Viết bài văn nghị luận đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của truyện Rơi xuống biển cả

Văn mẫu lớp 10

 Đọc văn bản sau:

Rơi xuống biển cả

Ma Văn Kháng

Viết bài văn nghị luận đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn trên

dàn ý

  1. Mở Bài: 

– Dẫn dắt

– Giới thiệu được tên đoạn trích, tác giả, tác phẩm; khái quát được nội dung và hình thức nghệ thuật.

  1. Thân bài:
  2. Khái quát về tác giả, tác phẩm:

– Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn.

– Ông là nhà văn nổi bậc của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX.

–  Phong cách nghệ thuật: kết hợp giữa tính hiện thực và tính nhân văn, giữa triết lý và trữ tình; quan tâm đến vấn đề giá trị đạo đức giữa biến động lớn lao của thời cuộc.

– Một số tác phẩm tiêu biểu như: Mùa lá rụng trong vườn, Mưa mùa hạ, Côi cút giữa cảnh đời…

  1. Những điểm nổi bật về nghệ thuật:

2.1. Cốt truyện, nhan đề, chủ đề tác phẩm:

– Tần là một chiến sĩ đang trên đường làm nhiệm vụ. Không may tàu của anh gặp phục kích và Tần rơi xuống biển. Lênh đênh trên sóng biển vô tận, bị ký sinh bởi các loài hải sản và bám riết bởi rong rêu, nên có lúc anh ngỡ mình đã chết. Nhưng kỳ diệu thay, đối diện trước những gian truân và thách thức thì Tần vẫn sống. Anh sống bằng chính sự nghị lực hay nỗi khát khao được tồn sinh.

– Nhan đề: “Rơi xuống biển cả” ở tầng nghĩa tả thực là hành động bị rơi xuống vùng nước mặn thăm thẳm, sâu hút, đầy hiểm nguy. Đồng thời là sự ẩn dụ cho những gian truân, thách thức mà con người phải đối mặt trong cuộc sống. Như vậy, thông qua nhan đề MVK đã làm bậc lên chủ đề của tác phẩm, rằng mỗi cá nhân cần sở hữu cho mình ý chí, khát vọng sống và nghị lực vươn lên những gian khó, phép thử của cuộc đời.

2.2. Ngôi kể: sử dụng ngôi kể thứ ba, người kể chuyện không tham gia trực tiếp vào câu chuyện với điểm nhìn toàn tri, có sự dịch chuyển điểm nhìn giữa người kể chuyện và điểm nhìn nhân vật chính.

– Ngôn ngữ: Sâu lắng, dày dặn, gợi cảm xúc bởi những thán từ: “ôi”, “đấy”,…

Lựa chọn điểm nhìn và ngôi kể như trên, nhà văn MVK đã tạo nên một tổng thể câu chuyện đầy cảm xúc với những thăng trầm, chới với của tâm tư nhân vật Tần một cách sống động, chân thật. Câu truyện tuy được kể ở ngôi thứ ba nhưng lại chủ trương đào sâu, khai thác tâm hồn, cảm xúc người của nhân vật; kết hợp với giọng văn thâm trầm đã tạo nên một nỗi suy tư, gợi nên những ý nghĩ dây dứt về nhân sinh cho bạn đọc.

2.3. Nhân vật Tần:

*Khi vừa rơi xuống biển:

– Bất hạnh vừa đến, anh nghĩ mình sẽ chết và anh sẵn sàng vẫy tay từ biệt những người đồng đội lần cuối.

*Khi lênh đênh trên biển:

– Không chết, Tần trôi nổi với một trái tim gan dạ dẫu cuộc đời đang đẩy anh vào thế bị động, không thể kháng cự hay vẫy vùng: “những nổ lực của anh chỉ có thể dồn hết vào việc nhìn mặt trời, ngắm con sóng để tìm phương hướng và đưa mình theo chiều sóng đổ.” => đôi lúc ta bị dồn ép vào tận cùng, nhưng đáng quý hơn cả là ta vẫn cố tìm ra một tia hy vọng giải thoát dù là nhỏ nhoi.

–  Tâm trí Tần đôi khi cũng ùn tắc bởi sự rã rời, mệt nhoài của thân thể, ngỡ như những bất hạnh đã thành công hạ gục anh khi “nước mặn đã ngấm qua da thịt, xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng”.=> cái “nửa mơ nửa tỉnh” là nửa muốn buông xuôi vì mỏi mệt, nửa vẫn dâng trào ý thức sự sống, chiến đấu đến cùng. đó là khi con người bị thống trị bởi hai luồng ý nghĩ, buộc họ phải đấu tranh và chọn lựa.

– Hồi tưởng về những tháng ngày xưa cũ. Hình ảnh cô gái và lời nói của ông già ngư dân hiện ra chính là lời động viên, cổ vũ, góp phần thúc đẩy trong Tần ý chí vượt qua khó khăn, tiến đến sự sống.

=> Tần trải qua gian khó, đôi lúc anh bị ảnh hưởng bởi những tiêu cực ấy, nhưng nghị lực, khát vọng sống và cả những hồi ức hiện về đã cho anh sức mạnh tiếp tục chiến đấu.

*Khi trôi dạt vào bờ:

– “Anh đã chết rồi” lời nhận định thường tình của xã hội khi họ chứng kiến một con người trở về từ cõi tử thần vô định, từ những quằn quại cuộc đời trong một thân thể rã rời, rũ rượi.

– Tần thành công sống sót là minh chứng cho sự can trường, lòng gan dạ và sự nghị lực sẽ đưa con người đi xa hơn những hạn định khả năng mà người đời đã nghĩ.

– “ Da mặt bóc đi một lớp. Khắp người, da tróc những mảng lớn. Mắt thụt sâu. Tóc xoăn tít.” Gian khó đã hủy hoại dung nhan của Tần, khiến anh trông tàn tạ và có lẽ là cả đau đớn. Nhưng nỗi đau ấy sẽ dừng lại nơi thân thể, còn tâm hồn anh sẽ được làm đầy bởi lòng can đảm, nghị lực. “ốc, cua, sò, tôm, hến” với Tần giờ đây là những người “bạn”- ẩn dụ của những bài học nhân sinh.

=> Tần là đại diện tiêu biểu cho nhiều người trong xã hội. với câu chuyện của cá nhân nhà văn đã làm sáng nên cho nỗi suy tư của rất nhiều con người. “Biển cả” của chúng sinh không chỉ là sóng xô, là mênh mông chìm nổi; biển cả của đời người là những bất trắc, khó khăn trong các mối quan hệ, là nỗi lo toan về áo cơm gạo tiền, về cái nghèo và bệnh tật, về những mâu thuẫn của khủng hoảng hiện sinh. như vậy, nhà văn thông qua hành trình đầy nghị lực, tìm lại sự sống của hình tượng nhân vật Tần đã gửi trao triết lý về cách sống dám đối mặt và nỗ lực vượt qua những thống khổ, khó khăn, vất vả, hay thách thức của cuộc đời.

Đánh giá:

– Nghệ thuật:

+ Nghệ thuật tự sự độc đáo với sự kết hợp của đa dạng các kiểu câu: câu trần thuật, cảm thán, nghi vấn.

+ Tình huống rơi xuống biển tạo tiền đề cho chuỗi những suy tư nhân vật được biểu lộ và tư tưởng, thông điệp nhà văn được thể hiện.

+ Lối kể chuyện độc đáo đào sâu vào tâm tư nhân vật.

+ Hơi thở của thế sự ẩn khuất xuyên suốt thông qua các hình tượng trong tác phẩm.

– Nội dung: 

+ Phản ánh nên chân thực những đấu tranh tâm lý với chính mình, xã hội và cuộc đời của con người với những áp lực và khó khăn trong đời sống.

+ Ngợi ca những cá nhân với nghị lực sống phi thường, vượt lên trên bản ngã sợ hãi, lười nhát của chính mình để tìm đến những cơ hội được sống.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.

– Bài học:

Thử thách không phải là rào cản. Nó là một chiếc bậc lò xo, mà nếu dám đối mặt, mạnh mẽ, dồn sức mạnh để nhảy lên thì chúng ta sẽ đi xa hơn; nghị lực, sức lực càng lớn, thì độ bậc cũng càng lớn. Tựa như Tần vậy, sống sót sau những tháng ngày chìm nổi trên biển cả, thứ anh nhận lại không chỉ là quyền được tiếp tục sống, mà còn là “ốc, cua, sò, tôm, hến”- những thứ ẩn dụ cho bài học nhân sinh có khả năng phát triển tư duy và nhận thức con người.

Bài làm

Dạo bước trên những áng văn kiệt tác của nhân loại, độc giả vẫn luôn rong ruổi kiếm tìm vẻ đẹp đích thực của văn chương. phải chăng cái đẹp lâu bền nhất bao giờ cũng nằm ở sứ mệnh mà văn học có thể mang đến cho cuộc đời? Đó là khả năng thức tỉnh trong nhân loại những cảm xúc người đã bị bỏ quên, khuấy đảo và làm trào dâng bên trong mỗi cá nhân cái khao khát được sống, được yêu. Và Ma Văn Kháng đã thành công ru đưa những xúc cảm chân thật của con người, thông qua tác phẩm “Rơi xuống biển cả” viết về sự can trường, nghị lực để vượt thoát khỏi khổ đau, mũi nhọn của tử thần, nhà văn đồng thời đã minh chứng cho sự tài tình trong khả năng xây dựng chủ đề nội dung và nghệ thuật đầy đặc sắc.

 

Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn. Ông là nhà văn nổi bậc của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Các sáng tác của ông có sự ảnh hưởng của thanh âm vùng cao Tây Bắc. Ngòi bút thường lấy cảm hứng sáng tác từ sử thi và thế sự đời tư. Một số tác phẩm tiêu biểu của Ma Văn Kháng có thể kể đến như: Mùa lá rụng trong vườn, Mưa mùa hạ, Côi cút giữa cảnh đời,… Tác phẩm “Rơi xuống biển cả” là một tuyệt tác kể về Tần- một chiến sĩ đang trên đường làm nhiệm vụ. Không may tàu của anh gặp phải phục kích và Tần rơi xuống biển. Lênh đênh trên sóng biển vô tận, bị ký sinh bởi các loài hải sản và bám riết bởi rong rêu, nên có lúc anh ngỡ mình đã chết. Nhưng kỳ diệu thay, đối diện trước những gian truân, thách thức, của những trận sóng xô và cái nắng như cháy cả da thịt nơi biển khơi vô tận thì anh vẫn sống. Anh sống bằng chính sự nghị lực và cả nỗi khát khao được tồn sinh.

 

Ngòi bút Ma Văn Kháng đã thể hiện được sự tài tình của mình ở ngay cả nhan đề của câu chuyện. “Rơi xuống biển cả” ở tầng nghĩa tả thực là hành động đột ngột, bất thình lình bị rơi xuống vùng nước mặn thăm thẳm, sâu hút, đầy những hiểm nguy đang trực chờ. Đồng thời là sự ẩn dụ cho những gian truân thách thức mà nhân loại phải đối mặt trong cuộc sống. Như vậy, thông qua nhan đề Mai Văn Kháng đã làm bậc lên chủ đề của tác phẩm, rằng mỗi cá nhân cần sở hữu cho chính mình ý chí, khát vọng sống và nghị lực vươn lên những gian khó, phép thử của cuộc đời.

 

Văn học là một sáng tạo nghệ thuật, Hay nói như Leonit-Leonov nhà văn Nga khẳng định rằng “Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng phải  là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung ”.  Đi sâu hơn về vấn đề này trong “Rơi xuống biển cả” Ma Văn Kháng đã chọn lựa ngôi kể thứ ba, người kể chuyện không tham gia trực tiếp vào câu chuyện với điểm nhìn toàn tri đan kết hợp dịch chuyển điểm nhìn bên trong nhân vật (hạn tri) những ý nghĩ, cảm xúc thầm kín của nhân vật kết hợp cùng lối ngôn ngữ sâu lắng, gợi cảm xúc với những thán từ đầy đặc sắc. Nhà văn đã thành hình và tô điểm điểm nên một tổng thể câu chuyện đầy xúc cảm với những thăng trầm, sự chới với của tâm tư nhân vật một cách sống động, chân thực. Ngoài ra, Câu chuyện tuy được kể ở ngôi thứ ba nhưng lại chủ trương đào sâu, khai thác tâm hồn, cảm xúc của nhân vật; kết hợp với giọng văn thâm trầm đã tạo nên những nỗi suy tư, khơi gợi những ý nghĩ dây dứt về kiếp nhân sinh.

 

Khát vọng sống trong Tần vẫn được ươm mầm ngay cả những thời khắc tưởng chừng tuyệt vọng. Mở đầu bằng sự kiện rơi xuống biển sâu, Tần ngỡ chính mình sẽ chết và anh dường như đã chuẩn bị cho mình tâm thế vẫy tay chào tạm biệt đồng đội. ấy vậy nhưng anh lại không chết, thay vào đó là sự trôi nổi trên cái lênh đênh của mênh mông biển cả. cuộc đời con người là một chuỗi những thách thức, có đôi lúc chúng ta bị dồn ép vào tận cùng, vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhưng điều quan trọng cách ta đối mặt với những khó khăn ấy. Và Tần đã chọn sự phiêu du trên biển với một trái tim gan dạ dẫu cuộc đời đang đẩy anh vào thế bị động, không thể kháng cự hay vẫy vùng: “Những nỗ lực của anh chỉ có thể dồn hết vào việc nhìn mặt trời, ngắm con sóng để tìm phương hướng và đưa mình theo chiều sóng đổ.” Có lẽ nhiều người sẽ cho đó là cách tự giải thoát đầy vô vọng, nhưng đôi lúc nằm giữa lằn ranh của sinh tử thì ý chí lại là một trong những ánh sáng dẫn lối con người. Không thể phủ nhận rằng tâm trí Tần cũng nhiều lần bị ùn tắc bởi sự rã rời, mệt nhoài của thân thể, ngỡ như những bất hạnh đã thành công hạ gục anh khi “nước mặn đã ngấm qua da thịt, xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng.” Nhưng thay vì buông xuôi hoàn toàn, thì Tần vẫn giữ lại cho mình cái ý thức được sống, dẫu có “nửa mơ nửa tỉnh”. Cái mơ hồ kia phải chăng là nửa muốn buông xuôi vì mỏi mệt, nửa vẫn dâng trào khao khát sự sống, chiến đấu đến cùng? Không chỉ trong văn chương, mà trong đời sống con người cũng thế, có những lúc chúng ta hoang mang về bản thân, ta mơ hồ giữa guồng quay hối hả của xã hội, ta tự hỏi “mình là ai” khi bắt gặp những vấp ngã, thất bại, đau thương và tuyệt vọng bởi những nỗi lo thường nhật. Đó là khi con người bị thống trị bởi hai luồng ý nghĩ, buộc họ phải tự đấu tranh và chọn lựa: tiếp tục hoặc bỏ cuộc. May thay, ngay giữa những băn khoăn, hoài nghi ấy, Tần vẫn chọn sự đấu tranh đến tận cùng. Anh trôi dạt vào bờ với những hủy hoại về dung nhan, sự tàn tạ và có lẽ là cả đau đớn về thân thể khi “da mặt bóc đi một lớp. Khắp người da tróc những mảng lớn.” đây là sự minh chứng đầy rõ ràng cho tinh thần kiên cường, mạnh mẽ, bất khuất của người chiến sĩ trước những bão giông, thách thức khó nhằn của trần thế. Để rồi, những nỗi đau sẽ chỉ dừng lại nơi thân thể, riêng tâm hồn anh sẽ được làm đầy bởi lòng can đảm, nghị lực. Hơn thế, “ốc, cua, sò, tôm, hến” với anh giờ đây trở thành những người “bạn”- những người bạn mang nặng giá trị nhân sinh. bởi một lần đối diện với gian khổ là một lần con người có cơ hội nghiệm trải và tích lũy những tư duy về cuộc đời, hay cũng chính là thêm một lần để chính mình được rèn dũa nhãn quan và trưởng thành theo năm tháng. “sò, ốc,..” ở đây không còn là những ký sinh vô tri, mà chúng là ẩn dụ đầy khéo léo cho những bài học mà Tần đã tích lũy được trên hành trình giao hòa biển khơi. Tần chính là đại diện tiêu biểu cho nhiều người trong xã hội. Biển cả của Tần là những thách thức về cái đói khát, sự sợ hãi giữa nơi thăm thẳm không một bóng người. Còn “biển cả” của chúng sinh không chỉ là sóng xô, chìm nổi; biển của đời sống nhân loại là những bất trắc, khó khăn trong cách hành xử với các mối quan hệ, là nỗi lo toan về áo cơm gạo tiền, về cái nghèo và bệnh tật, về những mâu thuẫn của khủng hoảng hiện sinh. Chúng ta đối diện với những sợ hãi, hay khổ hạnh mỗi giờ và mỗi ngày. Nhưng đó không phải là lý do hợp lý để ta đầu hàng trước số phận. Bởi Tần trước thời khắc của sinh tử, anh ta vẫn sống nhờ ý chí và nghị lực đấy thôi.

Bên cạnh nội lực cá nhân, sự sống sót của Tần cũng được góp tạo bởi sự cổ vũ xung quanh. Con người không thể phớt lờ hay bác bỏ sự tuyệt vọng của chính mình trong nhiều tình huống. Tần cũng thế, ngay tại thời khắc chạm mình vào dòng nước anh đã nghĩ “thế là hết”. và không lâu sau đó, trước sự xâm nhập của nước vào “lục phủ ngũ tạng”, khiến người anh như “bị nhão ra”, mọi thứ cũng đã đẩy anh vào thế của “nửa tỉnh nửa mơ”. điều này đã khắc họa nên hình ảnh một người chiến sĩ đang sắp chìm vào cơn mê man, của giấc ngủ ngàn thu nơi đáy đại dương rộng lớn. nhưng vào giây phút định mệnh ấy hình ảnh một “cô gái tóc tết đuôi sam, mặc áo xanh, da nâu hồng, rắn rỏi” cùng câu nói của ông già ngư dân lại hiện về: “Các chú phải đi biển mới hiểu biển được. Tất cả các dòng nước của các con sông lớn đều hợp lưu về đây mà không làm nó đầy. Tất cả các dòng nước từ nó chảy ra mà không làm nó vơi.”. Hình ảnh cô gái và ông lão đánh cá vọng về nơi tâm tưởng phải chăng là sự cứu rỗi của tâm trí dành cho Tần? nó muốn rằng, đằng sau nỗi thống khổ Tần đang phải gánh chịu vẫn tồn tại đâu đó những cổ vũ, khích lệ về tinh thần cho anh. Tựa như cuộc sống con người hiện thực, chúng ta trải qua những đau thương, thách thức, ta phải gắng gượng để cất bước vượt qua con đường “gập ghềnh, lầy thụt”; đôi khi ta nghĩ chính mình là kẻ đơn độc, nhưng thực chất vẫn tồn tại những cổ vũ tinh thần, sự dõi theo của gia đình ở phía sau.

 

Văn chương chân chính luôn phải là sự dung hòa giữa hình thức và nội dung. với nghệ thuật tự sự độc đáo cùng sự kết hợp đa dạng những kiểu câu: câu trần thuật, cảm thán và nghi vấn. Cũng như lối kể chuyện độc đáo đào sâu vào tâm tư nhân vật và tình huống rơi xuống biển tạo tiền đề cho chuỗi suy tư của nhân vật được biểu lộ, Ma Văn Kháng đã tài tình làm nên những áng văn tuyệt tác muôn đời. Nhà văn cũng đã thành công phản ánh nên chân thực những đấu tranh tâm lý với chính mình, xã hội và cuộc đời của con người trước những áp lực và khó khăn trong đời sống thông qua hình tượng nhân vật Tần. Anh là đại diện tiêu biểu cho những con người với nỗi lo toan và khủng hoảng, luôn phải tự vấn, thậm chí tự dằn vặt bản thân khi gặp phải những chông gai của kiếp nhân sinh. Từ đó, nhà văn đã cất lời ngợi ca những cá nhân với nghị lực sống phi thường, vượt lên trên bản ngã sợ hãi, hay lười nhát của chính mình để đấu tranh và tìm đến cơ hội được sống. Như vậy, những áng văn “Rơi xuống biển cả” đã trở thành một tuyệt tác với những triết lý nhân sinh đậm đặc được ẩn mình sau những hình tượng và lối diễn ngôn đầy độc đáo của nhà văn.

 

“Đã dính vào duyên bút mực/ suốt đời mang lấy kiếp long đong.” Nguyễn Bính đã nhận định như thế về nghề viết. có lẽ vì nhà văn phải là người suốt đời đi tìm vẻ đẹp đích thực để cải tạo trần thế. Nhưng thực chất chẳng cần tìm đâu xa, cái ý tự đẹp đẽ nhất để thức tỉnh trong loài người phần “người” còn đang ngủ yên lại chính là hiện thực đã được đẽo tạc qua bàn tay tài nghệ của người nghệ sĩ. Bởi nó là sự tư duy, nghiệm sâu về thế giới trong một hình hài đầy thi vị nghệ thuật. Rơi xuống biển khơi chính một tuyệt tác như thế, đó là sự kết hợp hài hòa giữa “vực ý” và “vực tình” để gửi đến bạn đọc ý thức về nghị lực sống, vươn lên mọi gian khó trong cuộc đời.

Rơi xuống biển cả – Truyện ngắn của MA VĂN KHÁNG

Tóm lược: Tần một chiến sĩ trên đường làm nhiệm vụ, con tau vận tải mà anh phụ trách gặp phục kích. Tần rơi xuống biển cả. Biển cả nuốt chửng Tần một cách thật thản nhiên. Anh thoáng nghĩ: thế là hết, chào các đồng chí. Nhưng vừa chìm xuống nước độ hai sải tay, anh lại nổi bồng lên, giống như một chuyển động tất yếu, thật là giản dị và hết sức khó hiểu! Không! Đời anh chưa hết. Chết vậy mà khó đấy!

Theo sóng, Tần như cái xác dật dờ trên biển cả.

Ngày thứ mấy rồi, những nỗ lực của anh chỉ có thể dồn vào việc nhìn mặt trời, ngắm con sóng để tìm phương hướng và đưa mình truồi theo chiều sóng đổ. Nhưng buồn thay, chỉ những nỗ lực ấy thôi, chúng cũng đã hút cạn dần nguồn sinh lực ở anh rồi. Bây giờ thì nước mặn đã ngấm qua da thịt anh, xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng anh, người anh đang nhão ra, có cảm giác nó sũng nước. Có cảm giác anh sắp hòa tan với biển. Không còn là một thực thể nữa, anh rơi vào trạng thái nửa mơ nửa thức. Bảng lảng xa gần trong anh những ý nghĩ kỳ quặc, những hình ảnh nhòe nhẹt, thực thực hư hư…

Và sau cùng thì có lúc anh nhận ra, có một gương mặt con gái vẫn thi thoảng lại chập chờn hiện về trong óc anh. Cô gái tóc tết đuôi sam, mặc áo xanh, da nâu hồng, rắn rỏi. Cô vẫy tay khi con tàu anh nhổ neo. Còn thuyền trưởng của anh là một ông già xuất thân ngư dân, một con người lý thú. Ông nói: Các chú phải đi biển cả đời mới hiểu biển được. Tất cả các dòng nước của các con sông lớn đều hợp lưu về đây mà không làm nó đầy. Tất cả các dòng nước từ nó chảy ra mà không làm nó vơi. Rồi ông thêm: Thần tình chưa? Ðó là lời của Trang Tử!

[…]

Phiêu du trên vòm trời bát ngát nên có thể nhìn thấy một sớm mai trên bờ biển nọ, dạt vào cùng vỏ sò, vỏ ốc, mai mực là hình xác anh. Mai mực, vỏ ốc, vỏ sò, cụm bèo thì quen quá rồi. Lạ chăng là hình xác anh. Và vì vậy, những người dân ở bờ biển nọ đã kéo đến và họ đưa anh vào một mái lều trên bờ cát, cạnh những con thuyền đang úp mặt để đốt hà. Anh đã chết rồi. Lấy gì ăn mà chẳng chết. Nhưng, người này là ai vậy? Người này là ai đây? Đó là một câu hỏi muôn thuở không thể trả lời ngay và rất có thể là chẳng bao giờ trả lời được. Vì có dấu chứng gì làm căn cứ để trả lời. Con tàu đi vào trong kia rất có thể sẽ gặp trắc trở, không tới đích hoặc có tới đích thì mọi người rồi cũng tản mát vào mớ công việc bận rộn, cấp bách khác. Người này là ai đây? Những vết chai sần trên bàn tay thủy thủ của anh ngâm trong nước đã nhão nát rồi còn đâu nữa. Anh và tên biệt kích người nhái, kẻ bán mình cho bọn xâm lược, thì cũng một cái mặt bợt bạt giữa đám râu tóc rậm cứng vì nước biển thôi!

Nhưng mà thôi, cuộc sống là vậy đấy, có gì mà phải than van. Tần mở mắt lần này, cùng với sự tan biến của ảo ảnh là cơn đói ngấu nghiến bào xé ruột gan. Đói quá, đói như sau một buổi làm việc căng thẳng trên boong tàu. Cơn đói đến đồng thời với sự cơn thức tỉnh của xúc giác. Ngứa ran lên, anh nhận ra khắp chân tay, mình mẩy như được bao bọc bằng một lớp vải rất dày nặng. Anh đưa tay sờ soạng. Trời! Thì ra từ cổ anh trở ra đến hai vai đã bám đầy một lớp rong rêu xanh lè. Ôi! Rêu rong biển cả đã bám vào anh, như bám vào một đồ cổ chìm dưới đáy biển. Anh thấy buồn buồn ở cổ. Một con cua gại gại cái mũi chân sắc nhọn lên da thịt anh. Anh cố nhô người lên trên ngọn sóng. Trên người anh là cả một công ty hải sản: ốc, cua, sò, tôm, hến. Chúng đến kết bạn với anh.

Bảy ngày sau, Tần theo sóng biển dạt vào đất liền. Da mặt bóc đi một lớp. Khắp người, da tróc những mảng lớn. Mắt thụt sâu. Tóc soăn rít. Lớp rong rêu kết một mảng trước ngực vẫn còn bám riết anh như những người bạn đồng hành tự nguyện dâng đời mình cho sự sống của anh.

Đất nước mình với diện tích 329.600 km2, chiếm phần phía đông bán đảo Trung Ấn trải dài trên những 3.260 km dọc theo bờ biển. Đất nước mình là đất nước của biển. Chà! Bài học đầu tiên! Ưu thế đặc hữu ấy, giờ thể hiện ở ngay số phận anh.

(Rơi xuống biển cả – Truyện ngắn của MA VĂN KHÁNG (nhandan.vn))

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *