Đề tham khảo kì thi THPT quốc gia môn văn 2019 số 29 Hồn Trương Ba da hàng thịt

Đề thi THPT Quốc Gia

CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM

 HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT (LƯU QUANG VŨ)

TỔ VĂN TRƯỜNG THPT THIÊN HỘ DƯƠNG

 Câu 1 (NB):  Nhận xét nào không đúng với đặc điểm nghệ thuật kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ)?

  1. Tinh thần nhân văn cao đẹp
  2. Tư tưởng triết học sâu sắc
  3. Khám phá đời sống ở bình diện thế sự
  4. Hình tượng có tính ẩn dụ, đa nghĩa

Câu 2 (NB): Cuộc đối thoại giữa Trương Ba và xác hàng thịt mang ý nghĩa gì?

  1. Con người phải sống chân thật, sống vì mọi người.
  2. Thân xác mượn với nhu cầu riêng và thói quen của nó sẽ làm biến đổi linh hồn.
  3. Sự bất tử của linh hồn
  4. Con người phải sống giả, không sống như mình muốn.

Câu 3 (TH):  Nỗi đau khổ của Trương Ba khi phải mang thân xác anh hàng thịt là gì?

  1. Trở nên xa lạ với người thân
  2. Trở nên thô lỗ vụng về, không thể làm điều mình yêu thích
  3. Không làm chủ được bản thân mình, trở nên một người khác
  4. Cả A, B, C

Câu 4 (TH): Ý nghĩa mối quan hệ giữa hình tượng hồn Trương Ba và xác hàng thịt trong “Hồn Trương Ba da hàng thịt”?

  1. Ẩn dụ về mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác con người
  2. Ẩn dụ về mối quan hệ giữa bản chất và hiện tượng
  3. Ẩn dụ về mối quan hệ giữa khát vọng và hiện thực
  4. Ẩn dụ về mối quan hệ tính cách và số phận

Câu 5 (TH):  Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích ở cuối đoạn trích, toát lên ý nghĩa gì?

  1. Người và thần tiên luôn luôn bất đồng quan niệm sống
  2. Cuộc nói chuyện giữa người thường và thần tiên
  3. Cuộc tranh luận về sự sống và cái chết
  4. Khát vọng sống đẹp, khát vọng tự giải phóng cho tâm hồn thanh cao, đó là khát vọng tự hoàn thiện nhân cách

Câu 6 (VD): Nhận xét nào sau đây nói đúng nhất về chiều sâu triết lý của vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt?

  1. Phải biết đấu tranh vì sự sống còn của bản thân
  2. Nếu có cơ hội được sống lại, hãy tận dụng
  3. Cuộc sống đáng quý thật nhưng không phải sống thế nào cũng được. Hạnh phúc chân chính của con người là được sống chân thật với mình và mọi người.

D.Hãy tồn tại bằng bất cứ giá nào.

ĐỀ TỰ LUẬN – HỒN TRƯƠNG BA DA HÀNG THỊT

– Họ và tên người soạn: TỔ VĂN

– Trường: THPT Thiên Hộ Dương

– Số điện thoại: ……………………………..

– Email: ……………………………………..

PHẦN ĐỌC HIỂU: 3.0 điểm.

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Chuyện kể rằng, có một con ếch vô tình nhảy vào nồi nước đang đặt trên bếp lò. Ban đầu, vì nước còn lạnh, chú ếch chưa cảm thấy nguy hiểm nên vẫn yên tâm ngồi yên trong nồi nước.

Khi nồi nước ấm dần lên, con ếch vẫn không có phản ứng gì. Tại sao ư? Vì nó đã dần thích nghi với nhiệt độ tăng dần trong nồi nước và chẳng hề hay biết sự sống của mình đang bị đe dọa.

Đến khi nồi nước bắt đầu sôi, con ếch mới cảm thấy không thoải mái và muốn nhảy ra nhưng lúc này đã quá muộn. Nó đã bị luộc chín trong nồi nước sôi sùng sục trước khi kịp nhảy ra khỏi đó.

(Trích: Quà tặng cuộc sống – nguồn Internet)

Câu 1 (NB): (0.5 điểm). Chỉ ra những điều gì khiến con ếch không cảm thấy nguy hiểm khi ngồi trong nồi nước?

Trả lời: Con ếch không cảm thấy nguy hiểm khi ngồi trong nồi nước là vì con ếch vô tình nhảy vào nối nước đang đặt trên bếp lò vì nồi nước lúc đầu còn lạnh.

 
Câu 2 (TH): (0.5 điểm).

 “Khi nồi nước ấm dần lên, con ếch vẫn không có phản ứng gì”.

Theo anh/ chị vì sao con ếch lại chết trong nồi nước?

Trả lời: Nguyên nhân khiến con ếch chết trong nồi nước: vì nó đã dần thích nghi với nhiệt độ tăng dần trong nồi nước và chẳng hề hay biết sự sống của mình đang bị đe dọa.

Câu 3 (TH): (1.0 điểm). Cái chết của con ếch cảnh báo điều gì cho chúng ta?

Trả lời: Nhiều người trong chúng ta luôn do dự, sợ phải thay đổi để rồi tự chết trong “nồi nước sôi” mà chính mình tạo ra.

Câu 4 (VD): (1.0 điểm). Cuộc sống vận động và thay đổi từng ngày, chính vì vậy, chúng ta cần đối diện, chấp nhận và thay đổi để đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho cuộc đời mình. Anh/Chị có đồng ý với quan điểm trên hay không? Vì sao?

Trả lời: Thí sinh viết được đoạn văn trình bày được suy nghĩ và việc làm của cá nhân. (Khuyến khích những đoạn sáng tạo có suy nghĩ tích cực).

PHẦN LÀM VĂN: 7.0 điểm.

Câu 1: (2.0 điểm). Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về bài học mà anh chị rút ra được cho bản thân mình.

Hướng dẫn chấm

Đảm bảo hình thức đoạn văn. (0.25 điểm)

Xác định đúng vấn đề nghị luận: Bài học của bản thân. (0.25 điểm)

Thí sinh vận dụng hợp lý các thao tác lập luận để triển khai vấn đề: (1.0 điểm)

Thí sinh cần phê phán thực trạng sống ngại thay đổi, chậm tiếp thu với cái mới của giới trẻ hiện nay. Từ đó, thí sinh rút ra bài học sống cho bản thân như: nếu đứng yên một chỗ, không sớm thì muộn bạn sẽ bị đào thải…

Sáng tạo: Thí sinh có những cái nhìn mới mẻ, có bài học sâu sắc … (0.25 điểm)

Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo yêu cầu về chính tả, dùng từ, đặt câu. (0.25 điểm).

Câu 2: (5.0 điểm).

Trong đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, nhân vật chị con dâu nói “nhà ta như sắp tan hoang ra cả… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, tất cả như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc con cũng không nhận ra thầy nữa… làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy chúng con xưa kia? Làm thế nào thầy ơi?” .

Anh chị hãy phân tích bi kịch của hồn Trương Ba trong đoạn trích để làm sáng tỏ câu nói trên.

 

HẾT.

Hướng dẫn chấm:

  1. Đảm bảo hình thức bài văn nghị luận văn học. (0.25 điểm).
  2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Bi kịch của hồn Trương Ba (0.5 điểm).
  3. Thí sinh vận dụng hợp lý các thao tác lập luận để triển khai vấn đề:

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề nghị luận. (0.5 điểm).

* Giải thích câu nói của chị con dâu: (0,5 điểm)

– Nói về sự thay đổi, tha hóa của hồn Trương Ba khi ở trong xác hàng thịt. Đó chính là bi kịch của nhân vật.

– Khát khao của chị con dâu (mà cũng là của người thân Trương Ba) về một người cha tốt lành, hiền hậu, vui vẻ như xưa.

* Phân tích bi kịch của hồn Trương Ba (2,0 điểm):

– Hồn Trương Ba tự ý thức được sự tha hóa của mình (qua cuộc đối thoại với  xác hàng thịt) => Bi kịch tha hóa

– Hồn Trương Ba đau khổ, tuyệt vọng khi bị người thân xa lánh, trách móc (trong cuộc đối thoại với những ngươi thân) =>  Bi kịch bị từ chối (tình thân).

– Hồn Trương Ba nhận thấy cái giá phải trả là quá đắt nếu sống cuộc sống không phải của mình (trong cuộc đối thoại với Đế Thích)  => Bi kịch khi không được là chính mình.

=> Bi kịch tha hóa dẫn đến bi kịch bị từ chối tình thân => đẩy mâu thuẫn kịch lên đến cao trào, buộc Hồn Trương Ba phải chọn lựa, hoặc chấp nhận cuộc sống giả tạo hoặc chết thật để được là chính mình.

 

* Nhận xét về ý nghĩa câu nói của chị con dâu: (0,5 điểm)

– Câu nói thể hiện nỗi lòng chân thành của người con dâu hiếu thảo đã phản ánh chính xác bi kịch của Trương Ba: trong cảm nhận của những người thân yêu, Trương Ba hiền hậu, vui vẻ, tốt lành ngày xưa càng mờ dần phía sau những biểu hiện thô lỗ phàm tục của thân xác đồ tể – nơi chứa đựng linh hồn ông.

– Sống nhờ sống gửi, sống chấp vá giả tạo là cuộc sống không ý nghĩa, không có giá trị. Nó chỉ mang lại đau khổ cho bản thân và những người xung quanh.

–  Ý nghĩa giáo dục:

+ Phê phán những người chạy theo ham muốn tầm thường về vật chất, đến mức trở nên phàm phu, thô thiển; những người lấy cớ tâm hồn là cao quý không chăm lo thích đáng đến đời sống vật chất không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn; tình trạng con người sống giả (từ thiên đình cho đến mặt đất không dám và cũng không được là chính bản thân mình…Đó là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hóa.(học sinh chỉ nêu một trong số các ý nghĩa phê phán)

+ Nhắc nhở con người luôn phải biết đấu tranh với cái ác trong chính bản thân mình để giữ gìn những giá trị tốt đẹp.

* Đánh giá chung vấn đề nghị luận (0.25 điểm).

  1. Sáng tạo: (0.25 điểm).
  2. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *