Đề đọc hiểu, nghị luận Mùa hoa mận” của Mai Văn Phấn

Đề thi khối 11

MÙA HOA MẬN – Mai Văn Phấn-

Rừng nụ chờ em bước đến mới nở, điệp trùng hoa trắng lan nhanh.
Anh là cây mận trắng trong mưa xuân se lạnh, càng quay quắt nhớ hoa càng trắng muốt. Mắt nhìn, hơi thở rung rinh. Vầng hoa đang rụng bớt những cánh mỏng.
Mùa hoa lộng lẫy đến nghẹn thở. Em đi đừng e ngại làm đau mặt đất, dù những cánh hoa mong manh sẽ rụng.
Đồi núi úp lên nhau cho hoa nở. Hơi lạnh và gió nhẹ phủ đều. Anh hình dung con ngựa bạch đến bên em hiền từ cúi xuống.
Cứ mùa này đường đất mùa xuân, ta còn yêu nhau hoa còn nở.Nguồn: Vừa sinh ra ở đó, NXB Hội nhà văn, 2013

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)

Câu 1. Xác định thể thơ và đối tượng trữ tình trong bài thơ. (0,5 điểm)

Câu 2. Tìm 2 tính từ miêu tả vẻ đẹp của hoa mận. (0,5 điểm)

Câu 3. Em hiểu như thế nào về câu thơ “Mùa hoa lộng lẫy đến nghẹn thở. Em đi đừng e ngại làm đau mặt đất, dù những cánh hoa mong manh sẽ rụng”. (1,0 điểm)

Câu 4. Nhận xét tình cảm của tác giả dành cho thiên nhiên, quê hương, đất nước. (1,0 điểm)

Câu 5. Phân tích ngắn gọn cấu tứ của bài thơ. (1,0 điểm)

PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)

Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn khoảng 12 câu cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời Tây Bắc khi bước vào mùa hoa mận trong bài thơ “Mùa hoa mận” của Mai Văn Phấn.

Câu 2. (4,0 điểm): “Cứ mùa này đường đất mùa xuân, ta còn yêu nhau hoa còn nở.” Tình yêu thật kì diệu biết bao nhiêu, tình yêu đã làm cho những mùa hoa thêm đẹp hơn, đất trời thêm ấm nồng hơn.

Có ba quan điểm sau:

  1. Vừa học vừa yêu.
  2. Yêu đã rồi học sau.
  3. Học trước yêu sau.

Hãy viết một bài luận trình bày quan điểm của anh/chị về mối quan hệ giữa sự nghiệp học hành và tình yêu.

GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)

Câu 1. Xác định thể thơ và đối tượng trữ tình trong bài thơ. (0,5 điểm)

Gợi ý:

– Thể thơ: Tự do (căn cứ vào từ ngữ trong từng dòng thơ)

– Đối tượng trữ tình :Hoa mận/mùa hoa mận.

Câu 2. Tìm 2 tính từ miêu tả vẻ đẹp của hoa mận. (0,5 điểm)

Gợi ý:

– 2 tính từ miêu tả vẻ đẹp của hoa mận:  trắng muốt, mong manh

(HS cần huy động kiến thức về từ loại, nhớ khái niệm và biểu hiện của tính từ).

Câu 3. Em hiểu như thế nào về câu thơ “Mùa hoa lộng lẫy đến nghẹn thở. Em đi đừng e ngại làm đau mặt đất, dù những cánh hoa mong manh sẽ rụng”. (1,0 điểm)

Gợi ý: Về phần kĩ năng GV có thể xem các đề trước về kiểu bài trình bày cách hiểu: Đối tượng trữ tình được miêu tả hiện lên với những đặc điểm nào. Tình cảm của nhân vật trữ tình dành cho đối tượng trữ tình?

Mùa hoa lộng lẫy đến nghẹn thở: Ở câu thơ này HS cần căn cứ vào từ ngữ để trình bày cách hiểu: mùa hoa lộng lẫy => hoa rất đẹp, đẹp lộng lẫy => nó khiến cho thiên nhiên, núi rừng của quê hương đẹp hơn sang hơn, quyến rũ hơn. Đến nghẹn thở: tại sao lộng lẫy đến nghẹn thở => Cái đẹp quá lộng lẫy, người ta nhìn thấy bất ngờ, thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp đó => Kết hợp hai hình ảnh để nhấn mạnh vẻ đẹp rất đặc biệt, rất quyến rũ của mùa hoa mận => thể hiện thái độ trân trọng, tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, yêu quê hương của nhân vật trữ tình.

– Em đi đừng e ngại làm đau mặt đất, dù những cánh hoa mong manh sẽ rụng: Ở câu thơ này HS cần hiểu ngữ điệu cầu khiến “đừng”, phép nhân hóa “làm đau mặt đất” và mối quan hệ đối lập “dù” để thấy được lời động viên của anh (nhân vật trữ tình dành cho em) => thấy được cái đẹp, thái được thái độ trân trọng.

=> Cánh hoa mong manh sẽ rụng, sẽ phủ kín trên mặt đất, lúc này trên trời, dưới đất, trên cây chỉ có một màu trắng duy nhất, cái chất thơ mộng, trữ tình đã bao trùm, đã phủ kín thiên nhiên Tây Bắc, một vẻ đẹp đến nao lòng. Trước vẻ đẹp đó, ai đành nỡ dẫm lên những cánh hoa mỏng manh, tinh khôi như thế. Vậy mà anh động viên em đừng “e ngại” làm đau mặt đất, làm đau những cánh hoa. Phải chăng em cũng đẹp, cũng nhẹ nhàng, cũng mong manh, cũng đáng yêu như những cánh hoa mận mỏng manh đang rơi rụng. Em sẽ không thể làm đau được mặt đất, làm đau những cánh hoa kia. Bởi em nhẹ nhàng thế, em duyên dáng thế. => Câu thơ thật trìu tượng, thật đẹp: cái đẹp của con người, hòa với cái đẹp của thiên nhiên, của tình anh dành cho em. Chất thơ của thiên nhiên, núi rừng; của tình anh dành cho em đã quyện hòa tạo nên một vẻ đẹp khó cưỡng được.

(Lưu ý: Đối với những câu thơ hiện đại, giàu sức gợi này, để hiểu hết ý nghĩa sâu xa của nó, HS cần phát huy trí tưởng tưởng, mối tương giao giữa các sự việc, hiện tượng, con người để hiểu rõ hơn).

Câu 4. Nhận xét tình cảm của tác giả dành cho thiên nhiên, quê hương, đất nước. (1,0 điểm)

Gợi ý:

– Tình cảm của tác giả: Tình yêu thiên nhiên tha thiết, niềm tự hào về vẻ đẹp của quê hương đất nước.

– Tình cảm này xuất phát từ trái tim chân thành của một con người có tình yêu quê hương tha thiết, đắm say.

– Tình cảm đó được thể hiện rất rõ qua từng hình ảnh, từ ngữ giàu chất thơ, chất tạo hình; thể hiện đúng cái hồn của thiên nhiên Tây Bắc.

– Tình cảm đó làm cho bài thơ hay hơn, ý nghĩa hơn; giúp cho người đọc nhận ra được vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc, điều này khiến bài thơ chạm đến trái tim của đọc giả yêu thơ.

Ở kiểu bài này HS cần lưu ý:

– Đầu tiên HS phải gọi tên được cung bậc tình cảm (yêu, ghét, giận hờn, trân trọng, biết ơn…)

– Sau đó xem tình cảm này xuất phát từ đâu, mức độ tình cảm ra sao?

– Cách dừng từ ngữ, hình ảnh, giọng thơ góp phần thể hiện tình cảm đó như thế nào?

– Tình cảm đó có tác dụng gì đối với bài thơ? Đối với người đọc?

Câu 5. Phân tích ngắn gọn cấu tứ của bài thơ. (1,0 điểm)

Gợi ý:

– Mùa hoa mận thể hiện mối quan hệ giữa tình yêu lứa đôi trong vẻ đẹp của thiên nhiên, quê hương, đất nước.

– Cấu tứ của bài thơ được xây dựng theo phép đối xứng, sóng đôi: anh – là hoa mận nhớ em quay quắt hoa càng thêm trắng muốt: Nếu cái rét làm hoa đẹp đến nao lòng; thì nỗi nhớ của anh dành cho em cũng là thước đo cho một tình yêu đẹp; cái đối xứng, sóng đôi còn được thể hiện giữa em – với hoa mận: em và hoa đều đẹp, đều mỏng manh, nhẹ nhàng, trong sáng. Đồi núi úp lên – hoa nở; anh và em cùng yêu nhau, cùng tạo nên những mùa hoa.

=> Qua cấu tứ trùng điệp đó, tác giả không chỉ phác thảo lên bức tranh thiên nhiên thơ mộng, rộng lớn, tinh khôi chỉ bằng vài nét vẽ mà còn thể hiện sâu sắc tình yêu của anh dành cho em, chính tính yêu đó hoa sẽ nở mãi, sẽ góp phần tạo nên những mùa xuân tươi đẹp => tô điểm cho quê hương, đất nước.

– Cấu tứ được tổ chức rất kín, tinh vi, sự kết nối giữa hoa và anh, hoa và em, giữa tình yêu của anh và em với mùa hoa như một sợi chỉ trong suốt.

(Lưu ý: Để phân tích cấu tứ, HS cần nắm rõ khái niệm, ý đồ sáng tác; cách xây dựng kết nối các hình ảnh, các ý thơ theo các mối quan hệ nào? => HS có thể xem kĩ ở chuyên đề của thầy Huấn: CHUYÊN ĐỀ: THƠ, TIẾNG NÓI CỦA TRÁI TIM.)

PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)

Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn khoảng 12 câu cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời Tây Bắc khi bước vào mùa hoa mận trong bài thơ “Mùa hoa mận” của Mai Văn Phấn.

Gợi ý:

* Về hình thức: Đảm bảo cấu trúc của đoạn văn.

* Về nội dung: Vẻ đẹp thiên nhiên khi đất trời Tây Bắc bước vào xuân.

– Vẻ đẹp thơ mộng, lãng man, giàu chất thơ: hoa mận trắng muốt, lan nhanh trong tiết xuân se lạnh; cánh hoa mỏng manh rơi xuống đất => trên trời, dưới đất, trên cây phủ một màu trắng.

– Cảnh thiên nhiên hữu tình hơn khi xuất hiện con người; khi gắn liền tình yêu của anh và em.

– Vẻ đẹp này mang nét đặc trưng của núi rừng Tây Bắc khi đất trời vào xuân.

– Thái độ, tình cảm của tác giả đối với vẻ đẹp thiên nhiên đó.

– Nghệ thuật: Thể thơ, giọng thơ, hình ảnh thơ, các biện pháp tư từ

=> góp phần tạo nên một bức tranh thiên nhiên rất xuân tình, rạo rực và tinh khôi đến nghẹn thở.

Câu 2. (4,0 điểm): “Cứ mùa này đường đất mùa xuân, ta còn yêu nhau hoa còn nở.” Tình yêu thật kì diệu biết bao nhiêu, tình yêu đã làm cho những mùa hoa thêm đẹp hơn, đất trời thêm ấm nồng hơn.

Có ba quan điểm sau:

  1. Vừa học vừa yêu.
  2. Yêu đã rồi học sau.
  3. Học trước yêu sau.

Hãy viết một bài luận trình bày quan điểm của anh/chị về mối quan hệ giữa sự nghiệp học hành và tình yêu.

Gợi ý:

– Học sinh có thể chọn một trong 3 quan điểm được nêu trong đề bài.

– HS có thể bày tỏ những ưu và hạn chế khi yêu ở tuổi học trò.

MB: Khẳng định tình yêu là thứ tình cảm rất tự nhiên, chân thành và thiêng liêng của thế giới loài người; tuy nhiên yêu ở tuổi nào và yêu như thế nào là một điều đáng bàn với giới trẻ.

TB:

  1. Khái niệm tình yêu là gì?
  2. Những biểu hiện phong phú của tình yêu.
  3. Phân tích những lợi và hại trong tình yêu tuổi học trò:

– Tác dụng:

+ Yêu làm cho con người cảm thây vui vẻ, hạnh phúc có nhiều động lực hơn trong cuộc sống.

+ Khi yêu các bạn trẻ sẽ chín chắn hơn, trưởng thành hơn.

+ Khi yêu con người ta biết hi sinh, biết phấn đấu vì người khác.

+ Khi yêu, trái tim trở nên phong phú và giàu có hơn

+ Khi yêu con người sạch sẽ hơn, biết hoàn thiện về vóc dáng, tâm hồn, tính cách để xứng đáng với người mình yêu.

– Hạn chế khi yêu ở tuổi học trò:

+ Thường mất thời gian nhớ nhung, giận hờn nên sẽ chiếm khá lớn thời gian học tập.

+ Nếu giận hờn sẽ đờ đẫn, buồn chán không có thời gian để phát triển bản thân.

+ Tuổi này chưa chín chắn trưởng thành dễ chia tay; dễ có những lời nói và hành động làm tổn thương nhau.

+ Tuổi học trò yêu bằng trái tim nhiều lúc si dại, mù quáng nên nếu bị tác động tiêu cực dễ có hành động dại dột để lại những hậu quả nặng nề.

+ Ngày nay, một số bạn không được trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên nên có thể có những hành động đi quá giới hạn tình yêu tuổi học trò.

=> Chính vì những lẽ trên, yêu là lợi bất cập hại; không nên yêu sớm; dành thời gian để phát triển sự nghiệp; hoàn thiện nhân cách.

  1. Bàn luận: Cách hướng tới vun đắp xây dựng một tình yêu đẹp trong tương lai.

KB: Khẳng định lại quan điểm của cá nhân về tình yêu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *