Viết vài văn nghị luận phân tích cấu tứ và đặc sắc ngôn từ của bài thơ Trăng vàng trăng ngọc Hàn Mặc Tử

Văn mẫu lớp 11

Bài thơ Trăng vàng trăng ngọc

Hàn Mặc Tử

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh qui đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.

Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hòn Trăng.
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!

Đề bài: Viết vài văn nghị luận phân tích cấu tứ và đặc sắc ngôn từ của bài thơ trên.

Bài làm

        Chế Lan Viên từng nhận định: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”.Thật vậy, trong làng Thơ mới, Hàn Mặc Tử là thi sĩ có diện mạo thơ vô cùng phong phú, sáng tạo và đầy bí ẩn. Bên trong những vần thơ điên, thơ say, là một giọng thơ trữ tình, đằm thắm, thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết, khao khát tình người đến cháy bỏng .Trăng là một trong những thi phẩm ấn tượng của Hàn với cách cấu tứ độc đáo và ngôn từ đặc sắc.

“Túi nhà thơ có ba ngăn/Tứ-Từ- Tư đủ quanh năm tiêu sài”(Nguyễn Vũ Tiềm).Trong thơ Hàn Mặc Tử, người đọc luôn thấy đủ ba cả “tứ,từ tư”.Và đặc biệt, tứ thơ của Hàn luôn thật độc đáo và ấn tượng.

Với Trăng vàng trăng ngọc, tứ thơ khơi mở ngay từ nhan đề, thi nhân viết về trăng với tất cả niềm mê say, nâng niu, trân trọng.

Mở đầu bài thơ là lời rao bán trăng của Hàn Mặc Tử:

“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!

Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…

Bao giờ đậu trạng vinh quy đã

Anh lại đây tôi thối chữ thơ”

Trăng vốn là thi đề quen thuộc của thi nhân xưa, là biểu tượng cho cái đẹp tuyệt tích của cuộc đời. Với riêng Hàn Mặc Tử, một con người bạc mệnh, sớm bị dày xéo trong nỗi cô đơn, thì trăng là người bạn duy nhất, là ánh sáng của sự sống. Thế nhưng, trăng lại đi vào thơ Hàn Mặc Tử với một vóc dáng rất đời thường, trong tư thái hết sức bình dị: trăng được rao bán. Câu thơ mở đầu có 6/7 chữ là “Trăng” như một điệp khúc mãnh liệt: rao bán trăng. Điều này tưởng như vô lí nhưng cũng thật hợp lí bởi trăng là của chung trời đất cũng là của riêng mỗi người. Nhà thơ bán riêng mảnh răng của mình, bán trong niềm mê say cuồng dại: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”.

Nhưng vừa dứt lời rao bán nhà thơ lại nhanh chóng phủ định “không bán”, “không bán” ở đây là sự “đoàn viên”, là “ước hẹn hò”. Nhà thơ rao bán trăng, rao bán vẻ đẹp cuộc đời nhưng thực chất lại ngân nga lên tiếng lòng thủy chung. Bởi vốn dĩ trăng là vẻ đẹp của sự đoàn viên, là người bạn đồng hành, cũng là thi hứng của Hàn. Trăng lung linh huyền ảo, rọi sáng mảnh đất khô cằn, đơn côi nơi nhà thơ bị đày vào đó.

Sang khổ thơ thứ hai, tứ thơ lại chuyển ngoặt:

“Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hòn Trăng.

Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng

Tôi nói thiệt, là anh dại quá:

Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang”

Tác giả đã phủ định đầy mạnh mẽ: “tôi chẳng bán hòn Trăng”. Nhà thơ gọi Trăng là “hòn”, bởi đó là hình khối có thể chiếm hữu được, là vật riêng của nhà thơ. Và ý tứ rao bán kia cũng chỉ là một cuộc đùa vui, bởi “Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang”. Trăng là cái Đẹp, là cái Tình của Hàn, và bởi vậy mà đâu dễ bán? Nó phải được nâng niu, được gìn giữ thủy chung.

        Đến khổ thơ thứ ba, mạch thơ lại ổn định, nhà thơ dành trọn tình cảm cho trăng:

“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!

Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi

Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi

Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi

Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời”

Câu thơ đầu khổ lặp lại nguyên vẹn câu thơ mở đầu, là tiếng ca reo vui, hạnh phúc của nhà thơ khi có trăng bầu bạn, khi được tắm mình trong ánh trăng “trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi” chứ không còn là tiếng rao bán, gọi mời. Nhà thơ tự hào, hạnh phúc bên trăng. Hàn tự nhủ “Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi/Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi” như tiếng yêu thiết tha với trăng, với vẻ đẹp tinh khôi của cuộc sống nhưng thực chất lại đang cầu nguyện cho chính mình. Hàn là trăng mà trăng cũng là Hàn. Chủ thể đang hỗn loạn trong cảm xúc, đang đứt mảnh, rời rạc, có mảnh là trăng, có mảnh lại là “tôi”. Ở đó, ta thấy được khát khao sống, niềm tiếc đời,  nuối đời tỏa ra từ thơ Hàn, bởi nhà thơ cầu để Trăng được Rạng Ngời, để trăng được bất diệt, sáng mãi, cũng là để cho “tôi” được giao hòa cùng trăng trong sinh mạng vĩnh cửu.

Bài thơ kết thúc đột ngột trong một khổ thơ chỉ có một dòng duy nhất, trong lời gọi thảng thốt, ám ảnh về trăng:

“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!”

Cách kết thúc bằng khổ thơ chỉ có 1 câu đã phá vỡ cấu trúc của ba khổ thơ phía trên, phá vỡ chỉnh thể thơ 7 chữ. Chỉ 1 câu kết thúc đã làm nên sự đột phá, sự vùng vẫy thoát ra khỏi những thứ tưởng như cố hữu, cân đối. Cấu tứ độc đáo của bài thơ chính ở bố cục như vậy. Để qua đó, Trăng vàng trăng ngọc ấp ủ bao ánh trăng, trùng điệp bao giằng xé của trăng trong thơ ông, bao niềm khát sống, tiếc đời, lo âu, trăn trở.

       Về ngôn từ, bài thơ sử dụng gôn ngữ  có chất khẩu ngữ tự nhiên, mang tính tự sự, trần thuật nhưng vẫn giàu tính nhạc, giàu chất thơ. Đặc biệt ở bài thơ sử dụng ngôn ngữ đối thoại, mở ra một cuộc đối thoại trong tưởng tượng. Cả bài thơ là sự đan xen bao lời thoại: thoại với người khác và với chính mình.Mở đầu là lời đối thoại với người khác, ở đây là “khách mua”. Có lời rao bán “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”, có lời hẹn ước “bao giờ đậu trạng vinh quy đã”, thậm chí có cả lời điều kiện “không bán đoàn viên, ước hẹn hò” – tức tôi chỉ bán trăng, bán vỏ chứ không bán tình, bán nghĩa. Nhưng đến khổ hai, tứ thơ chuyển ngoặt đi liền với sự đổi thay trong lời thơ. Vẫn là lời đối thoại với “khách mua” nhưng không còn là lời rao, lời hẹn bán mà chỉ còn là lời mặc cả “Tôi chẳng bán hòn Trăng/ Tôi giả đò chơi anh tưởng rằng/ Tôi nói thiệt, là anh dại quá”, lời giải  thích cho sự đùa vui “Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang”. Khung cảnh đối thoại được tạo dựng, có đầy đủ cả người nói và người nghe.

Không chỉ có lời đối thoại, bài thơ cũng bao hàm cả những lời độc thoại của chính nhà thơ – tâm tình, tự nhủ với chính mình, với trăng. Thực chất, dù tổ chức lời đối thoại nhưng bài thơ không hề có người thứ ba – khách mua trăng mà chỉ có Trăng và Hàn Mặc Tử. Nhà thơ tự phân li, tự đối thoại và độc thoại để thể hiện cảm xúc của mình: chới với, mông lung giữa cõi mộng, khát khao giao cảm, khát khao hẹn ước giao lưu và thiết tha với trăng, với sự sống. Như thế, cả bài thơ là những cảm xúc đan cài, hỗn loạn được đẩy theo mạch vận động rất tự nhiên, chân thực và sâu sắc.Chính điều này tạo nên màu sắc hư ảo trong thơ Hàn Mặc Tử, đồng thời cũng làm cho bài thơ giống như một áng văn xuôi trải lòng. Đây là điều khá mới lạ làm nên sự thú vị với bạn đọc.

     Trăng vàng trăng ngọc thể hiện những nỗ lực cách tân của Hàn Mặc Tử trong vườn thơ Mới với giọng thơ trữ tình sôi nổi, mạnh mẽ và ngôn từ độc đáo, cấu tứ mới lạ.Thi phẩm là cuộc dạo chơi trong tưởng tượng của thi sĩ họ Hàn giữa vườn điên, vườn mộng. Ánh trăng bàng bạc phủ khắp bài thơ, dệt nên tình yêu trăng, yêu cuộc đời, lòng  khát sống cháy bỏng trong tâm hồn Hàn Mặc Tử.Bài thơ mang đậm một vẻ đẹp nhân văn đáng trân trọng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *