Đề và đáp án thi tuyển sinh vào 10 môn Ngữ văn Nam Định

Đề thi văn 9
ĐỀ CHÍNH THỨC

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT

Năm học 2017 – 2018

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút

(Đề thi gồm 02 trang)

 

Phần I: Tiếng Việt (2,0 điểm)

Hãy viết chữ cái đứng trước phương án đúng vào bài làm.

Câu 1: Từ nào dưới đây là từ ghép?

A. Xa xôi C. Lấp lánh

B. Tươi tốt D. Lung linh

Câu 2: Từ nào dưới đây không phải là từ Hán Việt?

A. Viễn khách C. Mày râu

B. Vấn danh D. Tứ tuần

Câu 3: Thành ngữ “ông nói gà, bà nói vịt” liên quan đến phương châm hội thoại nào?

A. Phương châm về lượng. C. Phương châm quan hệ.

B. Phương châm về chất. D. Phương châm cách thức.

Câu 4: Phần in đậm trong câu “Đối với cháu, thật là đột ngột, không ngờ lại là như thế.” (Nguyễn Thành Long – Lặng lẽ Sa Pa) là thành phần

A. tình thái. C. trạng ngữ.

B. gọi đáp. D. khởi ngữ.

Câu 5: Câu văn “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.”  thuộc loại câu

A. cảm thán. C. nghi vấn.

B. cầu khiến. D. trần thuật.

Câu 6: Trong  câu thơ “Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.”, Viễn Phương đã sử dụng phép tu từ

A. so sánh. C. hoán dụ.

B. ẩn dụ. D. điệp ngữ.

Câu 7: Từ ngữ gạch chân trong câu thơ Hình như thu đã về” (Hữu Thỉnh – Sang thu) thuộc thành phần biệt lập

A. tình thái. C. phụ chú.

B. cảm thán. D. gọi đáp.

Câu 8: Các câu “Chị Thao vấp ngã, tôi đỡ chị. Nhưng chị vùng ra, mắt mở to, mờ trắng đi như không còn sự sống.” (Lê Minh Khuê – Những ngôi sao xa xôi) đã sử dụng phép liên kết gì?

A. Phép nối. C. Phép đồng nghĩa.

B. Phép thế. D. Phép liên tưởng.

 

Phần II: Đọc – hiểu văn bản (3,0 điểm)

Em hãy đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

        (…)  Chúng ta nhận rõ cái kì diệu của văn nghệ khi chúng ta nghĩ đến những người rất đông, không phải ở trốn trong một cơ quan bí mật, không phải bị giam trong một nhà pha, mà bị tù chung thân trong cuộc đời u tối, vất vả không mở được mắt. Những người đàn bà nhà quê lam lũ ngày trước, suốt đời đầu tắt mặt tối, sống tối tăm, vậy mà biến đổi khác hẳn, khi họ ru con hay hát ghẹo nhau bằng một câu ca dao, khi họ chen nhau say mê xem một buổi chèo. Câu ca dao tự bao giờ truyền lại đã gieo vào bóng tối những cuộc đời ấy một ánh sáng, lay động những tình cảm, ý nghĩ khác thường. Và ánh đèn buổi chèo, những nhân vật ra trò, những lời nói, những câu hát, làm cho những con người ấy trong một buổi được cười hả dạ hay rỏ giấu một giọt nước mắt. Văn nghệ đã làm cho tâm hồn họ thực được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống.

Câu 1: Đoạn văn trên trích từ văn bản nào, của ai? Đoạn văn sử dụng phương thức biểu đạt chính nào? (1,0 điểm).

Câu 2: Xác định nội dung của đoạn văn. (0,5 điểm)

Câu 3: Từ đoạn văn, em có nhận xét gì về cách viết của tác giả? (0,5 điểm).

Câu 4: Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về những ảnh hưởng tích cực của ca dao đến em hiện nay. (1,0 điểm)

 Phần III: Tập làm văn (5,0 điểm)

Phân tích diễn biến tâm lí và hành động của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng – khi ông Sáu được về phép trong đoạn trích truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng (Sách Ngữ văn lớp 9, tập 1 – NXB Giáo dục Việt Nam, 2012).

———-HẾT———-

 

Họ và tên thí sinh …………………………………………………………. ….Số báo danh……………………….…..

Họ, tên, chữ ký của GT 1……………………………………………………………………………………………………………………

Họ, tên, chữ ký của GT 2………………………………………………………………………………………………

ĐỀ CHÍNH THỨC

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT

Năm học 2017 – 2018

Môn: NGỮ VĂN

                                                    Tổng điểm cho cả bài thi: 10 điểm.

Phần I: Tiếng Việt (2,0 điểm)

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8
Đáp án B C C D D B A A

Trả lời đúng mỗi câu cho 0,25 điểm. Trả lời sai hoặc thừa không cho điểm.

 

Phần II: Đọc – hiểu văn bản (3,0 điểm)

Câu Yêu cầu Điểm
1 – Đoạn văn trên trích từ văn bản Tiếng nói của văn nghệ

của tác giả Nguyễn Đình Thi.

– Phương thức biểu đạt chính là nghị luận.

0,25

0,25

0,5

2 – Nội dung của đoạn văn: Sức mạnh kì diệu của văn nghệ. 0,5
3 – Cách viết văn nghị luận của tác giả chặt chẽ, tự nhiên, giàu hình ảnh và cảm xúc; có dẫn chứng về đời sống thực tế, lí lẽ sắc bén thuyết phục. 0,5
4 – Về kĩ năng: Viết một đoạn văn, theo một trong các cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp…;sử dụng một hoặc một số thao tác lập luận; lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng hợp lí; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ.

– Về nội dung: Sau đây là một số ý mang tính định hướng.

+ Ý 1: Ca dao là một thể loại văn học dân gian; diễn tả đời sống tư tưởng, tình cảm của người dân lao động; đậm đà bản sắc dân tộc.

+ Ý 2: Những ảnh hưởng tích cực của ca dao đến bản thân hiện nay: Ca dao gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày (hát ru,vui chơi, giải trí); giúp bản thân mở mang trí tuệ, thêm sự hiểu biết, nhất là về đời sống tâm hồn của ông cha; đặc biệt bồi đắp cho ta lối sống cao đẹp, góp phần hình thành nhân cách (lay động những tình cảm, ý nghĩ khác thường); bản thân được trau dồi ngôn ngữ, biết thưởng thức cái hay, cái đẹp của tiếng mẹ đẻ …

+ Ý 3: Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

Cách chấm điểm

+ Điểm 0,75: đảm bảo được 2-3 ý, triển khai ý 2 một cách thuyết phục, diễn đạt trôi chảy.

+ Điểm từ 0,25 đến 0,5: đảm bảo được 1-2 ý, triển khai ý 2 còn sơ lược, còn mắc lỗi.

+ Điểm 0: không làm hoặc có làm nhưng lạc nội dung.

0,25

 

 

0,75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần III: Tập làm văn (5,0 điểm)

Phần III Yêu cầu Điểm
 

 

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Bài viết có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau và cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài tổng kết được vấn đề. 0,5
2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Diễn biến tâm lí và hành động của bé Thu. 0,25
3. Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp và viết thành bài văn hoàn chỉnh:

a) Giới thiệu:

– Nguyễn Quang Sáng hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ. Truyện Chiếc lược ngà được viết 1966, tại chiến trường Nam Bộ, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra quyết liệt.

– Hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng bé Thu:

+ Thu là con duy nhất, xa cha khi chưa đầy một tuổi; tám năm bé chỉ nhìn thấy cha qua tấm ảnh nhỏ.

+ Sau tám năm xa cách, ông Sáu được nghỉ phép về thăm nhà trong ba ngày.

b) Diễn biến tâm lí và hành động của bé Thu:

Thí sinh có thể làm rõ điều này qua hai giai đoạn: trước và sau khi nhận ông Sáu là cha.

– Trước khi bé Thu nhận ông Sáu là cha: (1,0 điểm)

+ Giây phút đầu tiên gặp ông Sáu với sự vồ vập, bé Thu ngờ vực và lảng tránh: các chi tiết cụ thể hốt hoảng, mặt tái đi, rồi vụt chạy, kêu thét lên…

  + Ba ngày ông Sáu nghỉ phép ở nhà muốn gần con, bé Thu lạnh nhạt và xa cách qua tình huống chân thực, lối kể chuyện tự nhiên:  nói trổng, không chịu gọi cha, không chịu nhờ ông Sáu chắt nước nồi cơm, hất cái trứng cá ông Sáu gắp cho, nhảy xuống xuồng bỏ sang bà ngoại…

Sự bướng bỉnh ương ngạnh, xuất phát từ cá tính mạnh mẽ và tình yêu ba. Trong cái “cứng đầu” của Thu có ẩn chứa cả sự kiêu hãnh trẻ thơ về một tình yêu dành cho người cha “khác ” – người trong tấm hình chụp chung với má.

– Khi bé Thu nhận ra ông Sáu là cha: (1,25 điểm)

+ Trong đêm bỏ về bà ngoại, được bà giải thích về vết sẹo làm thay đổi khuôn mặt ba thì sự nghi ngờ của Thu được giải tỏa, nảy sinh trạng thái như sự ân hận, hối tiếc: Nghe bà kể Thu nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài

+ Trong buổi sáng cuối cùng trước phút ông Sáu lên đường, thái độ và hành động của bé Thu đã đột ngột thay đổi hoàn toàn nhưng tự nhiên, hợp lí: vẻ mặt hơi khác, cái nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa, đôi mắt mênh mông bỗng  xôn xao,lần đầu tiên kêu thét tiếng“ba”, chạy xô tới, tay ôm chặt cổ ba, hôn ba cùng khắp, hôn cả vết thẹo dài, chân câu chặt ba, khóc không cho ba đi, dặn ba mua cây lược…của một tình yêu ba đã bùng lên mãnh liệt và một cá tính mạnh mẽ trong tình huống đầy éo le, xúc động. Sau này Thu đã trở thành một cô giao liên dũng cảm, gan góc.

c) Đánh giá:

–  Nhân vật bé Thu có vị trí đặc biệt  làm nên sức sống của tác phẩm. Chiếc lược ngà như một bài ca về tình phụ tử thiêng liêng giữa những năm tháng chiến tranh; mang tính nhân bản bền vững. Học sinh  so sánh, liên hệ với các nhân vật khác, tác phẩm văn học khác.

– Nguyễn Quang Sáng rất thành công khi khắc họa tâm lí, hành động của nhân vật bé Thu bằng tài năng và sự am hiểu tâm lí trẻ thơ, sự gắn bó với cuộc sống con người Nam Bộ cùng tấm lòng yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ.

– Mỗi con người luôn biết trân trọng và giữ gìn tình cảm gia đình thiêng liêng, trân trọng và gìn giữ cuộc sống hòa bình, tự do của dân tộc.

3,5

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

2,25

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,75

 

 

  4. Diễn đạt lưu loát, trôi chảy, đúng chính tả ngữ pháp, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu. 0,25
  5. Sáng tạo: có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh…); thể hiện được quan điểm riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 0,5

 

Lưu ý chung: Điểm của bài thi là tổng điểm của các câu không làm tròn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *