Đề thi HSG Tất cả những gì gây xúc động với niềm vui, nỗi buồn, thú say mê, sự đau khổ kết lại và tạo nên thơ

Đề thi khối 10
SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO NINH BÌNH

 

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

LƯƠNG VĂN TỤY

 

ĐỀ ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHU VỰCDUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

NĂM HỌC  2017-2018

Môn: NGỮ VĂN 10

Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể giao đề)

(Đề thi gồm 02 câu trong01trang)

 

Câu 1 (8,0 điểm)

Bill Gates từng nói:

Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó”.

Suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề đặt ra từ câu nói trên.

 

Câu 2 (12,0 điểm)

Tất cả những gì gây xúc động với niềm vui, nỗi buồn, thú say mê, sự đau khổ …kết lại và tạo nên thơ.” ( Bi-ê-lin-x-ki).

Anh(chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy bình luận và chứng minh qua một tác phẩm mà anh (chị) tâm đắc nhất trong chương trình Ngữ văn 10 nâng cao.

 

……………………………………Hết…………………………………….

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH BÌNH

 

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

LƯƠNG VĂN TỤY

 

ĐỀ ĐỀ XUẤT

ĐÁP ÁN ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHUVỰCDUYÊN HẢI ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

NĂM HỌC 2017-2018

Môn: NGỮ VĂN 10

(Đáp án gồm 04trang)

 

Câu 1 ( 8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội , bài viết có bố cục rõ ràng, các luận điểm, luận cứ xác đáng, vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ…, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng bài làm cần đạt được những ý cơ bản sau:

1.Giải thích:

– Câu nói của Bill Gates gồm hai vế, vế một đưa ra hiện trạng, vế hai đưa ra giải pháp.

– Vế 1: Hiện trạng cuộc sống vốn không công bằngà Cuộc sống luôn luôn tồn tại những điều không hợp lí, không đúng với lẽ phải, những điều bất công, ngang trái.

– Vế 2: Giải pháp hãy tập quen dần với điều đóà Những bất công trong cuộc sống không phải dễ dàng chấp nhận. Để chấp nhận thực tế con người phải “ tập dần”, phải nhìn nhận nó như một điều tất yếu của cuộc sống.

àCâunói của Bill Gates đã đưa ra một lời khuyên bổ ích về cách sống: Cuộc sống luôn tồn tại những trái ngang, những bất công, nhưng con người phải biết chấp nhận, biết thích nghi, biết đương đầu với nó để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

2.Bình luận, chứng minh.

* Tại sao cuộc sống vốn không công bằng?

+ Xét từ phương diện triết học: Tất cả các sự vật hiện tượng đều được tạo nên từ các mặt đối lập,cuộc sống cũng vậy. Công bằng và không công bằng chính là hai mặt đối lập của cuộc sống, luôn tồn tại song song và sẽ mãi là bản chất của thế giới.

+ Xét từ phương diện xã hội:  Cuộc sống được tạo nên từ muôn vàn con người, từ muôn vàn mối quan hệ khác nhau. Mỗi người có một hoàn cảnh sống, một khả năng, một trí tuệ, một sở thích, một vị thế khác nhau ( người giàu, kẻ nghèo; người hạnh phúc, kẻ khổ đau; người thông minh, kẻ đần độn; người xinh đẹp, kẻ xấu xí…). Những điều nói trên không phải chỉ do con người tạo ra mà đôi khi nó nằm ngoài khả năng quyết định của con người.

*Tại sao phải tập quen dần với điều đó?

+ Nếu không tập quen, không xem sự bất hợp lí của cuộc sống như một điều vốn có, tất yếu thì con người sẽ trở nên buồn chán, suy nghĩ tiêu cực, sẽ tự loại mình ra khỏi xã hội, ra khỏi cuộc sống cộng đồng.

+ Quá trình sống luôn là một quá trình thích nghi vì thế để có thể tồn tại con người phải tập cho mình những thói quen cần thiết. Một trong số đó là phải biết chấp nhận những điều khiếm quyết, những điều không công bằng, những điều bất hợp lí của xã hội, của người khác và của chính mình.

*Nói Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó không có nghĩa là thấy bất công mà ta bàng quan, nhẫn nhịn. Con người luôn phải nỗ lực, cố gắng đấu tranh để cuộc sống ngày càng công bằng hơn, tốt đẹp hơn.

( Học sinh có thể sử dụng kiến thức thực tế để chứng minh vấn đề).

*Phản đề có thể hướng tới ba đối tượng:

+ Những người nhìn đời toàn màu hồng , toàn điều tốt đẹpà viển vông, phi thực tế.

+ Những người nhìn cuộc đời toàn bất công, ngang trái à sống bi quan, chán nản.

+ Những người vừa thấy bất công đã lùi bước, không biết vươn lên.

3.Bài học nhận thức, hành động.

– Nếu coi không công bằng là chuyện vốn có của cuộc sống thì mỗi người phải luôn tạo cho mình một tâm thế sống linh hoạt, tích cực, sáng tạo để cải thiện tốt nhất những bất hợp lí của cuộc sống. Phải biết tìm sự công bằng trong chính sự không công bằng để bản thân không rơi vào trang thái sợ hãi, chán nản.

– Những người trẻ tuổi không nên ngồi một chỗ để oán trách sự bất công, ngang trái mà phải suy nghĩ xem mình có thể giải quyết được vấn đề gì cho tương lai của cá nhân và xã hội để đẩy lùi ngày càng nhiều hơn những “ không công bằng” của cuộc sống.

III. Cách cho điểm:

Điểm 7 – 8: Đảm bảo được đầy đủ các yêu cầu, nghị luận có sức thuyết phục, diễn đạt có cảm xúc, có thể mắc một vài lỗi nhỏ.

Điểm 5 – 6: Đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu ; nghị luận tương đối có sức thuyết phục, không có sai sót lớn về diễn đạt.

Điểm 3 – 4: Tỏ ra hiểu vấn đề; biết cách làm bài nghị luận xã hội, tuy vậy bài viết còn sơ sài về nội dung hoặc mắc nhiều lỗi.

– Điểm 1 – 2: Hiểu vấn đề lơ mơ; mắc quá nhiều lỗi.

 

Câu 2 ( 12,0 điểm).

Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề văn học. Thí sinh cần phát huy năng lực cảm thụ tác phẩm kết hợp các thao tác giải thích, chứng minh, so sánh, tổng hợp, vận dụng kiến thức lí luận văn học về đặc trưng thơđể giải quyết vấn đề.

– Bài làm có bố cục rõ ràng chặt chẽ, diễn đạt có chất văn; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng bài làm cần đạt được những ý cơ bản sau:

1.Giải thích:

Những gì gây xúc động: Tác động tâm lí để tạo nên cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ.

Niềm vui, nỗi buồn, thú say mê, sự đau khổ: Những cung bậc cảm xúc của con người.

àBêlinxki khẳng định: Cội nguồn của cảm hứng thi ca chính là tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ. Các cung bậc cảm xúc là yếu tố quan trọng để kết lại và tạo nên thơ. Ý kiến của nhà phê bình đã đề cập tới vai trò của tình cảm trong thơ, một trong những vấn đềcơ bản nhất của đặc trưng thơ.

  1. Bình luận.

– Tại sao cảm xúc lại có vai trò quan trọng như vậy ?

+ Thơ là thể loại tiêu biểu nhất của phương thức nghệ thuật trữ tình. Tính trữ tình chính là đặc trưng nổi bật nhất của thơ. Vấn đề mà các thể loại trữ tình quan tâm không phải là nhân vật, sự kiện, cốt truyện mà là thế giới nội tâm sâu kín của con người. Thế giói nội tâm ấy lại là sự kết tạo của vô vàn cảm xúc.

+ Bất kì một thi phẩm nào cũng phải được khơi nguồn từ những xúc cảm. Xúc cảm là yếu tố đầu tiên tạo nên thi hứng, kích thích nhà thơ sáng tạo. Xúc cảm cũng là nhân tố trực tiếp xây dựng nên hình tượng thơ. Người làm thơ khi sáng tạo nếu thiếu đi cảm xúc thì chỉ là “ người thợ làm những câu có vần chứ không làm được nhà thơ”. Thiếu cảm xúc tác phẩm sẽ trở nên gượng ép, vô vị.

àTình cảm chính là điểm cốt lõi, là sinh mệnh của thơ.

-Thiếu đi tình cảm sẽ không thể có thơ hay nhưng thơ không phải là sự bộc lộ tình cảm một cách bản năng. Tình cảm trong thơ phải là thứ tình cảm đã được ý thức, được siêu thăng, được lắng lọc qua cảm xúc thẩm mĩ. Nó thường là những tình cảm cao đẹp, thấm nhuần bản chất nhân văn.

3.Chứng minh.

Học sinh có thể lựa chọn bất kì bào thơ nào trong chương trình Ngữ văn 10 nâng cao để phân tích, chứng minh. Khi phân tích phải tập trung làm nổi bật các vấn đề:

-Thi hứng của bài thơ được nảy sinh từ cảm xúc nào?

-Những cung bậc cảm xúc tác giả thể hiện qua thi phẩm?

  1. Bình luận mở rộng, nâng cao vấn đề.

– Ý kiến của Bêlinxki đã đề cập tới vấn đề cơ bản nhất của thơ. Tuy nhiên để tạo nên một thi phẩm hay không chỉ cần có cảm xúc mà còn cần nhiều yếu tố khác nữa: ngôn từ, kết cấu, việc vận dụng các thủ pháp tu từ…

– Khẳng định vai trò của tình cảm trong thơ có rất nhiều ý kiến tương đồng ý kiến của Bêlinxki. “ Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim” ( Đuy -bơ -lây); “ Thơ là sự sung mãn của tình cảm mãnh liệt” ( Ban – dắc); “ Thơ là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh thần” ( Phương Lựu)…

– Bài học cho người sáng tạo và người tiếp nhận.

III. Cách cho điểm:

Điểm 10 – 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu; văn viết có cảm xúc; có thể còn mắc một vài lỗi nhỏ. (Khuyến khích những sáng tạo của học sinh)

– Điểm 7 – 9: Trình bày đủ ý; diễn đạt trôi chảy, không mắc sai sót lớn về kiến thức và diễn đạt.

Điểm 4 – 6: Tỏ ra hiểu vấn đề; biết cách nghị luận, diễn đạt được.

Điểm 1 – 3 điểm: Còn lúng túng về phương pháp nghị luận; viết chung chung sơ sài.

– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn.

——————Hết—————-

Người ra đề: Tạ Hoàng Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *