Phân tích và đánh giá nét đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Ngọc Tư qua truyện ngắn Ông ngoại

Văn mẫu lớp 11

Phân tích và đánh giá nét đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Ngọc Tư qua truyện ngắn Ông ngoại

ÔNG NGOẠI

(Tóm tắt đoạn đầu: Ông ngoại sống với gia đình cậu mợ của Dung, nay gia đình cậu mợ của Dung đi định cư nước ngoài. Ông ngoại không đi, quyết ở lại quê nhà. Mẹ Dung quyết định cho Dung sang ở với ông Ngoại để tiện bề trông nom ông. Dung dù không muốn nhưng vẫn nghe lời mẹ).

Sang bên ấy được hai hôm, Dung chạy về mẹ, than thở lướt sướt: “Ở với ông ngoại buồn muốn chết, đi học về, mở karaoke lại sợ ồn, nói chưa được mấy câu thì hết chuyện. Chẳng lẽ con lại nói chuyện tình yêu với ông ngoại à? Bọn bạn không dám lại nhà chơi. Ông khó lắm. Con mở nhạc cũng ngại, con nấu cơm khét ông mắng cả buổi. Suốt ngày ông cứ lo tỉa tót cho mấy chậu kiểng, mấy con cá vàng. Con hỏi:”Ngoại chăm sóc hoài không chán sao?”, Ngoại nói “Cây cũng có linh hồn. Con không tin, ghé tai vào nghe thử, có cây nào than buồn, có cây nào thèm nghe Michael Jackson đâu”.

Mẹ cười:

– Con vì ông một chút, ông cũng vì con thôi, thử xem.

Dung anh ách lái xe về nhà ngoại, cậu đi để lại chiếc Chaly màu xanh, Dung dùng đi học. Hồi sáng này, ông ngoại dắt xe ra đến cửa Dung hỏi:

– Ngoại định đi đâu

– Ông lên quận một chút.

Dung ngăn:

– Thôi, ngoại già rồi, không nên lái xe, có đi, con chở ông đi.

Ông tỏ vẻ giận… Ôi, người già sao mà khổ đến vậy.

Thế nghĩa là có hai thế giới ở trong ngôi nhà. Thế giới của ông là mấy ông bạn già, là mấy chồng nhựt báo, là cái radio đâu hồi còn đánh nhau, là trầm tư suy ngẫm, là mảnh sân hoa trái. Thế giới của Dung là tiếng nhạc gào thét xập xình, là sắc màu xanh đỏ, là quả đất như nằm gọn trong bàn tay […].

Hôm bữa Dung nói với ông:

– Sao ông Chín bên nhà rủ ngoại đi tham gia câu lạc bộ gì đó, ngoại không đi?

Ông nhìn Dung thật lâu:”Ngoại sợ con ở nhà một mình buồn”. Dung chột dạ, có bao giờ đi chơi mà mình nghĩ tới ông không […]

Có những sự thay đổi Dung không thể ngờ được. Bây giờ mỗi đêm Dung trở mình nghe ông ngoại ho khúc khắc. Nghe cây mai nhỏ nứt mình, nảy chồi. Dung nghiện hương trầm tối tối ông thắp lên bàn thờ bà ngoại. Lắm khi lũ em Dung sang, chúng nó phá phách quậy tung cả lên, Dung mắng, chúng nó trề môi “Chị hai khó như một bà già”, Dung giật mình. Có lẽ quen với cái tĩnh lặng trong sân mà mỗi chiều Dung giúp ông tưới cây, cái khoảng không xanh lạc lõng trong khói bụi, đâu đó, trên tàng me già, dăm chú chim hót líu lo Dung quen dáng ông ngoại với mái tóc bạc, với đôi mắt hõm, cái cằm vuông, quen mỗi tháng một lần cọc cạch lên phường nhận lương hưu. Có một điều Dung ngày càng nhận ra tiếng ho của ông ngày càng khô và rời rạc như lời kêu cứu […]

Ngày 18 tháng 12, Dung mở tờ lịch mới, hôm nay là sinh nhật của nó. Hôm qua, mẹ cho Dung một món tiền kha khá, bọn bạn reo lên inh ỏi: “Party nghe Dung, làm xôm tụ, tụi này kéo lại”. Dung nói với ông, ông gật đầu:

– Ừ thì sinh nhật mà, con có mua bánh kem chưa? Ông biết làm đấy.

Dung tròn mắt:

– Thật ư?

Ông khẽ cốc đầu nó.

– Đừng có khinh ngoại.

Nói rồi hai ông cháu lăn vào khuấy bột, trộn sữa. Tay ông nhẹ nhàng, nắn nót mười tám nụ hồng trên mặt bánh, Dung thòm thèm mãi. Buổi sinh nhật thật rôm rả, bọn Dung khiêu vũ với nhau ông ngoại cũng nhảy, ông mặc chiếc áo màu xanh thắt nơ hoa rất đẹp. Lúc ông nắm tay nó, nhạc dạo bài Tango “Xa vắng”. Dung ngạc nhiên và buồn cười đến nỗi giẫm lên cả chân ông. Bọn bạn reo ầm lên, chúng khen bánh kem ngon, khen ông nhảy giỏi, Dung hãnh diện lắm….

(Ông ngoại, Nguyễn Ngọc Tư[1]– Nguồn http://isach.info/story.php?list=story&author=nguyen_ngoc_tu)

 

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích và đánh giá nét đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Ngọc Tư qua truyện ngắn “Ông ngoại

 BÀI LÀM

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê ở Cà Mau. Giọng văn Nguyễn Ngọc Tư đậm chất Nam Bộ, lối kể nhẹ nhàng. Sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu viết về những câu chuyện bình dị của con người vùng sông nước Nam Bộ – quê hương tác giả, mượn văn hóa Nam Bộ để bao bọc khát vọng đem tình người ấm áp hòa giải mọi ranh giới, mọi khoảng cách. Với trái tim nhân hậu, nhạy cảm, Nguyễn Ngọc Tư đã dành sự quan tâm yêu mến đặc biệt cho đối tượng trẻ em. “Ông ngoại” được trích từ tập truyện ngắn cùng tên, NXB Trẻ, 2001. Trong truyện ngắn này, nghệ thuật kể chuyện có nhiều điểm đặc sắc.

Truyện kể về sự kiện cậu mợ của Dung đi nước ngoài định cư nhưng ông ngoại không đi cùng mà ở lại một mình. Để tiện chăm sóc cho ông, mẹ Dung quyết định để Dung chuyển qua sống với ông ngoại. Dù không muốn vì khác biệt giữa hai ông cháu về tư tưởng, lối sống nhưng sau một thời gian hai ông cháu đã thấu hiểu, biết quan tâm lo lắng cho nhau. Dung hiểu ông hơn và càng ngày càng thấy gắn bó, yêu quý cuộc sống tĩnh lặng trong ngôi nhà cùng với ông. Dung đã có kỉ niệm đẹp, đáng nhớ với ông ngoại trong lần sinh nhật lần thứ 18 của mình.

Về nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm, trước hết, truyện có cấu trúc điển hình của một truyện ngắn với sự kiện ít, dung lượng ngắn, thời gian ngắn, không gian hẹp, xoay quanh cuộc sống đời thường, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Sau khi chuyển đến sống cùng ông ngoại, mới đầu có những thứ không phù hợp, bất đồng về suy nghĩ, lối sống, nhưng chẳng bao lâu sau Dung đã biết quan tâm, lo lắng, yêu thương ông ngoại. Không gian trong truyện cũng là không gian quen thuộc: khoảnh sân trước cửa, trong nhà, trong bếp… nhưng vẫn diễn tả được không khí gia đình gần gũi, gắn bó, thân thuộc.  Với Dung, khoảng thời gian đầu ở cùng ngoại “buồn muốn chết, đi học về, mở karaoke lại sợ ồn, nói chưa được mấy câu thì hết chuyện”, cảm nhận về ông thì chỉ thấy “Ông khó lắm. Con mở nhạc cũng ngại, con nấu cơm khét ông mắng cả buổi”. Dung cho rằng ở cùng với ông thật nhàm chán. Ông thường “tỉa tót cho mấy chậu kiểng, mấy con cá vàng”. Ông cũng không thích tụ tập, ồn ào và tiệc tùng còn Dung thì ngược lại. Ông ngoại trong câu chuyện  là điển hình cho tính cách những người cao tuổi: thích yên tĩnh, chăm chút mấy chậu cây kiểng, cho khu vườn cây, những bài nhật báo cùng chiếc radio cũ, thỉnh thoảng lại ngồi nói chuyện hàn huyên với mấy ông bạn già…., những điều ấy khiến Dung cảm thấy thật nhàm chán.

Nét đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của nhà văn còn ở cốt truyện đơn giản, nhè nhàng, ít biến cố với những xung đột gay gắt. Trước những sự việc đời thường gần gũi làm cho câu chuyện trở nên chân thật, người đọc có cảm nhận như một lúc nào đó mình cũng từng là cô bé Dung khi thấy ông bà mình có những sở thích, thú vui nhàm chán, vô vị. Khi Dung  than thở với mẹ về những chuyện khi ở với ngoại, mẹ đã khuyên Dung hãy chú ý hơn về những điều xung quanh mình. Nhờ đó Dung đã dần dần chú ý hơn về những điều xung quanh ông ngoại, những điều mà Dung đã không nhận ra về ông của mình. Thế giới của ông là mấy ông bạn già, mấy chồng nhật báo, cái radio lâu đời, là những lúc trầm tư suy ngẫm, là mảnh sân hoa trái. Hoàn toàn trái ngược với thế giới đầy màu sắc của cô bé nhỏ với “tiếng nhạc gào thét xập xình, là sắc màu xanh đỏ, là quả đất như nằm gọn trong bàn tay”  Tuy nhiên, sau đó cô bé nhận ra rằng bấy lâu nay mình thật vô tâm, ông ngoại của cô bé vì sợ cô bé cảm thấy buồn khi ở một mình mà không tham gia câu lạc bộ. Ông ngoại luôn quan tâm đến cảm nhận của cô bé một cách thầm lặng. Ông luôn chăm sóc, dạy dỗ và che chở cho cô bé nhỏ, ông đã cùng cô bé làm bánh kem mừng sinh nhật, “hai ông cháu lăn vào khuấy bột, trộn sữa”. Tay ông nhẹ nhàng, nắn nót mười tám nụ hồng trên mặt bánh, ngoại cùng em vui đùa vào ngày sinh nhật “ông mặc chiếc áo màu xanh thắt nơ hoa rất đẹp”. Lúc ông nắm tay nó, nhạc dạo bài Tango” Xa vắng”… những kỉ niệm ấy làm Dung nhận ra tình cảm của người ông thân yêu của mình.

Nhan đề của truyện cũng rất mộc mạc, hướng đến nhân vật, đề tài, góp phần thể hiện chủ đề. Nhan đề của truyện gọi theo cái tên trong mối quan hệ gia đình “Ông ngoại” thân quen với tất cả mọi người, bất giác người đọc có cảm giác có bóng dáng chính ông ngoại của mình đâu đó. Ngay từ nhan đề của truyện đã định hướng người đọc về tình cảm gia đình thiêng liêng, đáng quý.

Nguyễn Ngọc Tư chọn ngôi kể thứ ba, người kể chuyện toàn tri cho phép người kể chuyện quan sát được tất cả các nhân vật. Người kể chuyện nương theo điểm nhìn của nhân vật Dung, cả điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong, qua ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm để khắc họa chân dung một bạn trẻ với tính cách, tâm lí, hành vi,… đúng với lứa tuổi mới lớn: Dung hồn nhiên, vui vẻ bên ông và bạn bè trong ngày sinh nhật. Cách lựa chọn ngôi kể cũng góp phần khắc họa sự biến đổi từng ngày trong cảm xúc và nhận thức của nhân vật, giúp người đọc nhận thấy quá trình trưởng thành của nhân vật Dung. Chỉ một câu nói : “Ngoại sợ con ở nhà một mình buồn”. Dung chột dạ, có bao giờ đi chơi mà mình nghĩ tới ông không?. Từ đây cô bé ấy biết lo cho tiếng ho khúc khắc, tiếng ho  ngày càng khô và rời rạc như lời kêu cứu của ông; Không chỉ vậy, Dung bắt đầu biết cảm nhận cuộc sống xung quanh cây: cây mai nhỏ nứt mình, nảy chồi. Dung quen với hương trầm tối tối ông thắp lên bàn thờ bà ngoại. Nhất là Dung bắt đầu thích cái sự tĩnh lặng của căn nhà cùng với ông ngoại, đến nỗi lũ em Dung nhận xét “Chị hai khó như một bà già.

Truyện ngắn cũng cho thấy nét riêng trong lời văn, giọng điệu của tác giả: ngôn ngữ đời thường, đậm chất Nam Bộ và có giá trị biểu cảm cao; giọng điệu tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng thấm thía. Nhà văn sử dụng ngôn từ đơn giản, gần gũi và dễ hiểu, ngoài ra cách sử dụng những câu văn ngắn gọn, mạch lạc giúp câu chuyện diễn ra một cách trôi chảy và hấp dẫn.

Tác phẩm hướng tới đề cao những giá trị nhân văn truyền thống: tình cảm gia đình, tinh thần trách nhiệm, biết sẻ chia, hi sinh. Đọc tác phẩm giúp người trẻ biết yêu thương, trân trọng người thân trong gia đình; biết chia sẻ, quan tâm, gắn kết các thành viên trong gia đình. Vì họ hiểu ra tình thân vô cùng quan trọng với cuộc đời mỗi con người; chính người thân trong gia đình luôn là người đồng hành, sẵn sàng sẻ chia mọi vui buồn trong cuộc đời ta…

“Ông ngoại” là truyện ngắn giàu tính nhân văn khi đề cập đến sự nối kết thế hệ. Nghệ thuật kể chuyện rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư. Nhà văn đã mang tới cho bạn đọc những thông điệp ý nghĩa biết yêu thương, trân trọng người thân trong gia đình. Hãy luôn nhớ rằng, gia đình là nơi ta được sinh ra, lớn lên và được yêu thương, che chở. Hãy trân trọng những người thân trong gia đình và dành cho gia đình những gì tốt đẹp nhất.

[1] Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê ở Cà Mau. Giọng văn Nguyễn Ngọc Tư đậm chất Nam Bộ, lối kể nhẹ nhàng. Sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu viết về những câu chuyện bình dị của con người vùng sông nước Nam Bộ – quê hương tác giả, mượn văn hóa Nam Bộ để bao bọc khát vọng đem tình người ấm áp hòa giải mọi ranh giới, mọi khoảng cách. Với trái tim nhân hậu, nhạy cảm, Nguyễn Ngọc Tư đã dành sự quan tâm yêu mến đặc biệt cho đối tượng trẻ em. “Ông ngoại” được trích từ tập truyện ngắn cùng tên, NXB Trẻ, 2001.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *