Đọc hiểu, Viết một đoạn văn phân tích cấu tứ của bài thơ “Ngược chiều” của Lê Cảnh Nhạc

Đề thi khối 11

NGƯỢC CHIỀU

 Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi bên dưới:

(…)

Những nấc thang vươn tòa tháp cao tầng
Trên đỉnh tháp hay trên vòm núi lửa
Xé hỏa diệm sơn điên cuồng phong tỏa
Nhằm hướng tiếng gào cầu cứu xông lên

 

Dòng người ngược chiều khựng lại lo âu
Hồi hộp dõi theo bóng người chìm tro bụi
Giữa cột khói điên cuồng man dại
Vật lộn hiểm nguy trong bão lửa ngút trời

 

Ngược chiều nỗi sợ
Ngược chiều những bước chân
Ngược chiều không gian
Nhưng trái tim đang nhằm cùng một hướng
Trận đánh cam go dẫu không tiếng súng
Đích đến của anh, hạnh phúc bao người.

(Ngược chiều, Lê Cảnh Nhạc,Nguồn http://vnca.cand.com.vn, 11/08/2022)

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn thơ, phương thức biểu đạt chính.

Gợi ý:

– Thể thơ: Tự do.

– Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.

Câu 2. Xác định nội dung chính của văn bản.

Gợi ý: – Nội dung chính:

+ Bài thơ miêu tả những người lính cứu hỏa dũng cảm, giàu đức hi sinh không màng hiểm nguy lao vào biển lửa, biển khói cứu người.

+ Qua đó, tác giả bày tỏ niềm cảm phục, sự trân trọng, niềm tự hào, sự biết ơn dành cho những người hùng thầm lặng trong cuộc chiến không tiếng súng.

(Lưu ý: Với kiểu bài phân tích nội dung chính của bài thơ/ đoạn thơ, HS cần thực hiện các bước sau: Xác định đối tượng trữ tình và nhân vật trữ tình; xem đối tượng trữ tình có những đặc điểm như thế nào?; Qua đó, nhân vật trữ tình đã bày tỏ tình cảm, cảm xúc như thế nào trước đối tượng trữ tình?)

Câu 3. Phân tích tác dụng các biện pháp tu từ trong các dòng thơ:

Ngược chiều nỗi sợ
Ngược chiều những bước chân
Ngược chiều không gian
Nhưng trái tim đang nhằm cùng một hướng

Gợi ý:

– Trong đoạn thơ tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ điệp từ “ngược chiều” lặp lại 3 lần cùng với phép đối lập “ngược chiều” – “cùng một hướng“; hình ảnh hoán dụ “trái tim” chỉ những người lính cứu hỏa và những người dân bị hỏa hoạn (lấy bộ phận chỉ toàn bộ).

– Tác dụng: Với việc kết hợp các biện pháp tu từ không chỉ giúp cho lời thơ thêm gợi hình, gợi cảm mà còn tạo nên âm hưởng dồn dập, gấp gáp rất phù hợp để miêu tả những bước chân vội vã của những người lính cứu hỏa đang lao vào biển lửa với tốc độ cao nhất để cứu người bị nạn. Đặc biệt, tác giả đã tạo ra phép điệp ngữ  khi từ “ngược chiều” nhắc đi nhắc lại tới ba lần, nhấn mạnh không khí căng thẳng, sự mạnh mẽ, dũng mãnh chạy đua với thời gian để mang lại bình yên và sự sống cho mọi người. Tác giả đã tạo ra cho người đọc chiều liên tưởng rất thú vị những bước chân người dân chạy ngược chiều với người lính cứu hỏa. Nếu như người dân chạy từ đám cháy, cột khói, nơi hiểm nguy chết chóc ra ngoài để đến nơi an toàn thì những người lính cứu hỏa lại chạy từ nơi an toàn vào nơi nguy hiểm để dập lửa, cứu người. Mặc dù là ngược chiều vật lí và ngược chiều của sự an toàn và hiểm nguy, nhưng cả người chạy nạn và người lính cứu hỏa cùng chung một hướng hướng tới bình an, sự sống. Nếu như người dân hướng đến bình an cho mình, thì người lính cứu hỏa lại hướng đến bình an cho người khác. Sự ngược chiều ấy đáng quý, đáng trân trọng biết bao bởi lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao và tình yêu thương nhân dân vô bờ bến.

(Lưu ý: Khi phân tích tác dụng bao giờ cũng có 3 tác dụng, phần này GV xem ở CHUYÊN ĐỀ: THƠ, TIẾNG NÓI CỦA TRÁI TIM)

Câu 4. Dòng thơ Đích đến của anh, hạnh phúc bao người trong đoạn thơ gợi anh (chị) suy nghĩ gì?

Gợi ý:

– Trước hết cần hiểu đích đến của những người lính cứu hỏa theo các cách sau:

+ Đích đến theo nghĩa thực: Đến các tòa nhà bị cháy, đến nơi nguy hiểm để dập lửa, cứu người.

+ Đích đến được hiểu theo nghĩa ẩn dụ: Mục đích anh đến là để mang lại sự bình yên, sự mang lại sự sống cho mọi người.

=> Cho nên ta hiểu câu thơ “Đích đến của anh, hạnh phúc bao người”: mục đích cao quý và ý nghĩa nhất của anh là mang lại bình yên, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà, cái đích ấy thật nhân văn và cao quý biết bao nhiêu. Từ đây, ta hiểu rằng, để có được hạnh phúc, có được sự bình yên là bao người đang lặng thầm hi sinh, âm thầm cống hiến thanh xuân, đối diện với hiểm nguy. Chính vì thế, caí đích đến đó thật cao cả đáng trân trọng. Vì thế, mỗi một hạnh phúc, bình yên ai đó đang mang lại cho ta đều đáng quý, đáng được nâng niu, trân trọng bằng cả tấm lòng. Vậy tại sao chúng ta không sống thật đẹp, thật ý nghĩa cho xứng đáng với sự hi sinh của bao người.

Câu 5. Đoạn thơ trên có ý nghĩa như thế nào đối với em?

Gợi ý:

+ Về nhận thức: Nhận thức được đầy đủ hơn tinh thần trách nhiệm, sự hi sinh cao cả, công việc hiểm nguy bất trắc của những người lính cứu hỏa.

+ Về tình cảm: Thêm yêu quý, kính trọng, cảm phúc, biết ơn đối với những người lính cứu hỏa dũng cảm, trách nhiệm.

+ Về hành động: sống thật đẹp, thật ý nghĩa, sẵn sàng dâng hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất, ý nghĩa nhất để làm nên những mùa xuân tươi đẹp cho đất nước, cho dân tộc.

(Lưu ý: Đối với câu hỏi này, HS cần xác định, ý nghĩa của một câu thơ/đoạn thơ cũng luôn tác động đến nhận thức, tình cảm, thái độ và hành động. => Đọc đoạn thơ, làm bừng tỉnh nhận thức, thay đổi thái độ và hạnh động thì đó là một đoạn thơ có nhiều giá trị và ý nghĩa.)

PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)

Câu 1 (2,0 điểm). Viết một đoạn văn phân tích cấu tứ của bài thơ “Ngược chiều” của Lê Cảnh Nhạc.

Gợi ý:

+ Ý tưởng đó được nhà thơ hiện thực hóa bằng cách khai thác từ hình ảnh thực tế khi nhận thấy bước chân ngược chiều giữa người dân – người lính cứu hỏa; nhưng đồng thời cũng nhận thấy sự đồng hướng khi cùng đích đến bình an.

– Cấu tứ đã khai thác mối quan hệ giữa người lính cứu hỏa và người dân trong sự đối lập, ngược chiều mà lại là một sự cùng chiều đến thú vị.

Người lính cứu hỏa Người dân
– Từ ngoài, nơi bình yên để lao vào biển lửa, hỏa diệm sơn cứu người.

– Bước chân người lính lao vào khói lửa những vững vàng, chăc chắn, không hề nao núng, run sợ.

– Người lính cứu hỏa hết lòng vì người khác => giàu lòng vị tha, giàu đức hi sinh.

– Người lính cứu hỏa đích đến là những hỏa diệm sơn, những nơi cháy dữ dội, lao vào nguy hiểm để tìm sự sống, để mang lại sự sống, sự an toàn.

– Cố gắng lao ra khỏi biển lửa để thoát thân, để tìm cho mình sự bình yên.

– Người dân trong bước chân loạn nhịp chạy ra khỏi đám cháy với tinh thần hoảng loạn, tim đập chân run.

– Người dân chạy ra khỏi đám cháy vì sự bình yên của bản thân mình

– Người dân đích đến là không gian bên ngoài bình yên để tìm đến sự sống, sự an toàn

 

=> Hai người chạy ngược chiều, nhưng lại có cùng một hướng đến sự sống, bình an; dẫu vậy ta vẫn thấy một cái hướng khác, hướng của người lính cứu hỏa đã lựa chọn, hướng vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh. Hướng của tinh thần trách nhiệm, hướng của lí tưởng sống cao đẹp. Hướng ấy là hướng đến sự sống bất tử vĩnh hằng => đáng trân trọng biết bao!

 

+ Từ đó, tác giả đã sử dụng phép điệp triệt để, phép so sánh, phóng đại, ẩn dụ  kết hợp với thể thơ tự do, phương thức biểu đạt biểu cảm và miêu tả để làm sao cho ý tưởng đó nổi bật, để hình tượng người lính cứu hỏa hiện lên thật đẹp, thật tráng lệ trong hiểm nguy rình rập.

Chính cấu tứ ấy đã quyết đinh mạch cảm xúc của bài thơ: từ âu lo khi nhìn thấy cột khói, nhìn thấy chung cư, nhà cao tầng như hỏa diệm sơn => hồi hộp chứng kiến những bước chân ngược chiều => cảm phục, trân trọng trước đích đến cao đẹp của những người lính cứu hỏa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *