn khá linh hoạt giữa quá khứ đến hiện tại; di chuyển giữa điểm nhìn bên ngoài (dáng vẻ, hành động) với điểm nhìn bên trong (tâm trạng của nhân vật) để làm nổi bật ý nghĩa của câu chuyện cũng như tái hiện hình ảnh nhân vật ông già.Truyện xoay quanh không gian nhỏ hẹp: ngôi nhà của ông già trong khoảng thời gian ngắn những ngày của tháng giáp Tết. Nhưng đây chính là không gian, thời gian vô cùng quan trọng để làm nổi bật giá trị tư tưởng của truyện: việc “Giữ một nếp nhà, giữ phong tục cũ” phải bắt đầu từ chính môi trường gia đình của mỗi người. Xây dựng các tuyến nhân vật: ông già – lũ trẻ là những thành viên trong cùng một gia đình, góp phần thể hiện rõ nếp nhà, những giá trị truyền thống mà ông già muốn nhắc nhớ, lưu lại cho cháu con qua hành động gieo bông vào tháng giáp tết. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật nhẹ nhàng, tinh tế, mộc mạc phù hợp với tâm lí thường thấy của người lao động. Ngôn ngữ giản dị, gần gũi với đời sống hàng ngày của nhân dân, đậm chất Nam bộ.

Qua hành động thích gieo bông của ông già nhà văn gửi gắm vào đó lời nhắn nhủ nhẹ nhàng tới bạn đọc: nếp nhà, truyền thống cũ, những phẩm chất đáng quý của con người “không xuề xòa, lười biếng” đôi khi được bắt nguồn từ những việc làm giản dị, bình thường trong cuộc sống. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn: thường viết về những điều gần gũi nhất xung quanh cuộc sống của mình. Giọng văn chị đậm chất Nam bộ, là giọng kể mềm mại mà sâu sắc với hình ảnh con người chân chất hồn hậu.

Tóm lại, chính các yếu tố đặc sắc của truyện góp phần làm nên sức sống cho tác phẩm, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc và tạo dựng cá tính sáng tạo riêng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Truyện nhẹ nhàng mà sâu sắc, gieo vào lòng người đọc những bài học sâu sắc về việc cần thiết phải rèn luyện cho mình một tính cách không xuề xòa, lười biếng; biết trân trọng những giá trị truyền thống của gia đình. Đúng như nhà văn Dạ Ngân nhận xét “Nguyễn Ngọc Tư giỏi ở chỗ cái tưởng không có gì mà Tư cũng viết được, lại viết rất có duyên, rất nhân hậu. Đọc cái nào xong cũng phải nhoẻn cười sung sướng, sung sướng mà lại ứa nước mắt, thấy nước mắt của mình cũng trong trẻo và đẹp đẽ, ấy là cái đáng giá mà Tư cho người đọc hôm nay”.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *