Phân tích “ HUYỆN TRÌA XỬ ÁN” ( Trích Nghêu, Sò, Ốc, Hến- Khuyết danh)

Văn mẫu lớp 10

Nghệ thuật tựa như một dòng sông với những điều thiện lành, khi con người ta đắm mình vào dòng sông ấy luôn có cảm giác bản thân mình được thức tỉnh. Nghệ thuật dạy ta biết yêu, biết ghét, biết trân trọng cái đẹp, biết bài trừ cái ác, biết nuôi dưỡng điều thiện, biết tránh xa điều xấu. Loại hình nghệ thuật nào cũng có sức mạnh kì diệu ấy và nghệ thuật Tuồng cũng vậy. Là một trong những hình thức nhạc kịch phổ biến và được yêu thích tại Việt Nam, Tuồng ngày càng khẳng định được sức ảnh hưởng và hơn hết là khẳng định được giá trị đối với đời sống. Thật thiếu sót khi ta bỏ lỡ vở Tuồng “Nghêu, Sò, Ốc, Hến “ đặc biệt là phân đoạn “Huyện Trìa xử án” đã làm nổi bật lên giọng điệu mỉa mai, châm biếm đối với những điều xấu xa.

     Tuồng là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, kết hợp hài hoà điệu nói lối, các điệu hát của tuồng và một số chất liệu nghệ thuật dân gian khác. Tuồng thịnh hành vào thế kỉ XIX, vùng Nam Trung Bộ. Được xem là một hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, kịch bản tuồng tập trung thể hiện hành động, dẫn dắt xung đột qua ngôn ngữ của nhân vật. Tuỳ theo đề tài, nội dung, phạm vi lưu diễn, quy cách dàn dựng, tuồng được phân thành hai loại chính: tuồng pho và tuồng đồ. Tuồng đồ thiên về hài hước châm biếm, ngôn ngữ mộc mạc, bình dân; lối diễn tự do, ít khoa trương cách điệu, gần gũi với cuộc sống thường ngày và gần với kịch nói. Các vở tuổng đồ tiêu biểu như Trương Đồ Nhục; Trương Ngáo,… “Nghêu, Sò, Ốc, Hến “ là một điển hình. Nghêu, Sò, Ốc, Hến là vở tuồng đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, đậm chất dân gian, tiêu biểu cho tuồng đồ.

     Vở Tuồng là một chuỗi những sự việc dở khóc dở cười khi Trần Ốc, một gã kẻ trộm, nhờ thầy bói là Lữ Ngao gieo quẻ chỉ hướng vào ăn trộm nhà Trùm Sò – một trọc phú trong vùng. Ốc đem của trộm được bán cho Thị Hến, một gái goá trẻ đẹp, ma mãnh. Trùm Sò báo với lí trưởng, thuê phù thuỷ dùng bùa phép tìm kẻ gian. Một tên gia định của Thị Hến, vì bất bình với cách đối xử cay nghiệt của Thị Hến, đã có lời nói hớ hênh, khiến tang vật do Ốc lấy cắp từ nhà Trùm Sò bị phát giác. Lí Hà giam giữ Thị Hến cùng tang vật. Đề Hầu xuất hiện, thấy Thị Hến xinh đẹp, có ý bênh vực thị. Sau đó, cả bọn bị giải lên huyện để quan xét xử. Thị Hến làm cho cả quan huyện lẫn Đề Hầu mê mệt nhan sắc của mình. Thị được tha bổng, Trùm Sò không lấy lại được tài sản mất cáp. Kết thúc vở tuồng là màn kịch khôi hài do Thị Hến bày ra, lần lượt đưa Thầy Nghêu, Huyện Trìa, Đề Hầu vào tròng, lật tẩy bản chất của gã thầy tu và thầy trò hai tên chức dịch mê gái.

     Phân đoạn “Huyện Trìa xử án” sáng lên với những câu chuyện trong đời sống thường nhật của nhân dân, tinh thần phê phán những thói hư tật cấu trong xã hội phong kiến thời xưa, đặc biệt là sự bất công trong vấn đề xử án của quan lại.

    Ngay từ những câu thoại đầu tiên đã mang đến cho ta cái cảm giác ngập ngụa sự tự mãn của quan huyện “Nội hạt tiếng khen khen ta”. Một loạt những ghi danh của Huyện Trìa dài như tấu sớ để muốn tỏ ý khoe khoang tự cao tự đại. Những tưởng chỉ để “khoe khéo” bản thân Huyện Trìa đã ranh ma đến độ bật mí luôn cơ hội thắng kiện. Mục đích xử kiện của Huyện Trìa qua lời danh xưng chính xác là xử kiện chỉ vì muốn được nhiều tiền của, những ai đút lót càng nhiều càng được quan xử thắng. Khi xưa dân gian từng có câu nói bất hủ, đi vào biết bao vở hài kịch: “Tốt khoe, xấu che” đằng này có lẽ Huyện Trìa cũng đã khoe được hết những gì của bản thân kể cả những tật xấu cũng lỡ làng trưng ra:

                              “Cao tài tật túc “

                               “Tiên đắc hữu tiền”

     Gây ấn tượng bằng cách dùng tên các con vật để đặt tên cho các nhân vật trong tác phẩm văn học sẽ giúp mang đến những điều mới lạ, hấp dẫn cho người đọc và đậm chất văn học dân gian. Sau những lời tự mãn cha chẳng mấy tốt đẹp của quan huyện, hội đồng loã của quan cũng đã lên tiếng:

     “ĐỀ HẦU:

                              Trộm của Trùm Sò đêm trước

                              Vu cho Thị Hến đêm qua

                              Bắt tới chốn huyện nha,

                              Xin ngài ra xử đoán.

     – HUYỆN TRÌA:

                              Lão Đề lấy tờ khai,

                              Đặng ta toan làm án

                              Cứ mực thẳng, cung cho ngay, bày cho thiệt

                              Kẻo hai đàng của nói có, vợ nói không

     – THỊ HẾN:

                               Trông ơn quan lớn

                               Đoái xét phận hèn 

                               Phụ mẫu dân quyền quý ấy bề trên

                               Ti tiện nữ đơn cô là phận dưới.”

     Chân dung những kẻ nịnh bợ giả nhân giả nghĩa trình bày trước quan huyện. Đề Hầu vốn là kẻ khiến Huyện Trìa “bằng mặt mà không bằng lòng”:

                              “Đã biết mặt lão Đề hay nói bậy

                                …

                               Mồm xà cáng vinh râu ngoe ngoét.”

     Vốn Huyện Trìa đã biết được tính cách của Đề hầu từ trước: một người hay nói bật, điêu toa, không có thiện cảm. Nếu không có vụ này mối quan hệ của ông với hắn cũng chỉ là bề trên kẻ dưới. Phải công nhận Đề Hầu lanh lỏi “miệng lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, chẳng những thế thưa hỏi lại đường hoàng câu từ lại đậm chất thơ:

                             “Trộm của Trùm Sò đêm trước

                               Vu cho Thị Hến đêm qua

                               Bắt tới chốn huyện nha, 

                               Xin ngài ra xử đoán.”

     Điệp vần “a” độc đáo tạo nét chấm phá cho tính cách của một nhân vật phản diện là quá phù hợp.

     Được đà Thị Hến lấn tới thưa ngay những lời thiệt thòi. Vốn xinh đẹp nên Thị Hến khiến cả Đề Hầu và cả Huyện Trìa phải lòng:

                             “Thấy cô đơn chút chạnh lòng thương

                               Phải nâng lên hầu gần quan

                               Ai dám nói vu oán giá họa.”

     Phen này cả Huyện Trìa và Đề Hầu dường như lạc lối theo đúng cái bản chất lương tâm của chúng. Bị mù mờ, bản chất ham tiền háo sắc trỗi dậy. Có thể nói Nhân vật tiêu biểu cho các vai tuồng này thường mang tính ước lệ và tính cách không thay đổi, thể hiện chủ yếu qua lời thoại và hành động của mình. Khi xuất hiện lần đầu, các nhân vật chính thường có lời xưng danh. Tính cách, đặc điểm của nhân vật trong tuồng, một phần được biểu đạt qua cách hoá trang, nhất là qua các nét vẽ, màu sắc trên khuôn mặt diễn viên và đặc biệt là lời thoại.

     Lời thoại trong tuồng cũng có vai trò, đặc điểm như lời thoại trong chèo đã nói ở phần trước. Lời thoại của nhân vật tuồng, chủ yếu là đối thoại có xen độc thoại hay bàng thoại, dưới hình thức nói, ngâm hoặc hát và chủ yếu là thơ vầ văn vần. Cho nên ta mới có cơ hội thấy những lời hót hay như sáo của Huyện Trìa, Đề Hầu và Thị Hến.

     Có thể thấy rằng trong xã hội đầu rẫy những bất công ấy kẻ thấp cổ bé họng luôn là người ở dưới. Một loạt những lời nói giả dối được trình bày trước, cuối cùng những câu thoại được thốt lên từ người chịu nhiều bất công nhất:

                               “Mồng một mất đồ hôm nọ,

                                Mồng hai nhìn thấy đặng đây

                                Đồ đạc nhìn đã không sai

                                Mua chác đó xin người tra hỏi” 

     Một điều khá đặc biệt, một chi tiết rất nhỏ và khó phát hiện. Ta nhận thấy những lời của Trùm Sò chính xác là những lời khai báo ngay thẳng, không chút nịnh bợ. Điều đó khác hoàn toàn với những lời nịnh bợ, kể lể số phận để người khác của Thị Hến:

                               “Nỗi ức oan khôn xiết, Lời ngay thẳng thưa qua,

                                Việc làm ăn ngày tháng vào ra,

                                Phận goá bụa hôm mai côi cút.

                                Gẫm gia đình khó thốt Nhờ quan lớn tỏ lòng. 

                                Mua của chiên việc ấy vốn không Vì ai giận nên khai rằng có.”  

     Vốn là kẻ ham tiền háo sắc, nghe lời nịnh bợ của mỹ nhân Huyện Trìa thuận theo ngay. Những điều Trùm Sò-kẻ mất trộm khai báo ở đây, không được Huyện Trìa và Đề Hầu chú ý đến khi xét xử vì thái độ của hai người họ khá thờ ơ. Những lần Sò được nói rất ít như thể là người ngoài cuộc trong khi dó Sò phải là người được trình với quan nhiều nhất. Cả Huyện Trìa và Đề Hầu đều xét xử một cách không căn cứ, qua loa nếu không muốn gọi là “nói nhăng nói cuội”:

     “ Huyện Trìa:

                               Gẫm đó dây duyên nợ

                               Thật trời đất đẩy đưa,

                               Căn duyên khéo khéo tình cờ 

                               Nhơn ngãi khăng khăng vương vấn.

                               Khuyên mụ đừng trách phận, 

                               Đây ta đã đành lòng. 

                               Cứ đây mà khai báo cho xong, Rồi ta sẽ xử phân thuận ly”   

     Đề Hầu chen giọng với lời độc thoại xéo sắc, “đổi trắng thay đen”:

“Đề Hầu:

                              – Mụ đà nên tệ

                                Ông Huyền cũng xằng,

                                Phen này ông bày mặt thú lang

                                Huếch với mụ ất râu trụi lủi. 

                              – Đòi Thị Hến vào đây ta hỏi, 

                                Nào tờ khai đem nạp tại đây.

                                Lão Trùm Sò anh nói trầm trây, 

                                Thị Hến oan, tình hình tỏ rõ.

                                Tờ khai đó, đâu đành có đó, 

     Ban đầu vốn là nghi phạm Thị Hến lại được tẩy trắng lộ liễu và bỗng dưng trở thành người bị hại sau lời phân xử của Huyện Trìa và Đề Hầu. Sau cùng lời phán xử cũng được Huyện Trìa đưa ra:  

                                Lúc ra đây, rồi lại xử đây.”  

                            “- thế lão Lại đã bầy, Làm tờ khai cho nó,

                                Nguyên tang không phải đó,

                                Tình trạng nghiệm là phi.

                                Ỷ phú gia hống hách, 

                                Hiếp quả phụ thân cô,

                                Cứ lấy đúng pháp công, 

                                Tội cả vợ lẫn chồng, 

                                Ta thứ liền ông, liền mụn.”

     Cùng với đó là tiếng kêu oan của nhà Sò:

                            “- Trời cao kêu chẳng thấu, 

                               Quan lớn dạy phải vâng, 

                               Cúi đầu tạ dưới sân, 

                               Xin lui về bốn quán. “

     Từ lời phán cuối cùng của Huyện Trìa, lời than của Trùm Sò, lời tri ân của Thị Hến, có thể thấy rằng kết quả mà Huyện Trìa đưa ra không công bằng với tất cả mà có phần thiên vị cho Thị Hến. Bởi nếu như có sự công bằng thì vợ chồng Trùm Sò không phải than thở khi nghe quyết định của phiên tòa. Nhà Trùm Sò vốn là một trọc phú trong vùng mà còn bị xử ép quá đáng bởi cái tật háo sắc ham tiền của bọn quan lại. Vậy thử hỏi nếu là những người dân không quyền hạn, nghèo khổ trong cái xã hội mà “đồng tiền lăn trên đáy mọi lương tâm” này sẽ ra sao? 

                         Nước non lận đận một mình,

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.

Ai làm cho bể kia đầy, 

Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?

     Những người nông dân trong xã hội xưa là những con người thấp cổ bé họng, bị đàn áp và đối xử bất công. Họ đều là những người nông dân hiền lành, chất phác, lương thiện và giàu tình yêu thương. Nhưng do bị nô dịch nên cái nghèo vẫn luôn đeo bám suốt cuộc đời của những người nông dân ấy. Số phận của những người nông dân thấp cổ bé họng gần như rơi vào tuyệt vọng bởi sự chà đạp bất công của những tên “cai trị” hống hách, vô nhân tính. Tuy vậy thì họ vẫn giữu được những phẩm chất tốt đẹp nhất. Càng vậy ta càng thêm trân trọng những người nông dân mang những phẩm chất tốt đẹp dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Đồng thời cũng xót xa cho số phận đau khổ của họ.

     Tác phẩm là câu chuyện trong đời sống thường nhật của nhân dân, phê phán những thói hư tật cấu trong xã hội phong kiến thời xưa, đặc biệt là sự bất công trong vấn đề xử án của quan lại. Trong đó cảm hứng chủ đạo là cuộc sống con người trong xã hội cũ. M.Gorki từng nói: “Văn học là nhân học” mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật đều mang giá trị nhận đạo sâu sắc. “Thương người như thể thương thân…”, với tấm lòng nhân ái được tổ tiên truyền dạy từ ngàn năm trước, ngoài nội dung thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình… nghệ thuật dân gian Việt Nam còn bộc lộ niềm đồng cảm sâu sắc với số phận bất hạnh của người nông dân trong xã hội phong kiến. Đoạn trích “Huyện Trìa xử án” là một vở tuồng mang tính châm biếm, mỉa mai xã hội bất công với người dân, một xã hội đầy rẫy những nhuốc nhơ ô hợp.

     Các vở tuồng đồ thường được xây dựng dựa trên một câu chuyện hay một tình huống, hành động, sự việc nào đó, thường có sẵn trong kho tàng truyện dân gian, gọi là “tích truyện“. Từ tích truyện này, các tác giả kịch bản viết thành kịch bản tuồng ở dưới dạng truyền miệng. Khi trình diễn, nghệ nhân trong các gánh tuồng có thể cải biên ít nhiều cho phù hợp với điều kiện diễn xuất, đối tượng người xem. Kết hợp với lời thoại nhịp nhàng, giàu thanh sắc như văn vần và thơ những vở Tuồng luôn đem lại cho ta nhiều cung bậc cảm xúc. Là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu và đặc sắc tuồng nói chung trong đó đoạn trích “Huyện Trìa xử án” đã thực sự đem lại cho ta những giá trị tinh thần cao cả. Giúp ta nhận thức cái tốt, cái xấu, biết cảm thông với người thiệt thòi, biết lên án kẻ xấu.

     Cất lên từ tiếng nói của những người nông dân, nghệ thuật dân gian luôn gần gũi, dễ nghe, dễ hiểu, dễ đồng cảm. Đoạn trích “Huyện Trìa xử án” thực sự đã lắng đọng cái thần cốt trong lòng khán giả, gieo vào tâm hồn con người những hạt giống tốt đẹp. Như thể một dòng sông của những điều thiện lương, tác phẩm đã cho ta được đắm mình trong những giá trị nhân đạo sâu sắc, nuôi dưỡng tâm hồn ta luôn hướng về chân-thiện-mĩ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *