Đề thi thử tốt nghiệp lớp 12, đoạn cuối Đất nước

Đề thi khối 12
  ĐỀ THI THỬ TN THPT

Môn thi: Ngữ Văn 12

Thời gian làm bài: 120 phút

(Không kể thời gian giao đề)

(Đề gồm 02 phần 02 trang)

ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Những người trẻ tuổi là tác nhân lớn nhất của sự thay đổi trong một xã hội. Tuổi trẻ chắc chắn là một trong những khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi người. Bạn tràn đầy năng lượng, ước mơ và có rất nhiều khát vọng. Nhưng cũng có rất nhiều thách thức đang chờ bạn.

/…/ Xô-cơ-rát (Socrates) đã từng nói: “Cuộc sống không được thử thách không đáng sống đối với một con người”. Cuộc sống thường cho chúng ta thấy, một số người có tài năng nhưng ít tham vọng để thúc đẩy tiến lên sẽ dẫn đến lãng phí tiềm năng. Đó là hạt giống của động lực, khả năng phục hồi và sự bền bỉ kết hợp với các giá trị đạo đức mạnh mẽ được nuôi dưỡng trong môi trường học tập tốt nhất và khuyến khích những đặc điểm này phát triển để tạo ra những con người trưởng thành toàn diện, tự tin và tích cực cho một tương lai tốt đẹp.

Thời còn đi học, Giêm Đai-Xơn (James Dyson) đã xuất sắc khi thi chạy đường dài: “ Tôi chạy khá giỏi, không phải vì thể chất tốt mà vì tôi có nhiều quyết tâm hơn. Tôi học được sự quyết tâm từ đó”. Giêm Đai-Xơn đã mất năm năm và tạo ra hơn 5000 mẫu trước khi tung ra máy hút bụi không dùng túi. Tuy nhiên, không có nhà sản xuất hoặc nhà phân phối nào xử lí sản phẩm của Đai-Xơn ở Anh, vì nó sẽ làm xáo trộn thị trường có giá trị cho loại máy có túi đựng bụi. Đai-Xơn tung ra sản phẩm này tại Nhật Bản thông qua bán hàng theo danh mục. Ông đã đối mặt và vượt qua nhiều thách thức trước khi công ty của ông trở nên thành công trên toàn cầu như ngày nay.

Mai-cơn Gioóc-đan (Michael Jordan), vận động viên bóng rổ nổi tiếng đã không có một khởi đầu dễ dàng. Anh ấy bị chế giễu vì quá lùn để chơi ở cấp độ cao và anh ấy không được chọn, nhưng anh đã học được từ gia đình và từ các giáo viên của mình là không bao giờ được bỏ cuộc và với một tầm nhìn đầy tham vọng và một suy nghĩ tích cực, anh đã có thể vượt qua các trở ngại.

Như vậy, tuổi trẻ đồng nghĩa với thay đổi, tiến bộ và tương lai. Suy cho cùng, tuổi trẻ là đối mặt với những thách thức và tạo ra hoặc tái tạo ra không gian cho sự phát triển toàn diện trong tương lai. Nó có nghĩa là biến vấn đề thành cơ hội và giải pháp và là động lực của xã hội.

(Theo Nguyễn Lân Dũng, Giá trị của tuổi trẻ, báo Đại đoàn kết, ngày 17/03/20023)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Theo tác giả, điều gì giúp Giêm Đai-Xơn và Mai-cơn Gioóc-đan vượt qua được trở ngại và thành công trong sự nghiệp của mình?

Câu 3. Theo anh/chị vì sao một số người có tài năng nhưng ít tham vọng để thúc đẩy tiến lên sẽ

dẫn đến lãng phí tiềm năng ?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: tuổi trẻ là tác nhân lớn nhất của sự thay đổi trong một xã hội? Vì sao?

  1. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của suy nghĩ tích cực.

Câu 2 (5,0 điểm)

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

 

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi…

(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2018, tr. 121)

Cảm nhận đoạn thơ trên trong bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Từ đó, nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian của nhà thơ.

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI THỬ TN THPT

Môn thi: Ngữ Văn 12

Thời gian làm bài: 120 phút

(Không kể thời gian giao đề)

 

 
Phần Câu Nội dung Điểm
ĐỌC HIỂU 3.0
I 1 Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 0,75 điểm.

– Học sinh không trả lời đúng đáp án: không cho điểm.

0.75
2 Theo tác giả, điều giúp Giêm Đai-Xơn và Mai-cơn Gioóc-đan vượt qua được trở ngại và thành công trong sự nghiệp của mình là: tinh thần quyết tâm, không bao giờ được bỏ cuộc và với một tầm nhìn đầy tham vọng và một suy nghĩ tích cực

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 0,75 điểm.

– Học sinh chỉ trả lời được 1 ý: 0,25 điểm

0.75
3 Một số người có tài năng nhưng ít tham vọng để thúc đẩy tiến lên sẽ dẫn đến lãng phí tiềm năng vì:

+ Tham vọng tiến lên là động lực phấn đấu, giúp con người cố gắng phát huy tối đa tài năng của bản thân

+ Nếu không có tham vọng, con người sẽ dễ hài lòng với chính mình, an phận thủ thường, lười biếng không phấn đấu. Vì vậy, tài năng sẽ mai một và bị bỏ phí.

Hướng dẫn chấm:

– Mỗi ý: 0,5 điểm.

Lưu ý: Học sinh diễn đạt tương đương đáp án vẫn cho điểm tối đa

1
4 Học sinh có thể đưa ý kiến riêng của bản thân, nhưng phải lí giải rõ ràng, thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trình bày rõ ràng, thuyết phục: 0,5 điểm

– Học sinh trình bày chưa rõ ràng, chưa thuyết phục: 0,25 điểm.

0.5
II 1 Viết đoạn văn về vai trò của suy nghĩ tích cực 2.0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân- hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vai trò của suy nghĩ tích cực 0.25
    c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Có thể triển khai theo hướng:

Suy nghĩ tích cực: Là suy nghĩ theo chiều hướng lạc quan, tin tưởng, thấy được phương hướng, kết quả giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.

– Suy nghĩ tích cực có tác dụng và ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần, định hướng hành động đúng đắn cho mỗi người.

– Khi hiểu và kiểm soát được những ý nghĩ, chúng ta sẽ làm chủ được lời nói, hành động và cảm xúc, kiểm soát được hành vi, suy nghĩ, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức, pháp luật.

– Từ đó, chúng ta có được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong tâm hồn

– Thiếu suy nghĩ tích cực, con người sẽ dễ rơi vào tình trạng bi quan, bế tắc.

– Để có suy nghĩ tích cực con người cần rèn luyện thói quen tư duy, nâng cao kiến thức, tích cực trải nghiệm, luôn giữ tinh thần lạc quan. Học cách suy nghĩ tích cực để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

– Liên hệ thực tế, nêu suy nghĩ bản thân.

1.0
    d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

– Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0.25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh.

– Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

– Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0.25
  2 Phân tích đoạn thơ, từ đó nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của nhà thơ 5,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

– Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận

HS có thể triển khai theo nhiều cách, cần vận dụng kết hợp các thao tác lập luận, phối hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

 
  Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích 0,5
  Phân tích đoạn thơ: 2,0
    – Đoạn thơ mở đầu bằng một lời khẳng định,lời khẳng định ấy là cảm hứng chung cho cả đoạn thơ:

Để Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân

Đất nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”

à  Đất Nước không của riêng ai mà là của chung, của nhân dân và mãi mãi thuộc về nhân dân.

– Điệp ngữ chuyển tiếp “Đất nước của nhân dân”được lặp lại như thêm một lần nữa nhấn mạnh về cái sứ mệnh thiêng liêng của nhân dân đối với Đất Nước.

– Vế thứ hai, nhà thơ nhấn mạnh “Đất Nước của ca dao thần thoại”, nghĩa là Đất Nước tươi đẹp vô ngần như vầng trăng cổ tích, ngọt ngào như ca dao, như nguồn sữa mẹ nuôi ta lớn nên người.

+ “Thần thoại” thể hiện cuộc sống qua trí tưởng tượng bay bổng của nhân dân.

+ “Ca dao” bộc lộ thế giới tâm hồn của nhân dân với tình yêu thương, với sự lãng mạn cùng với tinh thần lạc quan.

à Đó là những tác phẩm do nhân dân sáng tạo, lưu truyền và có khả năng phản chiếu tâm hồn, bản sắc dân tộc một cách đậm nét nhất.

– Tác giả chọn lọc ba câu để nói về ba phương diện quan trọng nhất của truyền thống nhân dân, dân tộc:

Dạy anh biết yêu em từ thở trong nôi

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

+ Phương diện thứ nhất, Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh về tình cảm thủy chung trong tình yêu của con người Việt Nam. Từ ý thơ trong ca dao “Yêu em từ thuở trong nôi/ Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru”. Nhà thơ đã viết nên lời chân tình của chàng trai đang yêu“Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi”. Ý thơ đã khẳng định được một tình yêu thủy chung bền vững không gì có thể đếm đong được. Nhân dân dạy ta biết yêu thương lãng mạn, đắm say thủy chung với những câu ca dao ấy.

à Đây là phát hiện mới của Nguyễn Khoa Điềm. Bởi lẽ từ xưa đến nay nói đến nhân dân người ta thường nghĩ đến những phẩm chất cần cù chịu khó, bất khuất kiên cường. Còn ở đây tác giả lại ngợi ca vẻ đẹp trẻ trung lãng mạn trong tình yêu, những mối tình từ thưở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

+ Ở phương diện thứ hai, Nhân dân gìn giữ và truyền lại cho ta quan niệm sống đẹp đẽ, sâu sắc, ca dao đã “dạy anh biết” – Sống trên đời cần quý trọng tình nghĩa, phải “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”. Câu thơ ấy lấy ý từ ca dao “Cầm vàng mà lội qua sông/Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng”. Nhân dân đã dạy ta rằng: ở đời này còn có thứ quý hơn vàng bạc, châu báu ngọc ngà… Đó là tình nghĩa giữa con người với con người.

+ Ở phương diện thứ ba, nhân dân đã dạy ta phải biết quyết liệt trong căm thù và chiến đấu “Biết trồng tre đợi ngày thành gậy/ Đi trả thù mà không sợ dài lâu”. Hai câu thơ đã gợi lại biết bao cuộc kháng chiến oanh liệt, trường kì của nhân dân trong biết bao cuộc chiến vệ quốc vĩ đại.

– Bốn câu thơ cuối: Hình ảnh người chèo đò, kéo thuyền vượt thác cất cao tiếng hát là một biểu tượng nói lên sức mạnh Nhân dân chiến thắng mọi thử thách, lạc quan tin tưởng đưa Đất Nước đi tới một ngày mai vô cùng tươi sáng:

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi…

+ Câu thơ gợi cho ta hình ảnh của những dòng sông, những dòng sông không biết đến từ bến bờ nào nhưng khi hòa vào đất Việt lại vang lên biết bao câu hát điệu hò.

+ “Dòng sông” vừa có ý nghĩa là dòng sông của quê hương đất nước nhưng vừa có ý nghĩa là dòng sông Văn hóa, dòng sông Lịch sử. Dân tộc ta có 54 dân tộc anh em, là 54 dòng chảy văn hóa đa dạng “trăm màu, trăm dáng”.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm.

– Học sinh phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1,75 điểm – 2,25 điểm.

– Học sinh phân tích chung chung, chưa rõ các biểu hiện: 1,0 điểm – 1,5 điểm.

– Học sinh phân tích sơ lược, không rõ các biểu hiện: 0,25 điểm – 0,75 điểm.

1.0
    *Nhận xét về nghệ thuật sử dụng chất liệu văn hóa dân gian

– Sử dụng nhuần  nhuyễn và đậm đặc  chất liệu văn hóa dân gian.
–  Sử dụng sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian:

+ Trích dẫn ca dao dân ca kết hợp giọng trữ tình-chính luận sâu lắng, thiết tha .

+ Cách trích dẫn nguyên văn kết hợp với dẫn ý.

+ Dẫn những câu thơ ý thơ tiêu biểu cho vẻ đẹp tâm hồn dân tộc.

0,5
    * Đánh giá:

– Đoạn thơ đã để lại âm hưởng ca dao, dân ca đặc sắc nhưng không lấy lại nguyên văn mà sáng tạo làm nên một ý thơ riêng mềm mại, tài hoa và giàu tính triết lý.

– Điệp ngữ “Đất Nước” được nhắc lại nhiều lần cùng với việc nhà thơ luôn viết hoa hai từ “Đất Nước” tạo nên một tình cảm thiêng liêng xiết bao tự hào về non sông gấm vóc Việt Nam.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trình bày được 2 ý: 0,5 điểm.

– Học sinh trình bày được 1 ý: 0,25 điểm.

0,5
    d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

– Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0.25
    e. Sáng tạo

Hướng dẫn chấm: Học sinh thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ; biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0,5
    TỔNG ĐIỂM 10.0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *