Phân tích truyện Một đám cưới Nam Cao

Văn mẫu lớp 10

ĐỀ KIỂM TRA

MÔN: NGỮ VĂN 11

ĐỀ BÀI

“Dần thức dậy thì trong nhà còn tối om om. Ðêm tháng chạp, trời lâu sáng. Thật ra thì gà gáy đã lâu. Tiếng gà gáy xôn xao. Và óc Dần còn lưởng vưởng một ý nhớ mơ hồ, giống như khi người ta nhớ lại những chốn mình đã qua trong một giấc chiêm bao:….Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ…”

(Trích Một đám cưới, Tuyển tập Nam Cao, NXB lao động, tr.135-138)

 Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nghệ thuật tự sự của đoạn trích trong tác phẩm trên.

 

DÀN Ý

  1. Mở bài

– Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và phương diện nghệ thuật mà bài viết sẽ tập trung làm rõ.

+ Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học hiện đại Việt Nam với một phong cách tự sự độc đáo.

+ Tác phẩm “Một đám cưới” của Nam Cao, tác phẩm đã để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm. Truyện ngắn đã sử dụng nghệ thuật tự sự một cách độc đáo để tạo nên những hình ảnh sống động và sâu sắc về cuộc sống và con người.

  1. Thân bài – Phân tích những đặc sắc của nghệ thuật tự sự trong đoạn trích:

– Câu chuyện không được thuật lại theo trình tự thời gian, có sự đan xen giữa hiện tại – quá khứ – hiện tại

+ Hiện tại: Dần thức dậy nhưng vẫn chưa tỉnh hẳn, mải mốt vơ lấy cái chổi để quét sân, quét ngõ- dù sân nhà có bẩn hay không, qua đó có thể thấy việc quét tước ấy như là một thói quen chăm chỉ mà Dần học được trong mấy năm đi ở.

+ Rồi từ đó, mạch truyện hồi cố những chi tiết trong quá khứ: Dần đi ở được hai năm phải về trông em và bố khi mẹ mất, gia đình Dần phải sống trong tình cảnh đói khát, thiếu thốn, bố Dần đã quyết định đồng ý cho con gái của mình lấy chồng.

+ Tiếp nối sự việc đó là khi đã trở về hiện thực, mẹ chồng và chồng của Dần đã đến trong buổi xế chiều.

-> Giúp các sự kiện thêm lôi cuốn, hấp dẫn đối với người đọc, làm tăng tính phức tạp cho câu chuyện, đồng thời giúp người đọc hiểu sâu hơn về hoàn cảnh của nhân vật.

– Truyện xây dựng tình huống thật éo le, ngược đời: Đám cưới chạy đói

+ Cảnh đám cưới Dần trong thật thê thảm chẳng khác nào cái đám ma, cảnh rước dâu diễn ra trong đêm tối, “vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái nhà trai”.

+ Cô dâu Dần cũng “không chịu mặc áo dài” mà “mặc những áo vải ngày thường nghĩa là một cái quần cồng cộc xẫng và đụp những miếng vá thật to, một cái áo cánh nâu bạc phếch và cũng vá nhiều chỗ lắm, một bên tay rách quá, đã xé cụt đến gần nách”.

-> Qua đây, Nam Cao đã bộc lộ niềm day dứt, băn khoăn về thân phận con người. Cái đói và miếng ăn đã làm xói mòn nhân cách, thui chột tình thương bên trong những con người cùng đường, tuyệt lộ.

– Người kể chuyện ở ngôi thứ 3 – người kể chuyện toàn tri

+ Người kể chuyện giấu mình đi, không trực tiếp tham gia, chứng kiến các sự việc xảy ra trong truyện nhưng là người quan sát toàn năng, biết hết mọi việc.

-> Điều này giúp gia tăng tính khách quan và đáng tin cậy của câu chuyện.

– Điểm nhìn trần thuật: Điểm nhìn bên ngoài kết hợp với điểm nhìn bên trong

+ Điểm nhìn bên ngoài:Xế chiều hôm ấy, bà mẹ chồng và chồng Dần mới đến. Cả hai cùng mặc quần áo cánh. Bà mẹ khoác một cái áo nâu dài đã bạc ở trên vai. Chú rể xách một chẽ cau, chừng một chục quả”. Rồi “Ðến tối, đám cưới mới ra đi. Vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái nhà trai”…

-> Điểm nhìn trần thuật bên ngoài cho phép người đọc nhìn thấy toàn cảnh câu chuyện một cách khách quan tái hiện diễn biến, khung cảnh một đám cưới. Từ đó, tác giả làm nổi bật tình cảnh thê thảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945

+ Điểm nhìn bên trong: Di chuyển điểm nhìn vào nhân vật bố Dần “Bởi vì ông buồn lắm. Chỉ lát nữa là người ta rước Dần đi. Ðêm hôm nay, chỉ còn mình ông với hai đứa trẻ con. Nhà sẽ vắng ngắt vắng ngơ, chẳng khác gì ngày vợ ông mới chết đi. Rồi chỉ mươi bữa, nửa tháng là ông đã phải bỏ nốt hai đứa con trai để ngược… Chao ôi! Buồn biết mấy?…” và Dần “sụt sịt khóc” trong ngày cưới gợi cho ta thấy số phận nghèo túng, lay lắt đến xót xa của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945.

-> Điểm nhìn từ bên trong, soi chiếu rõ nội tâm nhân vật kết hợp với lối trần thuật hướng nội giúp tác giả thể hiện tốt nhất nội tâm của nhân vật Dần, gợi cho ta thấy số phận nghèo túng, lay lắt đến xót xa của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945.

– Các nhân vật được xây dựng đều có tính cách riêng biệt, sinh động, điển hình:

+ Dần là một người con hiếu thảo, thương cha. Dù biết cha bán mình để lấy tiền, nhưng vẫn cố gắng gượng cười để cha vui. Dần là biểu tượng cho số phận bi thảm của người phụ nữ trong xã hội cũ.

+ Bố Dần là một người rất yêu thương con cái của mình “giá Dần không phải về nhà người ta, thì có lẽ chẳng đời nào ông phải lên rừng; ông cứ ở nhà với ba con, bố con đùm bọc lấy nhau”. Ông bị xã hội đẩy đến bước đường cùng, buộc phải bán con gái để lấy tiền sinh nhai. Bố Dần là biểu tượng cho sự bất lực của người nông dân trước ách áp bức bóc lột.

-> Tạo nên sự hấp dẫn và gợi cảm xúc cho người đọc.

 – Lời trần thuật nửa trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc diễn tả những suy nghĩ, tâm trạng của các nhân vật.

+ Chẳng hạn, đoạn “Rồi chỉ mươi bữa, nửa tháng là ông đã phải bỏ nốt hai đứa con trai để ngược… Chao ôi! Buồn biết mấy?… Ông đờ đẫn cả người. Ông nghĩ bụng rằng: giá Dần không phải về nhà người ta, thì có lẽ chẳng đời nào ông phải lên rừng; ông cứ ở nhà với ba con, bố con đùm bọc lấy nhau, bây giờ bỏ lại hai đứa bé mà đi, ông thương chúng nó quá…” đã diễn tả tâm trạng buồn, đau của bố Dần khi phải gả đi đứa con mà mình rất thương yêu chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc.

à Với cách kể chuyện linh hoạt, lời kể chặt chẽ, tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, giọng điệu buồn thương, miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế Nam Cao đã phản ánh chân thực cuộc đời, số phận tăm tối, tủi nhục và vẻ đẹp nhân cách của những người dân nghèo Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám mang đến cho tác phẩm giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.  

  1. Kết bài:

– Khái quát lại vấn đề nghị luận; khẳng định giá trị của tác phẩm; tài năng của tác giả.

 

BÀI VIẾT MẪU

Phan Cư Đệ đã có nhận định thật xác đáng: “Ở truyện ngắn của Nam Cao, chúng ta thường thấy hai tầng ý nghĩa: một tầng ý nghĩa gắn với tình tiết sự việc và câu chuyện mà nhà văn muốn trần thuật lại; và tầng thứ hai là những đúc kết có tính chất khái quát, triết lý”. Đúng như vậy, ta có thể thấy điều này trong tác phẩm “Một đám cưới” của Nam Cao, tác phẩm đã để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm. Truyện ngắn đã sử dụng nghệ thuật tự sự một cách độc đáo để tạo nên những hình ảnh sống động và sâu sắc về cuộc sống và con người.

                         Một đám cưới cũng có cấu trúc của một truyện ngắn. Toàn bộ câu chuyện diễn ra có sự đan xen giữa hiện tại – quá khứ – hiện tại với sự kiện chính là đám cưới của Dần – nhân vật chính, một cô bé mới mười bốn, mười lăm tuổi đã phải chịu đựng nhiều gian khổ và trách nhiệm gia đình. Câu chuyện không được thuật lại theo trình tự thời gian, truyện mở đầu bằng đoạn văn mà người kể chuyện miêu tả cận cảnh khoảnh khắc Dần thức dậy nhưng vẫn chưa tỉnh hẳn, mải mốt vơ lấy cái chổi để quét sân, quét ngõ- dù sân nhà có bẩn hay không, qua đó có thể thấy việc quét tước ấy như là một thói quen chăm chỉ mà Dần học được trong mấy năm đi ở. Rồi từ đó, mạch truyện hồi cố những chi tiết trong quá khứ của nhân vật. Dần đi ở được hai năm phải về trông em và bố khi mẹ mất, gia đình Dần phải sống trong tình cảnh đói khát, thiếu thốn, bố Dần đã quyết định đồng ý cho con gái của mình lấy chồng. Tiếp nối sự việc đó là khi đã trở về hiện thực, mẹ chồng và chồng của Dần đã đến trong buổi xế chiều. Câu chuyện không được thuật lại theo trình tự thời gian mà có sự đan xen giữa hiện tại – quá khứ – hiện tại dựa theo tâm lý nhân vật giúp các sự kiện thêm lôi cuốn, hấp dẫn đối với người đọc. Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm cũng làm tăng tính phức tạp cho câu chuyện, đồng thời giúp người đọc hiểu sâu hơn về hoàn cảnh của nhân vật.

Ta có thể dễ dàng bắt gặp những đám cưới chạy bầu, đám cưới do bị ép buộc nhưng Nam Cao xây dựng tình huống thật éo le, ngược đời: Đám cưới chạy đói. Vì nghèo không thể nuôi thêm một miệng ăn, vì nạn đói ngày càng khốc liệt hơn, bố Dần đã quyết định ép gả Dần cho người ta. Đây được xem như bước ngoặt trong cuộc đời Dần, báo hiệu về một tương lai không mấy hạnh phúc. Cảnh đám cưới Dần trong thật thê thảm chẳng khác nào cái đám ma, cảnh rước dâu diễn ra trong đêm tối, “vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái nhà trai”. Cô dâu Dần cũng “không chịu mặc áo dài” mà “mặc những áo vải ngày thường nghĩa là một cái quần cồng cộc xẫng và đụp những miếng vá thật to, một cái áo cánh nâu bạc phếch và cũng vá nhiều chỗ lắm, một bên tay rách quá, đã xé cụt đến gần nách”. Đám cưới diễn ra trong không gian tiêu điều, ảm đạm, Dần lê từng bước trên con đường quê về nhà chồng nhưng chính Dần cũng không biết tương lai như thế nào, hạnh phúc có mỉm cười với bản thân, hay Dần lại tiếp tục sống trong cảnh đọa đày, khổ hơn là chết. Đám cưới của Dần thiếu thốn tất cả mọi thứ, từ vật chất đến tinh thần, kể cả thứ quan trọng nhất là niềm hạnh phúc của đôi trẻ. Bởi lẽ, gả thực chất là một cách để tống khứ Dần đi cho bớt một miệng ăn. Qua đây, Nam Cao đã bộc lộ niềm day dứt, băn khoăn về thân phận con người. Cái đói và miếng ăn đã làm xói mòn nhân cách, thui chột tình thương bên trong những con người cùng đường, tuyệt lộ.

Tác phẩm sử dụng ngôi kể thứ ba, là người kể toàn tri. Người kể không trực tiếp tham gia, chứng kiến các sự việc xảy ra trong truyện nhưng là người quan sát toàn năng, biết hết mọi việc. Nhờ đó người kể có thể quan sát câu chuyện từ bên ngoài, không bị lệ thuộc vào nhân vật nào, cho phép nhìn nhận và phân tích các hành vi, suy nghĩ và tình cảm của các nhân vật một cách tổng quát và khách quan. Điều này giúp gia tăng tính khách quan và đáng tin cậy của câu chuyện.

Điểm nhìn bên ngoài kết hợp với điểm nhìn bên trong làm nổi bật cảnh đám cưới của Dần diễn ra ngậm ngùi, buồn tủi và chua xót. Điểm nhìn trần thuật bên ngoài cho phép người đọc nhìn thấy toàn cảnh câu chuyện một cách khách quan, không bị chi phối bởi suy nghĩ hay cảm xúc của bất kỳ nhân vật nào. Người kể chuyện chỉ đơn thuần truyền đạt thông tin và diễn tả các sự kiện, không can thiệp vào tâm lý hay suy nghĩ của nhân vật. Điều này giúp tạo ra một cái nhìn rõ ràng và khách quan về cuộc sống và xã hội trong truyện. “Xế chiều hôm ấy, bà mẹ chồng và chồng Dần mới đến. Cả hai cùng mặc quần áo cánh. Bà mẹ khoác một cái áo nâu dài đã bạc ở trên vai. Chú rể xách một chẽ cau, chừng một chục quả”. Rồi “Ðến tối, đám cưới mới ra đi. Vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái nhà trai”… Điểm nhìn trần thuật bên ngoài cho phép người đọc nhìn thấy toàn cảnh câu chuyện một cách khách quan tái hiện diễn biến, khung cảnh một đám cưới. Từ đó, tác giả làm nổi bật tình cảnh thê thảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Điểm nhìn từ bên trong, soi chiếu rõ nội tâm nhân vật kết hợp với lối trần thuật hướng nội giúp tác giả thể hiện tốt nhất nội tâm của nhân vật. Tác giả di chuyển điểm nhìn vào nhân vật bố Dần “Bởi vì ông buồn lắm. Chỉ lát nữa là người ta rước Dần đi. Ðêm hôm nay, chỉ còn mình ông với hai đứa trẻ con. Nhà sẽ vắng ngắt vắng ngơ, chẳng khác gì ngày vợ ông mới chết đi. Rồi chỉ mươi bữa, nửa tháng là ông đã phải bỏ nốt hai đứa con trai để ngược… Chao ôi! Buồn biết mấy?…” và Dần “sụt sịt khóc” trong ngày cưới gợi cho ta thấy số phận nghèo túng, lay lắt đến xót xa của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945. Cảnh cơ cực, éo le được khắc họa qua từng khung cảnh, từng suy nghĩ và hành động của nhân vật. Nếu như khi nhắc đến một đám cưới ta nghĩ đến sự vui tươi, hạnh phúc thì thực tại như đã đánh thẳng vào trái tim mỗi người. Một đám cưới giữa những ngày đói như bắt đầu cho một vòng tròn mà không thể tìm thấy lối thoát đang dần hiện lên trong mắt họ.

Các nhân vật được xây dựng đều có tính cách riêng biệt, sinh động, điển hình, các nhân vật trong truyện rất tinh tế, từ đó tạo nên sự hấp dẫn và gợi cảm xúc cho người đọc. Dần là một người con hiếu thảo, thương cha. Dù biết cha bán mình để lấy tiền, nhưng vẫn cố gắng gượng cười để cha vui. Dần là biểu tượng cho số phận bi thảm của người phụ nữ trong xã hội cũ. Là một người nông dân nghèo khổ, lương thiện. Bố Dần là một người rất yêu thương con cái của mình “giá Dần không phải về nhà người ta, thì có lẽ chẳng đời nào ông phải lên rừng; ông cứ ở nhà với ba con, bố con đùm bọc lấy nhau”. Ông bị xã hội đẩy đến bước đường cùng, buộc phải bán con gái để lấy tiền sinh nhai. Bố Dần là biểu tượng cho sự bất lực của người nông dân trước ách áp bức bóc lột. cho chúng ta thấy được rằng sự hy sinh và khao khát cải thiện cuộc sống của con người, mà còn là một tấm gương về sự sống còn và kiên trì trước khó khăn. Nhân vật trong truyện ngắn “Một đám cưới” được xây dựng thành công đã góp phần tố cáo xã hội phong kiến thối nát đã đẩy người nông dân vào cảnh bần cùng. Ta bắt gặp rất nhiều nhân vật, rất nhiều những cảnh đời như vậy trong các trang viết của Nam. Hình ảnh lão Hạc trong tác phẩm cùng tên được xây dựng là người nông dân nghèo, lương thiện, bị bần cùng hóa đến mức phải bán con chó mà lão thương yêu, sau đó phải ăn bả chó để tự tử. Hay nhân vật “Chí Phèo” truyện ngắn cùng tên vì bị vu oan nên phải ở tù, đến khi ra tù Chí Phèo biến đổi hẳn, từ một anh nông dân hiền lành, lương thiện, hắn trở thành một kẻ côn đồ cả về tâm tính lẫn ngoại hình. Qua cách xây dụng hình ảnh nhân vật như vậy, Nam Cao đã dựng lên bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trên con đường bần cùng, không lối thoát, hết sức thê thảm vào những năm trước cách mạng. Đồng thời lên án mạnh mẽ, phê phán chính xác một xã hội đầy vô cảm và chế độ nửa thực dân nửa phong kiến tàn nhẫn.

Lời trần thuật nửa trực tiếp trong truyện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và khắc họa nhân vật, làm cho giọng điệu tác phẩm linh hoạt, tạo nên sự sinh động cho tác phẩm. Chẳng hạn, đoạn “Rồi chỉ mươi bữa, nửa tháng là ông đã phải bỏ nốt hai đứa con trai để ngược… Chao ôi! Buồn biết mấy?… Ông đờ đẫn cả người. Ông nghĩ bụng rằng: giá Dần không phải về nhà người ta, thì có lẽ chẳng đời nào ông phải lên rừng; ông cứ ở nhà với ba con, bố con đùm bọc lấy nhau, bây giờ bỏ lại hai đứa bé mà đi, ông thương chúng nó quá…” có sự kết hợp giữa lời kể của tác giả và lời của nhân vật đã diễn tả chân thật tâm trạng buồn, đau của bố Dần khi phải gả đi đứa con mà mình rất thương yêu chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc.

Với cách kể chuyện linh hoạt, lời kể chặt chẽ, tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, giọng điệu buồn thương, miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế Nam Cao đã phản ánh chân thực cuộc đời, số phận tăm tối, tủi nhục và vẻ đẹp nhân cách của những người dân nghèo Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám mang đến cho tác phẩm giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.Đồng thời qua tác phẩm người đọc có thể thấy được hoàn cảnh éo le, đau khổ của Dần hay chính là những người nông dân trước Cách mạng tháng tám năm 1945.

Với lối kể truyện độc đáo cùng ngôn từ bình dị, gần gũi, người đọc có thể thấy được hoàn cảnh éo le, đau khổ của cô Dần hay chính là những người nông dân trước Cách mạng thánh tám năm 1945.  “Một đám cưới” không chỉ là một tác phẩm văn học đơn thuần mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang tính nhân văn cao và sâu sắc về cuộc sống, tình yêu, và hy vọng trong bối cảnh xã hội khó khăn của Việt Nam thời kỳ đó. Và qua tác phẩm Nam Cao đã thể hiện được nghệ thuật tự sự đỉnh cao của mình. Đúng như giáo sư Lê Định Kỵ cũng từng nhận xét: “Trong văn xuôi trước cách mạng, chưa có ai có được ngòi bút sắc sảo, gân guốc soi mói như của Nam Cao”.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *