Đề tham khảo kì thi THPT quốc gia môn văn 2019 liên hệ người đàn bà hàng chài và Mỵ

Đề thi THPT Quốc Gia

ĐỀ TỰ LUẬN – CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

 “Mẹ ạ, nếu kiếp sau, con được chọn, con vẫn chọn là con của mẹ. Mẹ con ta cứ yêu thương và bù đắp cho nhau mẹ nhỉ? Ở trên này, con ít khi thành công lắm nhưng khi con mệt mỏi, con thất bại, con sắp gục ngã, con đã biết đi tìm mẹ…

            Mẹ ơi, hãy là một bà tiên hiền dịu và cho con một điều ước nhỏ nhoi đi mẹ. Con ước giản dị thôi, bà tiên ấy được sống lại với con một ngày, để con được chăm sóc – việc mà trước đây con chưa hề làm. Con sẽ không làm mẹ khóc đâu, con hứa. Và điều cuối cùng con muốn nói với mẹ rằng: “Con nhớ mẹ quá nhiều, nợ mẹ quá nhiều…. Kiếp sau, dù sao đi nữa, mẹ sẽ mãi là mẹ của con. Con thương mẹ nhiều!”

(Trích Thư gửi mẹ hiền – Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 9 – Báo dantri.com ngày 20/10/2016)

Câu 1 (NB): (0.5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên (0.5 điểm)

Trả lời: Văn bản đã cho được viết theo phương thức biểu đạt biểu cảm

Câu 2 (TH): (0.5 điểm). Anh chị hiểu thế nào về câu văn: “Ở trên đời này, con ít khi thành công lắm nhưng khi con mệt mỏi, con thất bại, con sắp gục ngã, con đã biết đi tìm mẹ…”

Trả lời: Nội dung của câu văn: Trên cuộc đời khi không còn mẹ, con từng trải qua thành công và nhiều thất bại, mệt mỏi và bi quan, tiêu cực, những lúc đó, con tìm đến mẹ, để được an ủi, chia sẻ và mong được mẹ chỉ bảo. Mẹ vẫn là chỗ dựa tinh thần vô cùng quan trọng của con, dù là trong suy nghĩ và tâm tưởng.

Có thể diễn đạt theo các cách khác nhau nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.

 

Câu 3 (TH): (1.0 điểm). Theo anh chị, vì sao bạn Anh Thư lại viết cho mẹ đã mất 2 năm trước của mình: “Con nhớ mẹ quá nhiều, nợ mẹ quá nhiều…”

Trả lời: Bạn Anh Thư viết như vậy hiểu là: Rất thương yêu và kính trọng mẹ, không lúc nào quên hình bóng mẹ yêu. Con nợ mẹ nhiều, hiểu là còn nhiều lỗi với mẹ: lời xin lỗi, lòng hiếu thảo, lòng biết ơn, chưa cố gắng trong mọi việc, chưa biết thương mẹ, chưa hiểu mẹ và thờ ơ, chưa quan tâm chăm sóc mẹ … Con làm mẹ lo lắng và buồn lòng

Câu 4 (VD): (1.0 điểm). Đoạn trích trên gợi cho anh chị điều gì tâm đắc nhất.

Trả lời: Đoạn trích trong đề bài, gợi nhiều điều tâm đắc nhất. Thí sinh có thể chọn và diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu một trong những điều tâm đắc nhất sau.

Tình yêu thương mẹ là thiêng liêng nhất.

Mẹ là quý nhất, mẹ là tất cả, không có ai bằng mẹ.

– Hãy biết sống hiếu thảo và yêu thương, kính trọng, chăm sóc mẹ.

– Điều đau khổ nhất, bất hạnh nhất là không còn mẹ.

– Hãy sống đúng phận làm con, đừng để mẹ lo lắng và khóc nhiều vì con.

– Hãy làm điều gì đó ngay cho mẹ vui, khi chưa muộn.

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1: . (2 điểm).  Anh chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về món nợ mẹ quá nhiều được bạn Anh Thư nhắc đến trong đoạn trích

Hướng dẫn chấm

Đảm bảo hình thức đoạn văn. (0.25 điểm)

Xác định đúng vấn đề nghị luận: Bài học của bản thân. (0.25 điểm)

Thí sinh vận dụng hợp lý các thao tác lập luận để triển khai vấn đề: (1.0 điểm)

Thí sinh có thể viết theo cách trình bày đoạn văn khác nhau nhưng cần làm rõ các gợi ý sau: Con nợ mẹ nhiều, hiểu là còn nhiều lỗi với mẹ: lời xin lỗi, lòng hiếu thảo, lòng biết ơn, chưa cố gắng trong mọi việc, chưa biết thương mẹ, chưa hiểu mẹ và thờ ơ, chưa quan tâm chăm sóc mẹ …Con làm mẹ lo lắng và buồn lòng.

 

Sáng tạo: Thí sinh có những cái nhìn mới mẻ, có bài học sâu sắc … (0.25 điểm)

Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo yêu cầu về chính tả, dùng từ, đặt câu. (0.25 điểm).

 

Câu 2: (5 điểm). Cảm nhận của anh/chị về nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu. Từ đó, liên hệ đến vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài.

Hướng dẫn chấm:

  1. Đảm bảo hình thức bài văn nghị luận văn học. (0.25 điểm).
  2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: (0.5 điểm).
  3. Thí sinh vận dụng hợp lý các thao tác lập luận để triển khai vấn đề:

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề nghị luận. (0.5 điểm).

* Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu (2.0 điểm):

Giới thiệu chung: Là nhân vật chính, có vai trò quan trọng với việc thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Nhân vật này được khắc hoạ sắc nét, theo lối tương phản giữa bề ngoài và bên trong, giữa thân phận và phẩm chất.

Một số vẻ đẹp khuất lấp tiêu biểu (hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn):

+ Bên trong ngoại hình xấu xí, thô kệch là một tấm lòng nhân hậu, vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh.

+ Phía sau vẻ cam chịu, nhẫn nhục vẫn là một người có khát vọng hạnh phúc, can đảm, cứng cỏi.

+ Phía sau vẻ quê mùa, thất học lại là một người phụ nữ thấu hiểu, sâu sắc lẽ đời.

* Liên hệ đến vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài. (1.0 điểm):

– Sự tương đồng: Cả hai nhân vật đều bị hành hạ, ngược đãi cùng cực, là nạn nhân của đói  nghèo, thất học.

– Nét khác biệt

+ Mị : có sức sống tiềm tàng để vùng lên giải phóng cho chính mình  và góp phần giải phóng buôn làng thoát khỏi cuộc sống nô lệ, tối tăm.

+ Người đàn bà hàng chài: cam chịu, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, trải đời, giàu đức hi sinh.

  • Lý giải và đánh giá

+ Giống: Hình ảnh người phụ nữ truyền thống Việt Nam chịu thương, chịu khó.

+ Khác: Mị là nạn nhân của chế độ thực dân, địa chủ, phong kiến miền núi. Người đàn bà hàng chài là nạn nhân của tình trạng đói nghèo và thất học.

* Đánh giá chung vấn đề nghị luận (0.25 điểm).

Sáng tạo: (0.25 điểm).

Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm)

– Họ và tên người soạn: ĐẶNG THỊ BÍCH PHƯƠNG

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *