Đề đọc hiểu, nghị luận 200 chữ Rồi ngày mai con đi của Lò Cao Nhum

Đề thi khối 11

RỒI NGÀY MAI CON ĐI – Lò Cao Nhum-

Rồi ngày mai con xuống núi

Ngỡ ngàng

Đất rộng, trời thấp

Bước đầu tiên

Con vấp gót chân mình.

 

Rồi ngày mai con xuống núi

Gặp phố phường ngã bảy, ngã mười

Gặp lòng người đỏ, vàng, đen, trắng

Mỗi lần vấp, một bước đi

Sẽ sực nhớ người thầy trên núi.

 

Bố mẹ cho con cán rìu, lưỡi hái

Vung một sải quang ba ngọn đồi

Nhưng chưa đủ mo cơm, tay nải

Trên đường xa về phía chân trời.

 

Người thầy ngồi lặng lẽ sương khuya

Áo cổ lông không ngăn được rét rừng như chích

Chăm giáo án như vun từng đốm than tí tách

Thắp lửa hồng ấm mãi tim con.

 

Ngọn lửa ấy là mo cơm khi đói

Là chiếc gậy con vịn đường mưa

Là ngón tay gõ vào chốt cửa

Phía sau kia rộng mở nụ cười.

 

Ngày mai con xuống núi

Cùng tay nải hành trang đầu tiên

Đi như suối chảy về với biển

Chớ quên mạch đá cội nguồn.

(LÒ CAO NHUM, Gốc trời, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009)

 

 

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)

Câu 1. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính. (0,5 điểm)

Gợi ý: Thể thơ tự do; phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.

Câu 2. Tìm những tính từ miêu tả màu sắc. (0,5 điểm)

Gợi ý: Đỏ, vàng, đen, trắng, hồng.

Câu 3. Nghĩa của các từ bôi đậm được hiểu trong ngữ cảnh của bài thơ như thế nào? (1.0 điểm)

* Lưu ý: Cách hiểu nghĩa của từ trong ngữ cảnh khác với hiểu theo từ điển. Chính vì thế, HS cần căn cứ vào bài thơ, hoàn cảnh sáng tác, các từ ngữ đi trước, đi sau, cùng với đối tượng được miêu tả để hiểu nghĩa của từ chính xác hơn.

– Vấp: trong câu thơ “Con vấp gót chân mình” đặt trong ngữ cảnh này => Vấp: sự hấp tấp, vội vàng nên vấp chính gót chân mình. Đó chính là vấp ngã, là thất bại đầu tiên trên đường đời rộng lớn.

– Ngã bảy, ngã mười: trong câu thơ “Gặp phố phường ngã bảy, ngã mười” => gợi phố phường có nhiều ngã rẽ, nhiều lối đi; phố phường giao thông rất phức tạp, giăng mắc chằng chịt. Ngã bảy, ngã mười cũng gợi liên tưởng khi đến phố phường có rất nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn nhưng cũng nhiều cạm bẫy, nhiều thách thức.

– Cán rìu, lưỡi hái: trong câu thơ “Bố mẹ cho con cán rìu, lưỡi hãi” được hiểu là cho con công cụ, phương tiện, dạy cho con những kĩ năng cơ bản để có thể mưu sinh, phát triển.

Câu 4. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong những câu thơ sau:

Người thầy ngồi lặng lẽ sương khuya

Áo cổ lông không ngăn được rét rừng như chích

Chăm giáo án như vun từng đốm than tí tách

Thắp lửa hồng ấm mãi tim con.

 

Ngọn lửa ấy là mo cơm khi đói

chiếc gậy con vịn đường mưa

ngón tay gõ vào chốt cửa

Phía sau kia rộng mở nụ cười.

 

– Chăm – vun: trong câu thơ “Chăm giáo án như vun từng đốm than tí tách” => Người thầy cần mẫn, chăm chỉ, tận tâm chăm chút, chăm sóc trong từng trang giáo án để có những bài dạy hay nhất, ý nghĩa nhất nhằm “vun” trồng ngọn lửa, nhen từng đốm than, đốm lửa trong lòng học trò.

– Thắp lửa: Truyền cảm hứng, tình yêu, niềm tin cho học trò.

– Ngọn lửa: Ngọn lửa tri thức, khát khao, tình yêu thương => Ngọn lửa đó được thầy truyền cho HS qua những trang giáo án, những bài học hay.

– Chiếc gậy, ngón tay: Đặt trong ngữ cảnh với các câu thơ của khổ trước, cũng như đặt trong mối quan hệ với hành động “Chăm giáo án” “thắp lửa” => tác giả đang so sánh “ngọn lửa” tri thức, khát khao, yêu thương mà thầy truyền cho học trò giống như “chiếc gậy” để con vịn trên đường đời nhiều giông bão, thách thức, giống như “ngón tay” giúp con mở được những cánh cửa tương lai, cánh cửa thành công.

=> Giúp cho lời thơ thêm gợi hình, gợi cảm. Khắc họa rõ nét vẻ đẹp cần mẫn, tâm huyết, yêu thương học trò của thầy, đồng thời khẳng định sức mạnh của kiến thức, tri thức, của những bài dạy của thầy. Qua đó, thể hiện thái độ yêu quý, tôn trọng thầy và đề cao tri thức của nhân vật trữ tình.

Câu 5. Thông điệp ý nghĩa nhất sau khi đọc xong bài thơ là gì? Tại sao em rút ra thông điệp đó?

Gợi ý:

– Thông điệp: Cần trân trọng tri thức/Tri thức là sức mạnh/Cần biết hướng về cội nguồn…

– Giải thích: HS phân tích vai trò ý nghĩa của thông điệp ra:

+ Nếu không có …. thì…

+ Nếu có…thì…

PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)

Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về lời nhắn nhủ của nhân vật trữ tình dành cho “con” trong bài thơ “Rồi ngày mai em đi” của Lò Cao Nhum.

* Yêu cầu:

– Hình thức viết thành đoạn văn 12 câu.

– Nội dung:

+ Bài thơ đã gửi gắm lời khuyên nhủ của nhân vật trữ tình với nhân vật “con”. Với tư cách của một người từng trải, nhân vật trữ tình đã đoán được những điều có thể xảy ra ra: bị vấp ngã, lạc lõng giữa ngã bảy, ngã mười hay ngỡ ngàng khi gặp lòng người đỏ, vàng, đen, trắng…

+ Để vượt qua được khó khăn, nhân vật trữ tình đã khuyên nhủ “con” hãy nhớ về những bài học đã được thầy dạy dỗ.

+ Những kiến thức ấy sẽ là hành trang đi theo “con” trong suốt cuộc đời, giúp đỡ trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Tất cả sẽ cùng theo “con” trong suốt cuộc đời, những điều bình dị nhưng lại mang ý nghĩa to lớn.

+ Dù có đi đâu, có thế nào con cũng không quên được cội nguồn.

=> Lời dặn tha thiết, sâu sắc

=> Thể hiện tình yêu thương, niềm tin tưởng tha thiết, mãnh liệt.

=> Lời dặn đề cao vai trò của người thầy, sức mạnh của tri thức, sức mạnh của nguồn cội quê hương và gia đình.

Câu 2 (4,0 điểm): Tri thức là sức mạnh. Trong thời đại nền kinh tế tri thức đang phát triển như vũ bão, mỗi người cần trau dồi tri thức, ứng dụng tạo ra những sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh.

Theo anh/chị bên cạnh tri thức, cần các yếu tố nào để đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như điều của Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi?

Gợi ý:

MB:

– Dẫn dắt vấn đề

– Nêu VĐNL: Bên cạnh tri thức cần rất nhiều yếu tố để đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

TB:

  1. Khẳng định sức mạnh của tri thức: là gốc dễ, là nền tảng then chốt của bất cứ quốc gia dân tộc nào muốn phát triển, xây dựng đất nước ngày càng phát triển hùng mạnh trong đó có Việt Nam.

– Tri thức: là những kiến thức, kĩ năng của nhân loại đã được đúc kết, lưu giữ và truyền lại ngàn đời nay. Tri thức vô cùng phong phú đa dạng, bao gồm nhiều lĩnh vực. Mỗi ngày tri thức của nhân lại càng được đưa thêm những kiến thức mới, những định lí, định luật, những phát minh, nghiên cứu mới. Chính vì thế, kho tri thức của nhân loại luôn mới mẻ, giàu có và càng giàu có hơn.

– Tri thức thực sự là sức mạnh, nếu tri thức được sử dụng, được ứng dụng vào cuộc sống, vào trong lao động sản xuất. Còn nếu không tri thức hầu như không có giá trị nếu học chỉ để lấy bằng cấp, lấy danh hão…

  1. Các yếu tố kết hợp để tri thức ngày càng đưa đất nước đi lên.

– Tư tưởng lãnh đạo, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước => tư tưởng là kim chỉ nam cho mọi hành động => Tư tưởng không thông bình tông vác không nổi => Tư tưởng đúng đắn thì có hướng đi sáng suốt, tư tưởng lớn sẽ tạo ra bước nhảy vọt; tư tưởng bảo thủ dẫn đến trì trệ, tư tưởng duy ý chí sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, tư tương sai lầm đi chệch hướng vạn dặm, cả trăm năm.

– Trí tưởng tưởng: đây là yếu tố rất cần thiết. Anh xtanh đã từng khẳng định “Tri thức thiếu trí tưởng tượng là tri thức chết”. Chỉ có tưởng tưởng mới có thể tạo ra những ý tưởng điên rồ, vượt thời đại.

– Tính kỷ luật trong học tập, lao động.

– Xây dựng và giáo dục lòng tự trọng, phát huy, khơi dậy lòng yêu nước.

– Hệ thống giáo dục chất lượng. Học đi đôi với hành, cần xây dựng nền giáo dục thực chất mang tính ứng dụng cao.

– Duy trì hệ thống pháp luật nghiêm minh, công bằng.

….

(Lưu ý: Ở kiểu bài này, HS đưa ra các yếu tố gì cần phân tích lí giải vai trò, tầm quan trọng)

  1. Bàn luận:

– Để tạo nên cốt lỗi của vấn đề từ gốc rễ là tri thức cho đến các phẩm chất tất cả từ giáo dục mà ra. Vì thế giáo dục là quốc sách. Chỉ khi giáo dục được lòng tự trọng, đề cao sự trung thực. Bởi lẽ, phá hủy một quốc gia dân tộc không cần bom nguyên tử mà chỉ cần thiếu trung thực trong học tập và thi cử.

– Phê phán những kẻ lười học, thiếu ý thức tự giác trong học tập; không hiểu được sức mạnh của tri thức.

– Liên hệ: là học sinh bản thân cần phải làm gì?

KB:

– Khẳng định lại sức mạnh của tri thức; tri thức không bao giờ dẫn đến thành công khi đi một mình, không khác gì người học bỏ quên mất bán cầu não phải. Vì thế, tri thức chỉ có thể kết hợp các yếu tố mới làm nên những điều kì diệu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *