Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 – Chu Văn An Hà Nội

Đề thi khối 11

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ          ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11

TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN – HÀ NỘI                                       NĂM 2019

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT                                                Thời gian làm bài 180 phút

                                                                                              (Đề này có 01 trang, gồm 02 câu)

 

Câu 1 (8 điểm)

 “Đời người giống như một bài thơ, giá trị của nó không tùy thuộc vào số câu mà tùy thuộc vào nội dung”.

Anh / chị suy nghĩ gì về ý kiến trên? Trình bày suy nghĩ của mình bằng một bài văn nghị luận.

Câu 2 (12 điểm)

“Thơ của tôi là cánh cửa

Không cho ai mở dễ dàng

Thơ của tôi là hợp chất được làm

Từ tức giận, tình yêu và xấu hổ”

(Raxun Gamzatốp)

Bằng sự cảm nhận về hai tác phẩm “Tương tư” (Nguyễn Bính) và “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử), anh / chị hãy bình luận ý thơ trên.

 

……………..HẾT……………..

  ĐÁP ÁN + BIỂU ĐIỂM CHẤM MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11

 

Câu Ý Nội dung chính cần đạt Điểm
Câu 1 1 Giải thích

Ý kiến đặt ra mối tương quan giữa đời ngườibài thơ

+ Số câu: Là độ dài ngắn của một bài thơ, tương ứng với những năm tháng của đời người

+ Nội dung: Là tình cảm, tư tưởng, thông điệp hàm chứa trong bài thơ, tương ứng với ý nghĩa của đời người

+ Giá trị của bài thơ vì thế tương ứng với giá trị của đời người: không tùy thuộc vào thời gian sống (sống bao lâu) mà tùy thuộc vào giá trị sống (sống đẹp, sống có ý nghĩa)

Ž Ý kiến khẳng định giá trị thực của đời sống con người.

 

2,0

2

3

Phân tích, bình luận  
– Vì sao với con người điều quan trọng không phải là sống bao lâu mà là sống có ý nghĩa?

+ Mọi bài thơ dù dung lượng dài ngắn khác nhau nhưng đều luôn có kết thúc. Con người dù sống trăm năm thì đời người vẫn là hữu hạn.

Ž Để chiến thắng quy luật của thời gian, điều quan trọng không phải là sự kéo dài hơi thở sinh học mà là phải sống cuộc đời có ý nghĩa

+ Đời người là vô thường, con người không thể biết khi nào là dấu chấm hết cho bài thơ cuộc đời mình.

Ž Để làm chủ sự sống, phải có ý thức biến mỗi phút giây sống trở nên có ý nghĩa

– Làm thế nào để tạo ra ý nghĩa cho bài thơ cuộc đời?

+ Bài thơ có ý nghĩa khi để lại dư âm trong lòng người đọc, nó được sáng tạo bởi một người nhưng để hướng tới muôn người.

Ž Ý nghĩa của sự sống là lan tỏa giá trị cho cuộc đời: biết cống hiến cho cộng đồng, cùng cháy sáng cho lý tưởng chung, sống trọn vẹn, sống hết mình, đem lại những điều tốt đẹp cho những cuộc đời xung quanh…

+ Bài thơ có giá trị khi nó không lặp lại, luôn đem đến sự phát hiện, trải nghiệm độc đáo.

Ž Giá trị của sự sống là kiến tạo, kiếm tìm những điều mới mẻ để mỗi con người là một tồn tại duy nhất, không lặp lại, không thể thay thế nhưng cũng không đối lập mà hòa hợp với cuộc đời chung.

+ Bài thơ chỉ hoàn tất sau quá trình tìm kiếm với rất nhiều nỗ lực hoàn thiện của chính tác giả

Ž Mỗi người là tác giả trong bài thơ cuộc đời mình, vì thế để bài thơ trở nên ý nghĩa, con người phải luôn cố gắng, biết tự phán xét, tự điều chỉnh để hoàn thiện bản thân.

2,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3,0

HS chọn lọc dẫn chứng phù hợp, thuyết phục.
  3 Liên hệ thực tiễn, rút ra bài học

– Liên hệ với thực tế của bản thân, thế hệ trẻ và xã hội Việt Nam.

Trong thực tế, có những cuộc đời dù ngắn ngủi nhưng sống có lý tưởng cao đẹp, có nhiều cống hiến cho nhân loại vẫn được người đời biết ơn, trân trọng và tưởng nhớ. Có những người sống lâu nhưng cuộc sống mờ nhạt, vô ích thì sẽ bị lãng quên bởi đó chỉ là sự tồn tại…

– Bài học: ý thức về sự hữu hạn của cuộc đời giúp con người có trách nhiệm về sự tồn tại của mình, biết trân trọng những giây phút đang sống và miệt mài kiếm tìm, kiến tạo nên những giá trị của sự sống, …

1,0
Biểu điểm:

– Điểm 7 – 8: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 6: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 3 – 4:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá 7 lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 1 – 2: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt (>7 lỗi).

 

 

Câu 2

1 Giải thích  
Thơ của tôi: mở đầu ý tưởng của nhà thơ Raxun Gamzatốp  Ž Thơ trước hết là sự sáng tạo của thế giới nội tâm riêng tư, cá nhân.

Cánh cửa: Hình ảnh biểu tượng, khép mở hai thế giới: thế giới bên trong (nội tâm) và thế giới bên ngoài (cuộc đời), thế giới của một người (tôi) và thế giới của mọi người. Sứ mệnh của cánh cửa mở ra là để đón chào và giao tiếp với cuộc đời. Tuy nhiên, để có thể bước vào cánh cửa ấy cần có điều kiện: phải mở được, giải mã được hợp chất xúc cảm của nhà thơ.

Tức giận, tình yêu, xấu hổ: thế giới cảm xúc của nhà thơ trong hợp chất mà Raxun muốn nói tới.

Ž Ý thơ của Raxun Gamzatốp là cách diễn đạt giàu hình ảnh và sâu sắc về những vấn đề đặc trưng của thơ ca:

+ Tình cảm, cảm xúc trong thơ: đa dạng, phong phú, mang tính cá nhân, cá thể, có thể hướng tới một hoặc nhiều đối tượng tiếp nhận.

+ Tiếp nhận thơ ca: để có được chiếc chìa khóa bước vào khám phá thế giới nghệ thuật của thơ, người đọc phải thực sự giao cảm và hòa điệu với thế giới cảm xúc mà nhà thơ đã gửi gắm.

 

 

 

 

2,0

 
2 Chứng minh – Bình luận  
a) “Tương tư” (Nguyễn Bính)

– Cánh cửa cảm xúc: hé mở trực tiếp ngay từ nhan đề “Tương tư” – tình cảm riêng tư, cá nhân, cá thể của nhà thơ.

– Hợp chất xúc cảm: rất nhiều cung bậc tình cảm được bộc bạch: băn khoăn hờn dỗi, thở than trách móc, bâng khuâng mơ tưởng, khao khát nhân duyên… chi phối đến thế giới nghệ thuật của bài thơ, tạo nên không gian tương tư và thời gian tương tư đậm màu sắc “chân quê”. Tuy nhiên Nguyễn Bính than thở về khoảng cách không gian địa lí (Thôn Đoài – Thôn Đông), khoảng cách thời gian tâm lí (Ngày qua ngày lại qua ngày/ Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng) nhưng hình như không hề có ý định xóa đi những khoảng cách ấy bởi nếu không còn khoảng cách thì cũng sẽ không còn tồn tại nỗi niềm tương tư.

Ž Khoảng cách tạo nên những dư vị ngọt ngào, những trạng thái cảm xúc phong phú của nỗi tương tư.

b) “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử)

– Cánh cửa cảm xúc: khó nắm bắt khi mới chỉ đọc nhan đề bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” – nhưng hai tiếng Vĩ Dạ như ẩn chứa nỗi niềm sâu kín của cái tôi thi sĩ.

– Hợp chất xúc cảm: được khơi dậy từ những đặc trưng về hình thức nghệ thuật của Thơ Điên (hình ảnh, ngôn từ, mạch liên kết…), đặc biệt là sự hiện diện của những khoảng cách: không gian, thời gian, khoảng cách của cõi mơ – cõi thực – cõi ảo. Tất cả góp phần tô đậm những niềm yêu, niềm đau hướng về xứ Huế, về người con gái Huế, về cuộc đời trần thế mãnh liệt mà đầy uẩn khúc trong hồn thơ Hàn Mặc Tử

Ž Khoảng cách khắc sâu hơn tình yêu đau đớn mà bất lực của thi nhân với con người và cuộc đời.

c) Bình luận

– Cả hai thi phẩm đều phản chiếu thế giới nội tâm trong cánh cửa của hai cái tôi thời đại Thơ mới với những cảm xúc riêng tư, khát vọng cá nhân rất thành thực (tình yêu) nhưng đều chạm đến được những rung động sâu xa trong tâm hồn người đọc.

– Dù đều bộc bạch tình yêu và diễn tả tình yêu bằng sự hiện diện của những khoảng cách nhưng mỗi bài thơ lại chứa đựng hợp chất xúc cảm riêng. Với “Tương tư”, đó là tình cảm thủy chung cùng khát khao gắn bó. Còn với “Đây thôn Vĩ Dạ”, đó lại là tình cảm đứt đoạn đi kèm mặc cảm chia lìa. Nguyễn Bính là nhà thơ của niềm yêu thương, còn Hàn Mặc Tử là thi sĩ của nỗi đau thương.

 

3,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2,0

  3 Mở rộng vấn đề

– Mỗi cánh cửa mở ra thế giới thơ của tôi sẽ góp phần làm nên phong cách nghệ thuật độc đáo của mỗi nhà thơ và diện mạo phong phú cho nền văn học.

– Để giải mã cánh cửa tâm hồn, cảm xúc của nhà thơ, người đọc cần:

+ Tìm hiểu thế giới hình tượng (VD: Thế giới thơ Nguyễn Bính: sự thân thuộc, bình dị của ca dao. Thế giới Hàn Mặc Tử: tượng trưng siêu thực, nhảy cóc về tư duy).

+ Hiểu biết về cuộc đời thi nhân, về thời đại

Ž Hành trình sáng tạo và đồng sáng tạo sẽ tạo nên sức sống bất diệt cho thơ ca.

 

2,0

Biểu điểm:

– Điểm 11 – 12: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 8 – 10: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 7:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá 7 lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 3 – 4: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt (>7 lỗi).

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

Lưu ý: Giám khảo vận dụng linh hoạt biểu điểm. Có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo nếu điểm toàn bài chưa đạt tối đa. Điểm cho lẻ đến 0,25.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *