Đọc hiểu bài thơ Mẹ của Trần Khắc Tám, cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Hoa mướp vàng

Đề thi khối 11

ĐỀ LUYỆN THI TN 2025 – THƠ TỰ DO

I – PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

MẸ

(Trần Khắc Tám)

Nghĩ về tuổi thơ làm sao quên

Những buổi chiều ngóng đợi

Bóng mẹ đi như chạy giữa cánh đồng

Năm ấy con mười hai tuổi

Mười hai tuổi khôn ngoan bằng đứa trẻ thời nay lên sáu

Con thơ ngây giờ nghĩ lại thấm buồn

Mẹ xuôi ngược chợ trên rồi chợ dưới

Buôn bán quanh năm một gánh trầu

Mẹ bán trầu mà ăn trầu héo

Quả cau con bổ sáu để dành

Con như mầm non vô tư lớn

Mẹ như cây năm tháng cứ già đi

Rồi hôm ấy nhẹ nhàng như chiếc lá

Mẹ ra đi khi đông đã cuối mùa

Con không hiểu thời mẹ là con gái

Mẹ ơi, có sung sướng gì không

Giờ hễ gặp trầu cau là ngỡ thấy

Mẹ vẫn cười hồn hậu trước mắt con…

(Tuyển tập thơ Việt Nam 1975 – 2000, tập III, NXB Hội Nhà văn, 2001, tr. 296 – 297)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn)

Câu 1. Chủ thể trữ tình trong bài thơ là ai?

Câu 2. Liệt kê các câu thơ có biện pháp tu từ so sánh.

Câu 3. Hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào trong đoạn thơ sau?

“Mẹ xuôi ngược chợ trên rồi chợ dưới

Buôn bán quanh năm một gánh trầu

Mẹ bán trầu mà ăn trầu héo

Quả cau con bổ sáu để dành”

Câu 4. Nhận xét về thái độ, tình cảm của nhân vật người con được bộc lộ trong bài thơ?

Câu 5. Qua văn bản, nếu nhân vật người con được nói một điều gì ý nghĩa nhất với mọi người thì theo anh/chị điều đó sẽ là gì? Giải thích ngắn gọn.

II – PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) để tìm hiểu vẻ đẹp của cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ sau:

HOA MƯỚP VÀNG

(Tô Thi Vân)

Áo nâu nón lá

Chiếc giỏ khoác vai

Ông lão xoè tay

Hoa mướp bay vàng chiều thu lặng

Xôn xao những cánh bèo

Mắt ông lão không chớp

Đấu cước trên tay quay vòng

Ngọn trúc vút lên

Những cánh vàng tả tơi rụng xuống

Sóng lan vòng hoảng hốt một chùm tăm

Mắt mùa thu xa xăm

Cành tre ngơ ngác gió

Bước chân êm cọng cỏ

Ông lão lầm lũi đi

 

Ông ơi! Ông về đâu?

Hoa mướp vàng đã nát

Ông ơi! Làng ông đâu?

Tiếng ếch giờ đã khác!

1993

(Tuyển tập thơ Việt Nam 1975 – 2000, tập III, NXB Hội Nhà văn, 2001, tr. 707 – 708)

Câu 2 (4,0 điểm)

Cuộc sống tốt đẹp hay tồi tệ chính là do cách bạn nhìn nhận về nó.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về cách nhìn cuộc sống đối với mỗi người.

—-HẾT—-

ĐÁP ÁN THAM KHẢO

I – PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1. Chủ thể trữ tình trong bài thơ:

– Là nhân vật “con”.

Câu 2. Các câu thơ có biện pháp tu từ so sánh:

– Bóng mẹ đi như chạy giữa cánh đồng

– Mười hai tuổi khôn ngoan bằng đứa trẻ thời nay lên sáu

– Con như mầm non vô tư lớn

– Mẹ như cây năm tháng cứ già đi

– Rồi hôm ấy nhẹ nhàng như chiếc lá

Câu 3. Hình ảnh người mẹ hiện lên trong đoạn thơ:

– Người mẹ vất vả “xuôi ngược”, tảo tần “quanh năm” với việc “buôn bán” khắp “chợ trên rồi chợ dưới”, tưởng như không có một phút nghỉ ngơi.

– Người mẹ dè dặt trong sinh hoạt, không dám ăn ngon chỉ ăn “trầu héo” để dành dụm, chắt bóp từng đồng.

=> Người mẹ là hiện thân của đức hi sinh.

Câu 4. Nhận xét về thái độ, tình cảm của nhân vật người con được bộc lộ trong bài thơ:

– Nhân vật người con đang rất nhớ mẹ, thấu hiểu sự vất vả và hi sinh của mẹ, thương mẹ cả đời cơ cực, và luôn in đậm hình ảnh người mẹ hiền hậu trong lòng.

– Đó là những tình cảm hết sức chân thành, sâu sắc từ một trái tim hết lòng biết ơn và kính yêu mẹ của mình.

Câu 5. Qua văn bản, nếu nhân vật người con được nói một điều gì ý nghĩa nhất với mọi người thì theo anh/chị điều đó sẽ là gì? Giải thích ngắn gọn.

– Thí sinh cần nêu được một điều ý nghĩa đối với người con và mọi người. Có thể tham khảo: hãy dành thời gian quan tâm, chăm sóc mẹ nhiều hơn; hãy biết chia sẻ và yêu thương mẹ nhiều hơn

– Giải thích hợp lí và thuyết phục

II – PHẦN VIẾT

Câu 1. Vẻ đẹp của cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ:

Tham khảo

– Cấu tứ của bài thơ được tổ chức theo mối quan hệ tương phản đối lập giữa động và tĩnh, giữa còn và mất.

+ Cái tĩnh được thể hiện từ lặng của chiều thu (lặng xa xăm, lặng ngơ ngác) rồi đến cái lặng trong hồn người (lặng xoè tay, lặng không chớp mắt, lặng lầm lũi đi rồi lặng im…biến mất).

+ Hình ảnh hoa mướp với sự thay đổi dần theo mức độ: bay ra từ bàn tay ông lão đến tả tơi rụng xuống rồi đã nát. Nát cũng chính là một trạng thái dần tan biến đi.

+ Nhân vật ông lão – hình tượng trung tâm – cũng không nằm ngoài sự còn – mất ấy: nếu như ở 3 đoạn thơ trên thì ông lão vẫn xuất hiện với những hành động cụ thể (xoè tay, quay cần, lầm lũi đi) nhưng sang đoạn thơ cuối thì ông lão chỉ còn trong những tiếng gọi, những câu hỏi. Nghĩa là ông cũng tan biến khỏi không gian kia.

Câu 2. Cuộc sống tốt đẹp hay tồi tệ chính là do cách bạn nhìn nhận về nó.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về cách nhìn cuộc sống đối với mỗi người.

Dàn ý tham khảo

I – Mở bài

– Dẫn dắt và nêu vấn đề nghị luận (cách nhìn cuộc sống).

Ví dụ:

Cuộc sống luôn là những ẩn số bất ngờ để chúng ta lựa chọn. Và tất nhiên, lựa chọn có thể đúng có thể không nhưng bạn không thể dừng lại ở lựa chọn đó mà vẫn cần tiếp tục. Khi đứng trước điều đó, cuộc sống tốt đẹp hay tồi tệ chính là do cách bạn nhìn nhận về nó.

II – Thân bài

  1. Giải thích khái niệm

– Cách nhìn cuộc sống có thể hiểu là quan điểm, cách suy xét của mỗi chúng ta trước những vấn đề cuộc sống mà ta gặp phải.

– Cách nhìn cuộc sống chi phối đến thái độ sống của chúng ta.

  1. Ảnh hưởng của cách nhìn đối với cuộc sống

– Khi nhìn cuộc sống một cách tích cực: mang tới cho ta nguồn năng lượng tích cực, thấy mọi thứ đều có cách giải quyết nhẹ nhàng, mọi điều xảy đến với ta đều là những bài học quý giá giúp ta có thêm động lực để vượt lên chính mình mà bước tiếp, sẽ luôn kết nối được với mọi người xung quanh để cùng hướng tới những điều tốt đẹp chung.

– Ngược lại, khi nhìn cuộc sống một cách tiêu cực: cảm giác chán nản, mệt mỏi, mất niềm tin vào mọi thứ rất dễ nảy sinh, khiến ta mắc kẹt trong những khó khăn, bế tắc dẫn tới những hành động thiếu sáng suốt rồi thất bại nối tiếp là điều không tránh khỏi.

  1. Dẫn chứng

+ Nick Vujicic sinh ra đã bị khuyết tật 2 tay chân nhưng nhờ có thái độ sống tích cực nên anh đã vượt lên chính mình mà trở thành người truyền cảm hứng nổi tiếng khắp thế giới.

+ Thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí, cô giáo Lê Thị Thắm là những người không may mắn như các bạn cùng trang lứa nhưng đã giữ thái độ tích cực nghị lực vươn lên và trở thành những thầy giáo, cô giáo viết bằng chân mang đến kiến thức cho biết bao lứa học sinh.

  1. Mở rộng

– Cách nhìn tích cực về cuộc sống không đồng nghĩa với “lạc quan tếu”, hời hợt, xem nhẹ mọi vấn đề.

  1. Bài học, liên hệ

– Mỗi chúng ta cần giữ thái độ lạc quan, cách nhìn tích cực với mọi thứ diễn ra xung quanh mình để cùng xây dựng các mối quan hệ và cuộc sống tốt đẹp hơn.

III – Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề nghị luận

Ví dụ:

Vậy cuộc sống tốt đẹp hay tồi tệ chính là do cách bạn nhìn nhận về nó. Cuộc sống không phải chỉ toàn hoa hồng nhưng cũng không phải chỉ có chông gai. Chúng ta hãy lựa chọn cho mình cách nhìn phù hợp, tích cực để đón nhận những điều ý nghĩa từ cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *