Bài luận thuyết phục bạn trẻ từ bỏ quan niệm “học chỉ để thi”

Văn mẫu lớp 10

Tôi từng hỏi người bạn thân “cậu học để làm gì ?”. Bạn nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu để rồi thốt lên câu trả lời “học để thi chứ còn làm gì?”. Đến trường, vùi đầu vào sách vở chỉ để đi thi, đó là lựa chọn của riêng bạn thân tôi hay đó trở thành quan niệm chung cho cả một bộ phận người trẻ? Đó chính là lí do để tôi phải viết nên bài viết này nhằm khẳng định quan niệm “học chỉ để thi” là hoàn toàn sai lầm.

“Học” – quá  trình tiếp thu, trau dồi, tôi rèn kiến thức cũng như kĩ năng, được tích lũy qua những cuộc phiêu lưu, trải nghiệm cuộc sống. “Học là việc cả đời” tức là quá trình học đã bắt đầu từ khi bạn mới sinh ra và sẽ kéo dài cho đến lúc chết đi. Đồng thời, với đặc điểm, cấu tạo sinh học đặc biệt của cơ quan não bộ cùng khả năng ghi nhớ thông tin đến diệu kì, điều đó cũng đồng nghĩa với việc trong suốt cuộc đời học vấn, bạn hiển nhiên có khả năng thu thập, ghi nhớ một số lượng lớn dữ liệu từ những phạm vi kiến thức khác nhau. Nhân loại tiếp xúc với mọi thứ và chuyển hóa nó thành quá trình lâu dài vì lợi ích nó mang lại, việc học là một trong số đó, học tập đem đến cho ta những giá trị tuyệt vời. Song, vẫn tồn tại một bộ phận người trẻ học “chỉ để”- mục đích duy nhất hạn chế, thiếu sự rộng mở gắn cùng “thi”- những hình thức kiểm tra theo quy định về kiến thức, kĩ năng để được xét chính thức công nhận có đầy đủ một tư cách nào đó hoặc để tranh giành, đọ sức trong một giải thưởng nhất định. Và đang buồn thay, khi chính tôi cũng dần triệt tiêu đi mục đích thực thụ của việc học mà chỉ giới hạn dưới chuyện thi cử.

 Quan niệm nhỏ hẹp này bắt nguồn từ nhiều căn cớ. Trước hết, trong xã hội ngày nay, chuyện thi cử đã phần nào trở nên tất yếu. Bạn phải thi để vào được ngôi trường mong muốn, hay những công ty chỉ nhận những người có điểm bài thi tuyển chọn cao, gần gũi hơn, trong môi trường giáo dục, những con điểm của bài kiểm tra thường xuyên, những kì thi giữa kì, cuối kì sẽ phản ánh năng lực học tập của học sinh.  Còn về phía gia đình,nếu bạn phải oằn trĩu gánh chịu những định kiến của các bậc phụ huynh về một hình mẫu “con nhà người ta”, thì cách duy nhất thoát khỏi sự so sánh, ràng buộc vô lí ấy là cá nhân hải vượt qua các dấu mốc lượng hóa là thi cử để phần nào xác lập năng lực bản thể. Đau lòng thay, hầu hết mọi người ngày nay thường trọng kết quả hơn quá trình, bởi lẽ do thấm nghiệm hệ lụy của chế độ tuyển bạt quan viên từ nền giáo dục khoa cử xa xưa, ta dần khiến chữ “danh” trở thành nỗi ám ảnh muôn đời. Và rồi cứ thế, chẳng biết tự bao giờ, những bài thi đã trở thành bàn cân vô hình cho đo đếm giá trị của mỗi con người. Nhìn ở phương diện khác, để đạt được số điểm đáng mơ ước không phải ngày một, ngày hai mà có được, thay vào đó là sự đánh đổi về cả mặt thời gian và sức lực trong một quá trình rèn luyện lâu dài, đòi hỏi sự tập trung cao độ, từ đó nảy sinh sự thúc ép, dần khơi thức tiềm năng còn ẩn khuất, bứt phá giới hạn năng lực của bản thân. Và liệu có ai lại không mỉm cười khi thấy mình được trong danh sách trúng tuyển với một số điểm xứng đáng với những gì mình đã bỏ ra. Mới hay, kết quả thi cũng mang lại cho bạn ít nhiều hạnh phúc, mang đến niềm tự hào cho bản thân, gia đình, cả sự ngưỡng mộ của bạn bè. Chính bạn cũng cảm thấy nhẹ nhõm, thảnh thơi khi đã xác lập được thực lực của mình, trở thành người có dấu mốc thành tích, dễ dàng công thành danh toại về sau.

  Nhưng liệu bạn có biết, giá trị mà “học chỉ để thi” tạo nên rất ít ỏi, ngắn hạn, tức thời trong khi hậu qủa để lại vô cùng nghiêm trọng, thậm chí có thể phương hại tới sự tồn tại và phát triển của con người? Trước hết, chúng ta sẽ bị bào mòn đi niềm vui đơn sơ của việc tiếp nhận những kiến thức mới lạ, không còn cảm hứng, say mệ mà thay vào đó là sự chán nản, áp lực, gò bó về mối quan tâm duy nhất là những bài kiểm tra, những con điểm khô khan, vô giác. Thật đáng buồn khi tuổi học trò chỉ gói chặt trong bài thi mà trôi qua vô vị không một chút kỉ niệm. Thêm vào đó, mỗi kì kiểm tra luôn tồn tại những tâm lí căng thẳng, sợ hãi bởi yếu tố may rủi. Suy nghĩ non trẻ của lứa tuổi học trò vẫn chưa đủ chính chẳn, trưởng thành để có thể trấn an bản thân khi không hoàn thành tốt bài thi, từ đó sinh ra thương tổn trong tâm khảm, xuất hiện cảm giác thất vọng, để rồi dần rơi vào hố sâu tinh thần do chính mình lập nên và mặc kẹt ở đấy mãi mãi. Ta nghĩa thế nào về một Trịnh Công S- học sinh trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) năm 2010 uống thuốc tự vẫn đơn thuần vì một bài thi làm dang dở? Có xót lòng không khi tháng 12/2020, một cô bé tiểu học ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung quốc) đã tự tử lao mình từ tầng cao của tòa nhà, để lại lời nhắn “ con quá mệt mỏi với chuyện học hành, chỉ ước rằng có thể ngủ thêm chút nữa”. Hẳn nhiều người thấy những việc làm ấy thật vô lí, ngu xuẩn nhưng liệu có ai thấu được cảm giác của những cô cậu học sinh “học kĩ để thi” hay “lấy điểm số làm nguồn sống”, họ đi học chỉ vì “thi cử”, chỉ có vậy nhưng lại không thể đạt được, đổi lại là bạn, bạn sẽ làm gì? Phải chẳng nếu họ đặt mục tiêu của việc tiếp thu kiến thức xa hơn, rộng hơn thì có lẽ những vụ việc thương tâm đã chẳng xẩy ra. Bên cạnh đó, tiêu chí “học chỉ để thi” của những người trẻ thời nay khiến việc học vốn mang vẻ đẹp thuần khiết, tri thức lại trở nên thực dụng. Hơn nữa, từ thuở hồng hoang của thế giới loài người với bao hỗn mang nguyên thủy, nhân loại vốn đã tồn tại sự cạnh tranh gắt gao, tâm lí ấy vẫn âm ỉ tồn tại cho đến ngày nay, ta luôn khát mong một con điểm tốt, một kết quả như ý muốn, từ đó dễ nảy sinh sự tranh đoạt bất chấp dẫn đến những việc làm lừa dối, gian lận trong thi cử, khiến kiến thức ta học được vốn cần vận dụng vào bài kiểm tra trở nên sáo rỗng, vô dụng. Mục đích duy nhất bạn lao đầu vào học không gì khác chính là thi cử, bạn “học chỉ để thi”, vậy khi bạn đã hoàn thành mục tiêu, hoàn thành bài thi, bạn sẽ làm gì sau đó? Dành sự tập trung cao độ, hi sinh toàn bộ thời gian, sức lực vào bài thi, khi mục đích được hoàn thành, ta sẽ hoàn toàn rơi vào trạng thái trống rỗng, không còn cho mình khát vọng, hay đích đến nào xa hơn trong tương lai, từ đó cuộc đời bạn sẽ trở nên vô nghĩa, nhạt nhẽo, trở thành kẻ núp bóng trí thức sáo mòn vì đã dành quá nhiều thời gian vào việc tiếp thu, tôi luyện kiến thức cho những bài thi mà không thể vận dụng vào thực tiễn đời sống. Và nếu có thể thức tỉnh ngay từ đầu thì có lẽ những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi từ những trường đại học danh tiếng hàng đầu với số điểm GPA đáng ngưỡng mộ sẽ không đau đầu khi đói mặt với tình trạng thất nghiệp. Cuộc sống càng tân tiến, con người càng hội nhập, vì vậy, nếu không có sự cọ xát, kinh nghiệm thì làm sao có thể tồn tại.

  Đã bao giờ bạn thử một lần thay đổi quan niệm: Học không chỉ vì thi , học còn vì nhiều lí do tích cực khác. Bạn sẽ cảm thấm vẹn tròn niềm ham mê, đắm say khi được trau dồi tri thức, kinh qua nhiều bài học, trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau, và cả trải nghiệm mình. Thoải mái tận hưởng khoảng trời thanh xuân căng tràn nhựa sống mà không quá vướng bận bởi những bài kiểm tra hay những con điểm vô tri trên trang giấy. Bên cạnh đó, bạn sẽ chẳng còn mang trong mình nỗi sợ may rủi, tâm lý áp lực, căng thẳng của những kì thi, thay vào đó là sự hoan hỉ đón nhận như những bài học quý giá để hoàn thiện kỹ năng, tự cứu rỗi bản thân khỏi vực thẳm tinh thần khi thi cử không được như ý, không còn nảy sinh sự triệt tiêu giá trị thực thụ của việc học mà trái lại,bận sẽ nhận ra được vẻ đẹp đích thực, cốt lõi nguyên sơ của nó. Mới hay, học không chỉ để thi, học còn để sinh tồn giữa những giả dối vần xoay của dòng đời vô thường. Khi ấy, ta đã đủ khả năng để có cho mình sự trưởng thành cả về trí óc lẫn tinh thần , suy nghĩ thấu đáo, mở rộng, không còn hạn hẹp, sáo rỗng, từ đó xác lập giá trị bản thân, cảm in tên mình trên đường đời. Hẳn bạn biết đến một Jack Ma với lối bộc bạch chân chất “ Tôi trượt bài thi kiểm tra quan trọng ở tiểu học hai lần, trượt kì thi trung học 3 lần và thi trượt đại học hai lần” , một thành tích không mấy ấn tượng, thậm chí có phần xấu hổ nhưng tại sao giờ đây người đàn ông ấy lại là người đang sở hữu khối tài sản tỉ đô, nghiễm nhiên ngồi ở ví tria người giàu nhất châu Á? bởi lẽ , ông thấu hiểu căn nguyên giá trị của việc học, ông học không phải để thi và ông cũng không quan trọng việc ông thi rớt bao nhiêu lần, ông học để có cho mình những trải nghiệm, từ đó, đúc kết những kinh nghiệm, quan trọng hơn tất thảy, ông học chính là để hội nhập. 

  Khi nhìn lại, tôi cũng như bạn đấy! cũng lao vào học để có được những con điểm thật cao, thậm chí từng đánh mất tính trung thực cuả bản thân, tự biến mình trở thành con người lừa lọc, dối trá khi trót dùng tài liệu trong giờ kiểm tra vì không muốn bị điểm kém. Cũng từng làm bạn với tách cà phê cả tháng trời trước kì thi tuyển sinh để bao đêm thức trắng ôn văn, giải toán. Nhưng tôi dần thức tỉnh, nhận ra quan niệm sai lầm trong tư tưởng của bản thân sẽ để lại hậu quả trầm trọng về sau, chính vì thế, tôi phải thay đổi. Tất nhiên, đã học là phải thi , tôi vẫn học và cống hiến sức mình cho những kỳ thi, kỳ kiểm tra của trường, của lớp, những đạt được mục tiêu hay không, tôi vẫn vui vẻ tiếp nhận thêm nguồn thi thức mới lạ mà chẳng thể kiếm trong sách giáo khoa, vẫn tiếp tục cuộc sống dù bài kiểm tra có ra sao, vì tôi biết, cuộc đời tôi còn dài phía trước, tại sao vì một vài con điểm mà đánh mất đi cuộc vui tuổi xuân thì. Nhờ thế, tôi mới có thể sống đúng với những niềm vui ở lứa tuổi của tôi và cả của bạn nữa. 

  Học không chỉ để thi , học còn để làm người!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *