Đọc hiểu bài thơ Tiếng hát tháng giêng, NLXH Cuộc sống sẽ ra sao nếu trên thế gian này không còn tiếng hát

Đề thi khối 11

TIẾNG HÁT THÁNG GIÊNG – Y Phương

“Một năm mười hai tháng vận chuyển
bướm ong còn làm bạn với hoa
trai gái được đi về trẩy hội
nhiều bạn gái lo ít bạn trai
anh nói rõ họ tên em biết
đến mùa về trồng bắp trên nương
làm không kịp nhớ tìm em với”

Bài hát ấy già lắm rồi
từ khi có núi có đồi
có nền nhà mẹ cha đã hát
con sông Qui hiếm hoi
chở người sang dào dạt
tiếng hát trẻ mãi không già

Mùa xuân này mẹ cho tháng giêng
anh em ra chiến hào
chiến hào mới đào
đất bừng máu đỏ
hướng súng ngược chiều gió…
anh em tôi chia nhau tháng giêng
riêng câu hát phần em tất cả

Dẫu em qua một vùng đảo đá
đá lô nhô như sóng triều dâng
sóng có buồn? Sao núi bâng khuâng
quê tôi còn nghèo lắm

Đất nước mệt trăm miền giặc giã
cây cầu tre gánh lúa nuôi quân
chỉ có màu chàm ở lại với dân
tình cách mạng lúc nào cũng thắm
em gái tôi mới lớn
bài hát vui em hát suốt mùa đông

Sửa khăn áo đi em
câu hát tháng giêng cất vào hoa đá
đứng vững ở đây mà chiến đấu
tựa lưng vào màu đỏ chiến hào
ta nhất quyết không lùi
cả đất nước trong bàn tay ta giữ
câu hát này thiêng liêng lắm chứ
hát bây giờ còn để hát mai sau.

Nguồn: Báo Tiền phong, số ngày 15-3-1988

 

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)

Câu 1. Xác định đối tượng trữ tình và nhân vật trữ tình. (0,5 điểm)

Câu 2. Chép câu thơ có sử dụng biện pháp tu từ so sánh. (0,5 điểm)

Câu 3. “Bài hát ấy già lắm”, “tiếng hát ấy trẻ mãi không già”; em hiểu như thế nào về ý thơ này? (1,0 điểm)

Câu 4. Em có đồng ý với quan điểm “câu hát này thiêng liêng lắm chứ/hát bây giờ còn để hát mai sau” hay không? Vì sao?

Câu 5. Nhận xét về thái độ, tình cảm của tác giả dành cho quê hương đất nước. Thái độ đó có ý nghĩa như thế nào đối với anh/chị? (1,0 điểm)

 PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)

Câu 1 (2,0 điểm): Hãy viết đoạn văn theo cấu trúc diễn dịch (khoảng 200 chữ) để làm rõ vẻ đẹp của tiếng hát tháng giêng trong bài thơ cùng tên của Y Phương.

Câu 2 (4,0 điểm): Cuộc sống sẽ ra sao nếu trên thế gian này không còn tiếng hát?

Hãy viết bài văn nghị luận xã hội để trả lời cho câu hỏi trên.

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)

Câu 1. Xác định đối tượng trữ tình và nhân vật trữ tình. (0,5 điểm)

Gợi ý:

– Đối tượng trữ tình: tiếng hát tháng giêng (đối tượng trữ tình là đối tượng được miêu tả phản ánh trong bài thơ).

– Nhân vật trữ tình: là anh, em, là đôi ta (nhân vật trữ tình là chủ thể phát ngôn, chủ thể bày tỏ cảm xúc).

Câu 2. Chép câu thơ có sử dụng biện pháp tu từ so sánh. (0,5 điểm)

Gợi ý: Chú ý dấu hiệu của hình thức so sánh: A như B hoặc A là B, A:B (giữa A và B cần có nét tương đồng về hình thức, về phẩm chất)

– Câu thơ có sử dụng biện pháp tu từ so sánh là: đá lô nhô như sóng triều dâng

Câu 3. “Bài hát ấy già lắm”, “tiếng hát ấy trẻ mãi không già”; em hiểu như thế nào về ý thơ này? (1,0 điểm)

Gợi ý: Đây là kiểu bài trình bày cách hiểu về câu thơ: HS cần hiểu theo nghĩa hiển ngôn, hàm ngôn; hiểu nội dung chính của câu thơ và tình cảm của nhân vật trữ tình; hiểu được ý nghĩa của câu thơ.

– Trả lời:

+ Bài hát ấy già lắm: Nghĩa là khẳng định tuổi đời bài hát. Cụm tính từ “già lắm” nghĩa là bài hát có từ lâu, từ rất lâu đời rồi => qua lời khẳng định, nhân vật trữ tình bày tỏ niềm tự hào, sự trân trọng về sức sống bền lâu của bài hát.

+ Tiếng hát ấy trẻ mãi không già: Tiếng hát ấy trẻ mãi nghĩa là tiếng hát luôn trẻ trung, tươi mới, không mang dấu hiệu của tuổi tác vì tiếng hát ấy là tiếng hát của tình yêu, của tuổi trẻ nên tiếng hát ấy luôn toát lên sự trẻ trung. Hơn nữa, mỗi thế hệ, mỗi thời đại họ lại hát bài hát ấy bằng tuổi trẻ và tâm hồn của thời đại.

=> Tạo nên sự đối lập trong từ ngữ “già lắm” và “trẻ mãi” tác giả đã có những cái nhìn, cách cảm rất thú vị về những điệu hát truyền thống của quê hương đất nước. Qua đó, nhân vật trữ tình thể hiện thái đội trân trọng, niềm tự hào về “tiếng hát tháng giêng” mang hơi thở của mùa xuân, của tuổi trẻ.

Câu 4. Em có đồng ý với quan điểm “câu hát này thiêng liêng lắm chứ/hát bây giờ còn để hát mai sau” hay không? Vì sao?

Gợi ý:

– Đây là kiểu câu bàn bày tỏ qyan điểm đồng ý, hay không đồng ý. HS có thể đưa ra quyết định, sự lựa chọn cho riêng mình, nhưng cần có sự lí giải hợp lí, đúng chuẩn mực đạo đức xã hội.

– Ở câu này HS có thể chọn đồng ý. Sau đó, giải thích, phân tích lập luận để chứng minh câu hát “thiêng liêng” ở đâu => câu hát ấy tồn tại đến mãi mai sau.

Trả lời:

+ Em đồng ý với quan điểm: “câu hát này thiêng liêng lắm chứ/hát bây giờ còn để hát mai sau”.

+ Sở dĩ em đồng ý với quan điểm này bởi vì: Đây là câu hát tháng giêng, tiếng hát mang hơi thở của mùa xuân, của tình yêu đôi lứa. Hơn nữa, tiếng hát ấy “già lắm” nghĩa là đã ra đời rất lâu, đã được sống qua hơi thở tâm hồn của nhiều thế hệ. Tiếng hát ấy đã vượt qua sự kiểm chứng khắc nghiệt của thời gian để tồn tại, để trẻ trung, tươi mới đến tận hôm nay. Hơn nữa, tiếng hát ấy, còn gắn liền với con sông Qui, với thiên nhiên, núi đồi. Tiếng hát ấy là động lực, là sức mạnh trong những năm kháng chiến. Nó đã trở thành biểu tượng cho giá trị văn hóa, cho sức mạnh tinh thần. Vì thế, tiếng hát ấy rất thiêng liêng. Cho nên hát “hôm nay” cũng là cách bảo tồn, phát huy hết giá trị, sức mạnh của câu hát đến tận mãi “mai sau”.

Câu 5. Nhận xét về thái độ, tình cảm của tác giả dành cho quê hương đất nước. Thái độ đó có ý nghĩa như thế nào đối với anh/chị? (1,0 điểm)

Gợi ý:

– Đây là kiểu bài nhận xét về thái độ, tình cảm của tác giả. Trước hết HS xem thái độ, tình cảm gì? Mức độ biểu hiện ra sao? Nó xuất phát từ đâu? Nó có ý nghĩa như thế nào đối với bài thơ, với độc giả?

Trả lời:

– Bài thơ thể hiện thái độ trân trọng, tình yêu quê hương thiết tha, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.. Tình cảm được bộc lộ trong bài thơ rất chân thành, tha thiết và cũng vô cùng tinh tế. Tác giả không đi sâu miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên, phong tục tập quán, vẻ đẹp con người mà chỉ đi sâu khẳng định giá trị, sức sống của tiếng hát quê hương, tuy nhiên, chỉ từng ấy thôi, người đọc cũng đã cảm nhận được hết niềm tin, niềm tự hào về bài hát “già lắm”, tiếng hát “trẻ mãi” và “thiêng liêng” lắm. Đây là thứ tình cảm rất chân thành, xuất phát từ trái tim của một người con yêu quê hương, yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Chính thứ tình cảm này giúp cho lời thơ nồng nàn, thiết tha để chạm đến trái tim bạn đọc.

– Thái độ đó có ý nghĩa thiết thực đối với người đọc, nó bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước hoặc cách thể hiện tình cảm đối với quê hương.

PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)

Câu 1 (2,0 điểm): Hãy viết đoạn văn theo cấu trúc diễn dịch (khoảng 200 chữ) để làm rõ vẻ đẹp của tiếng hát tháng giêng trong bài thơ cùng tên của Y Phương.

Gợi ý:

– Cấu trúc: Diễn dịch (Câu chủ đề đầu đoạn cần đáp ứng yêu cầu về: tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận; câu cuối không được có tính chất khái quát, nâng cao, không dùng quán ngữ, ko dùng câu hỏi tu từ…)

– Nội dung: Vẻ đẹp của tiếng hát tháng giêng:

+ Bát hát có từ rất lâu đời “già lắm” => nhưng có sức sống mãnh liệt tiếng hát “trẻ mãi”.

+ Tiếng hát thiêng liêng bởi nó gắn liền với núi đồi, với quê hương, được chắt lọc qua bao tâm hồn của nhiều thế hệ. Chính vì thế, tiếng hát có chiều sâu văn hóa, chiều dài lịch sử và đã vang vọng khắp không gian của quê hương, núi đồi, sông Qui.

+ Tiếng hát tiếp sức mạnh tinh thần để vượt qua núi đồi nuôi quân, để kiên cường chiến đấu.

+ Tiếng hát còn có giá trị rất lớn cho đời sau.

– Nghệ thuật: Thể thơ tự do, giọng thơ say mê, thể hiện niềm tự hào; cách diễn đạt giàu hình ảnh theo đúng tư duy người miền núi; nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ được sử dụng khéo léo, hài hòa => Đã góp phần tạo nên “Tiếng hát tháng giêng” đầy say mê, cuốn hút.

Câu 2 (4,0 điểm): Cuộc sống sẽ ra sao nếu trên thế gian này không còn âm nhạc?

Hãy viết bài văn nghị luận xã hội để trả lời cho câu hỏi trên.

Gợi ý:

Đây là kiểu bài phân tích tầm quan trọng, ý nghĩa của âm nhạc đối với cuộc sống con người trên khắp thế gian. Ở dạng câu hỏi này, HS cần phân tích được vai trò, cũng như tưởng tượng ra sự thiếu hụt, mất mát khi thế gian không còn âm nhạc.

MB:

– Dẫn dắt: Có thể đưa ra một câu chuyện nói về sức mạnh kì diệu của tiếng hát.

– VĐNL: Cuộc sống sẽ ra sao nếu trên thế gian này không còn tiếng hát?

TB:

  1. Khái niệm và biểu hiện của âm nhạc:

– Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật dùng chất giọng, âm thanh để diễn đạt các cung bậc cảm xúc, tình cảm của con người. Nó gồm hai thể loại chính là thanh nhạc và khí nhạc. Thanh nhạc: Âm nhạc dựa trên lời bài hát để diễn tả, thể hiện ý tưởng, cảm xúc, tâm tư tình cảm.

– Âm nhạc là nghệ thuật đến từ âm thanh, âm thanh trong cuộc sống đã được con người diễn đạt, biến đổi thành âm nhạc.

– Còn theo nhạc viện Traicopxki, họ lại định nghĩa âm nhạc là gì rất đơn giản và dễ hiểu như sau: Âm nhạc là những âm thanh của cuộc sống được những người biết nhạc tập hợp, sắp xếp thành một lô gíc có cao độ, trường độ, tiết tấu theo chủ quan của tác giả để người nghe cho lọt lỗ tai.

  1. Vai trò của âm nhạc:

– Âm nhạc là thứ có ảnh hưởng rất tích cực đến đời sống của con người, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, nghe nhạc, đặc biệt là nhạc Baroque có tác dụng rất tốt trong việc kích thích sự phát triển của não bộ con người.

– Ngược dòng lịch sử, âm nhạc là sáng tạo vĩ đại nhất của loài người. Sáng tạo ở dạng tinh khiết và không pha loãng là định nghĩa thực sự của Âm nhạc. Đó là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta vì nó là cách thể hiện tình cảm cũng như cảm xúc của chúng ta.

– Một số người coi âm nhạc như một cách để thoát khỏi nỗi đau của cuộc sống. Nó mang lại cho bạn sự nhẹ nhõm và cho phép bạn giảm bớt căng thẳng. Nó là một liệu pháp mạnh mẽ giúp bạn bình tĩnh lại và trong khoảnh khắc vui vẻ, nó sẽ khiến bạn càng thấy sảng khoái hơn.

– Hơn nữa, nó phát triển trí óc và nâng cao sự tự tin của bạn đồng thời đóng một vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống của chúng ta hơn là một nguồn giải trí.

– Âm nhạc giúp ta sáng tạo: âm nhạc là sự sáng tạo ở dạng thuần túy nhất, vì vậy cũng có thể kết luận rằng nó là chìa khóa của sự sáng tạo. Nó giúp bạn cải thiện trí óc một cách mạnh mẽ bằng cách làm cho nó trở nên nghệ thuật và khéo léo hơn. Không cần biết, phát minh vĩ đại là gì, nó đòi hỏi nghệ thuật, sự sáng tạo và trí tưởng tượng được âm nhạc thực hiện.

– Giúp bạn thể hiện cảm xúc của mình: Khi bạn chơi một nhạc cụ nào đó, thì bạn thường chơi bản nhạc phản ánh suy nghĩ hoặc cảm xúc của chúng ta có buồn có vui và yêu đời. Bằng cách này, bộ não của bạn sẽ truyền tải những suy nghĩ bằng phương tiện âm nhạc mà không cần nói một lời nào.

– Giúp việc học trở nên dễ chịu hơn: Âm nhạc là một cách cực kỳ độc đáo để phát triển khả năng ghi nhớ. Ví dụ tốt nhất để chứng minh câu này là bạn có thể dễ dàng học bài hát hơn là học giáo trình. Lý do đằng sau việc học một bài hát nhanh chóng là tâm trí của bạn thích âm nhạc. Bất cứ điều gì tâm trí của bạn tận hưởng, nó sẽ lưu lại.

=> Có thể nói rằng, âm nhạc có sức mạnh thay đổi thế giới.

  1. Cuộc sống sẽ khủng khiếp nếu không có âm nhạc:

– Trái tim sẽ cằn cỗi, tâm hồn sẽ không cứng.

– Thế giới mất đi sự thi vị, lãng mạn.

– Con người sẽ mất đi một phương tiện rất hữu hiệu để thể hiện cảm xúc, bộc lộ tâm hồn.

– Có thể, không có âm nhạc, con người sẽ không thể xích lại gần nhau; khoảng cách các quốc gia sẽ mênh mông biết bao.

=> Chính vì thế, thật buồn ai nếu không thuộc một bài hát, không biết thưởng thức một giai điệu.

KB:

– Nói tóm lại, âm nhạc là rượu của thế gian, là thần hứng.

– Vì thế, hãy trân trọng thứ hương vị đặc biệt này để cuộc sống thi vị và lãng mạn hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *