Đề thi học sinh giỏi văn 11 : Chứng minh nhận định về thơ văn Tản Đà

Đề thi khối 11
ĐỀ ĐỀ NGHỊ
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

NĂM HỌC 2017 – 2018

 

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN LỚP 11

Thời gian 180 phút (không kể thời gian giao đề)

 (Đề thi có 02 trang)

 

CÂU 1 (8,0 điểm)

CÂU CHUYỆN VỀ BỐN NGỌN NẾN

Trong căn phòng đóng kín có bốn ngọn nến đang cháy sáng. Xung quanh yên lặng đến độ có thể nghe tiếng trò chuyện của các ngọn nến.

          Ngọn nến thứ nhất nói: Tên tôi là HÒA BÌNH, cuộc đời sẽ như thế nào nếu không có tôi? Tôi thực quan trọng cho mọi người.

          Ngọn nến thứ hai nói: Tên tôi là TRUNG THÀNH, hơn tất cả, mọi người đều cần đến tôi.

          Ngọn nến thứ ba nói: Tên tôi là TÌNH YÊU, hãy thử suy nghĩ cuộc sống sẽ thế nào nếu thiếu tôi. Tôi mới là quan trọng.

          Bất chợt một cậu bé chạy ùa vào phòng, mang theo một cơn gió làm tắt phụt ba ngọn nến kia. Sao lại thế này, cậu bé òa lên khóc. Lúc bấy giờ ngọn nến thứ tư mới lên tiếng:

 Đừng lo cậu bé, tôi vẫn còn cháy sáng. Một khi còn có tôi thì cậu vẫn có thể thắp lên HÒA BÌNH, TRUNG THÀNH và TÌNH YÊU. Tên tôi là HY VỌNG.

Từ câu chuyện ngụ ngôn trên, anh/chị hãy suy nghĩ về giá trị của hy vọng trong đời sống.

CÂU 2 (12,0 điểm)

Nhận định về nhà thơ Tản Đà, nhà phê bình văn học Lê Thanh cho rằng: “Ông Tản Đà là người thứ nhất và là người độc nhất của cái thế hệ ông đã làm sống lại cái hồn thơ Việt Nam đang hấp hối, tôi không muốn nói đến đã chết rồi. Ông ra đời đem cho chúng ta một thi sĩ thành thực dám ca hát cái đời sống của lòng; ông đã mơ mộng, đã chán đời, yêu đời, thiết tha với đời một cách tự do, ông đã dám ngông, dám có một bản ngã, dám công nhiên để cho cái trữ tình mê man của mình rải trong văn thơ. Ông đã sống một đời thi sĩ và đã có một tâm hồn thi sĩ” (Thi sĩ Tản Đà – 1939).

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng những hiểu biết về cuộc đời và thơ văn của Tản Đà, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

                  

————— Hết ——————-

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

NĂM HỌC 2017 – 2018

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN LỚP 11

 

 

Câu Nội dung Điểm
Câu 1 I. Về kĩ năng: Biết cách làm bài nghị luận xã hội. Lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.  
II. Về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng luận điểm phải rõ ràng, lí lẽ và dẫn chứng hợp lí. Khuyến khích bài làm có sự sáng tạo. Cần làm rõ được các ý chính sau:  
1. Giải thích

– Câu chuyện đề cập đến giá trị của hòa bình, lòng trung thành, tình yêu. Tất cả đều rất quan trọng trong cuộc đời.

– Song quan trọng nhất vẫn là hy vọng.

– Hy vọng là không mất niềm tin vào cuộc sống, dù khi tưởng đã cùng đường.

 

2.0
2. Bình luận

– Hy vọng là phẩm chất tinh thần quan trọng nhất đối với đời sống con người.

–         – Hy vọng giúp con người giữ vững và lấy lại niềm tin, nghị lực để tiếp tục sống, tiếp tục phấn đấu.

– Có hy vọng thì mọi điều tốt đẹp như hòa bình, lòng trung thành, tình yêu và nhiều thứ khác nữa sẽ được tìm thấy, nuôi dưỡng, củng cố.

4.0
3. Phản biện:

–         – Hy vọng không phải là niềm tin mù quáng vào số phận hay một sự chờ đợi mang tính may rủi.

–         – Hy vọng chỉ có giá trị đích thực khi xuất phát thực tiễn, từ nhận thức, từ năng lực, từ tôi luyện của con người. Thiếu tri thức, năng lực, khả năng chịu đựng thì khó lòng tìm thấy hy vọng.

1.0
4.Bài học nhận thức và hành động:

Từ việc nhận thức về tính đúng đắn của vấn đề, học sinh biết rút ra bài học thiết thực cho bản thân: dù cuộc sống khắc nghiệt có lúc  tưởng chừng không trụ vững, vẫn không được  đánh mất niềm tin và hy vọng.

1.0
  Tổng điểm 8.0
Câu 2 I. Yêu cầu chung: Hiểu đúng đắn vấn đề, nắm được cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng (cuộc đời và văn chương) để làm sáng tỏ vấn đề. Bài viết nêu được ý kiến riêng, có sức thuyết phục. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.  
II. Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:  
1. Giải thích ý kiến

– Tản Đà là người đầu tiên và duy nhất trong thế hệ ông đã làm sống lại hồn thơ Việt Nam đang hấp hối, lụi tàn để góp phần tạo ra diện mạo của văn học hiện đại ở thời kỳ sơ khai.

– Tản Đà là người dám công khai, phóng khoáng bộc lộ cái tôi độc đáo của mình một cách nhất quán xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp sáng tác (mơ mộng, chán đời, yêu đời, ngông ngang say đắm với đời và với tài năng cùng bản ngã của mình).

– Là người đã thật sự sống một đời sống thi sĩ và có một tâm hồn thi sĩ.

– Nhận định một mặt đánh giá đúng đắn vị trí của Tản Đà trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc. Mặt khác, cũng chỉ ra một trong những tố chất có tính tiên quyết làm nên sự thành công của một nghệ sĩ đó là tài năng phải đi liền với cái tôi cá nhân độc đáo.

5.0
3. Phân tích, chứng minh

a. Tản Đà là người đầu tiên và duy nhất trong thế hệ ông đã làm sống lại hồn thơ Việt Nam đang hấp hối, lụi tàn để góp phần tạo ra diện mạo của văn học hiện đại ở thời kỳ sơ khai.

– Bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam thời kì đầu thế kỉ XX: chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền suy tàn, các giá trị văn hóa tinh thần gắn với chế độ đó đang tiếp tục tàn lụi; chế độ tư bản chủ nghĩa gắn với sự xâm chiếm thị trường của thực dân Pháp đã hình thành và đang trở thành xu hướng chính, các giá trị văn hóa tinh thần phương Tây gắn với chế độ tư bản đã xâm nhập và bắt rễ vào đời sống xã hội Việt Nam và đang trong qúa trình thay thế các giá trị phương Đông.

– Trong bối cảnh đó, thi sĩ Tản Đà xuất hiện để đáp ứng các yêu cầu của thời đại trên lĩnh vực văn học – tư tưởng. Tản Đà là sản phẩm của thời đại và là một hiện tượng tất yếu của văn học sử Việt Nam trên tiến trình hiện đại hóa thơ ca.

– Tản Đà là người đầu tiên: trước Tản Đà, chưa có nhà văn nào sáng tác theo các nguyên tắc của chủ nghĩa lãng mạn.

– Tản Đà là người duy nhất: đương thời không có tác giả thứ hai song hành cùng Tản Đà trong thế giới văn học mới. Gần như chỉ mỗi một mình Tản Đà độc hành trên con đường của mình.

b. Tản Đà là người dám công khai, phóng khoáng bộc lộ cái tôi độc đáo của mình một cách nhất quán xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp sáng tác (mơ mộng, chán đời, yêu đời, ngông ngang say đắm với đời và với tài năng cùng bản ngã của mình).

– Trong con người, tâm hồn và sáng tác của Tản Đà dù ít nhiều còn lẩn khuất ảnh hưởng trung đại nhưng ông đã mang khá đầy đủ tính cách, tâm hồn và bản ngã một người cầm bút hiện đại.

– Tản Đà ý thức sâu sắc về tài năng, phẩm giá của bản thân nói riêng và của người nghệ sĩ nói chung. Bài thơ Hầu trời là bài thơ tập trung nhất thể hiện tư tưởng này.

– Trong thơ Tản Đà thấp thoáng một cái tôi đa tình. Nhà thơ tự nói về các mối tình có thật và tưởng tượng của mình, thứ tình yêu có tính chất lãng mạn tài tử giai nhân, không phải là thứ tình trong khuôn phép lễ giáo hướng tới hôn nhân. Nhưng cái tình của Tản Đà không bó hẹp trong tình yêu trai gái mà mở rộng ra thành tấm lòng, thành mối ưu tư của ông trước tình cảnh đất nước, trước thân phận con người.

c. Tản Đà là người đã thật sự sống một đời sống thi sĩ và có một tâm hồn thi sĩ.

Có thể xem ý cuối cùng này như một đúc kết đầy đủ và súc tích cho toàn bộ nhận định về nhà thơ Tản Đà của nhà phê bình Lê Thanh. Tản Đà là một nghệ sĩ đích thực và độc đáo về mọi phương diện. Sự nghiệp của thi sĩ đã góp phần quan trọng  vào sự phát triển của nền văn học dân tộc,  như Hoài Thanh đã trịnh trọng nói về ông: “Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kì đương sắp sửa”.

7,0
Tổng điểm 12.0

 

——— Hết ———-                                                      

GIÁO VIÊN RA ĐỀ

 

 

 

 

NGUYỄN THỊ BÍCH HIỀN

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *