Phân tích nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm Am cu-ly xe của tác giả Thanh Tịnh

Đề thi khối 11

Phân tích nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm Am cu-ly xe của tác giả Thanh Tịnh

I. Mở bài:

– Dẫn dắt, giới thiệu tác giả, tác phẩm.

– Nêu vấn đề nghị luận.

II. Thân bài:

1.     – Khái quát tác giả, tác phẩm:

– Giới thiệu thêm về tác giả, tác phẩm: Văn của Thanh Tịnh thường nhẹ nhàng, trong sáng, thiết tha và êm dịu.

Tóm tắt nội dung chính của truyện: Câu chuyện xoay quanh cuộc sống nghèo khổ của hai ông cháu mù làm nghề lái xe. Ông cu li già vốn mù lòa và gầy gò yếu ớt nhưng vì mưu sinh kiếm sống, ông phải hằng ngày làm nghề kéo xe vất vả. Chạy theo ông chỉ đường là đứa cháu nội đáng thương lên mười tuổi. Cuộc sống vất vả nhưng cũng tạm đủ sống, cho đến khi có xe lửa, người dân không ai đi xe của ông, phần vì có xe lửa rồi, phần vì nhìn hai ông cháu đáng thương, chiếc xe lại rách nát nên ông ế khách. Vì thương ông nên đứa cháu đã đặt một hòn đá lên xe giả làm khách để ông chở đi, nhưng trong cái đêm giá lạnh, đau buồn, và đói rét ấy, người ông già yếu đã chết trong tiếng khóc thảm thiết của đứa cháu. Truyện kết thúc là hình ảnh hàng đêm vào lúc mười một giờ khuya, người dân làng đều thấy một cái bóng xe tay loáng thoáng chạy về phía làng Thanh Trúc. Và sau đó người dân làng quyên tiền để xây miếu để xây cái am cho người kéo xe “linh hiển”.

– Qua câu chuyện nhà văn bộc lộ sự xót thương cho những kiếp người khốn khổ trong xã hội. Xây dựng truyện thành công không thể không kể đến nghệ thuật kể chuyện tài tình của nhà văn Thanh Tịnh.

2. Phân tích đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện:

2.1.  Tác phẩm thành công trong việc tạo tình huống truyện

* Xác định tình huống truyện: ông già mù kéo xe ế khách, đứa cháu thương ông nên đặt tảng đá lên xe cho ông kéo; khi biết sự thật, vì buồn,  già yếu, đói rét, ông già mù đã chết.

* Nghệ thuật xây dựng tình huống:

Tạo nên một tình huống éo le khi đặt nhân vật vào hoàn cảnh éo le: nhân vật làm nghề kéo xe chở khách mà già yếu, bị mù, phải có cháu nhỏ dẫn đường; chiếc xe rách nát; khách thương hại nên không ngồi xe, xe ế; cái chết thảm thương của ông già mù.

Tạo nên một tình huống bất ngờ thông qua hành động, lời thoại nhân vật: câu hỏi bất ngờ của ông già mù “tiền mô đưa cho ông” và sự thật trong hành động của cháu: đặt tảng đá lên xe để ông kéo vì thương ông.

– Tình huống truyện được triển khai qua kết cấu truyện trong truyện với ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện được nghe câu chuyện và kể lại; ngôn ngữ giàu cảm xúc, có chất thơ; kết hợp yếu tố miêu tả sinh động…

* Đánh giá ý nghĩa của tình huống:

+ Góp phần khắc họa nhân vật trung tâm là ông già mù với cảnh ngộ éo le, số phận thảm thương.

+  Góp phần khắc họa nhân vật người cháu: cảnh ngộ đáng thương, có tấm lòng hiếu thảo.

+ Thể hiện niềm thương cảm của nhà văn đối với những người lao động nghèo trong xã hội thực dân nửa phong kiến.

+ Cho thấy tài năng của nhà văn Thanh Tịnh trong thể loại truyện ngắn.

2.2. Ngôi kể và điểm nhìn:

Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi” nhưng lại không phải là người tham gia trực tiếp vào câu chuyện, mà là được nghe người dân vùng Thanh Lương và Hương Cần kể lại.

Điểm nhìn: từ bên ngoài, giúp khắc họa cuộc sống, và diễn biến tâm lý của từng nhân vật. Từ đó giúp bộc lộ thái độ của nhà văn trước cuộc sống khốn khổ của hai ông cháu.

(HS lấy dẫn chứng về số phận và diễn biến tâm lý của nhân vật ông và người cháu trong truyện để làm sáng tỏ)

 2.3. Ngôn ngữ kể chuyện:

– Ngôn ngữ nhẹ nhàng, mộc mạc, mang chất trữ tình.

– Giọng văn tinh tế, thiên về lời kể và không có nhiều cao trào nhưng lại những cảm xúc sâu lắng trong lòng bạn đọc.

 2.4. Đánh giá chung:

Nghệ thuật sử dụng yếu tố kì ảo giúp tăng sức hấp dẫn và giảm đi phần nào không khí bi thương trong tác phẩm.

– Thông qua nghệ thuật kể chuyện giúp góp phần bộc lộ tư tưởng, chủ đề của nhà văn: sự thương cảm cho những mảnh đời, số phận bất hạnh trong cuộc sống.  Từ đó thấy được tài năng của nhà văn Thanh Tịnh trong thể loại truyện ngắn.

– Truyện cũng đặt ra bài học: cần quan tâm đến số phận của con người, khơi gợi sự đồng cảm giữa con người với con người.

III. Kết bài: Khái quát lại vấn đề và khẳng định sức sống của tác phẩm.

Bài văn

Tác giả Thanh Tịnh (1911-1988) được người đọc yêu mến qua thơ và truyện ngắn. Truyện ngắn của ông mang đầy phong vị Huế và tạo riêng cho ông một thi pháp văn xuôi độc đáo. Là một nhà thơ lãng mạn, Thanh Tịnh đã mang vào truyện ngắn chất trữ tình sâu lắng. Đọc những truyện ngắn của Thanh Tịnh, người ta thường ít chú ý đến cốt truyện mà chỉ nhớ cái không khí, cái dư vị quyến luyến ngọt ngào, có pha chút ngậm ngùi buồn thương. Cảm giác ấy lắng sâu trong tâm hồn người đọc và cùng với cảm giác đó là một âm hưởng buồn buồn thấm thía qua những trang văn.

Tác phẩm xuất xứ trong tập văn và đời của tác giả Thanh Tịnh được nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản năm 2011. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống nghèo khổ của hai ông cháu mù làm nghề lái xe. Ông cu li già vốn mù lòa và gầy gò yếu ớt nhưng vì mưu sinh kiếm sống, ông phải hằng ngày làm nghề kéo xe vất vả. Chạy theo ông chỉ đường là đứa cháu nội đáng thương lên mười tuổi. Cuộc sống vất vả nhưng cũng tạm đủ sống, cho đến khi có xe lửa, người dân không ai đi xe của ông, phần vì có xe lửa rồi, phần vì nhìn hai ông cháu đáng thương, chiếc xe lại rách nát nên ông ế khách. Vì thương ông nên đứa cháu đã đặt một hòn đá lên xe giả làm khách để ông chở đi, nhưng trong cái đêm giá lạnh, đau buồn, và đói rét ấy, người ông già yếu đã chết trong tiếng khóc thảm thiết của đứa cháu. Truyện kết thúc là hình ảnh hàng đêm vào lúc mười một giờ khuya, người dân làng đều thấy một cái bóng xe tay loáng thoáng chạy về phía làng Thanh Trúc. Và sau đó người dân làng quyên tiền để xây miếu để xây cái am cho người kéo xe “linh hiển”. Qua câu chuyện nhà văn bộc lộ sự xót thương cho những kiếp người khốn khổ trong xã hội. Xây dựng truyện thành công không thể không kể đến nghệ thuật kể chuyện tài tình của nhà văn Thanh Tịnh.

 

Trong tác phẩm “Am cu ly xe” của Thanh Tịnh, có nhiều tình huống được xây dựng tinh tế, bao gồm cả tình huống tâm lý, tình huống hành động và tình huống nhận thức. Tình huống tâm lý, tác giả tận dụng tình huống tâm lý để phác họa động lực, sự phát triển và đổi mới trong tâm hồn của nhân vật, từ đó làm sâu sắc hơn câu chuyện. Nhân vật chính, người mù lái xe đối mặt với những trăn trở, mất mát trong quá khứ, tạo nên tâm lý phức tạp. Cuộc hành trình qua những con đường khó khăn, trải qua những buồn vui đau khổ, luôn yêu thương và tạo ra những điều để người khác không buồn phiền “ khi vắng khách, người cháu đã lấy hòn đá làm giả người khách để ông mù của mình an tâm, bớt đi sự lo lắng”. Tình huống hành động giúp tạo ra động lực cho câu chuyện, thách thức nhân vật và tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho độc giả. Tình huống nhận thức xuất hiện làm nổi bật thông điệp, ý nghĩa, đồn thời giúp độc giả hiểu biết hơn về nhân vật. Các nhân vật chính: cậu bé, người ông mù lái xe dần dần nhận thức về bản thân, về những người xung quang và về ý nghĩa của cuộc sống thông qua những trải nghiệm và gặp gỡ. Các tình huống này không chỉ tồn tại độc lập mà liên kết tạo nên một bức tranh hài hòa, phong phú về mặt nghệ thuật, sự kết hợp linh hoạt giữa hành động, tâm lý, nhận thức giúp tác phẩm trở nên đa chiều, sau sắc và góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật cho tác phẩm “Am cu ly xe”.

Điểm nhìn của truyện từ bên ngoài, giúp khắc họa cuộc sống, và diễn biến tâm lý của từng nhân vật. Từ đó giúp bộc lộ thái độ của nhà văn trước cuộc sống khốn khổ của hai ông cháu.Trong truyện Thanh Tịnh không đi sâu miêu tả tận cùng tình cảnh khốn khó mà chủ yếu là cách hành xử và thái độ của con người trước đời sống thực tại, từ đó hướng tới bộc lộ nội dung tư tưởng của tác phẩm. Từ điểm nhìn bên ngoài để nói về những giá trị nhân bản là một cách quan sát và thể hiện trường thẩm mĩ hiệu quả nhất mà người nghệ sĩ này lựa chọn. Điểm nhìn bên ngoài đã đem đến cho tác phẩm của hai nhà văn những trang viết giàu tính thẩm mĩ.

Truyện ngắn Am cu ly xe có kết cấu truyện lồng truyện, tác giả sử dụng theo mạch kể giao tuyến trong nhau, mở ra nhiều hơn một đơn vị tổ chức. Lối kết cấu này cần thỏa mãn các giới hạn mở cho các vai chủ thể diễn xuất linh hoạt trong nhiều trường tương tác khác nhau, người đọc được chứng kiến nhiều tổ hợp mang tính đa chủ thể trong phối kết hợp tạo sinh ý nghĩa cho câu chuyện kể. Kết cấu như vậy khiến cho nội dung tư tưởng sâu sắc hơn.

Ngôn ngữ trong truyện nhẹ nhàng, mộc mạc, mang chất trữ tình. Giọng văn tinh tế, thiên về lời kể và không có nhiều cao trào nhưng lại những cảm xúc sâu lắng trong lòng bạn đọc.Thanh Tịnh viết về những cảnh đời nghèo khó, những mối tình éo le, vô vọng, giọng văn của ông rưng rưng, nghẹn ngào trong niềm thương cảm, xót xa; mỗi câu, mỗi trang như một tiếng thở dài xao xác. Cũng là nỗi lòng nhân ái, sẻ chia chân tình nhưng văn Thanh Tịnh nhỏ nhẹ, trầm lắng. Nhưng đằng sau giọng nhỏ nhẹ đó là cả một cõi lòng mang nỗi buồn man mác, bâng khuâng

 

Nghệ thuật sử dụng yếu tố kì ảo giúp tăng sức hấp dẫn và giảm đi phần nào không khí bi thương trong tác phẩm. Thông qua nghệ thuật kể chuyện giúp góp phần bộc lộ tư tưởng, chủ đề của nhà văn: sự thương cảm cho những mảnh đời, số phận bất hạnh trong cuộc sống.  Từ đó thấy được tài năng của nhà văn Thanh Tịnh trong thể loại truyện ngắn. Truyện cũng đặt ra bài học: cần quan tâm đến số phận của con người, khơi gợi sự đồng cảm giữa con người với con người.

AM CU LY XE

                               -Thanh Tịnh-

Mới nghe qua tên am (1), tôi đã tưởng họ bông đùa. Nhưng không, người kể cho tôi nghe nói với giọng nghiêm chỉnh lắm. Cái am ấy nhỏ bằng vôi dựng trên bờ sông Bồ thuộc về làng Thanh Trúc. Trong am chỉ đặt một bát lư hương và cặp đòn con bằng gỗ tiện. Trước cửa am có che một bức sáo xanh kẻ chữ thọ màu hồng. Cách am năm bước có cái mồ đắp lên cao. Ngôi mả của người cu-ly (2) xe.

Chuyện am này ở hai vùng Thanh Lương và Hương Cần ai cũng biết. Họ thường kể cho người lạ nghe với một giọng chắc chắn đáng tin. Ðược dịp kể nhiều nhất là bà bán quán gần am đấy. Và khách qua lại muốn được nghe chuyện chỉ việc uống một bát nước chè hay ăn vài đĩa xôi đậu. Bà quán kể lâu quá thành có duyên và lắm đoạn nghe xuôi như đọc thuộc lòng.

Ga Văn Xá làm lễ lạc thành (3) xong thì sau đó hai tuần một người mù đem chiếc xe tay đến đón khách. Ðó là một cái xe thảm khổ nhất. Ruột hai bánh độn rơm và trần xe đã thủng nhiều chỗ. Khổ hơn nữa là người kéo xe mù lại già, đầu tóc bạc phơ, người gầy gò và trán hói. Theo đúng đường và biết tránh người đi là nhờ đứa cháu nội lên mười chạy dìu phía trước. Rồi ngày bốn buổi, hai ông cháu lên ga Văn Xá đón khách về huyện Quảng Ðiền. Ðời tuy vất vả nhưng có kẻ thương tình nên cũng đủ sống. Lệ thường cứ mỗi vòng được năm xu. Hai ông cháu ngày nào cũng kiếm được một vài hào đủ tiêu dùng, cơm cháo.

[…]Từ ngày có xe lửa, dân mấy vùng quê ai cũng thèm đi. Họ cốt đi để mua vui thôi. Ði bộ đối với họ lúc ấy là một chuyện phiền. Nhưng được người kéo xe khoẻ mạnh thì chẳng nói gì. Ðằng này lại khác. Bước chân lên xe người mù già, thì người khổ chưa hẳn là người phải kéo xe mà thật ra là người được ngồi. Huống chi ở đây lại phải chịu cái tội trông một đứa trẻ chạy không kịp thở, ngã tới vờn lui, theo bước chân của một ông già yếu đuối. Nên nhiều người thương hại không muốn đi xe. Nhưng lòng nhân đạo càng ban truyền ra, người kéo xe mù lại càng túng thiếu. Rồi sau chỉ những người ốm hay già yếu lắm – thỉnh thoảng có vài người say rượu – mới bước lên xe của hai ông cháu. Lắm người không đi, chỉ gửi vài bao hành lý họ cũng trả tiền hẳn hoi. Nhưng hạng người này hiếm lắm. Ðợi năm sáu chuyến tàu mới gặp được một người.

Tối đến, hai ông cháu thường ngủ trong một cái mui thuyền đặt khum khum trên bờ sông. Sáng mai ba giờ đã phải dậy. Vì phải đợi khách bên huyện Quảng qua sông đi chuyến tàu bốn giờ.

[…]Xe độ ấy ế vô cùng. Và gặp cái xe trần thủng, nước tát vào như dội, khách cũng thấy chán không buồn đi. Và đêm nào lên ga đợi chuyến tàu suốt chín giờ, hai ông cháu cũng dẫn xe về không.

[…]Một đêm trung tuần tháng chạp, chuyến xe suốt lại trễ mất ba giờ. Lúc ấy, vào giữa đêm. Nghe tàu đến, hai ông cháu đã mừng thầm trong bụng. Một lát sau, con tàu đã bắt đầu sục sịch chạy, người kéo xe vẫn chưa nhận thấy có tiếng bước chân nào khỏi ga. Ông hỏi cháu nhưng thằng bé đã lẩn đi ngả nào, Ông chắc nó đang đứng đón khách ở sân ga nên định bụng chờ. Mấy phút sau, đứa bé trở về, ông già mù cảm thấy hình như có một người bước lên xe. Ðứa bé nói với giọng run run:

– Ông ơi, có người lên đó. Ông chạy đi.

Thế rồi hai ông cháu dìu nhau chạy về phía sông Bồ, qua những quãng đường lầy lội và dưới dòng mưa đêm lạnh giá.[…]. Ðến bên đò làng Thanh vào khoảng một giờ khuya. Gió ngoài thổi vào lạnh như cắt thịt. Ðứa cháu sắp dắt ông vào mui thuyền thì như nghi ngại điều gì, người kéo xe mù đã cất tiếng hỏi:

– Tiền xe mô đưa cho ông?

Ðó là một câu hỏi bất ngờ vì mấy lần trước có bao giờ ông hỏi đến đâu. Hay cũng hỏi cho biết số, chứ chưa lúc nào ông định giữ lấy. Ðứa cháu run lẩy bẩy, lúng túng rồi bỗng ôm mặt khóc. Chỉ nghĩ thoáng qua người kéo xe mù đã hiểu ra lẽ thật. Có gì đâu, không thấy khách và muốn ông nó vui lòng, thằng bé đã bê một tảng đá nặng đặt lên nệm xe và dìu ông nó chạy.

Trí non nớt của nó có ngờ đâu mấy năm lao khổ trong nghề, ông nó phân biệt rất tinh tường người ngồi và vật đặt khác nhau nhiều lắm. Nhưng ông nó vẫn chạy, vì mù quáng, vì đói rách nên lòng vẫn hy vọng những chuyện không bao giờ có được.Và biết ra thì thêm khổ. Thấy cháu khóc, ông cũng nức nở theo.

Rồi giữa đêm lạnh, phần già yếu, phần đau buồn, phần đói rét, ông gục xuống dần rồi lăn ra chết ngất.

Ðứa bé sợ thất thanh la hét nghe đứt ruột. Nhưng gió của trời thét mạnh hơn và tiếng nó đành chịu rã rời bay lạc giữa đêm mưa tầm tã. Bên kia sông, huyện Quảng Ðiền xa quá. Chỉ còn vài ngọn đèn dầu chập chờn trong xóm quê đen tối. Con đò đã cắt đường qua lại từ lâu, không đem được lòng từ thiện của bến kia qua bao trùm nỗi thảm thương của bờ nọ.

Sáng mai đi chợ Thanh Lương, khách qua đường thấy trên bờ sông vắng một đứa trẻ thơ đang ngồi khóc thảm thiết bên cạnh một người già nua đã chết cứng đờ.Dân quanh xóm thương tình, người ít kẻ nhiều dồn nhau lại mua cái hòm mới và chôn cất người kéo xe già tử tế.

Về sau đêm nào cũng như đêm nào, vào khoảng mười một giờ khuya, sau chuyến tàu suốt ra Bắc một giờ, những người ở quanh vùng đó đều thấy một cái bóng xe tay loang loáng chạy về phía làng Thanh Trúc. Người làm giữa ruộng dưới đêm trăng, các em mục đồng và cả sư cụ chùa Linh Hải đều nhận thấy nhiều lần. Và giữa đêm mưa lạnh ông từ làng Thanh Trúc còn nghe thấy cả tiếng nhạc xe trước cổng đình nữa…

Người ta bàn tán và nói rất nhiều. Lúc ấy, làng Thanh Trúc được kiện nên cho thuyền đưa khách qua lại như cũ. Gặp lúc vui dân làng liền quyên tiền để xây cái am cho người kéo xe “linh hiển”.

(Thanh Tịnh – Văn & đời, Ngô Vĩnh Bình, Nxb Thuận Hóa, 2011, tr 221-224)

Chú thích:

Chú thích:

– Tác giả Thanh Tịnh (1911-1988) được người đọc yêu mến qua thơ và truyện ngắn. Truyện ngắn của ông mang đầy phong vị Huế và tạo riêng cho ông một thi pháp văn xuôi độc đáo. Là một nhà thơ lãng mạn, Thanh Tịnh đã mang vào truyện ngắn chất trữ tình sâu lắng. Đọc những truyện ngắn của Thanh Tịnh, người ta thường ít chú ý đến cốt truyện mà chỉ nhớ cái không khí, cái dư vị quyến luyến ngọt ngào, có pha chút ngậm ngùi buồn thương. Cảm giác ấy lắng sâu trong tâm hồn người đọc và cùng với cảm giác đó là một âm hưởng buồn buồn thấm thía qua những trang văn.

– (1) Am: chùa nhỏ, miếu nhỏ.

– (2) Cu ly: người lao động làm thuê những việc nặng nhọc như khuân vác, kéo xe… dưới thời thực dân.

– (3) Lạc thành: mừng việc hoàn thành một công trình xây dựng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *