Phân tích nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn “Chỉ là một trưa vô tình” của Nguyễn Ngọc Tư

Văn mẫu lớp 11

Đề bài: Anh/chị hãy viết bài văn phân tích nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn “Chỉ là một trưa vô tình” của Nguyễn Ngọc Tư.

 BÀI VIẾT

Nam Cao từng nói: “một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho tất cả loài người’’. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng…Nó làm cho người gần người hơn’’. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ khi nhào nặn đứa con tinh thân của mình phải xây dựng được những nghệ thuật tự sự độc đáo, thu hút người đọc, yếu tố này bộc lộ rõ nét trong “ Chỉ là một trưa vô tình’’ của Nguyễn Ngọc Tư.

“Một người nghệ sĩ đích thực phải như một bức tranh treo trên tường mà khi tháo nó ra vĩnh viễn để lại một khoảng trống’’. Thật vậy! Nguyễn Ngọc Tư – con người được giao phó kí thác hiện thực đã để loại dấu ấn tâm hồn và tài năng của mình trong lòng độc giả. Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau. Chị là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Với niềm đam mê viết lách, chị miệt mài viết như một cách giải tỏa và thể nghiệm, chị biết rằng chị muốn viết về những điều gần gũi nhất xung quanh cuộc sống của mình. Giọng văn chị đậm chất Nam bộ, là giọng kể mềm mại mà sâu cay về những cuộc đời éo le, những số phận chìm nổi. Cái chất miền quê sông nước ngấm vào các tác phẩm, thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh. Truyện ngắn “ Chỉ là một trưa vô tình’’trích trong tập “ Yêu người ngóng núi’’- NXB trẻ, 2009, là một truyện ngắn tiêu biểu của chị, xuất hiện như một nốt ngân vang trong bản hòa tấu văn học Việt Nam.

“Chỉ là một trưa vô tình’’ kể về một người mẹ nghèo khổ cùng chồng và ba đứa con thơ dại trong căn nhà thuê ọp ẹp, tồi tàn. Người phụ nữ ấy chịu đựng nỗi đau về tinh thần khi chứng kiến con bị xâm hại. Chị mạnh mẽ vượt lên nỗi đau bằng một nụ cười giòn tan khi nhắc lại bi kịch ấy, thậm chí chị chẳng hề đòi bồi thường, hay quên luôn kẻ đã hãm hại con chị.

Câu chuyện xoay quanh cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhân vật tôi và người phụ nữ xa lạ vô tình ào qua cửa trong một buổi trưa nắng đỏ ở xóm chợ nghèo. Từ đó, mạch truyện hướng vào miêu tả hình ảnh người mẹ nghèo đan xen với những cảm nghĩ của người kể chuyện. Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng cách kiến tạo đặc biệt để xây dựng câu chuyện “ Chỉ là một trưa vô tình”. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, nhờ đó tác giả thành công khắc họa nên câu chuyện cảm động, ám ảnh, day dứt về nỗi đau không thể nguôi ngoai của người mẹ có con bị xâm hại. Hệ thống điểm nhìn trong tác phẩm cũng rất linh hoạt. Nhà văn đã tạo ra sự hòa quyện giữa lời người kể và lời nhân vật, điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong tạo nên một sự chân thực và sống động cho câu chuyện. Điều này giúp khắc học nhân vật một cách rõ ràng và sâu sắc hơn.

Truyện mở đầu với cuộc gặp gỡ và hình ảnh của một người phụ nữ khác xa với hình dung của tôi về một người mẹ thông thường “ một bà mẹ khác với hình dung quen thuộc khi nghĩ đến mẹ những gầy, những hiền lành, những dịu dàng, những đâu khổ’’. Dưới cái nhìn chủ quan của tôi , người mẹ ấy mang một thân hình “ mập ú, ngồi oằn cả một góc ván’’ với thói quen xấu “ vừa cho con bú vừa hút thuốc’’. Dường như cái cuộc sống nghèo khổ đã bào mòn đi cái ngoại hình của chị, chỉ để lại một trái tim đầy những vết cứa và vẻ ngoài thô ráp. Thế nhưng những bất hạnh có lẽ không muốn buông tha cho người mẹ nghèo ấy, nỗi đau lại chồng chất nỗi đau khi đứa con gái “ năm mươi ngày tuổi bị ông hàng xóm xâm hại’’. Gia cảnh nheo nhóc “đứa con gái lớn đã tới tuổi vào lớp 1, thằng con trai kế với dị tật trên mắt không biết có chữa được không. Gánh nặng cuộc sống cùng những lo toan chưa bao giờ nguôi trong căn nhà thuê tồi tàn ấy.

      Đối lập với vẻ ngoài và thói quen xấu của chị là một đẹp tâm hồn người mẹ nghèo đáng trân trọng – một người mẹ yêu thương con vô bờ. Chị xót xa khi nhắc lại chuyện con bị xâm hại. Có người mẹ nào trên đời này lại không thương con? Có người mẹ nào không đau đớn khi con mình bị xâm hại? Và có người mẹ nào không tự trách khi chỉ biết bất lực nhìn con xanh xao? “Lúc sanh nó được hơn bốn kí lô đó chế, giờ ốm tong vầy’’– Câu nói thẫm đẫm những buồn rầu và dường như còn là lời tự trách bản thân khi không bảo vệ được con mình. Còn gì đau khổ hơn một người mẹ chỉ biết bất lực khi chứng kiến giọt máu mình mang nặng đẻ đau phải chịu hành hạ đến như vậy? Nhưng người mẹ ấy đã âm thầm chịu đựng, ghìm nén nỗi đau đớn giày vò trong lòng “Nhắc đến kẻ bất nhân, chị chửi thề giòn tan, giọng giòn tan”, thậm chí chị không một chút gì “tỏ ra bi lụy”. Không phải chị không buồn, không đau, không xót mà có lẽ bởi “chị đã phải kể nhiều lần, vắt nước mắt nhiều lần rồi, ngay sau khi bi kịch xảy ra”. Giọt nước mắt không trào ra được nữa, nó chảy ngược vào trong nhói buốt trong con tim chị. Để mỗi lần ai đó nhắc lại, chị cố tỏ ra mạnh mẽ nhưng sâu thẳm trong chị nỗi đau ùa về ám ảnh, nhức nhối. Lắng trong lời kể của chị là nỗi xúc động, xót xa, cay đắng “ông già sáu mươi chín tuổi đó chắc là ma quỷ nhập, chớ con chị mềm như cục bông gòn, vui sướng gì mà nỡ lòng…”. Dấu chấm bỏ lửng cuối câu như khoảng lặng của cảm xúc nghẹn ngào, dằn vặt, đau đớn,…

Người mẹ ấy vẫn luôn dành cho con những thứ tốt đẹp nhất mà mình có, dành cho con những tình yêu chân thành nhất. Vì con mà làm tất cả, vì con mà hy sinh, cũng vì con mà bỏ qua sĩ diện của mình “Bà mẹ chỉ quan tâm con mình cần bú và nó thì quá gầy gò sau một biến cố không ngờ’’. Để làm được điều ấy chị chỉ có thể mạnh mẽ, kiên cường hơn, bản lĩnh vượt lên trên nỗi đau, nuốt nước mắt vào trong mà sống, vượt lên những con sóng lòng đang gào thét, cắn xé tâm can của một người làm mẹ. Đọc tác phẩm, độc giả còn bắt gặp ở chị một tấm lòng bao dụng, nhân hậu và vị tha. Chị không tin con người lại có thể làm ra những việc xấu xa đến vậy “ông già sáu mươi chín tuổi đó chắc là ma quỷ nhập’’, chị cũng chẳng đòi bồi thường “ thằng chả còn nghèo hơn cả tui nữa mà lấy gì bồi thường’’ hay khi không nhớ tên kẻ đã hãm hại con “cứ kêu chú bảy chú bảy mà không để ý ổng họ gì…”. Dù bản thân và con gái có bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng chị vẫn nghĩ cho hoàn cảnh của người đàn ông ấy? Đây chẳng phải là tấm lòng nhân hậu vị tha cao cả của người mẹ nghèo khổ ấy ư?

Chẳng cần những ngôn từ hoa mĩ, cầu kì, chỉ với ngôi kể thứ nhất cùng sự kết hợp giữa điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong, nhà văn đã kiến tạo nên một người mẹ, một người phụ nữ và một “  một trưa vô tình’’ đã làm xúc động, ám ảnh và day dứt bao trái tim của những người yêu văn chương về tình mẫu tử, về sự mạnh mẽ, về tấm lòng bao dung.

Truyện ngắn hấp dẫn người đọc với ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắng cùng nghệ thuật tự sự độc đáo, Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng mang tính khái quát cao, thể hiện những vấn đề muôn thuở của cuộc sống và con người trong “ Chỉ là một trưa vô tình’’. Do đó tác phẩm vừa mang tình hiện thực vừa mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện những trăn trở của nhà văn về nạn xâm hại trẻ em, về cuộc sống bất hạnh, cơ cực của người dân nghèo. Đồng thời đặt ra vấn đề làm thế nào để bảo vệ và mang đến cho trẻ em , cho người phụ nữ cuộc sống tốt đẹp, an yên và hạnh phúc.

Tác phẩm “ Chỉ là một trưa vô tình’’ của Nguyễn Ngọc Tư có giá trị nghệ thuật cao. Cách Nguyễn Ngọc Tư kiến tạo truyện kể, sử dụng ngôi kể thứ nhất và hệ thống điểm nhìn linh hoạt đã tạo ra một câu chuyện sâu sắc và đầy cảm xúc. Tác phẩm này không chỉ khắc họa được nhân vật người mẹ mà còn đặt ra những trăn trở và suy ngẫm của nhà văn về cuộc đời.

CHỈ LÀ MỘT TRƯA VÔ TÌNH – Nguyễn Ngọc Tư

 “Chị ào qua cửa. Và từ cái buổi trưa nắng đỏ, trong cái xóm nghèo Năm Căn đó, tôi biết đến một bà mẹ khác với hình dung quen thuộc khi nghĩ đến mẹ, những gầy, những hiền lành, những dịu dàng, những đau khổ…

Chị mập ù, ngồi oằn cả một góc ván. Chân mày mỏng. Đứa bé bốn tháng tuổi trên tay gầy và xanh. Chị vừa cho nó bú vừa hút thuốc. Khói thuốc phì ra mũi lúc chị cười, trong cái bảng lảng, cứ như khói cũng tuôn từ mắt chị. Đứa bé điềm nhiên miết vào vú mẹ, dường như nếu chỉ có mùi sữa, mùi mồ hôi, mà thiếu mùi thuốc lá thì nó cũng chẳng nhận ra mẹ. Chắc đã nhận được quá nhiều lời cằn nhằn lẫn ái ngại cho việc phì phèo khói thuốc của mình, chị dụi tắt thuốc, cười khà khà phân bua: “ghiền hồi nhỏ rồi chế ơi, bỏ không được”.

Nụ cười hồn nhiên, bầu vú cũng hồn nhiên khoe sự đầy đặn của mình. Áo vén cao không lấp lửng, khách khí. Tôi nhìn hai đứa con lớn nheo nhóc đứng cạnh, tôi nhìn bà mẹ nhỏ tuổi hơn mình, có cái gì đó xót xa đến mức lời lẽ cứ lạc đi đâu.

Tôi cứ tưởng sẽ gặp nhiều nước mắt, gặp nhiều vật vã, bởi đứa bé kia, núm ruột của chị, khi năm mươi ngày tuổi đã bị ông hàng xóm xâm hại tình dục. Chị kể lại chuyện đó với một vẻ tự nhiên, như một bà mẹ nói về vụ trớ sữa của con mình. Hoặc chị đã phải kể nhiều lần, vắt nước mắt nhiều lần rồi, ngay sau khi bi kịch xảy ra. Buổi sáng gửi con đi chợ mua cá, lúc về thấy nó tím tái, xốc nó thì máu từ miệng trào ra theo cái bao tay người ta đã dùng chẹn cứng cổ họng nó cho khỏi gào khóc. Lúc về thì cơn bão sẽ ở lại mãi mãi trong căn nhà thuê tồi tàn và ọp ẹp của chị.

Nhắc đến kẻ bất nhân, chị chửi thề giòn tan, giọng giòn tan, ông già sáu mươi chín tuổi đó chắc là ma quỷ nhập, chớ con chị mềm như cục bông gòn, vui sướng gì mà nỡ lòng… Chị cũng giống tôi, không tin con người lại làm vậy. Chị đòng đưa đứa bé gái bất hạnh trong tay, nựng nịu nó cưng ơi cưng à rồi nói chơi chơi, “mấy bà xóm tui chọc, tại con mầy đẹp quá, nên có… rể sớm… Thằng rể lớn tuổi hơn ông ngoại vợ”. Tôi muốn cười với chị, thật lòng, nhưng vo hoài cũng không thành.

Tôi bệu bạo hỏi tên ông hàng xóm vô đạo, chị ngơ ngác day qua hỏi chồng, “tên gì, ông?”, thấy khách tròn mắt ngạc nhiên, chị cười, “cứ kêu chú bảy chú bảy mà không để ý ổng họ gì…”. Hai bữa trước tòa án gọi chị lên, hỏi, chị có đòi bồi thường gì không, chị chưng hửng, thằng chả nghèo còn hơn tui nữa mà lấy gì bồi thường. Thôi, khỏi. Chị đốt lại điếu thuốc hút dở khi nãy, bàn tay vung lên lượn một vòng khói, “có đòi năm chục ngàn chưa chắc có, cùng là dân ở nhà mướn, biết nhau quá…”.

Tôi tắt máy ảnh, tôi đã bật nó với hy vọng được ghi lại những giọt nước mắt lăn trên mặt chị, như tai tôi cũng mong chờ được nghe những lời than thở buồn rầu. Những biểu hiện mà tôi nghĩ, một người mẹ phải như thế như thế. Nhưng tôi không đợi nữa, vì dù không một chút nào tỏ ra đau đớn bi lụy, chị vẫn là một bà mẹ đúng nghĩa, đẹp và gây xao động như tất cả những bà mẹ trên đời.

Suốt buổi nắng, bà mẹ chỉ thắc thỏm chuyện con gái mình xanh xao quá, “lúc sanh nó được hơn bốn ký lô đó chế, giờ ốm tong vầy…”, rồi mẹ khùynh tay ngó lại mình, đượm buồn, “còn tui thì ú ì. Ai cũng nói tui ăn hết phần của con…”. Nghe như lời tự trách, làm mẹ to khỏe mà cũng không bảo vệ được con mình. Và suốt buổi nắng, bà mẹ không hề tỏ ra lo lắng chuyện trinh tiết, phẩm giá, chuyện con gái mình mai kia sẽ lớn lên với một vết thương…

Tôi chỉ thấy lạ chính mình, sao mà mình nhớ chị lâu vậy, nhớ giọng nói giòn tan, điệu bộ vung tay khẳng khái, bầu vú cứ hồn hậu áp vào mặt đứa con mặc đèn flash máy ảnh lóe lên

Bà mẹ chỉ quan tâm, con mình cần bú, và nó thì quá gầy gò sau một biến cố không ngờ. Cũng có vài chuyện cần thiết nữa, đứa con gái lớn đã tới tuổi vào lớp 1, thằng con trai kế với dị tật trên mắt không biết có chữa được không. Những điều cần cho tâm hồn, lúc bụng no mới nghĩ tới được…”.

(Nguyễn Ngọc Tư, “Yêu người ngóng núi” – NXB Trẻ, 2009, trang 21 đến 24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *